Con virus Vũ Hán khiến cuộc sống đảo lộn, như một cái áo bỗng dưng bị lộn trái.
Nhưng cũng nhờ thế mà thấy phía trái của chiếc áo cũng có nhiều chiếc nút secour rất đẹp, đó là tình người trong hoạn nạn.
Tối 30/03, một chủ quán café gấp gáp nhắn tin hỏi tôi: “Có nơi tài trợ đồ ăn cho những người nghèo khổ trong mùa dịch. Chị tìm giúp em một số tình nguyện viên đi lập danh sách.”
Theo cô, nguồn tài trợ này đến từ nhà thờ, đợt đầu sẽ có 150 phần quà gồm 5kg gạo, dầu ăn, nước mắm, bột nêm, cá hộp và mì gói , đủ cho họ duy trì sự sống ở mức tối thiểu trong vài tuần.
Tôi hỏi một vòng nhưng không tìm ra người. Hóa ra mấy bạn hay làm từ thiện mùa lũ lụt giờ cũng đều đang tất bật cả.
Lo cho những người 'dưới đáy'
Khi lệnh “cách ly xã hội” áp dụng trên toàn quốc được thực thi, các tổ chức xã hội dân sự ngay lập tức vào cuộc để đảm bảo tầng lớp dưới đáy xã hội không bị bỏ mặc.
Bên cạnh các tín đồ Ki tô giáo và khối nhà thờ, các cộng đồng Phật tử cũng tuân theo lời dạy của Đức Thế tôn. Một số tiệm cơm, chủ yếu là cơm chay ngưng bán cho khách nhưng bếp vẫn đỏ lửa. Các phần ăn được chia đều ra từ vài trăm đến vài nghìn suất phát ngay tại tiệm.
Trên tường FaceBook, mọi người bắt đầu chia sẻ danh sách các điểm phát cơm chay miễn phí cho người nghèo. Khi nghiêm lệnh tránh tụ tập được ban bố, việc phát cơm tại tiệm bị nhắc nhở, các tình nguyện viên liền đeo khẩu trang, mang bao tay đem từng phần ăn đi phân phát, len lỏi tận gầm cầu, xó chợ, vào tận hang cùng ngõ hẻm trao tận tay những người tàn tật, già yếu, neo đơn.
Ông Phương - một tình nguyện viên ngoài 60 chạy từ quận Phú Nhuận tới một quán cơm chay trên đường Ngô Quyền, Quận 5 tối 05/04 để phát cơm cho biết: Ông không phải Phật tử mà là một người theo Ki tô giáo, nhưng thấy bạn bè nói cần người giúp, vậy là xắn tay lên tham gia luôn.
Các phần ăn gồm 3 món (kho, xào, canh) được đóng vào hộp và bên ngoài bọc lại bằng túi nilon tặng kèm một chiếc khẩu trang. Các tình nguyện viên nói rằng khi trao phần ăn, họ cũng không quên dặn dò người sử dụng lưu ý luôn sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc và bỏ rác vào thùng tái chế.
Một nhà hàng chay hạng sang trên đường Nguyễn Văn Thủ thì dùng hộp giấy bảo vệ môi trường khá sang, bên trong cẩn thận lót một lớp lá chuối để giữ cơm luôn ấm và mềm. Hộp cơm của tiệm ăn này đầy đủ cơm, canh chua, nấm rơm kho, xá xíu chay và cải bắp xào, giá thành ngày thường cũng cỡ 50-60 ngàn.
Riêng nhà hàng này, trưa ngày 03/04 đã phát đi 300 suất cơm chay miễn phí như thế, mỗi phần còn đính kèm một chiếc khẩu trang cùng lời dặn dò phòng chống dịch bệnh, việc phân phát này dự kiến sẽ kéo dài ít nhất đến 15/04. Các tình nguyện viên cho biết đây là việc bình thường ở vô vàn nhóm thiện nguyện trên thành phố này, mỗi khi có thiên tai hay dịp lễ tết.
Không thể thống kê số phần ăn từ thiện được giao đi mỗi ngày trên toàn thành phố gần 9 triệu dân này nhưng khi con covid xuất hiện, đường phố trở nên vắng lặng thì các hoạt động này trở nên náo nhiệt và dễ nhận biết. Các nhóm hoạt động lâu năm đều nắm trong tay danh sách người cần giúp trên địa bàn của mình, và viêc phân phát này hiếm khi bị chồng chéo.
Điều mà các nhóm từ thiện đang phải đối diện là số người cần giúp tăng nhanh mỗi ngày khiến danh sách và hình thức cho tặng cũng phải update liên tục. Việc tặng gạo hay thực phẩm chưa chế biến cũng trở nên khó khăn khi người nhận có thể chẳng có lấy nổi một chiếc nồi để nấu ăn, thế nên mì gói và cơm nấu sẵn cũng được ưu tiên lựa chọn.
“Có thể trước kia họ chưa từng phải nhận cơm từ thiện, mà giờ thất nghiệp, hoặc con cái thất nghiệp không nuôi nổi”, ông Phương nhận định.
Làm sao ngăn thành phần bất hảo?
Cũng không ít thành phần bất hảo đến nhận cơm rồi dùng phần quà đó để bắt nạt, ức hiếp người nghèo, đó cũng là điều các nhà hảo tâm rất đau đầu mà chưa có giải pháp nào khả dĩ. Một vấn đề nữa là để làm thiện nguyện, các tình nguyện viên buộc phải để qua một bên khuyến cáo “không ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết” của chính quyền, chấp nhận đánh đổi bằng chính sự an toàn của bản thân.
“Để đảm bảo an toàn cho những người trong gia đình, chúng tôi phải rửa tay, súc miệng trước khi trở về nhà” – một tình nguyện viên cho biết. Nhưng ai cũng hiểu rằng nếu dịch bệnh lan nhanh trên diện rộng, đối tượng được cứu trợ sẽ đa dạng hơn, thì tự vệ bằng cách đó là chưa đủ, chưa kể, chính họ và thức ăn cũng có thể trở thành là nguồn lây nhiễm.
Nhưng có những người sẽ chết đói trước khi mắc bệnh, điều đó khiến chúng tôi không thể ngừng hành động” – một nhà hảo tâm giấu tên cho hay.
Tối chủ nhật 05/04, sau khi theo chân đoàn thiện nguyện đi phát cơm trở về nhà, tôi cũng thấy đường sá lại có phần nhộn nhịp trở lại, có vẻ những cư dân thành phố không ngủ này đã chồn chân muốn ra đường tiêu tiền lắm rồi. Một số quán cóc ven đường lại có người dừng mua mang đi, nhưng các cửa hàng cửa hiệu hạng trung trở lên thì tối om một màu buồn thảm, các biển hiệu ở các tòa nhà lớn đã được thay bằng thông báo cho thuê mặt bằng.
Huy – lái xe Honda ôm công nghệ chở tôi về nói rằng anh vừa chạy vừa nơm nớp lo không biết khi nào thì ứng dụng này bị buộc phải vô hiệu hóa trên điện thoại của người dùng:
“Có thể lúc ấy, từ người đi phát cơm, tôi trở thành người nhận cơm từ thiện không biết chừng.”
Trong câu đùa của anh tài xế công nghệ có một nửa phần sự thật.
Bởi thực tế là rất nhiều người làm thiện nguyện ở nơi đây chỉ vừa đủ ăn chứ chưa khá giả gì.
Và “cơm miễn phí”, hẳn nhiên cũng là một “đặc sản” từ lối sống không dư dả nhưng luôn hào hiệp của người Sài Gòn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét