Định nghĩa Vận Tốc Trung Bình trong Vật lý
Khi vận tốc của vật thay đổi theo thời gian, người ta có thể sử dụng khái niệm vận tốc trung bình. Vận tốc trung bình trong một khoảng thời gian nhất định được định nghĩa là tỉ số giữa sự thay đổi vị trí trong khoảng thời gian đang xét và khoảng thời gian đó. Phương trình toán học như sau:
- : vận tốc trung bình
- : vị trí cuối
- : vị trí đầu
- : thời điểm cuối
- : thời điểm đầu
- kết quả phép trừ vector còn gọi là độ dịch chuyển
Vận tốc trung bình trên những khoảng thời gian khác nhau có thể mang những giá trị khác nhau.
Thêm nữa, cần phân biệt với tốc độ trung bình được định nghĩa là tổng quãng đường đi được chia cho khoảng thời gian được xét:
- : tốc độ trung bình
- s: tổng quãng đường đi được trong khoảng thời gian
- t: khoảng thời gian
- s1, s2,..., sn là những quãng đường thành phần đi được trong các khoảng thời gian thành phần t1, t2,..., tn
Theo định nghĩa này, tốc độ trung bình không phải là độ lớn của vận tốc trung bình.
Khi nghiên cứu chuyển động biến đổi một cách chi tiết và chính xác, một đại lượng quan trọng hơn vận tốc trung bình được sử dụng. Đó là vận tốc tức thời.
Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BA%ADn_t%E1%BB%91c
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Để giải quyết một cách tiêu cực cho nạn kẹt xe khủng khiếp trên xa lộ 101 mỗi chiều, nói tiêu cực vì nàng không thể chọn giờ khác, cũng không thể chọn một con đường nào khác để trở về, nàng chất trên xe, bên ghế ngồi của nàng, không biết bao nhiêu là sách báo. Từ những tờ báo Việt ngữ nàng đặt mua hàng năm, những tờ nàng nhặt ở chợ Việt Nam mỗi tuần, những tờ nàng không hiểu vì sao mình có… cho đến những tờ magazine bản xứ mà nàng cũng mua chỗ này một tờ, nhặt chỗ kia một tờ, trong giờ break ở trường, trong những lúc trốn việc ở sở, trong khi xếp hàng đợi tính tiền chợ…. Từ Time sôi sục lời hứa hẹn của những yếu nhân muốn cầm vận mệnh Hoa Kỳ, tờ Newsweek chụp thật gần hình ảnh cái xác vị nữ lãnh tụ Ấn Độ trên giàn hỏa làm máu nàng ngưng chảy lại một giây, tờ National Geographic với những bức ảnh đẹp lộng lẫy và hoang đường chở theo câu chuyện về những xứ sở xa xôi nào đó… cho đến những tờ lá cải với hàng ngàn đề tài lẩm cẩm ăn khách từ phương Đông cho tới phương Tây… How to say no to a man and how to say yes; How to meet a millionnaire; How to enlarge your breasts… v.v. và v.v. Thường thì nàng đặt tờ báo ngay trên tay lái và đọc nó vào giữa những giây phút chờ đợi dài dằng dặc lê thê trước khi có thể nhích theo được chiếc xe đi trước nàng từng bánh xe một, trong giòng xe cộ trùng điệp tại một tiểu bang có hệ thống xa lộ nổi tiếng nhất nước Hoa Kỳ. Đôi khi, dường như nàng lại còn mong cho cuộc kẹt xe kéo dài thêm chút nữa để nàng có thể đọc cho xong một đoạn văn hay, một bản tin án mạng với đầy đủ chi tiết hoặc một bài bình luận nẩy lửa nào đó. Với cách giết thời giờ ấy, nàng không bị rơi vào trạng thái nóng nẩy, bực dọc, bồn chồn giữa giòng xe cộ trườn đi từng chặng từng chặng nặng nề như một con trăn uể oải. Vận tốc tối đa được qui định trên xa lộ là 55 dặm giờ, nhưng trong những buổi chiều không thay đổi như thế, từ thứ hai cho đến thứ sáu, nàng và giòng xe chung quanh chỉ trườn đi với vận tốc khoảng từ 25 cho đến 15 dặm giờ, thứ vận tốc chậm rãi thong dong nhất mà một người văn minh có thể nhận được một cách tình cờ không lựa chọn, giữa một nhịp sống đang quay vòng với tốc độ rất nhiều lần nhanh hơn. Điều rất thường xảy ra khi nàng mải mê cúi xuống những trang báo như thế là chiếc xe phía trước nàng đã nhích đi một khoảng cách đủ để một hoặc hai chiếc khác chen vào mà nàng vẫn dậm chân tại chỗ, chiếc xe sau nàng bèn ré lên một tiếng còi nóng nẩy. Nàng vội vã đạp ga nhích theo, liếc vào kính chiếu hậu, mỉm cười rồi lại tiếp tục cúi xuống đọc báo như cũ. Không chịu được sự lơ đãng bình thản cứ tiếp tục xảy ra nhiều lần, chiếc xe sau nàng bèn đổi lane, tránh qua bên phải hoặc bên trái để liếc nhìn xem nàng đang thực sự làm gì, trước khi cố sức vượt lên trên, lên trên nữa. Nếu người lái chiếc xe sau là một người đàn bà, bất kể tuổi tác và chủng tộc, nàng sẽ nhận được một cái liếc háy rất dài; nếu là một đàn ông da trắng mặc Âu phục ba mảnh, cổ có cà-vạt với một chiếc áo treo lủng lẳng ở băng sau, nàng sẽ nhận được một nụ cười rất lịch sự; nếu không may mà kẻ lái xe lại là một tên da màu, một tên Mễ thì trường hợp xảy ra rất tệ. Có khi là những cái huýt sáo có hoặc không có kèm theo dậm chân đập tay, có khi là một cái đầu bờm xờm thò qua cửa xe đã quay hết kính xuống, hét lên, Hey, có đọc thư tình thì về nhà mà đọc chứ!
Hẳn nhiên là tất cả những kiểu phản ứng khác nhau này đều không làm nàng phải quan tâm, cho đến một lúc mà chính nàng thấy mỏi cổ vì ngẩng lên cúi xuống đã nhiều, hay thấy mệt mỏi vì đọc phải một điều gì đó không vui rất dễ tìm thấy trong những tờ báo Việt Nam, hoặc thấy thật sự nóng nẩy như mọi người vì vận tốc của giòng xe dường như đã xuống đến 10 dặm giờ. Đó là lúc mà nàng buông tờ báo xuống để vặn radio, thay một băng nhạc khác, nghĩ tới những công việc chờ đợi nàng này mai, nghĩ lăng nhăng tới bất cứ một điều gì đó để khỏi phải nghĩ tới những điều nàng cố tránh không nghĩ tới, những điều rất dễ trở về trong trí những khi buồn rầu mỏi mệt. Chẳng hạn như, nàng nghĩ, khoảng một trăm năm nữa thì chiếc chân phải của một người ở xã hội văn minh như nàng sẽ lớn hơn chân trái một chút vì phải đạp thắng nhấn ga nhiều giờ đồng hồ một ngày trong khi chân trái được nghỉ ngơi hoàn toàn. Nhiều trăm năm sau nữa, thế hệ này sang thế hệ khác, vẻ đẹp tiêu biểu của một đôi chân đẹp là chân phải to hơn chân trái một chút, dài hơn chân trái một chút… Lúc mà nàng nghĩ tới những điều lăng nhăng tương tự là lúc nàng đã rút chân ra khỏi đôi giày cao gót mũi nhọn từ lâu để những ngón chân được tự do tập thể dục trong lớp ny-lông mềm mại của đôi panty hose, sau một ngày nhọc nhằn cũng như chủ nó. Nàng nói, không phải em bắt chước Sagan đi chân trần lái xe đâu, chính Sagan khi làm như thế cũng đã rập khuôn mình cho vừa với huyền thoại mà, mà chính vì bỏ giày ra trong lúc lái xe thật là một tác phong đem lại thoải mái hết sức.
Chàng lắng nghe nàng nói một cách chăm chú có pha chút kiên nhẫn, cuối cùng chàng gỡ kính xuống. Khi chàng gỡ kính xuống là lúc chàng sắp nói một điều gì đó, một cách thận trọng, sao để nàng không cãi lại được, trừ phi cãi bướng. Đừng có đỏng đảnh, chàng nhíu mày, em đã vừa lái xe vừa đọc báo lại còn rút giày ra nữa có lúc trượt chân không điều khiển được chân ga chân thắng chết không ai thương.
Lúc ấy, nàng thấy chàng giống hệt bố nàng.
Nhìn số lượng sách báo mà nàng chở theo xe, chàng cả quyết rằng mỗi tờ nàng chỉ đọc vài trang, mỗi trang vài giòng, mỗi giòng vài chữ, tệ hơn nữa, có những tờ nàng chỉ cầm lên vì cái hình bìa của nó mà thôi. Cuối cùng, chàng kết luận, cái chỗ mà em chở đầy báo bên cạnh em đấy, đáng lý ra là chỗ của anh mới phải. Dĩ nhiên, nàng lại phải làm ra vẻ không thèm chấp cái kiểu lý luận vòng vo do dự của chàng, mà chàng thì cũng còn đủ e dè để không tấn công nàng dữ dội quá. Sau đó thì chàng đặt tên cho chiếc xe của nàng là cái thư-viện-lưu-động, có lẽ để trả đũa cho việc nàng gọi xe của chàng là cái thùng-rác-lưu-động. Nhưng trả đũa như thế thì nàng không lấy gì làm phật lòng cả, vì thư-viện-lưu-động nghe thật trí thức biết mấy.
Chàng hơn nàng mười lăm tuổi. Điều đó không có gì quan trọng. Không phải vì ở xứ này không có cái khoảng cách nào đáng coi là quan trọng trong tình yêu, mà vì nàng đã trưởng thành đủ để không sợ cái khoảng cách ấy. Khi một người con gái mới mười lăm tuổi thì một người đàn ông sinh ra trước nàng mười lăm tuổi mới hơi đáng sợ, còn khi cô ta đã trên hai mươi hay trên ba mươi, trên bốn mươi… cái khoảng cách mười mấy năm đi trước ấy của người đàn ông ngày càng thu ngắn lại cho đến một lúc nào đó biến dạng hẳn trên biểu đồ, nếu người ta có thể vẽ một thứ biểu đồ nào đó để chứng minh. Người con gái nào cũng có đôi tay rất dài. Mặc dù đôi chân cô ta có thể dài, có thể ngắn, chàng nói tiếp.
Chàng có lối nói và lối viết chấm câu xuống giòng gật gù chậm rãi, ngưng một chút để nói tiếp ý sau thường thường là phản đề của ý trước. Cái lối nói làm người nghe rất dễ hụt chân. Chàng có chiều đắc ý khi nhìn nàng cau có vùng vằng bực dọc phê bình. Chàng gỡ kính xuống lau lại bằng cách cọ cọ mặt kính vào tay áo, rồi nhìn nàng qua đôi kính đã lau thật rõ đó, chàng nói, nhưng em thì sao có thể hụt chân được. Chính anh mới là kẻ hụt chân mà.
Nàng đồng ý như thế.
Thoạt đầu thì nàng tin rằng kiểu tán tỉnh chậm chậm buồn buồn của chàng, những lời lẽ dịu dàng cùng lúc với giễu cợt, ân cần cùng lúc với cay nghiệt đó của chàng chỉ làm nàng thú vị, cái thú vị của một người con gái biết mình được yêu và được theo đuổi bằng một mối tình tự nó đã đầy trắc trở. Cho đến lúc nàng sực nhận ra mình, giống như một miếng bọt biển, đã thấm đầy những lời lẽ của chàng, tư tưởng của chàng, hy vọng và thất vọng của chàng. Nàng hốt hoảng.
Ai mới là kẻ thực sự đang hụt chân đây?
Chàng có một đứa con gái. Không phải một đứa con gái nhỏ mà nàng có thể vuốt tóc, chải đầu cho nó, cười đùa với nó và dạy nó nói tiếng Việt như những đứa trẻ trong lớp học Việt ngữ của nàng mỗi cuối tuần. Không phải một đứa con gái nhỏ mà nàng có thể yêu và bày tỏ tình yêu và cuối cùng tự hỏi mình yêu nó hay yêu cha nó hay yêu cái hình ảnh hai-cha-con-côi-cút rất dễ đánh thức bản năng làm mẹ nơi người con gái. Đó là một đứa con gái vẫn gọi nàng bằng chị và chính nàng cũng cảm thấy nếu nó gọi nàng bằng cô thì thật lố bịch biết mấy. Cô. Cô. Cô lô cô lốc. Nàng bật cười vì những thinh âm lốc cốc trong đầu. Con gái chàng gần tròn hai mươi tuổi.
Ngày mới gặp chàng trong một buổi biểu tình của cộng đồng người Việt tại thành phố, cả một bọn con trai con gái chất lên chiếc xe cà khổ của chàng để cùng đến địa điểm hành lễ. Có lẽ để tỏ ra lịch sự với nàng là một khuôn mặt mới, nàng được đẩy lên ngồi băng trên, cạnh chàng. Trên xe, câu chuyện có lúc dẫn tới việc hẹn nhau tập trung để cùng về, chàng bảo có lẽ chàng phải về ngay sau khi buổi lễ chấm dứt vì phải đi đón con gái chàng. Nàng quay nghiêng qua hỏi, cháu bé lên mấy rồi ạ? Ở băng sau, cả bọn cứ hét lên mà cười. Chàng nói, giọng như vướng víu một vật gì đó ở trong cổ. Mười tám, cô ạ. Nàng quay hẳn đầu lại ngó chàng, tuồng như để tìm cho ra những vết nhăn nơi đuôi mắt hay những chân tóc bạc nào đó trên mái đầu người đàn ông.
Một thời gian sau, khi nàng đã đủ thân để cùng thắc mắc và đùa cợt thêm chút ít về thân thế chàng, con Thu rỉ tai nàng: “Con gái ông ấy mười chín hai mươi tuổi lận chứ đâu phải mười tám. Ông ấy phải giảm tuổi con nhỏ đi để tụi mình nghe đỡ sợ đấy”. Nàng lẩm nhẩm tính, chàng bốn mươi tuổi, con gái chàng hai mươi, vậy chàng lấy vợ năm hai mươi tuổi. Thu nói tiếp, trừ thời gian tối thiểu để biết yêu thì người biết yêu từ thuở mười chín, mới mười chín tuổi đã dê, kinh khiếp, trông thì đạo mạo thế… Con Hồng nhảy vào, có gì đâu mà chúng mày ầm ĩ lên thế, kể ra thì cũng xoàng thôi nếu đem so với Kim Trọng biết yêu từ năm mười bốn! Thu trừng mắt, ai bảo mày Kim Trọng biết yêu từ năm mười bốn đấy? Thì cứ làm bài tính trừ đơn giản mà xem. Kiều gặp Kim năm nàng mười sáu tuổi, xuân xanh vừa độ đến tuần cặp kê. Cứ cho Vương bà sinh nhanh lắm là năm một đi, mà chắc chắn là thế, vì cụ Nguyễn Du không hề nói Vương bà sinh đôi, thì Thúy Vân mười lăm, Vương Quan mười bốn. Kim là bạn đồng song với Quan, vậy Kim mười bốn. Rõ ràng chứ!
Rõ. Rõ. Cả bọn rúc rích cười. Vậy lấy vợ năm hai mươi như chàng chẳng có gì là incredible!… Nhưng thôi thôi, hãy để cho ông ấy yên phận gà trống nuôi con đi. Don’t count him!… Những câu chuyện đùa cợt của bọn con gái thường chấm dứt ở đó vì không có chi tiết gì để khai thác thêm. Không một ai được biết gì thêm về gia cảnh chàng ở Việt Nam. Cái nhiệt tâm gần như mê mải của chàng trong những công tác, những vấn đề của người Việt địa phương nói riêng và lưu vong nói chung, cộng với sự câm nín lặng lẽ của chàng về chính bản thân tạo thành một thứ rào cản an toàn để cha con chàng lủi thủi sống với nhau, để chàng mưu sinh, hoạt động và trở thành hình ảnh tiêu biểu nhất trước mắt nàng về những con người lăn thân vào vòng quay nghiệt ngã ở nơi này mà lòng không lúc nào nguôi hướng về quê hương cũ. Cái khuyết điểm lớn nhất của chàng mà cả bọn vẫn đem ra phê bình, phê bình thẳng thắn chứ không phải thì thầm tán nhăng, là chàng tuy hăng say như thế mà vẫn không hướng dẫn được con gái, để nó lửng lơ lạnh nhạt với những công việc của chàng như một người Mỹ chính gốc. Chàng khổ sở bày giải rằng việc cải tạo con gái vẫn là một trong những điều mà chàng hổ thẹn vì nhận ra sức mình không làm hết được. Dù sao, vẫn có khá nhiều người, trong đó có nàng, sẵn sàng thông cảm rằng chàng khó có thể làm hơn được. Chỉ một cha một con chứ có phải là có cả gia đình đâu mà ràng buộc được nhau vào một tâm cảnh Việt Nam. Có một lần, một buổi chiều cuối tuần, nàng trông thấy chàng trong một khu shopping nhỏ, không phải chàng đi mua sắm mà là đi giặt quần áo trong một tiệm giặt nằm trong khu ấy. Mớ quần áo chất cao như núi như thể đã được dồn lại sau một tháng, hỗn độn những chiếc áo quen thuộc của chàng lẫn giữa những chiếc T-shirt, những chiếc quần jean, quần short, những chiếc váy màu mè xanh đỏ của con gái chàng làm nàng thấy bực dọc vô cớ. Trông thấy nàng, chàng lúng túng sửa lại gọng kính, ôi cái cặp kính trắng nàng thấy nó chỉ thích hợp giữa đám bản thảo của chàng hay giữa những buổi họp mà người ta bàn chuyện nước non chứ hoàn toàn không thích hợp giữa đám quần áo bẩn, giữa những đồng dime, đồng quarter bỏ vào máy quay tít mù khăn áo. Chàng nói rằng chàng đã cho con gái đi chơi xa cuối tuần với đám bạn trong trường, rằng nó hẹn đến chiều chủ nhật nó về hai cha con sẽ đi giặt nhưng chàng thấy chướng mắt quá, muốn làm ngay cho xong… Đó là lần đầu tiên nàng nhận ra chàng có cái thói quen làm một động tác gì đó với cặp kính trắng của chàng mỗi lúc gặp nàng. Đó cũng là lần đầu tiên nàng cảm thấy chàng thương yêu con gái như chàng thương yêu một điều gì đó chưa thành từ thuở còn tuổi trẻ, như bù đắp cho một giấc mộng dở dang, một niềm tin cay đắng trải qua bao nhiêu dời đổi của đời chàng.
Nàng nghĩ quá xa về hình ảnh hai cha con chàng.
Một buổi chiều thứ sáu, rẽ vào downtown để đi chợ Việt Nam, ngang qua rạp xi-nê tồi tàn nằm trong khu phố chính, nơi chốn hẹn hò của những thành phần bất hảo, nàng trông thấy con gái chàng cặp tay một tên Mỹ trạc tuổi nó đi vào rạp. Cả hai chải đầu xù và quần áo có trang bị rất nhiều phụ tùng lạ mắt. Trông con nhỏ không giống con gái Việt nữa mà giống một đứa con gái gốc Phi, Tàu, Nhật hay Đại Hàn gì đó sinh đẻ tại đây. Nàng tức tốc lái xe đến apartment của chàng, gõ cửa phòng để trông thấy chàng đang gò người trên chiếc máy chữ và một núi tài liệu, bản thảo hỗn độn ở chung quanh. Nàng kêu lên, anh không giao cho ai đánh máy thay được sao? Chàng cười nụ rất hiền. Anh viết thì chỉ có anh đánh lại được thôi, anh lại không có thói quen viết ngay trên máy, bởi vậy suốt đời cứ là nhà văn không tác phẩm hoài em thấy không? Chàng vui mừng thấy rõ vì sự có mặt bất ngờ của nàng. Nhưng nàng thì không cười được, hoặc cố để không cười theo. Nàng không muốn bị lạc ra khỏi cái lý do cao cả mà nàng đã mang theo khi đến gõ cửa chàng, nhưng nàng thấy mình hết sức khó khăn khi phải tìm lời nói năng về cái cảnh nàng vừa trông thấy. Vai chàng như trĩu xuống. Chàng nói, cám ơn em.
Chín giờ sáng hôm sau, thứ bảy, cái giờ lịch sự tối thiểu mà người Mỹ có thể gọi cho nhau trong hai ngày cuối tuần, chàng gọi nàng. Chàng nói chàng không ngủ được suốt đêm qua. Chàng nói chàng quên rằng sức mình có hạn mà mải mê những chuyện trên trời dưới biển quên mất chuyện trong nhà. Từ lâu rồi chàng không dám nghĩ chàng cần một người chia xẻ với chàng nỗi nhọc nhằn nhưng bây giờ thì chàng biết con gái chàng cần. Nó cần một người đủ tế nhị để lắng nghe những điều một cô con gái không nói với cha. Nó cần một người đủ mẫn cảm để yêu thương nó bằng tình thương của một người mẹ. Em có biết, người đó, nó phải gọi như thế nào không?
Nàng lúng túng ngang. Nàng mất bình tĩnh rõ ràng. Nàng ước gì nàng đang bận áo dài để được vân vê tà áo. Nàng ước gì có một bóng cây để nàng nép mình dưới hoa. Nàng lóng cóng với cái ống nghe trong tay. Nàng nói xin lỗi anh có người bạn đợi em ngoài xe, rồi nàng cúp máy. Sau đó, định thần lại, nàng tự giễu cợt mình, tự đánh giá rằng thật suốt đời nàng chưa hề nói chuyện với ai bằng một cách điệu vô duyên đến như thế.
Nàng tránh hẳn chàng nhiều tuần lễ sau đó.
Mỗi cuối tuần, sau giờ dạy tiếng Việt cho lũ trẻ, nàng lấy cớ về thẳng để tránh bóng chàng đâu đó bận rộn ngoài hành lang. Hai người trông thấy nhau bằng con mắt liếc tràn đầy mặc cảm tội lỗi. Lúc nhìn những đôi mắt trông sáng ngước lên theo nàng trong lớp học, những mái đầu xinh xắn, những mẫu tự Việt Nam bập bẹ ghép tròn từ những đôi môi ngây thơ, nàng không tránh khỏi ao ước con gái chàng nhỏ bé và dễ yêu như thế để nàng có thể dạy dỗ nó lại từ mẫu tự đầu tiên, để cầm tay mà kể cho nó nghe về những câu chuyện cổ tích Việt Nam đã làm nên hoa nên bướm cho tuổi thơ ấu của nàng, để tả cho nó nghe về cảm giác hết sức dịu dàng phủ lên thân thể và lên tâm hồn khi khoát vào người tấm áo lụa đầu tiên. Thật ra nàng biết con gái chàng chưa hư hỏng đến độ không thể cứu vãn. Dù chính nàng cũng không hiểu thế nào là một sự hư hỏng không thể cứu vãn nơi người con gái, định theo giá trị và lăng kính xã hội ở đây. Nó cũng không phải là không dễ thương. Chỉ có điều là nó chưa kịp thương nàng thì đã nhận ra rất sớm, có thể trước cả bố nó, rằng nàng là một mối đe dọa nào đó cho cái tình phụ tử tràn trề mà nó đang được hưởng nên đổi thái độ khiêu khích rõ ràng. Thêm vào đó, nàng cũng chỉ vừa đủ lớn để nó phải gọi bằng chị nên lời lẽ nó dành cho nàng nghe hết sức chua. Nó cũng là con gái với đầy đủ đặc tính vị kỷ nhất của trái tim người nữ. Giá nó là con trai thì mọi sự có lẽ đã dễ chịu hơn. Nàng nghĩ, rồi lại tự giễu cợt mình.
Nàng hoàn toàn không mong muốn một sự dễ chịu hơn để có thể thong dong bước vào đời chàng. Nàng không tin rằng mình đủ khả năng để làm dì ghẻ, làm mẹ kế, làm step-mother của một cô gái hai mươi tuổi, có điều cái tình trạng đang dài giữa cả ba người làm nàng khó chịu. Nàng thấy giống như mình đang sa vào một lỗi lầm nào đó biết trước nhưng không thể tránh khỏi, không thể thoát ra, cũng không thể sửa chữa. Còn chàng thì thất sắc rõ ràng. Chàng đau khổ vì bị dằn vặt dữ dội.
Cuối cùng chàng kể cho nàng nghe về mẹ của con gái chàng. Bà ta đang sống ở Việt Nam với một người khác. Chỉ vài tháng sau ngày bị cộng sản gọi tập trung cải tạo, trên đường chuyển trại ra Bắc, chàng đã trốn thoát được và trở về Sài Gòn giữa lúc thành phố còn đầy đủ cái dáng vẻ hỗn loạn và phung phá đến cực độ của một cơ chế vừa sụp đổ. Nhà cửa, xe cộ… nói chung gia sản khiêm tốn của chàng vẫn còn nguyên nhưng bà ta đón chàng trở về bằng một sự bối rối kỳ lạ. Thoạt đầu, chàng tưởng bà ta sợ hãi vì sự đe dọa của chế độ mới ngày một bao trùm cuộc sống, vì sự trốn trại trở về của chàng có thể đưa tới những hậu quả không lường hết được cho chính chàng và cho cả gia đình. Nhưng chàng không phải thắc mắc lâu trước khi được chính bà ta thú thật rằng có một gã đàn ông khác đã thay thế chỗ chàng trong thời gian chàng ra đi. Bà ta xin chàng hãy tha lỗi vì chàng chưa bao giờ và sẽ không bao giờ yêu bà ta, xin chàng hãy ra đi vì chàng không thể ở lại, xin chàng hãy quên tất cả vì một tương lai tốt đẹp đang chờ đợi chàng ở chân trời khác, và nếu có thể, xin chàng hãy để con gái ở lại vì tuy bà không ra gì nhưng vẫn là mẹ nó và con gái thì cần mẹ hơn là cần cha. Lúc này, con gái chàng vừa hơn mười tuổi nhưng đã đủ khôn ngoan để bày tỏ thái độ thù nghịch với người tình mới của mẹ nó. Không nói thêm một lời nào, vài tuần lễ sau, chàng đem con ra đi.
Đó là lý do khiến gần mười năm sau, chàng khổ sở nhìn thấy cô con gái ngày một bước ra khỏi cuộc sống và tình yêu thương của chàng, cùng một lúc đứng về phía đối nghịch với nàng, tình yêu muộn màng cuối đời của anh, chàng gọi nàng như thế. Vắn tắt về cuộc đời không có chi đáng kể của chàng chỉ có vậy. Bây giờ, quyền quyết định là ở em.
Phải ngồi nghe chàng kể câu chuyện ấy đã là một sự khó nhọc đối với nàng. Được mời gọi bước qua một cánh cửa trăm năm đã đầy dấu chân bôi xóa như thế lại còn là một sự nhọc nhằn hơn. Nàng nói thôi anh cho em về. Con đường khuya trở về chàng lái xe vòng qua những dãy phố hẹp nhà cửa hàng quán san sát hai bên đường đẫm đầy hình ảnh những dãy phố Việt Nam hiu hắt đèn vàng. Chàng mở hé cửa xe, bào nàng cố chịu lạnh một chút để ngửi lấy một mùi hương cây giống như mùi ngọc lan trong vườn khuya một ngôi nhà nào đó. Nàng thèm muốn được dựa đầu vào vai chàng mà khóc, khóc thật lớn như nàng vẫn dựa đầu vào vai mẹ mà khóc những năm trước, khóc cho đến lúc nước mắt đã ngừng rơi mà nàng vẫn nghe được tiếng nấc nghẹn đưa lên từ cổ họng, đưa lên từ một miền thinh lặng nào đó trong trái tim mình. Nhưng nàng đã không khóc, không hề khóc một chút nào. Đêm hôm đó trở về, nghĩ đến chàng nàng lại giễu cợt, ôi ôi một mối tình muộn màng sau mười năm tắt lửa lòng… Rồi nàng giễu cợt mình, cứ đùa thiên hạ sao con-trai-mê-đàn-bà, con-gái-mê-đàn-ông rồi mình cũng rơi luôn vào đó thì thật nhảm, nhảm, nhảm hết sức.
Nhưng, nàng yêu chàng thật sao?
Nàng tiếp tục tự hỏi.
Một ngày, nàng có việc phải đến văn phòng bà Becker. Chuyện trò sao đó câu chuyện lại đưa đến chàng. Becker đã ở Sài Gòn làm việc cho tòa Đại Sứ Hoa Kỳ từ khi quân đội Mỹ đổ vào Việt Nam cho đến khi ký Hiệp định Paris. Rồi, một người với tư cách là bạn đồng minh bên cạnh chàng từ rất nhiều năm trước, còn một người với tư cách là bạn đang sát cánh với chàng trong cuộc chiến đấu bây giờ, cả hai đã nói chuyện về đời tư của chàng rất lâu bằng một mối quan tâm đặc biệt nữ tính. Thật ra thì chỉ có Becker nói thao thao những điều bà ta biết về dĩ vãng của chàng, những điều chàng đã không kể cho nàng nghe, còn nàng thì hướng dẫn Becker bằng những câu hỏi ngây thơ để bà ta nói hết về những điều bà ta biết mà không mảy may nghi ngờ về mối quan hệ giữa nàng với chàng. Theo đó thì chàng gặp người đàn bà sau này được gọi là vợ chàng từ thuở chàng chưa tới hai mươi, khi ở Sài Gòn trọ học, người đàn bà này lớn hơn chàng rất nhiều tuổi. Cậu học trò trẻ tuổi dại dột xa nhà đã lọt vào con mắt xanh của bà chị và mọi chuyện đã xảy ra sao sau đó cho đến khi bà ta tuyên bố là có con với chàng thì chàng biết là mình… có con. Chàng nhận trách nhiệm làm bố. Chàng nhận trách nhiệm đối với một cuộc đời mà chàng chưa hiểu rõ (hay thực ra chàng cũng không đủ bản lãnh để trốn chạy?). Sau đó, chàng đã đủ khôn ngoan để hiểu thêm về cuộc đời, cũng có khá nhiều mối tình văn nghệ rất đẹp đến với chàng nhưng chàng lúc nào cũng vẫn là người đã có vợ cái con cột và những mối tình văn nghệ lúc nào cũng là những mối tình văn nghệ với đầy đủ vẻ đẹp hoặc phù phiếm, hoặc lãng mạn, lý tưởng và tràn đầy hối tiếc của chúng. Becker kết luận: “He was raped by a woman, I can say that”. Nàng ra khỏi văn phòng Becker, mang theo trong đầu âm vang câu nói ngộ nghĩnh khôi hài của bà ta. Mỗi lúc nhớ tới câu nói ấy, nàng lại rũ ra cười. Chàng chắc sẽ giết Becker mất nếu chàng biết bà ta đã nói với nàng một câu như vậy. Nàng tưởng mình tức cười. Cuối cùng nàng thấy miệng mình đắng ngắt.
Từ hôm ấy, mỗi khi nhìn chàng, nàng lại cố tìm kiếm cho được cái bóng dáng còn sót lại đâu đó của một chàng trai chưa đầy hai mươi tuổi, trong trắng, ngây thơ, khờ khạo mà lại quân tử tàu. Trời đất ơi, chàng đã quân tử cho đến nỗi khi bà ta nói bà ta có con thì chàng nhận con, lúc bà ta nói không muốn ở với chàng nữa thì chàng ôm con đi. May mà còn dám ôm con đi chứ không thì cũng đến vượt biển một mình mất… Cuộc đời chàng như vậy là đã đủ bi hài tính rồi còn gì. Thái độ của nàng đối với chàng dường như cũng vì câu chuyện dĩ vãng ly kỳ ấy mà có nhiều thay đổi. Nàng ân cần với chàng hơn, săm soi chàng hơn và giễu cợt chàng hơn, như thể câu chuyện của chàng và nàng là một câu chuyện cười vui hơn sầu đầy, như thể chàng vẫn là một cậu trai tơ chưa tròn hai mươi tuổi. Đến một lúc chàng phải gắt lên. Anh cần là cần một người vợ chứ đâu cần một mẹ già nữa. Còn nàng thì những lúc chàng làm tuồng như bố nàng, nàng ra dáng bần thần. Anh có con gái rồi, cần gì phải sắm thêm một cô con gái nữa. Cứ như thế, hai người đem tặng cho nhau tất cả những dư vị cay đắng nhất có thể gạn ra được từ đáy lòng mình.
Thật ra, dù sao, chàng cũng vẫn già hơn nàng rất nhiều để tất cả những điều nàng nói, nàng suy nghĩ, tất cả những cách thế, những toan tính của nàng đều trở thành khá cũ đối với chàng. Chàng nói bao giờ anh cũng có một khoảng thời gian để sinh ra, sống, hạnh phúc và đau khổ trước em. Nàng hiểu điều chàng nói theo kiểu một bài hát rất được quần chúng ưa chuộng ngày trước, “Em biết yêu lần đầu mà anh biết yêu lần sau…” Nhưng chàng vẫn tiếp tục lắng nghe nàng một cách đầy bao dung, thú vị và kiên nhẫn, như nàng là cơ hội cuối cùng cuộc đời có thể mang đến cho chàng, để giúp chàng thoát ra khỏi những tai ương mà người đàn bà đầu tiên đã mang tới. Về phần nàng, nàng cũng thường tin rằng chàng may mắn lắm mới gặp nàng vì nàng là một trong những người hiếm hoi còn nuôi dưỡng và theo đuổi một kiểu yêu đương lãng mạn giữa xã hội đã tràn đầy dục lạc này. Mối tình, nếu có thể gọi như thế, kỳ quặc của hai người cứ tiếp diễn lặng lẽ, và nàng tưởng rằng chỉ có chàng là người thứ nhất, nàng là người thứ nhì và có thể con gái chàng là người thứ ba phải bận lòng vì nó mà thôi. Nhưng một hôm nàng nhận được một bức điện tín từ Việt Nam gởi tới. Chỉ cái gốc Việt Nam trên phong bì cũng đủ làm nàng rung tay khi mở. Những mẫu tự được đánh xuyên qua một đại dương đã bị sai lạc khá nhiều, cộng thêm với kiểu ghép chữ sao cho đỡ tốn cước phí làm nàng phải vận dụng hết khả năng suy đoán mới đọc được, nhưng cuối cùng nàng cũng hiểu rõ ràng nội dung bức điện. Mẹ nàng nói: “Con hãy chấm dứt ngay với người đã có gia đình ở Việt Nam. Mẹ của con”.
Nàng hốt hoảng một lần nữa. Không phải vì nàng đã yêu chàng. Không, nàng đâu đã yêu chàng, mà chỉ vì cái phản ứng quyết liệt và rõ ràng của mẹ nàng trước một câu chuyện đối với chính nàng còn rất mơ hồ, làm nàng choáng người. Nhưng làm sao mà mẹ nàng lại biết câu chuyện mơ hồ ấy mới được chứ, sau đó nàng thắc mắc. Té ra tất cả những câu chuyện trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ bao giờ cũng thông trước rồi chăng?… Một tháng sau, nàng nhận được một bức thư viết cùng ngày với bức điện tín nói rành mạch rằng chị dâu nàng ở đây đã viết thư về báo cáo tường tận cùng mẹ nàng về tất cả những mối quan hệ xa gần của nàng. Rằng: “Ở đây, con có biết rằng đã có bao nhiêu ngàn trường hợp những người vợ lớn đến nhà cha mẹ cô con gái, hoặc hăm dọa hoặc van xin gia đình hãy liên lạc khuyên nhủ để cô gái buông tha chồng người, vì người vợ ở nhà vẫn son sắt chờ chồng, tủi nhục nuôi con. Bao nhiêu ngàn trường hợp khác khi người vợ bằng cách này hay cách khác, đoàn tụ được với chồng và cả người chồng lẫn cô gái trẻ đều không đành lòng nhìn những đứa bé vô tội mang tiếng mất cha. Rồi, con nghĩ đi, ai là người thiệt thòi nhất đây, ai là người dang dở cuộc đời đây… Tất cả những câu chuyện đã trở thành rất thường tình trong xã hội hôm nay, không thể nào xảy ra cho con gái mẹ được (ý hẳn mẹ nàng muốn nhắc, con gái vàng con gái ngọc của mẹ, con gái mà mẹ đã đứt ruột gửi đi qua biển một mình) con nghe không? Con không thiếu người để lựa chọn thì đừng dại dột, con nhớ không?…”. Nàng khóc tầm tã. Chắc chắn không phải vì nàng đã yêu chàng đến độ không thể chia ly, mà vì cái lối viết thống thiết, viết như rứt ruột rứt gan của mẹ về một câu chuyện mà nàng vẫn tự giễu cợt và tự hỏi mình, làm nàng ân hận. Nàng ân hận với mẹ, với chàng, rồi với chính mình. Cái cách trình bày sự việc với những hậu quả và liên hệ rất thực tế của câu chuyện làm nàng như bị xô ra khỏi một thiên đường mộng tưởng để đứng trước một sự thật trần trụi và tàn nhẫn làm nàng hổ thẹn. Nàng hổ thẹn với cả thế giới. Ân hận chán, hổ thẹn chán, nàng quay ra giận dữ với bà chị dâu. Bà chị phân bua, vì mẹ vẫn viết thư nhắc nhở anh chị phải trông chừng chuyện đôi lứa cho cô. Chị thấy có bổn phận phải kể cho mẹ nghe về những người bạn trai đang theo đuổi cô, với đầy đủ thân thế và lý lịch chứ, để không thôi lỡ có chuyện gì xảy ra mẹ lại mắng anh chị chứ đâu có trách gì cô… Lỡ có chuyện gì xảy ra… Lỡ có chuyện gì xảy ra… Nàng lại bật ra mà cười. Chị làm như em còn nhỏ bé lắm vậy. Mà em có chuyện gì đâu cơ chứ! Bà chị cũng cười, nhưng là cười giòn chứ không cười gượng như nàng. Đợi đến lúc cô chịu nhận là cô có gì thì chắc cũng trễ rồi.
Nàng không quyết định được là nàng có nên đưa chàng xem lá thư và bức điện ấy không?
Nàng không muốn để chàng biết câu chuyện của hai người đã làm mẹ nàng bận tâm đến thế.
Nàng vẫn cố để chàng hiểu rằng mọi chuyện đối với nàng, trước sau vẫn là chuyện đùa vui. Nhưng không đưa thì mai đây, khi rời chàng, nàng sẽ mang hết tiếng phụ rẫy… Tóm lại, nàng đã toan tính hết cách để chia ly. Trong trái tim nàng đã đầy mầm mống phản bội.
Một cuối tuần, chàng gọi nàng vào lúc mười một giờ khuya.
Không nghĩ là chàng, nàng nhanh nhẹn nhấc ống nghe lên vì không muốn tiếng chuông reo làm phiền đến cả nhà. Chàng vội vã xin lỗi nàng. Tiếng chàng ở đầu dây bên kia nghe rơi lạc, thất thần. Chàng bảo chàng không biết làm gì, không biết đi đâu bây giờ, chàng không thể bấm chuông nhà nàng vào lúc này được, và chàng bỗng muốn chết ngay đêm nay quá. Nàng lạnh cả người vì giọng điệu não nề bi lụy chưa hề thấy ở chàng. Cuối cùng, chàng nói trong đời anh chưa xin ai điều gì bao giờ. Anh cũng chưa xin em điều gì bao giờ, nhưng bây giờ, anh có thể xin em đến với anh không?
Nàng đến.
Chàng ngồi giữa gian phòng khách ngập ngụa dấu tích tan hoang sau một buổi party. Một chiếc bánh có lẽ khá nhiều tầng được cắt dở dang tầng bánh cuối cùng, những chân bánh của tầng trên, những bông hồng, những lá xanh nụ tím nặn bằng kem vất bê bết chung quanh những ngọn nến rơi lăn lóc. Những khăn giấy, ly giấy, đĩa giấy tung tóe giữa nơ, hộp và giấy gói quà. Mùi thức ăn, mùi bia rượu, mùi thuốc lá, mùi son phấn nước hoa và mùi hơi người tổng hợp lại thành một cái mùi sa đọa phủ trùm từ trần nhà xuống đến tấm thảm cũng được trải bằng tàn thuốc lá.
Nàng muốn nổi giận. Anh định gọi em đến dọn dẹp phải không? Rồi nàng cười, có party mà không mời bạn bè, bây giờ hơi trễ rồi mới nhớ tới, xấu quá.
Chàng từ từ ngước lên nhìn nàng. Đôi mắt không đeo kính của chàng trông dại hẳn đi và đỏ ngầu, có lẽ vì chàng uống rượu chứ không phải vì vừa mới khóc, nàng tự nhủ. Nàng bất giác dợm lùi lại. Chàng bảo, rất dịu dàng, em ngồi xuống đi. Em muốn bỏ giày ra cho đỡ mỏi không? Bước tránh ra không thôi dẫm phải miếng bánh kia kìa, gót giày nhọn thế có hôm nào trời mưa bước lên thang gác của cái apartment này trợt chân thì khổ anh. Em chắc sẽ không bao giờ bước chân trở lại nơi này một lần nữa đâu mà anh sợ khổ, nàng nghĩ, lòng se lại. Chàng ngồi xuống cạnh chân ghế nàng. Chàng tháo một chiếc, rồi hai chiếc giày của nàng ra. Chàng ủ chúng trong tay. Em đi giày size mấy vậy? Năm rưỡi hả? Ừ hình như con Bích nó đi đến size bảy kia, ăn bơ sữa Mỹ từ hồi mười tuổi nên nó to từ bàn chân to đi, nếu vượt biên sang Hồng Kông chắc phải bó chân mới lấy được chồng. Chàng lại vuốt ve chiếc giày nàng. Em có khi nào mãi chơi về khuya sợ ông anh bà chị mắng vội bỏ chạy rớt cả giày không? Nàng chưa kịp nhăn mặt thì chàng tiếp luôn, quý tộc Tây ngày xưa đâu có bó chân, vậy chắc cô bé Lọ Lem chân cũng nhỏ xíu như thế này thôi chứ gì? Tội em quá, anh là một lão hoàng tử mất ngôi, mất nước, mất gia tài mất luôn cả tuổi trẻ lấy gì mà đem đặt dưới chân em đây… Ha ha… anh lại ca cải lương rồi thấy không… Một kép cải lương già chưa lên mà đã xuống… ha ha…
Nàng nửa muốn luồn tay vào mớ tóc chàng mà vuốt ve vì thấy khổ sở, nửa muốn đứng dậy bỏ chạy vì sợ hãi. Nàng ngồi cứng người trên ghế. Nàng muốn khóc và sắp sửa khóc thật nếu không có tiếng alarm đột ngột ré lên vang dội ở trong bếp. Nàng nhổm phắt dậy, chạy bay vào bếp. Chiếc lò nướng bánh mì ai đó bỏ quên không tắt đang bốc khói mù mịt hết cả căn bếp nhỏ. Chàng bỏ chạy vào theo, vặn tắt chiếc lò, tắt luôn cả chiếc còi báo động vẫn còn reo ầm ĩ. Chàng kéo màn cửa sổ, quay cửa kính ra, miệng lẩm bẩm, chắc chúng nó bỏ quên, chúng nó bỏ quên… Nàng bỏ đi ra phòng khách đứng ôm lấy ngực như sợ hãi vì một trận hỏa hoạn suýt xảy ra, nhưng thực sự nàng mừng rỡ vì vừa thoát ra khỏi tâm của một cơn bão lớn. Làm sao nàng lường được chuyện gì sẽ xảy ra nếu chàng cứ tiếp tục ngồi bên chân ghế nàng như thế, cứ tiếp tục điệp khúc của chàng như thế và nàng thì không đủ sức thoát dậy. Lỡ có chuyện gì xảy ra… Nàng vụt nghĩ tới mẹ, vụt nghĩ tới bà chị dâu mà nàng vẫn tin rằng nàng không quý mến gì cho lắm… Nàng đưa tay quẹt ngang giọt nước mắt đang lăn dài xuống má, thổn thức không hiếu chàng hay chính nàng mới là kẻ khổ sở hơn. Nàng quơ chân tìm đôi giày xỏ vào, khép hai chân dưới ghế như dấu đôi giày đi. Khi chàng trở ra, nhìn mắt chàng, nàng biết rằng không chuyện gì có thể xảy ra được nữa.
Chàng nói chàng vừa tổ chức sinh nhật thứ hai mươi cho con gái. Khách khứa toàn là của nó, chàng không mời một ai. Bích hỏi thì chàng nói rằng ngày hôm nay phải là ngày hoàn toàn của con, và thật ra chàng biết nó cũng không tha thiết gì đến bạn bè của chàng, nó lại nghĩ đến nàng nữa. Hỏi chỉ vì lịch sự, như Mỹ, vậy thôi. Sau party, cả bọn lại lịch sự mời chàng cùng đi chơi suốt đêm nay với chúng, vì chàng là một ông bố hết sức chịu chơi, đại khái chữ chúng dùng có nghĩa như thế. Chàng lịch sự từ chối, rồi lịch sự bảo chúng cứ đi đi, chàng sẽ thu dọn phòng khách cho. Bọn Mỹ không để chàng phải lịch sự lâu, biến đi trong chớp mắt. Chúng, và con gái chàng. Cho đến lúc mà cánh cửa đóng lại sau lưng bọn chúng, chàng vẫn đinh ninh rằng thế nào Bích cũng quay trở lại, dù chỉ để nói rằng nó thương chàng, hay chỉ nói rằng nó cảm ơn chàng. Nhưng nó không hề quay lại. Chàng chồm người qua cửa sổ, nghe những tiếng cười giòn giã vọng lên, nhìn theo những ánh đèn xe chấp chới biến mất ở cuối đường. Chưa bao giờ, chàng nói, có một nỗi thất vọng đủ sức quật chàng lao đao như thế.
Và, anh sợ rằng sẽ có một nỗi thất vọng lớn hơn, nỗi thất vọng cuối cùng đổ xuống cho anh bây giờ. Anh đang chờ đợi nó đây. Chàng nói tiếp.
Niềm cô đơn sầu não từ những lời kể lể bằng một nhịp độ rất chậm của chàng, giống như những nốt nhạc rời rã cuối cùng để chấm dứt một tình khúc chẳng lành, bao phủ khắp người nàng như một lớp sương giá. Ở phía sau lưng chàng, bên ngoài cửa sổ, đêm thành phố cuối tuần dường như chỉ mới bắt đầu thắp lên hết những ngọn đèn phù hoa của nó. Chắc cũng đã nửa khuya rồi. Hai người ngồi yên lặng ở hai đầu chiếc loveseat, buồn rầu và lúng túng như hai diễn viên đóng rất dở một scene tình tứ. Nàng thấy lạnh, nàng ủ tay vào áo, nàng cựa quậy những ngón chân ở trong mũi nhọn của đôi giày. Tự nhiên nàng nghĩ nếu nàng cũng là một người đàn bà, cuộc đời nàng cũng đã dở dang thì có thể, có thể thôi, sau này sẽ xảy ra cái cảnh con anh và con em nó đánh con chúng ta, nhưng ngay bây giờ thì hai người sẽ không bị rơi vào cái cảnh ngộ bối rối ngượng ngùng này. Nhưng, dĩ nhiên nàng không nói ra điều nàng đang nghĩ. Nàng không đủ can đảm để tỏ ra giễu cợt, cũng không đủ can đảm để tỏ ra ân cần hơn vì sợ nàng sẽ rơi trở lại vào cái tâm bão vừa chạy thoát ra lúc nãy. Cuối cùng, vào một lúc mà nàng nghĩ cả hai sẽ cùng phá lên cười thì chàng ném cái ly giấy úp chụp lên một bông hồng bằng kem gẫy bét cánh trên bàn, xoắn hai bàn tay có những ngón rất dài vào nhau, ngước lên nhìn nàng, đôi mắt sáng quắc sau làn kính. Anh đã gặp em trễ, nhưng có phải là trễ quá không? Em có thể nào là vợ của anh không?
Nàng lùi lại, lùi nữa đến đầu mép cùng của chiếc ghế, ngó đăm đăm trả lại tia mắt chàng và cười lên khanh khách như đã nhập vai. Are you serious?
Chàng đỏ mặt. Điệu bộ và ngôn ngữ của nàng vào một giây phút mà chàng cho là quan trọng của đời chàng như giây phút này nghe thật chướng tai. Chàng dằn từng chữ một. Em đừng có tỏ ra giễu cợt, đứng có tỏ ra lố lăng, đừng có tỏ ra tai quái với anh… Lúc chàng mắng con gái ắt giọng chàng cũng chỉ gầm gừ đến thế là cùng, nàng nghĩ, nhưng làm gì mà dám mắng nó, hở một tí ra cô ả cuốn gói đi như Mỹ thì mất con ngay. Nghĩ đến đây, lòng nàng lại tràn ngập một tình yêu buồn rầu và chua xót. Nàng dịu dàng. Vâng, em không định tỏ ra như thế đâu, em chỉ… Được đà, chàng tiếp luôn. Em có thấy là bao nhiêu hương mật ngọt ngào, bao nhiêu hoa bướm ở trong trái tim em, em đem rải đâu đó cùng khắp thiên hạ rồi không, còn lại tất cả những thứ gì cay đắng nhất em dồn về cho anh không, thấy không? Tại sao vậy chứ? Đừng có mất công đóng kịch với anh. Nếu em nói tiếng Anh, anh cũng sẽ trả lại em một câu như thế này, ngắn thôi. I love you the way you are.
Nàng lúng túng. Đã quen với tốc độ nói chậm chậm chừng mực của chàng, cộng thêm với cái ấn tượng khôi hài chàng là một người bị đàn bà chọn lựa từ thuở còn tân, nàng có hơi coi thường nghệ thuật tán tỉnh của chàng. Đúng ra, nàng tin rằng rồi chàng cũng sẽ chỉ dám xuôi tay nhìn nàng đi lấy chồng như bao nhiêu mối tình văn nghệ khác đã đi qua đời chàng trong khoảng thời gian từ mười năm trở về trước. Đêm nay, nghĩ đến việc mình đã nghe lời chàng đem thân đến đây, nàng có cảm tưởng mình đã bị dồn ngoan vào chiếc bẫy. Nàng vùng vẫy. Nàng bỏ đứng dậy. Chàng chồm tới kéo hai tay nàng xuống, tiện đà giữ chặt lấy hai vai nàng. Trả lời câu hỏi của anh đi. Nàng làm tỉnh, coi kìa, em có chạy đi đâu được đâu. Bỏ ra đi rồi em nói. Nàng lùi trở lại đầu ghế, giữ một thế thủ an toàn. Những bài biên khảo về ca dao hồi ở Việt Nam của anh ấy, anh còn giữ đủ không, nàng hỏi. Không mấy ngạc nhiên trước lối chạy vòng quanh của nàng, chàng buông thõng. Không, không biết ở Việt Nam còn không chứ ở đây thì anh không có. Nàng cười. Có những câu rất dễ thương, rất phổ thông mà nhiều khi anh lại quên chăng. Chẳng hạn như… nàng hắng giọng… Hò ơ… ơ… Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời mẹ ghẻ… Hò… ơ… Mấy đời mẹ ghẻ có thương con chồng. Hò… ơ… ơ…
Đôi mắt chàng tối sầm lại. Chàng nhìn nàng đăm đăm như không khép mắt lại được nữa, nhưng nàng không thấy, vì nàng không nhìn chàng sau khi hò xong. Cũng rất nhanh, sửa lại gọng kính, chàng cười. Giọng em hát dân ca miền Nam nghe cũng ngọt quá đấy chứ. Bây giờ nàng mới dám ngó chàng, cười theo, giọng hớn hở như trẻ con, nàng tưởng nàng thắng chàng rồi. Anh không biết chứ, em đã nổi tiếng trong trường là giọng ca thiên phú đấy, chỉ tiếc là chưa cho quảng cáo nên chưa được gọi là giọng hát đang lên của nền tân nhạc hải ngoại đấy thôi… Ờ ờ, em chỉ cần đi hát nhiều vào, hát khắp nơi là người ta biết mình ngay chứ gì, hát hay không bằng hay hát… Chàng cũng hắng giọng… Hò ơ…ơ… Ngồi trong cửa sổ chạm rồng. Hò ơ…ơ… chăn loan gối phượng không chồng cũng hư… Hò ơ… ơ…
Nàng đứng phắt dậy cùng lúc con gái chàng xô cửa chạy vào như gió lốc. Daddy, tụi nó say rượu lái xe bị police chận ngoài xa lộ hết rồi, Daddy…
Nàng từ chối không nghe điện thoại của chàng nhiều ngày sau đó.
Cuộc đối thoại bằng ca dao giống như những đường gươm mà cả hai đã đâm thấu vào trái tim nhau. Cả hai kiếm sĩ đều không chết nhưng không ai còn đủ sức đấu tiếp nữa.
Tiếng chuông điện thoại cứ reo lên từng chập theo nhịp ba tiếng một, một tín hiệu riêng của chàng, vào những giờ khá trễ tràng trong một ngày làm ông anh nàng cáu kỉnh. Ai ở đó mà gác điện thoại cho nó suốt đêm được. Chịu thì nói là chịu, không chịu thì nói quách là không chịu để người ta khỏi gọi nữa. Con gái cứ có cái trò vừa đánh vừa chạy đó, thối không chịu được. Bà chị dâu nhìn chồng, tủm tỉm cười… Hai người đang nhờ nàng mà ôn lại câu chuyện tình duyên của họ ngày xưa.
Nàng nhấc ống nghe lên. Chàng nhập đề ngay, không chào hỏi kiểu cách gì với nàng nữa. Thôi đủ rồi. Chúng ta dày vò nhau như vậy đủ rồi. Bây giờ em trả lời anh đi. Chàng làm như đang dồn toàn lực đánh trận sau cùng. Nàng thở dài, ít nhất, trước đó anh cũng phải hỏi xem là em có yêu anh không đã chứ. Chàng vẫn không đổi giọng. Không lẽ mà em lại không yêu anh. Nàng bướng bỉnh. Nếu bây giờ em nói rằng em không yêu anh thì anh nghĩ sao? Nàng nghe ở đầu dây bên kia vang lên tiếng động nặng nề như chàng vừa thả rơi vật gì đó xuống thảm, cũng có thể chàng vừa buông mình ngồi xuống hay kéo ghế đứng lên gì đó. Cuối cùng, chàng thở ra. Không lẽ hồi mới sinh ra người ta đã thay tim em bằng… tim khỉ rồi sao!
A ha. Nàng bật cười giòn. Tiếng cười trong trẻo của nàng vang qua đường dây làm chàng nghe nhẹ nhõm cả người, đồng thời chính nàng cũng thấy tâm hồn được trải một thứ hạnh phúc giản dị. Một thứ hạnh phúc không làm cho người ta sung sướng quá cũng không làm cho người ta đau khổ quá. Nàng không tìm ra được câu nói đùa nào để trả lại cái tim khỉ mà chàng vừa ném ra. Đầu dây bên kia, có lẽ chàng cũng đang nghe được cái tiếng thở nhẹ của nàng, cũng nắm được niềm bối rối của nàng. Chàng tiếp, bằng cái giọng đắc chí êm đềm. Thấy chưa, em hát dân ca thì anh cũng hát dân ca, em nói tiếng Anh thì anh cũng… biết nói tiếng Anh chứ bộ. Chúng ta là một đôi kỳ phùng địch thủ có thể đấu với nhau suốt đời không chán đâu em. Nàng lại cười nữa. Anh không định nói là nếu anh… ăn chả thì em cũng có quyền ăn nem đấy chứ… Nàng khựng lại. Chính nàng khựng lại trước khi tiếng nói kịp tuôn ra hết cùng ý nghĩ. Nàng lại đang đâm vào vết thương cũ của chàng rồi. Niềm hạnh phúc giản dị ở lại trong lòng nàng những giây phút rất phù du. Chúng ta vẫn là những kẻ muốn mua đắt và bán đắt cái giá của đời mình. Chúng ta là kỳ phùng địch thủ, là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, đồng bệnh tương lân hay đồng loại tương tập đây… Nàng không muốn nói năng gì nữa. Nàng thèm muốn được ngủ một giấc thật dài. Nàng muốn gác máy ngay, nhưng nàng không làm được điều đó với chàng như đã làm với bao kẻ khác. Nàng áp chặt ống nghe, thì thầm, van lơn. Thôi cho em đi ngủ nghe. Em mệt rồi. Cho em đi ngủ đi…
Tiếng chàng vọng lại ở bên kia như một niềm thất vọng vô biên. Ừ… Thôi vậy… Thôi em đi ngủ đi. Mai anh gọi tiếp. Em gác máy đi.
Một trong những thói quen dễ thương của chàng mà nàng nghĩ là nàng sẽ không muốn quên, khi chàng luôn luôn nhắc nàng gác máy trước. Chàng nói chàng thích nghe nàng gác máy, trước hết vì lịch sự chung chung với phụ nữ, sau đó vì chàng thích nghe tiếng động khô khan của ống nghe gác xuống để tưởng tượng ra bàn tay nàng khi làm cái động tác khô khan ấy. Chàng còn thích gọi nàng từ máy công cộng để lắng nghe thêm tiếng rơi của những đồng tiền sau khi chính chàng gác máy. Tiếng rơi của những đồng tiền mà tùy từng ngày từng buổi chàng nghe âm vọng khác nhau. Ôi những đồng tiền rơi hớn hở ngân nga rơi buồn rầu rơi oán trách. Một thói quen khá tốn tiền, nàng đã cảm động phê bình như thế. Chàng cười cười, yêu tốn tiền lắm chứ.
Nàng vẫn chưa gác máy. Ý nghĩ sẽ nói xa chàng mãi mãi làm nàng tê tái hết cả người. Nhưng chắc chắn nàng không thể nói vào lúc này. Chắc mình phải viết một lá thư đẫm lệ. Nàng lại thở nhẹ. Good night.
Lâu lắm, ở bên kia, giọng chàng nghe ấm hơn bao giờ hết. Bonne nuit.
Nàng vội gác nhanh ống nghe xuống. Nàng sợ phải nghe chàng sử dụng thứ ngôn ngữ của tình yêu cũng như sợ phải nghe chàng, một lần nữa, nói yêu nàng. Nàng thấy tê rần một bên tai vì có lúc đã áp chặt ống nghe để gom hết những lời thì thầm của chàng, như sợ có ai trong nhà nhấc parallel lên nghe mất. Nàng trở mình một cách nặng nhọc. Nàng nhìn đồng hồ, nghĩ tới những bài vở mà nàng phải làm xong trong buổi tối hôm nay, nghĩ tới sáng ngày mai phải thức dậy vào lúc mà bầu trời mùa thu còn mờ tối và tê tái lạnh cùng với cái cảm giác thèm muốn vô cùng được nằm xuống ngủ lại, ngủ mãi mãi. Nàng nghĩ tới những chặng freeway dài tít tắp mà nàng phải vượt qua trong một ngày để ra đi và trở về, những vụ kẹt xe khổng lồ, quay kín cửa xe, khóa chốt trong cẩn thận theo đúng những lời dặn dò dành cho phụ nữ trong khi lái xe. How to protect yourself. Rồi lơ mơ đạp thắng nhấn ga như cái máy, lơ mơ nửa thức nửa ngủ nửa tỉnh nửa mê những điều không rõ rệt. Tôi bước đi không thấy phố thấy nhà, chỉ thấy xe hơi Nhật chen cùng xe hơi Mỹ. Nàng nghĩ tới một lá thư khác của mẹ. Mẹ nghe nói bên ấy xe cộ đường xá trùng trùng điệp điệp, mà tội ác cũng vậy nữa. Làm gì thì cũng phải nhớ bảo trọng lấy thân. Nhớ bảo trọng lấy thân… Nàng lại muốn khóc. Nàng nhớ mẹ. Nàng nghĩ nàng phải chấm dứt liên lạc với chàng ngay. Ôi đôi ta tình thương nhau thì vẫn nặng. Mà lấy nhau thì hẳn là không đặng. Chi bằng sớm liệu mà buông nhau… Nàng cười giòn tan như một nhân vật bi kịch trước khi cánh màn nhung buông xuống.
Nàng phải là người quyết định rời chàng. Rồi hai người vẫn sẽ ở cùng hai đầu của một thành phố có hơn năm mươi ngàn người Việt Nam này, ở thung lũng đất lành chim đậu này. Quân tại Tương giang đầu, thiếp tại Tương giang vĩ, đồng ẩm Tương giang thủy… Sẽ không có ai bỏ đi đâu, sẽ không có ai bị thương, cũng không có ai chết. Không có ai chết vì một chuyện tình lãng mạn và trắc trở vào cuối thế kỷ thứ hai mươi ở trên đất Hoa Kỳ. Rồi hai người sẽ vẫn thở cùng một bầu không khí hơi ô nhiễm, dẫm bước trên cùng một con đường đông đúc, một khu phố nhỏ cuối tuần, vẫn tiếp tục theo đuổi những công việc cả hai đã cùng theo đuổi, làm sao cả hai có thể không trông thấy nhau? Sẽ không có một cuộc chia ly đẫm lệ nào xảy ra, không có sân ga tuyết lạnh, bến tàu đèn vàng, một người không đưa người kia sang sông mà nghe có tiếng sóng ở trong lòng, những khoảng thời gian đã được tiểu thuyết hóa, được thi vị hóa, ngày giờ mà người ta nói tiễn biệt nhau… Không, sẽ không có gì xảy ra cả, cuộc sống văn minh vẫn cứ tiếp tục bằng nhịp độ bình thường của nó. Nàng nghe vị mặn của những giòng lệ chứa chan rơi xuống giấy vở. Nàng khóc no nê như khóc trên vai mẹ lần cuối cùng trước lúc ra đi.
Hơn lúc nào hết, nàng hiểu rằng nàng có yêu chàng (làm sao nàng có thể không yêu một người đàn ông như thế?) cùng một lúc nàng biết rằng nàng đang đắp thêm cho lòng mình một bia mộ mới. Chẳng phải vì nàng không sẵn lòng làm mẹ kế của con gái chàng. Cũng chẳng phải vì những lời lẽ như rút ruột rút gan mà mẹ nàng đã gởi sang từ phía bên kia đại dương. Người ta có thể không gần được nhau vì trách nhiệm đối với những người đang sống và đang hy vọng ở họ. Nhưng nàng thì không.
Nàng cưu mang món nợ với một người đã chết.
Người thanh niên đã lấy thân che chở nàng trong khoảnh khắc mà tội ác mang tiếng nói của pháp luật. Máu từ châu thân òa vỡ tắm đẫm thân nàng. Người thanh niên đã bị đẩy xuống biển như một mũi lao bằng máu. Người mà nàng không biết tên, không rõ mặt, cũng chưa chuyện trò, chỉ nhớ giọng chàng hét lên trong giây phút cuối cùng. Nằm xuống!
Nàng tưởng rằng sau khi giữ đúng lời nguyện hương khói cho chàng ba năm, bằng thời gian mà một người vợ phải để tang chồng, nàng có thể yên lòng đáp ứng mọi lời kêu gọi yêu đương và hạnh phúc thanh xuân như bất cứ cô gái nào giữa tuổi thanh xuân. Nhưng không.
Tiếng kêu thất thanh ở giữa đôi bờ sinh tử của chàng, chứ không phải tiếng kêu gọi yêu đương, vẫn vọng về giấc ngủ đầy mộng mị của nàng, từng đêm. Nhắc nhở nàng rằng cuộc đời nàng từ ấy không phải là cuộc đời của riêng nàng mà còn là cuộc đời của kẻ khác, nhắc nhở nàng rằng nếu nàng không sống cho xứng đáng cuộc sống bằng sinh mạng của nhiều người cộng lại, linh hồn chàng sẽ theo đuổi nàng cho tới kiếp sau. Nàng đã kêu thét trả lại những tiếng vang mộng mị ấy rằng nàng không có bổn phận phải giữ lòng trinh bạch với chàng suốt đời. Nàng có khi như người mộng du thức dậy nửa khuya đứng đong đưa trên miệng bờ vực thẳm, lòng tràn ngập giữa niềm tri ân và lòng oán hận không bờ bến với cái mảnh linh hồn đã chìm sâu đáy nước kia. Nàng thấy khuôn mặt đẫm máu của chàng chập chờn chập chờn không đường nét không hình dáng. Nàng thấy chàng lao xuống như một mũi lao bằng máu. Lao xuống. Rồi từ từ chậm chạp, chìm dần, chìm dần bằng độ rơi trung bình của một vật nặng bị thả xuống một khối thể tích có tỷ trọng lớn hơn nước. Một khối thể tích mênh mông đen thăm thẳm giông tố và nghiệt ngã. Nàng lại nghĩ tới mẹ. Nghĩ tới cuộc sống mà mẹ đã đem đến cho nàng. Nghĩ tới nỗi đau đớn của mẹ khi lìa nàng, nghĩ tới niềm hạnh phúc của bà khi biết nàng đã đặt chân tới đất. Nàng nghĩ tới lá thư đang viết dở từ suốt nhiều weekend trước vẫn chưa xong. Nghĩ tới điều mà nàng sẽ không bao giờ có thể viết trong những lá thư trở về. “Con đang rơi với vận tốc trung bình, mẹ ơi”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét