Sáng ra đọc báo thấy bà con bàn tán xôn xao câu nói của ông thủ tướng Phúc về cái cột đèn (ông gọi là 'cột điện'). Hoá ra, ông thủ tướng biết chuyện vượt biên thời xa xưa! Câu nói của ông thủ tướng thật ra là mô phỏng theo câu nói của nghệ sĩ Trần Văn Trạch rằng "Ở Việt Nam, cái cột đèn cũng muốn ra đi".
"Trước đây, sau năm 1975 một thời gian dài, người ta nói: 'Nếu cái cột điện biết đi thì chạy sang Mỹ hết'. Còn bây giờ, thực tại nước Mỹ những tháng qua và nhiều nước khác thì 'Nếu cột điện ở Mỹ biết đi thì sẽ về Việt Nam'."
Thoạt đầu, đọc tin tôi bán tín bán nghi, vì nghĩ ông thủ tướng không thể nào dùng câu nói dân gian đó. Nhưng rõ ràng là ổng có nói câu đó. Thật ra, ông nhớ không đúng. Câu nói đó không có Mĩ trong đó, mà nguyên văn là:
"Ở Việt Nam, cái cột đèn cũng muốn ra đi,"
và người nói là nghệ sĩ Trần Văn Trạch, em ruột của Gs Trần Văn Khê. Câu nói đó gợi lại cả một trời kỉ niệm và đau thương …
Sau năm 1975 tình hình kinh tế - xã hội ở miền Nam rất bi đát. Chế độ mới chủ trương 'hợp tác xã' các hoạt động kinh tế, dẫn đến tê liệt toàn xã hội. Từ một nền kinh tế xuất khẩu gạo nhứt nhì thế giới nay trở thành thiếu gạo ăn. Chính tôi cũng từng ăn độn bo bo xanh cả người. Tất cả các hàng hoá thiết yếu (thời đó gọi 'nhu yếu phẩm' theo Tàu cộng) đều qua sự phân phối của Nhà nước và mở cánh cửa cho tham ô, nhũng nhiễu. Tình trạng kì thị Bắc Nam và chủ nghĩa lí lịch vô cùng nặng nề, và người ta nghi kị lẫn nhau, không ai tin ai. Người ta tự hào là "Nguỵ", vì nguỵ đàng hoàng và có trình độ học vấn lẫn kĩ thuật, để phân biệt với cán bộ miền ngoài và du kích mới tiếp thu. Trong bối cảnh như vậy thì người ta chỉ còn một cách là bỏ nước ra đi.
Người ta bằng mọi giá tìm đường vượt biển và vượt biên. Thời đó, bạn bè tôi đi nhiều vô kể. Sáng nay còn cà phê với bạn, sáng mai thấy không tới quán, và bạn bè ai cũng biết nhưng không nói ra "nó đi rồi". Hôm qua họp phòng còn gặp bạn bè và nghe kiểm điểm, hôm nay nó biến mất, và ai cũng biết "lại thêm một đứa lên đường". Kẻ lên đường bằng cách xuống ghe vượt biển sang các nước lân cận như Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân. Người thì đi bộ qua Kampuchea, và từ đó đi sang Thái Lan, nơi có hàng trăm ngàn đồng hương đang chờ trong các trại tị nạn. Không ai làm thống kê để biết bao nhiêu người ra đi thời đó, nhưng theo Liên Hiệp Quốc thì số người ra đi lên đến hơn 1 triệu, và số người bỏ mạng trên Biển Đông hay rừng sâu Kampuchea lên đến hơn 200,000 người.
Thời đó, trước làn sóng nhà nhà ra đi, Nghệ sĩ Trần Văn Trạch tóm tắt bằng một câu đơn giản: "Ở Việt Nam, cái cột đèn cũng muốn ra đi". Ông Trạch là em ruột của nghệ sĩ Trần Văn Khê. Hai anh em theo hai hướng khác nhau: ông anh thì có cảm tình với nhà cầm quyền miền Bắc, còn ông em thì theo VNCH trong Nam. Ông Trạch ngày xưa rất nổi tiếng là một "quái kiệt", vì có tài hoạt náo, nhưng còn là một nhà sản xuất phim. Tôi thì lúc nào cũng nhớ đến ông qua bài "Xổ số kiến thiết quốc gia" mà ông hát trước mỗi chương trình xổ số trên đài radio. Bản thân ông Trạch cũng ra đi. Cuối năm 1977, ông sang Pháp định cư cho đến ngày qua đời năm 1994, thọ 70 tuổi.
Quay lại nhận định của ông thủ tướng rằng "'Nếu cột điện ở Mỹ biết đi thì sẽ về Việt Nam", tôi thấy nghi lắm. Những người ra đi vào cái thời ông Trần Văn Trạch nói câu đó -- còn gọi là "boat people" -- thì có lẽ họ sẽ không về Việt Nam định cư đâu. Họ đã có cuộc sống gia đình và kinh tế ổn định, con cháu đều học hành đàng hoàng và chúng cũng đã có cuộc sống ổn định. Tôi không nghĩ ra bất cứ lí do gì họ phải về Việt Nam sống.
Nếu có người về thì có lẽ do hoàn cảnh gia đình hay công ăn việc làm bên này gặp khó khăn. Nhưng tôi nghĩ con số người gặp khó khăn bên này chắc chắn không nhiều. Tôi có quen một anh bạn cao tuổi, anh ấy quyết định về Việt Nam sống những ngày còn lại, nhưng anh ấy vẫn hưởng trợ cấp của chánh phủ Úc khá hậu hĩ, và mỗi khi mắc bệnh, anh ấy về Úc điều trị. Số người như anh bạn tôi ở Úc chỉ 'đếm đầu ngón tay'.
Tôi biết có nhiều người ra đi thời đó, nhưng cho đến nay vẫn chưa bước chân về Việt Nam, và họ sẽ không bao giờ về Việt Nam trong điều kiện hiện nay. Đối với họ, "một lần đi là một lần vĩnh biệt; một lần đi là mãi mãi chia phôi". Thà chia phôi, chớ họ không về Việt Nam.
Ngược lại, dù sau 35 năm 'đổi mới', người Việt Nam vẫn bỏ nước ra đi. Chỉ tính riêng nước Úc, từ 2014 đến 2018, mỗi năm có hơn 5,000 người từ Việt Nam sang Úc định cư [2]. Con số này bao gồm di dân tay nghề (chừng 1600-2000 mỗi năm) và đoàn tụ (3200-3500 mỗi năm). Nếu chỉ tính từ 2000 đến nay, số người Việt bỏ nước sang Úc có thể gần 100,000 người. Đó là con số ở Úc, còn con số ở Mĩ và Canada có thể còn nhiều hơn nữa.
Do đó, nếu làm thống kê đầy đủ thì con số người Việt xin về (như ông thủ tướng nói) có thể thấp hơn nhiều con số người Việt xin ra đi.
Có khá nhiều người ra đi là quan chức nghỉ hưu, hay con cháu của các quan chức đa số là miền ngoài. Có bạn báo chí nói đùa rằng có cả một "làng thứ trưởng" bên Úc. Làng này thì chắc không có ý định đăng kí về Việt Nam.
Có thể ông thủ tướng chỉ nhìn thấy những gì mà cố vấn của ổng cho nhìn. Có bao nhiêu cố vấn ông thủ tướng biết tình hình vượt biên vào thập niên 1970 – 1990. Chắc không nhiều. Ngay cả khi họ đi công tác ngoài này thì họ cũng chỉ quanh quẩn những nơi và những người họ quen biết, chớ ít khi nào [dám] đến cộng đồng người Việt để biết sự tình ra sao. Do đó, rất có thể họ đã cố vấn bậy cho ông ấy khi nói ra câu "Cái cột điện …" đó.
Thời xưa, những người ra đi bị ông thủ tướng Đồng nói là bọn ma cô, xì ke, đĩ điếm, bất lương. Bọn đó thì không về định cư ở Việt Nam đâu. Thời nay, tôi không biết những người ở Mĩ đăng kí về Việt Nam là thành phần nào, hi vọng không phải là 'ma cô, xì ke' . Thật ra, có nhiều (hàng ngàn) người Việt phạm tội hình sự nặng ở Mĩ đang bị trả về Việt Nam; không rõ nhóm này có nằm trong nhóm đăng kí về Việt Nam như ông thủ tướng nói.
Xu hướng chung và gần như là một định luật: Người rời Việt Nam thì đa số là tài giỏi (như thống kê Úc chỉ ra), còn nguời về thì chắc chắn không thể so được với kẻ ra đi. Bởi nếu giỏi ở ngoài thì sẽ không đăng kí về Việt Nam. Sinh viên học giỏi cũng sẽ không thích về Việt Nam, nơi mà qui ước 5C hay COCC rất phổ biến. Nói như vậy để thấy Việt Nam không có gì để tự hào với những 'người về.'
Có lẽ nhiều độc giả ở Việt Nam khi nghe câu "Nếu cột điện ở Mỹ biết đi thì sẽ về Việt Nam" của ông thủ tướng nghĩ rằng mấy nước như Mĩ và Úc đang quá nghèo đói, và tội nghiệp cho dân tình 'bên đó'. Nhưng đồng hương bên này xem câu đó như là một lời nói hài hước. Sáng nay, chắc chắn các quán cà phê ở các vùng như Litle Saigon ở Nam California, Ballaire ở Houston, Quận 13 ở Paris, và Footscray và Cabramatta ở Úc, câu nói đó sẽ mua vui được khá nhiều thực khách.
___________
PS: Tôi nghĩ giới quan chức VN có vẻ không thân thiện với dân vượt biên. Mấy năm trước, trong một chuyến bay VNA từ Sài Gòn về Sydney, tôi ngồi bên cạnh một quan chức cao cấp của VN. Tôi ngồi ghế A, ổng ngồi ghế B. Chúng tôi nói chuyện rất vui vẻ và chia xẻ ngọt bùi từng li rượu đến miếng bánh. Anh ta hỏi tôi là đi công tác ở đâu bên Úc, tôi nói tôi về nhà. Anh ta hỏi tiếp "Thế anh sang đó lâu rồi", và tôi gật đầu. "Anh là doanh nhân?" Tôi trả lời "Không", chưa kịp nói tiếp thì anh ta lại hỏi "Du học sinh à?" Tôi nói "Không". "Thế chắc là du học sinh trước 1975", tôi cũng nói "Không" và giải thích rằng "Tôi vượt biên sang Úc. Người ta gọi chúng tôi là 'thuyền nhân' đó anh." Kể từ câu đó đến khi đáp xuống phi trường Sydney, anh ta không nói thêm một câu nào. Khi ra khỏi cửa máy bay, tôi thấy một đoàn người Việt đón anh ta và kèm theo bông nữa. Sáng hôm sau đọc báo mới biết anh ta là bộ trưởng tư pháp sang Úc công tác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét