khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Năm, 21 tháng 11, 2019

Lấy chồng xa xứ - Tác giả Trà Mi



Em về thưa với mẹ cha
Có cho em lấy chồng xa quê người
Em về hỏi mẹ thầy rồi
Chồng xa cũng lấy, quê người cũng đi




Mark Lin, công ty True Love Vietnam Brides Matchmaker cho biết hiện tại ông chỉ yêu cầu phụ nữ Việt Nam có người thân ở Singapore đến, vì ông cảm thấy họ có nhiều khả năng qua được cổng di trú. Nguồn: Straits Times PHOTO: DESMOND WEE

Sốt cả ruột! mấy tuần nay, bà con cô bác báo đài trong ngoài, rần rần nói đến mấy cái đám cưới rình rang của cô dâu Việt Nam với các chàng rể từ các đảo quốc Singapore, Taiwan, Hong Kong, Malaysia,…Quẳng chuyện nấu nướng qua một bên, kêu pizza, hamburger ăn đỡ, bỏ mấy bữa đi tìm hiểu xem đầu đuôi vụ việc như thể nào, biết đâu đấy…

Cô dâu Việt Nam

Trời đất ơi, đúng là thời đại thông tin hiện đại nha! Mới tung một thế “gú-gồ phu” nhằm chữ cô dâu Việt Nam thì chỉ 0.11 giây sau trên mạng đã hiện ra 1,850 chỗ để truy cập thông tin. Nhắm mắt đưa tay bấm đại một link; chèng đéc ơi, quá xá quà xa, có tới gần 90 tấm hình mấy chị em Việt Nam – đủ tư thế, đứng ngồi, ngả lưng, cười mím chi, tay để trên vai, tay rờ bắp vế. Chú thích dưới hình ảnh có vài loại, hàng mớimuốn chồng – chưa có ý trung nhân, thành công – đã tìm được người trong mộng và cả hàng mẫu tức là hình kiểu, coi cho biết cô dâu tương lai cỡ nào thôi.
Làm tới, bấm chuột vào một “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” cũng chỉ được thấy tấm hình bự hơn, phía dưới ghi hàng chữ “Môi giới tại Việt Nam” và tấm ảnh này đã được coi tới hơn 2000 lần rồi. Ngó tới ngó lui cũng không biết thêm thông tin về tuổi tác, sở thích hay ngoại hình như thường đăng trong mục rao vặt tìm bạn bốn phương ngày xưa.
Đã trót thì trét luôn – phải ghi tên vô làm hội viên của trang môi giới hôn nhân này mới được “tìm hiểu” được các mỹ nữ đang gieo cầu trên mạng. Vô tới thâm cung, đánh vào khung tìm kiếm khoảng tuổi từ 18 tới 80 (cho chắc ăn), dí chuột vào nút search thì thấy được 10 trang hình ảnh và một số thông tin cần, dù chưa đủ, để qua vòng sơ thẩm. Trên 10 trang – gần 100 phụ nữ, tuổi từ 19 đến 40, độc thân hay đã một (hoặc vài) lần dang dở cũng có – chỉ thấy hai giai nhân từ Việt nam là Minh Hằng và Cindy.


Minh Hằng
Minh Hằng, 29 tuổi, độc thân, không hút thuốc, không ăn chay, học lực tiểu học, nói tiếng Việt và Quảng Đông thông thạo, biết sơ sơ tiếng Quan Thoại và tiếng Anh. Thích nấu nướng. Mắt nâu, tóc đen, cao khoảng 1m57 đến 1m69. Tính tình đơn giản, trầm lặng. Không đòi hỏi gì nhiều ở ý trung nhân. Tìm chồng từ 35 đến 60 tuổi.




Cindy
Cindy, 35 tuổi đời, một lần dang dở, đạo Phật, không hút thuốc lá, thích thức ăn Á châu, nói thạo tiếng Việt và Anh ngữ, biết sơ sơ tiếng Quan Thoại, học lực trung học. Thích shopping, du lịch, xi nê, nấu nướng và internet. Tóc đen, mắt nâu, thân hình loại vận động viên, cao khoảng 1m57 đến 1m69. Cindy đang sống ở Malaysia với con gái 15 tuổi, làm nghề uốn/hớt tóc. Đã ly dỵ, đẹp, dễ mến muốn tìm bạn trai dễ thương, thông minh, chín chắn tuổi từ 40 tới 49 để cùng du lịch, đi chơi, hợp sẽ tiến tới hôn nhơn.
Tìm mù mắt cũng không thấy hình ảnh “khuôn trăng đầy đặn” hay mấy chục người đẹp khác được giới thiệu ở ngoài. Hoá ra Life Partner Matchmaker Pte Ltd tính xí gạt mấy anh cô đơn người các đảo quốc vùng châu Á.
Bên ngoài, Life Partner Matchmaker (LPM) quảng cáo rùm beng, nào là “sáng lập ra phong trào cô dâu Việt Nam tại Singapore” hay thô bỉ hơn nữa “chuyên cung cấp cô dâu Việt Nam trinh trắng” và giới thiệu chương trình du lịch chọn vợ gồm 5 ngày/4 đêm, bao vé máy bay đi về, khách sạn, tiền xe, ăn uống cho “chú rể”. Dịch vụ này lo cả chi phí khám sức khỏe cho cả đôi, kể cả của hồi môn cho cha mẹ cô dâu. Không kém quan trọng, LPM sẽ trả luôn chi phí lấy “chứng chỉ còn trinh” và đừng quên trong chuyến đi tua này các “chú rể” có cơ hội tìm vợ trong cả 1,000 cô gái (trinh trắng) Việt Nam và chỉ phải trả trên 500 USD (888 SD), phần còn lại chỉ trả khi quyết định cưới.
LPM, ở những trang ngoài, còn đưa ra hình ảnh cô dâu Việt Nam xinh đẹp, tươi cười ôm hoa cưới như hình ảnh Đỗ thị Thuý Hằng mới lấy chồng Singapore tháng 7, 2005.
Trong số ra ngày 18 tháng 11 năm 2004, Simon Sim, Giám đốc Mayle Mariage Agency (MMA) cho The Sunday Times biết MMA tính giá mềm hơn những dịch vụ khác, trọn gói cưới vợ Việt Nam chỉ mất chưa đến 6,000 USD (9,888 SD). 90% trong số 67,000 đàn ông chưa vợ tuổi từ 35 đến 49 tại Singapore là người gốc Tầu. Sim cũng cho biết thêm, khách của MMA đa số là người lao động tuổi từ 40 đến 50; Peter Chua là một thí dụ, “Đàn bà Singapore ước vọng cao lắm, tôi chỉ mong gặp người đơn giản, dịu dàng, và không mơ ước cao sang.”
Mới đây, trên The Sunday Times, số ra ngày 27 tháng 11, 2005, Arti Mulchand tường thuật thảm trạng của cô dâu Việt Nam lấy chồng qua môi giới của năm dịch vụ hôn nhân tại Singapore.
Một tháng trước đó Yến (không phải tên thật) sang Singapore tìm một tấm chồng và cuộc sống tốt đẹp hơn. Hôm nay Yến đã về lại Tây Ninh, tay trắng, ngoài số tiền tượng trưng do Vietnam Brides International Matchmaker (VBIM) bồi thường. Chồng 5 ngày của Yến, người thợ sửa giầy Fan Kiet Teng, 64 tuổi, đã bị kiện vì ký ngân phiếu 10,000 SD (5,907 USD) không tiền bảo chứng. Sau năm ngày dẫn đi khách sạn, Teng đem Yến trả về VBIM rồi trốn biệt. Tệ hơn nữa, Teng vẫn còn vợ chứ không phải goá bụa côi cút như lời khai.
Yến chỉ là một trong nhiều nạn nhân của những tổ chức gọi là dịch vụ môi giới hôn nhân, thực chất chỉ là bọn buôn người. Không một “dịch vụ môi giới” nào quan tâm đến cô dâu Việt Nam, mục đích đơn giản của họ lợi dụng hoàn cảnh để kiếm tiền nhanh. Không có gì bảo đảm đuợc thành ý hay khả năng gầy dựng gia đình của những người đi tìm cô dâu Việt Nam. Họ chỉ cần trả lời ba câu hỏi “Ông có vợ chưa? Ông đảm bảo đời sống cho vợ được chứ? Và ông có thể sống hòa thuận với cô ấy chứ?”
Mark Lin, Giám đốc VBIM, hay Janson Ong của LPM, hoặc Simon Sim của MMA cũng chẳng khác gì nhau; bọn họ dùng trực giác để đánh giá khách hàng/chú rể. Cùng lúc, không có gì bảo đảm cho các cô dâu Việt Nam. Họ sang Singapore với giấy phép thăm viếng người thân hiệu lực 14–30 ngày. Và ngay cả khi có giấy phép thăm viếng dài hạn, nếu cơm không lành, canh không ngọt hoặc không vừa lòng gia đình chồng, cô dâu Việt Nam chỉ con một đường duy nhất: quay về với cuộc sống nhục nhằn tại quê nhà. Với cô dâu và gia đình, các công ty môi giới này chẳng có giao kèo và cũng không khế ước, họ chỉ có lời hứa suông.
Braema Mathi, Chủ tịch Hội Phụ nữ Hành động và Nghiên cứu, một tổ chức bảo vệ nữ quyền, cho biết mỗi tháng hội này nhận ít nhất là 2 cuộc điện thoại từ các cô dâu nước ngoài, không hạnh phúc, đang bị đe dọa.
Singapore là một quốc gia văn minh, luật pháp gắt gao so với nhiều quốc gia khác, chống lại lạm dụng tình dục và cưỡng bức rất khắt khe cũng như án tử hình cho người trung chuyển, buôn bán ma tuý. Singapore sẽ làm gì, sẽ có luật pháp nào để tránh trở thành chợ buôn người?

Tòa nhà trinh nữ

Trở về đầu năm 2005, cũng trên The Straits Times, Chua Kong Ho viết một bài tựa đề “Vietnam’s house of virgins”. Ở đây, house không phải là lâu đài tráng lệ hay cung điện nguy nga. Ho viết về một xưởng, một kho gái đồng trinh tại Việt Nam. Xưởng gái còn trinh này nằm ngay một khu công nghệ gần TP Hồ Chí Minh. Đây là tòa nhà một tầng, mái tôn, chứa khoảng 3,500 cô gái nguyên trinh, ngày ngày mướt mồ hôi, sót con mắt sản xuất giầy và áo polo hàng hiệu.

Chủ công ty này là một người ẩn dật, khoảng tuổi tứ tuần. Không những chỉ là một đại gia, ông chủ còn là một nhà chiến lược kinh doanh siêu phàm. Vừa là chủ công ty sản xuất giầy dép quần áo, “ngài” lại là cha đẻ của công ty dịch vụ môi giới hôn nhân “Mr Cupid International Matchmakers” (MCIM) tại Singapore. Ủa, chuyện giầy dép áo quần dính dáng, mắc mớ gì tới chuyện môi giới hôn nhân?

Dịch vụ môi giới hôn nhân nhan nhản khắp thế giới, MCIM có gì đáng để ý? Có chứ, đại gia ẩn dật đưa ra dự án dùng gái trinh nguyên sản xuất giầy dép, hàng hiệu trong khi chờ đợi khách nước ngoài vào chọn, đem đi làm vợ ở tận Singapore, Taiwan, South Korea, Malaysia hay những đảo quốc khác. Bọn tư bản với vertical integration của kinh tế thị trường chỉ đáng xách dép cho phương án kinh tế đa chiều của công ty gái–trinh–làm–giầy–dép–may–áo–đợi–lấy–chồng–xa–xứ này!
Khởi thủy, đại gia cho ma cô ma cạo về những vùng sâu vùng xa, nơi nông dân Việt Nam đang nghèo thắt họng, rủ rê con gái nhà quê, dẫn về thành phố mang tên Bác. Dĩ nhiên là với lời gạ gẫm, “Em em không những sẽ được lấy chồng nước ngoài, đời em sẽ sung sướng thong dong. Trong khi chờ đợi lên xe hoa, em còn có việc làm, có tiền nuôi ba má.” Nghe mà bắt ham.
Đó là thuở ban đầu. Bây giờ đại gia chỉ ngồi rung đùi, hóng gió – cha mẹ xóm riềng thi nhau dẫn con gái miệt vườn lên giao cho công ty liệu bề chăm sóc.
Những thôn nữ tuổi đôi mươi, dáng liễu hao gầy, từ ngã ba Lộ Tẻ hay ở miệt Năm Căn, như Huỳnh Thị Phương Thủy miệt mài suốt ca dài dằng dặc, lo trét keo, dán đế giầy Nikes và cặm cụi trên bàn máy, may áo Tommy với niềm tin đây là bước đầu chờ ngày leo lên võng vu quy.
Qua điện thoại trả lời Chua Kong Ho, Thủy nói “Em vô xưởng làm vì em muốn lấy chồng nước ngoài.”
Thủy đã toại nguyện, tháng 7, 2004, người thôn nữ 20 đã se duyên cùng chú rể Singapore, người gác kho 40 tuổi – năm anh 20, Thủy mới sinh ra đời. Thủy nói “Đời sống ở Singapore sung sướng hơn ở Việt Nam nhiều.” Cô nói như thiệt!
À, mà đâu phải ai cũng được như Thủy, ai công ty cũng nhận vào làm việc. Chính sách thu nhận nhân viên của đại gia rất gắt, tiêu chuẩn rất cao. Con gái miệt vườn đến công ty xin việc, đầu tiên phải vào phòng khám nghiệm để cai (hay má mì) coi qua da bụng đã giãn, nứt hay chưa, có dấu vết mổ ở bụng dưới hay không – nói trắng ra là má mì kiểm tra coi các cô gái đã có lần nào nở nhuỵ khai hoa. Cô nào giãn da bụng, có dấu caesarean thì đi về quê làm ruộng, nuôi tôm hay đi bán mía ghim, bán cà phê, bán bia tiếp.
Qua cái phần khám bụng đâu đã xong hả trời! Đại gia lại đưa thôn nữ sang khám “sức khoẻ”, chủ yếu chỉ để kiểm tra xem cái màng trinh con nguyên hay không. Các cô nào hồi nhỏ đi xe đạp thả dốc té, nhẩy dây, nhẩy cò cò dạng cẳng rộng quá cũng xem như không có số may quần áo, không có số dán đế giầy cho đại gia.
Tiêu chuẩn tuyển chọn nhân viên thế này chỉ có thể có trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tấm biển chỉ đường của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Ở các nước tư bản đang dẫy chết, không ai được hỏi mấy câu lơ mơ vào đời tư, không mắc mớ gì tới kỹ năng hay quá trình hành nghề, nói gì tới chuyện bắt con gái dạng háng, khám màng trinh.
Vào được công ty đâu phải đã yên thân. Công nhân phải chăm chỉ làm việc. Cái miệng bà tám, làm biếng, hay gây lộn sẽ bị má mì phạt không cho dự các cuộc chọn lựa khi có chú rể nước ngoài tới coi mắt. Tóm lại, không siêng làm, không lấy chồng – đơn giản thế thôi.
Martin Wong, Giám đốc Điều hành của MCIM tại Singapore ra điều nhân nghĩa, “Mấy cô này đi lấy chồng xa xứ nên cần được dậy dỗ, uốn nắn đàng hoàng, để nên người biết nghe lời. Chúng tôi chuẩn bị cho các cô ấy thích ứng với cuộc sống mới.”
Phương Thủy cũng đã được huấn luyện, uốn nắn, chuẩn bị cho cuộc sống mới. Trước khi theo chồng về xứ, Thủy đã làm việc 12 tiếng một ngày và thu nhập thường nhật tới gần 5 đô la Mỹ. Tính đổ đồng, Thủy làm công với giá gần 42 xu đỏ một giờ.
Tuy đổ mồ hôi, sót con mắt với đại gia nhưng đa số các cô gái quê nghèo đều thấy thoải mái hơn việc đồng áng, canh ruộng nuôi tôm – nhà thời không có điện, ăn ngày chỉ một bữa, tắm rửa thì phải chạy ra sông.
Thành tích cuả MCIM là đã tìm vợ cho 1,800 đàn ông đảo quốc quanh khu vực, 300 người trong số đó ở Singapore.
Tiến trình lấy chồng của thôn nữ tại “Vietnam’s house of virgins” như sau: các cô gái đều được cho xem ảnh của chú rể nước ngoài rồi tuỳ ý đi dự cuộc tuyển lựa hay không đi. Sau khi đã vào cuộc tuyển chọn, phần quyết định thuộc về người đàn ông đảo quốc.
Một tiến trình bình thường? Không dám đâu, nhiều lúc nó tàn nhẫn ngoài sức tưởng tượng. Một lần đã có đến 2,200 thôn nữ đi xếp hàng cho một thương gia Taiwan chọn vợ.
Wong nói, “Ông không biết đó thôi, các cô ấy hy vọng tràn đầy. Hồi hộp chờ đợi ở ký túc xá, diện áo đẹp nhất để chỉ được 2 giây gây ấn tượng với ‘tình lang’ trước khi bị đẩy đi chỗ khác. Họ sinh ra ở một nước nghèo khó, đây là cơ hội duy nhất để họ thoát khỏi đói nghèo.”
Với nhiều cô gái nghèo Việt Nam, thời gian chờ đợi lấy chồng có thể rất dài. Trong 3,500 cô gái, hàng năm có khoảng 300 cô lấy được chồng.
Các cô gái xinh, dễ nhìn thường được chọn đi làm vợ trong khoảng sáu tháng làm việc và cũng có người đã dự 200 cuộc tuyển lựa và vẫn còn ngồi dán đế giầy.
Đa số các cô quay về thôn cũ làng xưa sau khoảng 2, 3 năm thất vọng. Một số khác vẫn cố gắng, nán lại, nuôi niềm hy vọng mong manh. Người trinh nữ lớn tuổi nhất vẫn còn miệt mài may áo, mong một ngày được lên võng vu quy. Cô thợ may còn con gái năm nay đà 35 tuổi.
Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã có đáp án cho vấn nạn cô dâu Việt Nam hay vẫn bận tíu tít chuẩn bị tranh giành quyền lực ở đại hội đảng và vẫn tiếp tục hô khẩu hiệu trí trá, phỉnh lừa,
“Đảng quang vinh, 75 năm sáng suốt soi đường, đưa đất nước đến bến bờ hạnh phúc”
Quang vinh, sáng suốt ở đâu? Bến bờ hạnh phúc ở nơi nào? Singapore, Hong Kong, Taipei, Seoul, Bandar Seri Begawan, hay Kuala Lumpur?
Cô dâu Việt nam hay là nô lệ tình dục? Lấy chồng xa xứ hay là làm đĩ quốc tế? Đảng CSVN đang đẩy xã hội, đất nước Việt Nam trở về thời người làm nô lệ. Ngay cả ở thời đại bị ngoại bang đô hộ, nhân phẩm con người và danh dự dân tộc cũng chưa bị ô uế, xúc phạm đến nhục nhã như bây giờ.
Nếu nhà nước CHXHCN Việt Nam vẫn thèm khát kiều hối, nếu các đảo quốc quanh vùng muốn giải quyết vấn nạn đàn ông không vợ thì trong kỳ trong hội nghị ASEAN lần tới hãy thẳng thắn bàn đến phương án di cư tự do, cho các nước láng giềng tha hồ chọn các thôn nữ Việt Nam khỏe mạnh, đôn hậu, thông minh sang làm công dân đảo quốc.
Nói thì nói thế thôi, dự án này có vấn đề cũng như đề nghị trưng cầu dân ý của Đỗ Nam Hải – “Việt Nam nên hay không nên theo thể chế chính trị đa đảng? Nếu ai đồng ý thì bầu Có. Ai không đồng ý thì bầu Không.”
Nếu có chính sách di cư tự do cho phụ nữ Việt Nam sang các đảo quốc quanh vùng có lẽ 41.5 triệu đồng bào sẽ nộp đơn xin di cư. Nhưng trong cái rủi lại có cái may, lúc ấy may ra nhà nước CHXHCN Việt Nam mới thấy ảnh hưởng sâu sắc của nạn trai thừa gái thiếu.
Vinh danh thiên Chúa trên trời
Tự do Dân chủ cho người Việt Nam


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét