Tôi tắt máy sau khi đọc lại một bức thư dài gửi cho một người bạn phương xa. Thật không ngờ mình lại có thể ngồi gõ một khung thư lê thê, tỉ mỉ bao nhiêu chuyện cho một người đằng đẵng nhiều thập niên chưa một lần gặp lại. Tệ hơn nữa, cái trí nhớ đã âm u mù mịt như sương cũng chẳng gợi lại một hình ảnh nào trong tháng ngày xa xưa có tôi và bạn. Một người bạn cũ nhưng lại đang rất mới.
Tháng ba, dường như mùa đông chỉ mới bắt đầu sau một tháng thời tiết ấm áp. Nấc đo màu đỏ của hàn thử biểu nằm trên dương độ và có khi vượt qua khỏi con số mười. Mọi người hân hoan cho rằng Paris năm nay không có mùa đông. Nhưng những cơn mưa ướt át, những luồng gió lạnh lẽo từ một cơn bão nào đó đã ào ạt thổi về trên phố từ mấy ngày nay.
Con đường trước nhà lúc nào cũng vắng hay tôi chỉ nhìn thấy nó mỗi khi không còn ai. Thói quen trước khi vào giường ngủ và thức dậy khi đêm chuẩn bị tạ từ. Đèn vàng và sương mù, những ngôi nhà, cây cành đổ bóng ngoài khung cửa là nơi của quá khứ tôi, nơi hồi tưởng, dù vui dù buồn.
Nhớ lại trong đêm nay… cả trăm điều muốn khóc1, một lời hát lấy từ một bài thơ của một nhà thơ quá cố mà tôi rất thích và tôi nghĩ đâu phải riêng tôi mới có cả trăm điều muốn khóc. Của chúng ta, bao người ly hương, làm gì lại chẳng có những đêm nhớ lại với trăm điều.
Tôi đang nhớ tới những người bạn cũ. Những người bạn cách tôi bao nhiêu biển rộng nên đêm của họ là ngày của tôi.
Thực ra chỉ cần nhấc điện thoại là nghe tiếng nói của nhau. Có thể bày tỏ một điều gì đó, chóng vánh. Nhưng chúng tôi chỉ trò chuyện bằng ngôn ngữ viết trên mặt phẳng. Thời đó, Viber và whatsApp chưa được thịnh hành. Nếu có, chắc hẳn chúng tôi cũng phải dùng đến những chương trình nhanh gọn này thôi. Bởi đời sống với những dòng chảy văn minh, con người cũng bị cuốn trôi theo, khó mà giậm chân tại chỗ hay ngược dòng khi đã trót lao mình trong dòng cuồng lưu hối hả.
Email bây giờ hầu như chỉ dùng để gửi tài liệu, bài viết. Nhắn tin, thăm hỏi, trò chuyện dăm ba câu với bạn tôi thường dùng Viber. Người nhận chỉ cần nghe điện thoại rung lên một âm thanh rất nhẹ, mở màn hình ra là đọc tin nhắn ngay tức khắc. Bởi điện thoại di động bây giờ, hầu như gắn liền với con người như một phần thân thể. Đương nhiên chỉ là những câu ngắn ngủi, đôi khi là những emoji biểu lộ cảm xúc.
Và có phải ngần ấy văn minh trên mạng lưới viễn thông đã khiến chúng ta hay riêng tôi bỗng trở thành cạn lời, mà ngôn ngữ chính là phương tiện bày tỏ tình cảm?
Những người bạn xưa kẻ còn, người mất. Thời gian đã bào mòn, đã đẩy chúng tôi vào những hao hụt, chán chường, gần như lãng quên nhau. Cuộc vui chơi nào lại chẳng đến hồi chấm dứt.
Cái thú của mỗi tối đi làm về hay mỗi sáng thức dậy, mở máy nhận những trang thư hiện trên màn ảnh máy điện toán tưởng không còn nữa. Thế mà như thuở mới biết dùng email. Tôi đang lặp lại những thói quen cũ của ngày xưa với một người mà ký ức không gợi lên một nét chấm phá nào để tôi mường tượng về bạn, ngoài cái hành lang trước cửa lớp. Sân trường với con đường xeo xéo bên hông, có khu chợ ồn ào tấp nập. Một nơi lý tưởng cho các nữ sinh thích lê la ăn quà vặt của ngôi trường đó.
Qua một tấm màn quá khứ của nhiều thập niên, bạn trở lại như một kẻ đang chơi trò cút bắt với tôi. Bạn đứng đâu đó tôi không thấy. Nhưng bạn đã vén cái bức màn sờn cũ ấy để tôi nhìn lại tôi xưa. Và thêm một tương quan giữa bạn với một người tôi cũng chưa hề gặp mặt, làm tôi nao lòng thao thiết nhớ về những ngày có thể nói với tôi là những ngày tươi đẹp nhất. Ngày biết mê đắm một tiếng nói, một câu văn.
Tiếng nói
Tôi đang nhớ lại những đêm Sài Gòn.
Xóm đêm, các ngôi nhà đã then gài cửa đóng trong bóng tối im thinh, nhưng vẫn còn đâu đó những ngọn đèn toả sáng dưới những mái nhà ngủ muộn. Thỉnh thoảng có tiếng cười của ai đó đi về trong con ngõ.
Căn gác luôn được mở rộng bởi một cửa sổ có cánh là một khung kẽm sợi dầy, đan kết thành những mắt lưới tròn. Cửa được đóng mở bằng cách nâng lên hạ xuống cái khung lưới ấy. Từ khoảng trống đó có thể nhìn thấy cả một khoảng trời bao la phía ngoài. Lý tưởng cho những đêm trăng sáng hay những đêm mùa hè khi mà khí hậu tột cùng oi bức. Nửa đêm thức giấc hay trằn trọc, chẳng cần bật đèn đêm cũng có thể nhìn thấy mọi thứ đồ đạc trong phòng.
Nhưng những đêm thứ năm, cái khung lưới ấy luôn được xập xuống. Cả bức màn vải bên trong cũng được kéo kín để ngăn chắn luồng ánh sáng hắt vào từ phía ngoài. Như thể bóng tối cũng là một cánh cửa của mỗi người thao thức được khép kín riêng tư. Sự khép lại, đắm mình trong bóng tối của chủ nhân căn gác nhỏ này như chỉ để gìn giữ riêng cho mình một điều gì đó đắm đuối mê say, như nó chỉ là của riêng mình, phải nâng niu cất giấu.
Kỳ thực, điều ấy chỉ là một khoảnh khắc thời gian. Mà thời gian nào có phải của riêng ai. Chỉ là một giọng nói, là những âm thanh được phát đi từ một làn sóng điện lan toả trong đêm, trên khắp mọi miền đất nước.
Những đêm thứ năm hò hẹn, những phút giây hò hẹn của những người yêu nhau. Của tình đầu, tình xa, tình nhớ. Những ai đã yêu, chưa yêu cũng cảm ra được một thứ tình yêu vào buổi ấy dù chỉ bằng những lời nói, câu ca.
Dù Sài Gòn chỉ có hai mùa mưa nắng, nhưng giọng nói dịu dàng ấm áp như chuyên chở thời tiết của bốn mùa. Mùa bàng bạc trong những bản tình ca. Tiếng xào xạc của những chiếc lá thu rụng đầy trên phố. Những sợi mưa rơi ẩm ướt những thềm nhà, long lanh trên cây lá. Sương mù, bóng tối và những con đường có ai đó, đang chia tay ai. Nghe qua một giọng nói mà tưởng như có thể ngửi thấy cả mùi hương hoa trên cây, mùi cỏ dại bên đường. Vị ấm nóng của ly cà phê hay hương thơm khói thuốc trong góc quán đêm về.
Tiếng nói không chỉ làm đêm thành phố êm đềm thơ mộng hơn. Những bài hát đã xoa dịu đêm quê hương đầy ánh hoả châu, ấm áp đêm tiền đồn heo hút.
Có bao nhiêu người đã thả hồn trong âm thanh ấy vào những đêm thứ năm như thế? Những đêm khó quên.
Văn chương
Giờ ra chơi, hành lang trước lớp nhìn như là một trung tâm văn hoá.
Đông-Tây gặp gỡ với những cuộc họp mà hội viên tham dự đông lắm chỉ chừng năm sáu người. Các cô trường Tây hỏng tú tài Tây, đổi qua trường Việt học ban C, hòng lấy nhiều điểm về sinh ngữ để bù đắp lại các môn yếu kém thì chuyền tay nhau những tạp chí như Salut Les Copains, Elle...
Các anh, các chị lớn thì nào Bách Khoa, Khởi Hành, Thời Tập…
Đề tài hội họp là những cuốn phim vừa được trình chiếu ở trời Tây. Là những cuốn sách vừa được giải Nobel. Những cuốn sách mới phát hành, được dịch ra từ tác phẩm của những đại văn hào, triết gia nào đó, ở những nơi xa xăm ngàn dặm.
Những cô cậu học trò thanh xuân phơi phới, đang đặt những bước chân non nớt vào cõi chữ nghĩa Hàn Lâm này hầu như đã quên mất những bài văn chương chữ Nôm, quên mất Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cao Bá Quát..., quên mất Phạm Quỳnh, Nhất Linh của Nam Phong Tạp Chí, Tự Lực Văn Đoàn trong những bài Cổ Kim, hay những bài nghị luận văn chương mà có thể họ đã chăm chú lắng nghe thầy giảng trước đó không lâu.
Nhưng ngoài những những âm thanh cuồng nộ2, những xao xuyến của một thời để yêu và một thời đã chết3 hay là cái giờ thứ hai mươi lăm4 bi thảm một đời người, với ngàn cánh hạc5, thì ở một góc khuất trong một lớp học có dăm ba mái tóc dài kề cận, chuyện trò. Các cô gái cũng đang trao gửi cho nhau từng câu văn của một cuốn sách. Họ bị cuốn hút, đắm mình vào không khí, thổ ngơi của truyện, vào thứ chữ nghĩa đầy thơ mộng, linh động. Họ tưởng như mình đang sống thở ở nơi chốn ấy, một Đà Lạt rất thật, rất gần. Ngay cả thấy mình trong tâm tư, tình cảm của nhân vật. Bởi nhân vật là tôi, là một cô gái.
Những thiếu nữ đang khám phá từng cái đẹp trong ngôn ngữ, tiếng nói của quê hương.
Faulkner, Erich Maria Remarque, Gheorghiu hay Kawabata và những chân trời xa lạ, đối với họ chẳng là gì hết.
Khuya, tôi trở dậy xuống vườn sau nhà ngồi. Chiếc ghế gỗ ẩm sương và cây lựu trên đầu quệt những chiếc lá ướt vào mặt. Có lẽ mẹ tôi cũng không ngủ được, nên nghe tiếng chân tôi xuống vườn, một lát sau tôi thấy bà ra theo. Tôi hỏi, mẹ không ngủ à ? Bà ngồi xuống sát bên tôi bảo, mẹ nghe tiếng chân con ra đây. Trời lạnh làm tôi nhớ tới bà bạn trên Đà Lạt. Tôi kể chuyện bà bạn với mẹ tôi. Tôi nói và cầm lấy bàn tay bà. Bà quàng tay ôm lấy vai tôi. Những ngón tay bà quả đã bắt đầu khô, nhăn. Hơi ấm của người bà truyền sang tôi cùng với cái mùi vị đặc biệt, cái mùi của mẹ, tôi đã không được ngửi thấy từ bao nhiêu năm. Ngày còn bé, khi mẹ tôi mới bỏ đi, nhiều đêm tôi đã khóc vì nhớ cái mùi đó, cái mùi đã cho tôi những giấc ngủ êm đềm. Từ khi tôi không còn ngửi thấy nó, tôi cũng mất luôn những giấc ngủ ngọt ngào, buổi sáng thức dậy luôn thấy sợ hãi, cho đến ngày tôi đủ trí khôn thì tôi biết, nó là cái mùi của mẹ tôi, tôi thiếu cái mùi ấy chứ không phải là thiếu ngủ.
Người con gái cầm cuốn sách, giở từng trang dò kiếm và đọc lại cái đoạn mà có lẽ cô vừa mới đọc đêm qua. Giọng miền Nam nhưng khi cô đọc, đôi mắt miên man lướt theo từng câu từng chữ. Ngừng lặng đúng lúc như đang diễn tả một bài nhạc của một người am hiểu về nhạc lý, làm chơi vơi tâm tưởng những người bạn quanh cô.
Đó chẳng phải là một cuốn sách duy nhất đã được đọc trong những giờ ra chơi. Nhưng những cô học trò hiện diện vào những buổi ra chơi của bao ngày tháng đó, chắc chắn sẽ chẳng bao giờ quên được cuốn sách và nhân vật nữ không tên, người con gái có một vết nám trên mặt. Cuộc sống của nhân vật nữ này có thể như là một hình mẫu, một giấc mộng tương lai, mà họ, những cô học trò ngoan hiền như chim non còn nằm trong tổ đã từng mơ được bay bổng, được sống những ngày đời như thế. Một đời sống tư lập, tự do đầy quyến rũ, không nằm trong lệ ước của đời thường.
Một trong những thiếu nữ năm ấy chính là tôi.
Chỉ là một đoạn văn, nhưng tôi đã cảm nhận thêm một thứ mùi hương khác. Khác với cái mùi của không gian-cảnh vật, của tình cảm yêu đương mà tôi hằng nghe diễn tả từ một tiếng nói trên đài phát thanh vào những đêm thứ năm. Cái mùi mẫu tử này ai lại chẳng từng hít thở, nâng niu bằng một cách nào đó trong đời sống. Cái mùi thiêng liêng, nồng nàn và ấm áp.
Tôi biết đến nhà văn Nguyễn Đình Toàn qua tiếng nói, rồi đến văn chương. Dù cái biết về văn chương thuở ấy chỉ là một “con đường” không dài, không ngắn mà đi qua là mãi hoài lưu luyến.
Mãi mãi, cho đến tận bây giờ…
Có những đêm mất ngủ, tôi vẫn tìm thấy lại mình của những đêm thứ năm xưa. Những đêm nằm cong mình, đắm chìm theo tiếng nói, trong bóng tối của căn gác nhỏ.
Chỉ là hồi tưởng, vậy mà tôi cũng tìm lại được cái cảm giác khi nằm nghe những bản tình ca, cùng với âm thanh của gió, mưa, của tiếng lá khô rơi trên đường… Dù thứ cảm giác thuở ấy chỉ là sự mường tượng, dù thực tại bên ngoài ngập đầy băng tuyết của mùa đông.
Vẫn nhớ chiếc radio xinh xắn như một hộp bánh biscuit hình chữ nhật bằng nhựa cứng màu hồng pha trắng, mà trên mặt có khắc một hàng chữ: Chính phủ quốc gia Nhật Bản kính tặng những chiến sĩ của quân lực Việt Nam Cộng Hoà.
Chiếc radio thời chiến chẳng phải chỉ dành cho những chiến sĩ nơi tiền đồn heo hút, mà cả người nhà chiến sĩ là tôi cũng may mắn được sở hữu.
Vẫn nhớ đến hình vẽ trên một bìa nhạc mà tôi đã dùng để bọc cuốn nhật ký viết cho một người đã chết.
Ngày thần tiên em bước lên ngôi, đã nghe son vàng tả tơi6… Chẳng có lời hát nào hay hơn mà tôi nghe được năm tôi mười bảy tuổi.
Bây giờ thì tiếng nói đã thành tiếng hát. Bàn tay ngồi viết từng trang sách giờ lướt trên những cung đàn. Và văn chương làm rung động bao tâm hồn thiếu nữ thành những khúc bi ca, tiếng nói của kiếp người trên một quê hương khốn khổ.
Đêm quê hương, đêm treo trên một cành ngang
Chôn nhau xong làm dấu nhớ chỗ ai nằm
Cơn mưa giông, đêm qua đông trời lạnh lắm
Gió khắp bốn bề, cây rừng núi run hình bóng
Mai rạng đông đến lượt ai đem chôn
…
Cố thắp cho em một ngọn đèn
Bằng nhọc nhằn cay đắng
Của hình hài rã trong trại giam7
Tôi đã lắng nghe tiếng hát và bùi ngùi với những câu ca, trong những bản nhạc như thế. Cũng với bóng đêm, cũng là những khoảnh khắc một mình, hay những đêm trở giấc.
Tôi vui mừng khi biết tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Đình Toàn được tái bản. Ngoài hai chữ “vui mừng” đơn giản nói lên cái cảm xúc của mình, không biết phải dùng từ nào khác cho đúng nghĩa.
Hai cuốn sách dầy cả bảy trăm trang gồm sáu truyện dài. Có những truyện tôi chưa hề đọc, hay có đọc chỉ loáng thoáng đâu đó một vài chương.
Có thể có những dòng chữ lôi cuốn hơn những gì tôi đã đọc ngày xưa. Nhưng khi cầm hai cuốn sách đặt mua từ Amazon, cái trang đầu tiên tôi giở ra là tìm đến “con đường”, tìm đến đoạn văn tả về một đêm chia tay của hai mẹ con, của người con gái có vết chàm trên mặt.
Tìm, như tìm lại đời mình những ngày tháng cũ tươi hồng.
Nghĩ lại, tôi đã đến miền nam Cali rất nhiều lần, gặp bao nhiêu người trong giới văn nghệ sĩ. Sao chưa bao giờ tôi gặp được ông, nghe được cái tiếng nói mà không qua một âm thanh sàng lọc nào của máy móc.
Bạn thân mến, tôi sẽ gửi cho bạn một điện thư để nói với bạn rằng, bạn hãy đi gặp ông ấy. Hãy nói với ông rằng, từ Sài Gòn tới Paris, gần cả nửa thế kỷ dài, có một người đã lắng nghe tiếng nói của ông và vẫn nghe mãi cho đến bây giờ.
Mong ông nhiều sức khoẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét