Trong thời gian vừa qua trên báo chí và mạng xã hội lại dậy sóng với đề xuất cải cách chữ Việt. PGS Bùi Hiền có công bố công trình cải cách chữ Việt mà một số người cho rằng đây là công trình đầu tiên. Rồi hai ông Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình vừa được cấp bản quyền trong mùa dịch Covid 19.
Tuy nhiên , có ý kiến của một Tiến Sĩ cho rằng trước đây nhiều nhà nghiên cứu của viện ngôn ngữ học, trong đó người đầu tiên là giáo sư Hoàng Phê, và nhiều những ý kiến riêng lẻ từ những năm 1960 đã đưa ra đề xuất thay đổi cách viết chữ cái tiếng Việt được nhà truyền giáo người Pháp Alexandre de Rhodes phát minh ra vào thế kỷ 17. Như vậy có thể hiểu rằng chuyện cải cách chữ Việt đã bắt đầu từ thập kỷ 60.
CHUYỆN CẢI CÁCH CHỮ VIỆT-KHÔNG MỚI.
Tuy nhiên, nhờ có một tài liệu mà tôi vừa tìm được thì biết rằng từ năm 1948, ông Phạm Xuân Thái đã cho xuất bản quyển “Việt Ngữ Cải Cách” ( NXB TUQSHAIF- Maison d’Edition-Publishing-House, 22 Delorms Hanoi-131 Lagrandière Saigon). Ông Thái đã cho biết lý do xuất bản quyển sách nầy như sau:
“Chữ VN hiện giờ còn nhiều chỗ khuyết điểm, nhất là các dấu, rất bất tiện, dễ lầm lẫn. Những chữ in, đánh máy hay đánh điện tín thường có những sự lầm lẫn buồn cười như hà lạm trở thành hả lắm, thắng lợi trở thành thẳng lối, hối lộ thành hơi lo v.vv….Cái dấu tách riêng khỏi chữ, nên thường bị bỏ quên hay hiểu lầm, vì người ta cho chữ là quan hệ, còn cái dấu là phần phụ thuộc, không quan hệ mấy. Vậy phải viết dấu liền “sau chữ”, để đem nó lên địa vị quan trọng. Về phương diện nhanh chóng, viết lối cũ chậm hơn nhiều, vì sau khi viết xong chữ lại phải lùi bút lại đánh dấu, rồi mới đưa bút đi tới để viết chữ sau, thành ra chậm đà bút. “
Ông Phạm Xuân Thái đã đề nghị cải cách là thay các dấu bằng chữ theo nguyên tắc chữ tượng hình. Dấu sắc thay bằng chữ S vì chữ S gợi ý dấu sắc, thí dụ Hans (Hán). Dấu nặng thay bằng chữ J vì chữ J có dấu chấm gợi ý dấu nặng cũ thí dụ langj (lạng). Dấu hỏi thay bằng chữ F vì chữ F gợi hình dấu hỏi, thí dụ Hoaf (Hỏa). Dấu ngã thay bằng chữ W vì chữ W gợi hình dấu ngã cũ. thí dụ Maw (Mã). Dấu huyền thay bằng chữ B vì chữ B gợi ý chữ bình, bằng, thí dụ Hanb (Hàn). Có lẽ kiểu cải cách này do Ông Thái muốn tiện dụng cho chuyện đánh điện tín chăng vì theo ông “phải dùng những dấu nào tiện lợi cho việc ấn loát, đánh điện tín và đánh máy chữ”.
Những phụ âm , theo ông Thái cần phải cải cách là C thay cho chữ K và Q: thay cho chữ K trong những chữ như kêu viết là cequ, thay cho chữ Q như Cuoqcs (quốc), Coan (quan). Trong những chữ có chữ H sau cùng của những chữ êc, ic thí dụ thích được viết là thics, xếch được viết là xeqcs. Chữ D thay cho chữ Đ thí dụ đưa phải viết là duqa. Chữ F thay PH thí dụ phải viết là fải. GH thì bỏ H đi thí dụ ghê thì được viết là gê. Chữ K thay KH, ví dụ kang được thay cho khang. NGH thì bỏ H ví dụ nge viết thay cho nghe. Riêng chữ Y thì chỉ viết Y khi đứng một mình như Y (nó). I không được dùng khi đứng một mình vì …mỹ thuật. Không dùng Y trong những chữ Y là nguyên âm thí dụ cái ly thì phải viết là cái li, hy sinh thì phải viết là hi sinh . Về dấu thì ông Thái đề nghị cải cách như sau: AQ: ă, EQ thay ê, OQ thay ô, UQ thay cho một số phụ âm cùng nguyên âm khác khá dài nên không tiện nêu ra đây. Sau khi quyển “Việt Ngữ Cải Cách” đã phát hành thì năm 1949-trong phần sau quyển “Việt Anh Thông Thoại Từ Điển” do chính ông biên soạn, đã viết:
“Cải Cách Chữ Việt Triệt Để. Trước đây đã có nhiều người hô hào cải cách chữ Việt như quý ông Chéon, Nguyễn Văn Vĩnh…song những lời hô hào ấy đã rơi vào cõi im lặng. Trong một cuộc họp mặt có cả các ông Thiên Giang, Thê Húc, ông Đông Hồ có tỏ ý với tôi nên cải cách triệt để. Ông nhấn mạnh rằng năm dấu không nên dùng trong những chữ đã dùng làm tử âm (phụ âm). Thể theo ý các ông, tôi xin trình bày một sứ cải cách triệt để, đặng chất chính cùng các bậc cao minh. “
Và lần nầy, theo ông Phạm Xuân Thái năm chữ cái J, W, Q, P, Y thay cho các dấu theo thứ tự nặng, ngã, hỏi, sắc và dấu huyền. Những phụ âm được thay thế là: B thay cho P khi đứng sau cùng, thí dụ: labj=lạp. C thay cho K và Q, thí dụ Ceeu = Kêu; Cuooc = Quốc. Chữ D thay cho chữ Đ. Ba chữ ECH thay cho ACH ( Sechp=Sách), EEI thay cho Ây ( Leei=Lây)… Một số nguyên âm được “cải cách” là Ô= oo, Ư=uu, Ê=ee, Ă=aa…
Tôi không thể trích dẫn hết những phụ âm mà ông Thái đề nghị cải cách rất vô cùng rắc rối, bảo đảm không rắc rối thì không ăn tiền . Xin được “tổng kết” sự cải cách của ông ấy bằng bốn câu đầu của Kiều viết theo sự cải cách triệt để của ông và học giả GS nào thấy hay thì xin tiếp tục nghiên cứu:
“Traam naam tronh coiw nguoeiy ta/Chuuw taiy chuuw meenhj keup lay getp nhau/Traiq cua mootj cuoocj beeq zaeu/Nhuunhw dieeuy troonh theeip may dau doenp lonhy” (Trăm năm trong cõi người ta/Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau/Trải qua một cuộc bể dâu/Những điều trông thấy mà đau đớn lòng)…
Vì không có tư liệu báo chí nên không biết thời đó các báo có phản ứng về sự cải cách triệt để chữ Việt của ông Thái hay không mà các thể loại cải cách của ông chẳng được áp dụng trong văn chương và cách viết báo thời ấy.
CẢI CÁCH CHỮ VIẾT TẠI SÀI GÒN
Riêng tại Sài gòn vào khoảng thập niên 60, có ông nhà báo tên Nguyễn Hữu Ngư, bút hiệu là Nguiễn Ngu Í cũng có đề xuất cải cách chữ Việt. Cũng giống như đề nghị cải cách của ông Phạm Xuân Thái, lúc ấy chẳng có tờ báo, tạp chí, sách giáo khoa nào thực hiện cải tiến chữ quốc theo đề xuất của ông Nguiễn Ngu Í nên khi tự xuất bản sách ông đã viết theo cách của mình. Việc đầu tiên là ông không chấp nhận chữ “Y” nên đã thay bằng “I” ngay trên bút hiệu của mình: Ngu Ý thành Ngu Í. Và những chữ sửa đổi tiếp theo là:
NGH=NG. (Nghĩa = Ngĩa). PH=F. (Fong=Phong). P=B (Hiệp=Hiệb) , Q= Qu (Quê=Qê). C=K (Kỳ =Kì), GI=J (Gia=Ja), D=Y (Dung=yung)…
Dòng đời trôi qua theo tháng năm, vận nước thế mà Việt ngữ từ năm 1948 (hay trước đó đã có) được đề xuất cải cách đến năm 2020 vẫn i xì như thế thì rõ rằng sự đề nghị cải cách là một chuyện nghiên cứu cá nhân cho…thỏa mãn cái sự cải cách của mình. Cái gì hợp lý thì nó tồn tại. Nghĩa là đề nghị cải cách chữ Việt đã không hợp lý nên đến nay chữ Việt vẫn là chữ Việt xưa, chưa nhuốm màu cải cách. Và cũng không nên lầm lẫn PGS Bùi Hiền và GS Hồ Ngọc Đại là người đi tiên phong trong ý muốn cải cách chữ Việt vì trước đó cũng có ông Phạm Xuân Thái và Nguiễn Ngu Í và còn học giả nào nữa, biết đâu…?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét