khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 9 tháng 12, 2019

Cha tôi, Hoàng Tụy- Tác giả Hà dương Tuấn





"Ba mẹ tôi có bốn người con, tôi là con thứ ba. Một trong những công trình để đời của ông - lý thuyết quy hoạch lõm - được đưa ra đúng năm 1964 khi tôi ra đời. Sau này, ông kể đó là một trong những thời gian khó khăn nhất của cuộc đời làm khoa học của ông, khi ông "bị đấu lên bờ xuống ruộng" khiến có những lúc rất nản. Nhưng nghị lực đã giúp ông tập trung làm khoa học. Với ông, "cứ vùi đầu làm khoa học, bỏ ngoài tai mọi chuyện khác, phớt lờ, quên bớt đi, rồi cuối cùng sẽ vượt qua được khó khăn".
Tôi và Ba sống ở hai nước khác nhau từ khi tôi sang Liên Xô du học năm 18 tuổi. Những năm tháng tuổi học trò của tôi ở Hà Nội, nhà rất chật. Có hai phòng nhưng một phòng toàn là sách của ông, nơi ông làm việc từ sáng rất sớm đến đêm rất muộn. Tôi chưa thấy ai lao động trí óc giản dị, cần cù, tận tụy như vậy và làm được liên tục trong 70 năm liền! Dường như ông sinh ra để làm việc. 
Ông ít có thời gian để trông coi các con. Năm lớp 6 và lớp 7, mỗi khi bị nhà trường bắt viết bản kiểm điểm là bao giờ tôi cũng cố viết một trang mặt trước, dành trang sau cho chữ ký phụ huynh, lựa lúc ông đang tập trung nhất thì đưa mặt sau đó nhờ "Ba ký cho con cái này". Giao lưu chính của ông với các con có lẽ ở những bữa ăn hằng ngày. Ông luôn nói "ăn để mà sống, chứ không phải sống để mà ăn" và quan trọng là không phải sống bao lâu, mà cuộc sống có ý nghĩa như thế nào, để lại được cái gì cho đời. Tôi vẫn nhớ ông nói người ta nhớ Newton, chứ mấy ai nhớ tên ông vua nào thời đó.
Những câu chuyện về toán học của Ba luôn cuốn hút, làm tôi coi con đường làm toán là chuyện khá tự nhiên của đời mình. Ông kể về nhà toán học Galoa mất năm 19 tuổi mà đã để lại cho đời đại số Galoa hấp dẫn tới mức là hồi đó, tôi đã coi Galoa là thần tượng và ước ao chỉ cần sống đến 18-19 tuổi nếu làm được cái gì có ý nghĩa. 
Có những lúc tôi mong mình sẽ nghiên cứu loại toán học trừu tượng nào đó, vì đơn giản nghe tên nó thấy là lạ. Khi vào đại học, Ba có khuyên tôi đọc mấy quyển sách về tối ưu. Trường tôi lúc đó không có ngành tối ưu, nên tôi đành chọn ngành "điều khiển tối ưu", nghĩ nó gần với tối ưu, nhưng rồi thực chất hoàn toàn khác là về phương trình vi phân.
Lần đầu tiên tôi nghiên cứu về tối ưu là năm 1996, khi mà áp dụng các thuật toán tối ưu để giải các bài toán điều khiển đã trở thành hướng đi chính trong lý thuyết điều khiển. Đó cũng là thời điểm lý thuyết điều khiển thoát khỏi sự bế tắc do bị lạc hướng trước đó. Đó là lần đầu tiên tôi được học "lát cắt Tụy" mà ông làm ra quãng thời gian tôi ra đời. 
Người bạn tốt nhất của tôi và là người hợp tác với tôi đến tận hôm nay Pierre Apkarian (GS Viện Onera-Cert, Pháp) lúc đó đã nói với tôi: "Sao lại có kết quả hay và độc đáo được như vậy?" (ý nói về "lát cắt Tụy"). Từ đó, tôi có được cơ hội để làm việc với Ba, được học cách suy nghĩ, tiếp cận các vấn đề mới. Một trải nghiệm tuyệt vời ít ai có được.
Thời gian đó, Ba quan tâm tới các bài toán tối ưu khó không lồi với cấu trúc đặc biệt. Các bài toán điều khiển cũng thuộc lớp đó. Thời đó đâu có liên lạc với VN dễ dàng bằng email như bây giờ. Phương tiện chủ yếu để liên lạc với ông là fax những vấn đề quan tâm, rồi sau đó gọi điện thoại để trao đổi. 
Điện thoại quốc tế khi đó rất đắt, nhưng rất may mắn là Trường đại học Tổng hợp Nagoya nơi tôi làm việc ở Nhật cho phép dùng thoải mái nếu như bàn về công việc. Trong một thời gian khá dài, hầu như ngày nào tôi cũng gọi điện cho ông. Các bài nghiên cứu chung với ông đã cho tôi một tri thức về tối ưu hóa và tạo bước ngoặt cho con đường nghiên cứu của mình.
Năm 1997, Pierre và tôi đã viết bài "Quy hoạch lõm trong lý thuyết điều khiển" đăng ở số đặc biệt của tạp chí Tối Ưu Toàn Cục (J. of Global Optimization) kỷ niệm 70 năm sinh nhật ông. Theo ý tưởng của Ba, trong bài đó chúng tôi chỉ ra rằng hầu hết những bài toán khó trong lý thuyết điều khiển đều có thể quy về bài toán quy hoạch lõm mà ông đã đưa ra năm 1964, hơn thế nữa chúng có cấu trúc đặc biệt và theo nguyên tắc có thể giải quyết được bằng các thuật toán đưa ra trong cuốn sách của Konno (GS Đại học Công nghệ Tokyo) - Phan Thien Thach (anh rể tôi và con rể ông) - Hoang Tuy, xuất bản năm 1997.
Sau đó, tôi và Pierre còn có nhiều bài báo khác về phương pháp giải những bài toán khó trong điều khiển dựa trên lý thuyết tối ưu đơn điệu mà Ba đưa ra những năm 1999-2002. Ít ai biết là có bài báo đăng ở IEEE Transactions on Wireless Communications, một trong những tạp chí hàng đầu thế giới về truyền thông không dây, dùng hoàn toàn thuật toán tối ưu đơn điệu của ông đã được giải bài báo hay nhất (best paper) của tạp chí đó năm 2009.
Năm 2002, Ba sang làm việc với trường tôi và Viện Riken ở Nagoya (Nhật Bản), cũng để thăm cháu (con gái tôi sinh cuối năm 2001). Hình ảnh đáng nhớ nhất là đi đâu ông cũng mang loại laptop SONY Vaio phổ biến ở VN thời điểm đó vừa to vừa nặng, khác hẳn với loại Vaio gọn nhẹ phổ biến ở Nhật. Ông mang cái laptop quá nặng nhọc đó so với cỡ người tầm thước của ông đi khắp nơi. 
Sau mấy chục năm, đồng nghiệp của tôi lúc đó vẫn nhớ hình ảnh "choáng nhất" là một người trên 75 tuổi rồi mà lúc nào cũng miệt mài gõ LaTex (cách viết công thức toán trên máy tính) để viết các bài báo khoa học. Rồi anh "choáng hẳn" khi thấy ông bảo anh chỉ cho ông cách lập trình trên Matlab (ngôn ngữ lập trình tính toán), để khi về VN ông muốn tự lập trình cho các thuật toán của mình. 
Ông không bao giờ ngừng làm việc và ngừng học hỏi. Lúc đó ở tuổi 75 mà ông nói khát vọng nghiên cứu của mình cũng hệt mấy chục năm trước đây. Ông muốn phát triển các thuật toán tối ưu của ông để giải các bài toán của hình học fractal (hỗn loạn), vấn đề mà theo ông sẽ khai thác được những nghiên cứu của ông về lý thuyết hàm thực cách đó hơn 40 năm. Ông bảo tôi đọc những bài ông giới thiệu về hình học fractal.
Năm 2008, khi đã ngoài 80, ông nói với tôi và anh rể là định lý tô pô cực tiểu - cực đại (topological minmax theorem) ông đưa ra năm 1974 là một trong những viên ngọc sáng của đời làm khoa học của ông, và ông bảo chúng tôi tìm cách phát triển và ứng dụng. Cách đây không lâu, GS Baggio Ricceri người Ý nói với tôi rằng bài báo của ông trong lĩnh vực này (viết năm 2008) là một kiệt tác. 
Tôi có nói với GS Ricceri là tôi có đọc kỹ bài báo đó và cảm nhận của tôi là vẻ đẹp của toán học chắc chỉ đến vậy, vì tôi chưa thấy có kết quả mạnh với cách chứng minh đẹp như thế bao giờ. Nói một cách nôm na là định lý đó giúp chúng ta đưa được nhiều bài toán tối ưu phi tuyến rất khó giải sang bài toán dễ giải. Trong lý thuyết điều khiển, người ta gọi đó là quá trình S (S-procedure), được đưa ra từ những năm 60 của thế kỷ trước. Nếu giải quyết được quá trình đó thì giải được biết bao bài toán khó nhất của lý thuyết điều khiển.
Để có bài báo đăng ở tạp chí Tối Ưu Toàn Cục năm 2012, chúng tôi đã sửa không dưới 50 lần trong thời gian 2010-2011. Ông cố gắng thử cách này, sửa cách kia, làm một người trẻ hơn ông 37 tuổi như tôi cũng phải gồng mình mới theo kịp. Có những lúc tôi chưa kịp hấp thụ được những thứ ông vừa đưa ra thì ông đã đưa cách mới.
Vâng, như Ba đã nói trong hội nghị kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông năm 2017, những thành công trong khoa học của ông là kết quả của cuộc trường chinh trong khoa học bằng tất cả sức lực và sự đam mê trong sáng. Hãy sống hết mình với những đam mê và thành công sẽ đến, dù nhiều lúc có thể muộn màng.
Nếu ai hỏi khi nào thấy tự hào về Ba mình nhất, có lẽ đó là ở hội nghị kỷ niệm 80 năm ngày sinh của ông ở Rouen (Pháp), khi GS Kojima từ Đại học Công nghệ Tokyo cùng đồng nghiệp đã quỳ trước ông để tri ân những cống hiến của ông trong lĩnh vực tối ưu. Nếu bạn từng sống ở Nhật thì sẽ hiểu ý nghĩa của hành động đó là thế nào".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét