khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

Giọng Việt Kiều


“Em người Việt hả? Nghe tiếng Việt em lơ lớ, anh tưởng em người Hàn”. “Em Việt kiều hả? Biết ngay! Giọng cứng như vậy, anh biết em không phải người Việt rồi”. Những lời này đã trở thành điệp khúc quen thuộc tôi nghe mỗi lần đi taxi.
Một đêm ăn tối với hai bạn Việt kiều sống tại Sài Gòn, chị J. kể chị từng phải giải thích với tài xế rằng nhiều Việt kiều cố gắng nói tiếng Việt, những lời nhận xét như vậy có thể làm họ buồn, ngại không dám nói nữa. Anh B. thì đã chịu thua, nhiều lần mặc kệ tài xế nghĩ anh là người Nhật đang học tiếng Việt để được… khen!
Tôi thì sao? Tôi từng ước gì ngày mai mình thức dậy với một 
giọng khác...
Tên tôi là Hải Anh, tôi sinh ra và lớn lên bên Pháp. Dù đã 26 tuổi, tôi nói tiếng Việt như học sinh cấp 1. Ông bà nội tôi sang Pháp cuối những năm 1930 sau khi họ cưới nhau. Ông tốt nghiệp hai bằng tiến sĩ luật và văn khoa ở trường đại học nổi danh Sorbonne. Cùng lúc, bà tôi mở một trong những nhà hàng Việt đầu tiên ở Paris tên Âu Cơ, đối diện trường đại học. Ba tôi sinh ra ở Pháp, mẹ tôi làm việc ở Việt Nam.
Chuyện trên taxi là một ví dụ trong nghìn hoàn cảnh mà Việt kiều đối mặt mỗi ngày khi về nước. Tôi biết những lời đó không có ý xấu hay kỳ thị, chỉ là chút tò mò hay cái cớ để bắt đầu cuộc chuyện trò. Nhưng bạn không hình dung được học tiếng Việt vốn không dễ chút nào, mà hằng ngày đi đâu cũng nghe những lời nhắc tiếng Việt của mình… còn dở!
Vị trí Việt kiều đúng là đặc biệt và kỳ lạ. Luôn luôn đứng giữa, có lúc bị đánh giá không đủ ở bên này hay ở bên kia. Ngôn ngữ là một ví dụ khá rõ ràng. Người nước ngoài học tiếng Việt sẽ được khen và khuyến khích, còn Việt kiều có “ba mẹ ông bà người Việt thì biết nói tiếng Việt là chuyện tự nhiên”. Tôi đã buồn và mặc cảm khi nghĩ giọng Việt kiều chứng tỏ mình chưa đủ Việt Nam. Nghĩ lại, tôi thấy đã sai khi gắn liền hai chuyện đó.
Theo tôi, một đứa bé Việt kiều có nói được tiếng Việt hay không, trôi chảy hay bập bẹ là một điều phức tạp hơn nhiều. Tôi may mắn lớn lên trong môi trường có đủ điều kiện để giờ đây có thể nói, viết và đọc tiếng Việt. Ở Pháp, nhiều cha mẹ đã chọn nói tiếng Pháp ở nhà để con cháu hòa nhập dễ dàng hơn, hoặc đã chịu thua vì sau một ngày dài đi làm về họ không còn sinh lực và kiên nhẫn để buộc con nói tiếng Việt. Bạn bè Việt kiều tôi không ai có hoàn cảnh và trình độ tiếng Việt giống nhau. Nghĩ đến họ, tôi nhận ra quan niệm cho rằng trình độ ngôn ngữ hay giọng nói có thể xác định ta là người Việt hay không là vô lý.
Vậy thì thế nào là giọng Việt kiều? Theo tôi, có nhiều giọng Việt kiều khác nhau tùy hành trình của mỗi người. Nhưng có vài điểm chung: Giọng Việt kiều là giọng lai, pha lẫn nét đặc biệt của ít nhất hai ngôn ngữ, nếu ta chú ý sẽ đoán được đó là Việt kiều Pháp, Mỹ hay Đức… So sánh với người Việt, Việt kiều vì không quen phát âm với dấu sẽ ít nhấn vào ngữ điệu, giọng bằng phẳng hơn. Tôi nói tiếng Việt như đi hát karaoke, hát một lúc hết sức thì tuột tông tùm lum và sau một ngày dài tập trung phát âm rõ ràng, về nhà tôi mỏi miệng. Nhưng tôi công nhận tiếng Việt là một ngôn ngữ đẹp, có từ vựng phong phú.
Tôi biết không tránh được lời nhận xét về giọng của mình vì nó khác, lạ. Điều duy nhất tôi có thể làm là đổi cách phản ứng và thấy giọng mình như mọi giọng khác, không có gì thiếu sót. Cô giáo tiếng Việt của tôi từng nói “giọng em sẽ không giống người Việt, nhưng quan trọng là em nói có giỏi không và người ta có hiểu em không”. Lúc đó tôi cảm thấy buồn, nhưng cô giáo đã đúng. Giọng Việt kiều là một vấn đề giả, tức một vấn đề do mình tự tạo ra.
Vậy có cần đổi giọng hay không ?
Thay đổi giọng nói là một lựa chọn cá nhân vì lý do việc làm hay vì sở thích. Quan trọng nhất là ta nên rõ ràng, thoải mái với những lý do đó. Về sau, ta cũng có thể thay đổi ý kiến vì giọng nói cũng như ngôn ngữ, có thể chuyển qua lại.
Trong tiểu thuyết Americanah của Chimamanda Ngozi Adichie, nhân vật chính, Ifemelu, là sinh viên gốc Nigeria du học bên Mỹ. Giống như diễn viên đang tập một vai, Ifemelu cố gắng hết sức bỏ giọng gốc của mình và đã thành công, chị nói tiếng Anh như một người Mỹ.
Sau nhiều năm định cư, Ifemelu nhận được một cuộc điện thoại làm thay đổi suy nghĩ của mình. Người ở đầu dây ngạc nhiên khi biết chị là người Nigeria vì nghe chị phát âm y chang người Mỹ. Sau khi gác máy, Ifemelu suy nghĩ, tự hỏi quyết định che giấu giọng Nigeria là đúng hay sai. Chị thấy có lỗi vì đã tự hào giọng mới của mình chứng tỏ chị đã thành công ở Mỹ.
Đó là lúc chị vỡ lẽ rằng khi che giấu giọng gốc, chị đã che giấu chính mình và quê hương, gia đình mình. Vài ngày sau, Ifemelu quyết định trở lại giọng nói cũ. Khi đọc Americanah, tôi nhận ra không có lý do nào để tôi đổi giọng và che giấu lịch sử gia đình tôi.
Tôi viết bài này tại Paris sau hai tháng dài cách ly ở nhà. Trong hai tháng đó, tôi tiếp tục học tiếng Việt trong lúc chờ đại sứ quán cấp giấy phép về nước. Tôi có kế hoạch về sống và làm việc ở Việt Nam, mà lần này sẽ nhẹ đi một mối lo lắng. Tôi ý thức rằng tôi sẽ không thể có được giọng của người Việt, bởi tôi mang hai dòng văn hóa Pháp - Việt. Bản sắc của tôi ở chỗ đó. Và sống thoải mái với hai nền văn hóa cũng là sống thoải mái với giọng lai của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét