khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Ba, 2 tháng 6, 2020

Một đảng cầm quyền tại Việt Nam bây giờ vẫn có thể cải cách tư pháp?


LS Ngô Ngọc Trai từ VN viết:
Lâu nay nhiều người đã yêu cầu phải có tư pháp độc lập, nhưng nêu vấn đề như vậy thì lại bế tắc, đảng cầm quyền đang lãnh đạo đâu chịu từ bỏ quyền của mình đối với tư pháp?
Tôi cho rằng chưa cần phải đòi hỏi tư pháp độc lập, mà cần yêu cầu thực hiện một số biện pháp kỹ thuật để tăng tính độc lập tương đối cho các Thẩm phán, để từ đó tạo lập sự công tâm khách quan trong việc làm.
Tức là khi đã trao nhiều quyền cho Tòa án như quyền quyết định việc bắt giam giữ, thì để đảm bảo quyết định của tòa là công tâm khách quan, có thể thực hiện một số biện pháp kỹ thuật như sau:
Thứ nhất là tăng lương cho Thẩm phán.
Ngành Tòa án có một quyền lớn rất đặc thù đó là có quyền tuyên án tù, án tử hình, tước đoạt quyền lợi tài sản kinh tế nhiều tỷ đồng, mà đối với con người thì có điều gì giá trị hơn tính mạng và tự do?
Do quyền của Thẩm phán đặc biệt giá trị như vậy, cho nên mức lương không thể ngang bằng với các ngạch hành chính khác, phải nâng lên gấp 4,5 lần hiện nay.
Cũng nên nhớ rằng số lượng Thẩm phán và biên chế ngành Tòa án lại không cao. Tổng biên chế ngành tòa án hiện nay chỉ khoảng 17 nghìn, con số quá nhỏ so với các ngành khác.
Mấy tháng trước một vị lãnh đạo tòa án tỉnh Thanh Hóa chia sẻ cho tôi biết, biên chế của ngành tòa án cả nước chỉ khoảng 17 nghìn, nhưng biên chế ngành giáo dục của riêng tỉnh Thanh Hóa đã là khoảng 11 nghìn (vậy thì 63 tỉnh sẽ lớn thế nào).
Biên chế ngành tòa án của cả tỉnh Thanh Hóa khoảng hơn 400, nhưng biên chế công an của riêng thành phố Thanh Hóa đã gần 1000 (vậy thì biên chế của cả tỉnh sẽ lớn bao nhiêu).
Cho nên số lượng biên chế không lớn là một điểm thuận lợi có thể giải quyết việc tăng lương cho Thẩm phán.
Thứ hai là nâng thời gian nhiệm kỳ của Thẩm phán lên 10 năm thay vì 5 năm như hiện nay, họ sẽ không chịu bị đánh giá kỷ luật về các quyết định tư pháp, ngoài ra là mở rộng đối tượng tuyển dụng Thẩm phán cho cả các luật sư.
Thứ ba là tăng số lượng thành viên Hội đồng xét xử, tăng thêm số lượng hội thẩm nhân dân, hội đồng xét xử có thể lên 9 người như ở Nhật Bản và mở rộng chọn luân phiên trong dân chúng, để tăng tính độc lập trong các phán quyết.
Thứ tư là thành lập tòa án khu vực, trước đây ngành Tòa án đã đã có đề án này để giảm sự ảnh hưởng chi phối của chính quyền cấp huyện đối với các tòa án huyện, nhưng đề án này đã không được thực hiện. Nay nên xem xét lại việc thực hiện.
Những vấn đề đặt ra như vậy tất yếu sẽ phải thực hiện, có thế mới mong có được một nền tư pháp công minh tiến bộ là nền tảng cho phát triển.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét