khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2019

Cù lao Dung đi chơi tám sự - Tác giả Thích Ăn Ngon



Không nổi tiếng như quần thể bốn cái cồn Long-Lân-Quy-Phụng ở Bến Tre (nhưng cũng vì vậy mà đôi chỗ đã bị thương mại hóa khá nhiều), ở Sóc Trăng có cù lao Dung vẫn còn hoang sơ lắm. Ngoài mấy cái nhà nghỉ trước giờ hầu hết phục vụ cho dân môi giới bán cá tôm và các dịch vụ cho việc nuôi tôm cá, cù lao Dung hầu như chẳng có cái gì riêng cho khách vãng lai. Nhưng chính vì vậy mà cái cồn xanh ngắt nằm giữa sông Hậu này rất đáng để dân ưa khám phá thiên nhiên tìm tới, trước khi bị những công ty du lịch phá nát như đã phá nát rất nhiều nơi đẹp đẽ của Việt Nam trước đó.

Cồng cộc bắt cá dưới bàu


Cù lao Dung bề dài tới 40 cây số, bề ngang bao nhiêu tui không biết, lục google hoài không thấy. Chỉ thấy nói nó gồm ba cái cồn hợp lại, gồm cù lao Tròn, cù lao Dung và cù lao Cồng Cộc; nằm giữa một bên là cửa Định An, một bên là cửa Trần Đề. Cồng Cộc (tên tiếng Anh là Little Cormorant, tên khoa học là Phalacrocorax niger) là một loài chim nước lớn, lông màu đen, xám, chân có màng và bắt cá rất giỏi.
Thơ ca dân gian miền Tây Nam Bộ có câu:


Cồng cộc bắt cá dưới bàu,

Cha mẹ mày giàu, đám giỗ đầu heo.
Cồng cộc bắt cá dưới sông,
Mấy đời cháu ngoại giỗ ông bao giờ


Nghe buồn quá!

Nhưng đó là hồi xưa thôi. Thời nay cồng cộc chàng bè gì cũng đã thành của hiếm, chẳng còn ai thấy nó lặn lội bắt cá dưới sông, vật đổi sao dời rồi cho nên ông ngoại cũng đừng lo chi chuyện cháu ngoại không giỗ. Khi mình sống nó yêu thương là may mắn lắm rồi.

Quay lại cù lao Dung. Nó nằm thoi loi giữa sông Hậu, một bên sông là Trà Vinh, bên kia sông là Sóc Trăng. Đi từ Trà Vinh qua Sóc Trăng hay ngược lại mà theo quốc lộ thì vòng thêm xa mấy chục cây số, nên cù lao Dung thành cái bến trung chuyển giữa hai tỉnh này. Bắt phà Đại Ngãi (xưa gọi là bắc) từ Trà Vinh (hay Sóc Trăng) tới cù lao Dung, bắt tiếp chuyến phà nữa từ cù lao qua bến đối diện là tới chỗ, được thêm mấy chục phút ngắm sông nước mênh mông êm đềm. Mấy năm nay có dự án cầu Đại Ngãi bắc từ Sóc Trăng tới cù lao Dung, nhưng nghe vậy thôi, thấy thì chưa thấy.


Bởi vậy, cù lao Dung với bãi bồi 16.000 ha non mượt phù sa, với rừng bần ngập nước lớn nhất miền Tây Nam Bộ khoảng 1.500 ha, dù lâu lâu lại được báo chí Việt Nam viết bài từng đợt để quảng bá du lịch theo cố gắng kêu gọi đầu tư của tỉnh, nhưng tới nay vẫn là cô gái bận bà ba ngủ trong rừng bần.

Với dân thành thị, lội bãi bồi rừng bần lúc triều xuống là cái thú vừa sợ hãi vừa kích thích. Khi chân ngập xuống tới đùi trong lớp phù sa và bùn non mát lạnh, lâu lâu té cái ạch, phóng mắt bốn bề chỉ có trời nước mênh mông và rừng bần xanh ngắt, xa xa mấy con cá bống sao chạy thoăn thoắt trên bùn, ba cái lo âu sự đời cũng bay biến hết.

Dân cù lao chưa bị du lịch làm hư, vẫn còn thuần phác. Đặc biệt, ăn ngon.

Hổm, tui lò dò đi ăn trưa. Tui ở mé cuối cù lao nên hàng quán không nhiều lắm. Trưa nắng, tui thèm  món gì có rau và nước nhưng chỉ thấy mấy quán nhỏ nhỏ và bán mấy món khô khô như  bánh mì. Chỗ ngồi cũng tùy tiện, sát đường. Thả bộ tới một ngã tư, dân cù lao chỉ cho cái quán ngay góc, bán đủ món nước như bún, cháo… ngó rộng rãi và nằm dưới tán mấy cây cổ thụ mát rượi. Nhưng lạ cái địa thế đẹp vậy mà khách rất thưa thớt.

Ngó sang xéo một chút thì thấy cái quán nhỏ xíu, mà xe đậu thiệt đông. Đoán là quán mát chắc chỉ dành cho khách vãng lai, còn khách địa phương đông mới là quán ngon tại chỗ, tui đi tới. Kiếm một chỗ ăn của dân địa phương mới hiểu thêm đôi chút xứ này.

Cơm thảo cù lao


Quán đông nhưng chỉ có hai cô gái xoay trở. Một cô làm thức ăn, một cô bưng, tính tiền. Mùi thịt nướng bốc lên thơm phức, cái mùi thơm lâu lắm rồi ở Sài Gòn tui không thấy trong những quán bình dân lề đường. Nó là mùi thơm chân chất của thịt tươi không qua đông lạnh nhiều ngày và ướp ít gia vị, có lẽ có chút mật ong. Miếng thịt nhìn muốn chảy nước miếng vì nó mềm, mọng nước, các hạt thịt cũng như phồng lên, lại còn nửa nạc nửa mỡ đúng điệu, chớ không toàn nạc khô ngắc xảm xì như… như “thịt Sài Gòn”.

Lại có thịt kho hột vịt. Duyệt. Cá hú kho tộ. Duyệt tiếp.
Ủa nhưng không có bún hay cháo gì, mặc dù trên xe thức ăn biên đủ ba món, chữ to chành quành. Cô chủ quán trả lời gọn bâng: “Bán cơm hông hà!” (vậy mấy chữ kia để dụ khách hay gì?).

Thì thôi ăn cơm. Tức nhiên là thịt nướng rồi. Hai miếng sườn nướng (bề ngang chừng hai ngón tay rưỡi của tui, chắc độ 4 phân). Thêm ít đậu phộng rang. Cái này mới lạ nè nha vì ngay quán ở Sài Gòn chớ chưa nói tới miền Tây cũng thường ít bán đậu phộng rang muối để ăn cơm như vầy. Chỉ những quán Bắc, ở ngoài Bắc mới hay có. Một chén “xúp”, nước trong phi hành mỡ nấu sôi lên, rắc hành thơm phức làm canh. Ủa không có miếng rau nào hết vậy cà?

-Có canh nào khác không cô chủ ơi?

-Hổng có.

-Có rau gì không cô chủ ơi?

-Hông có.

Cổ nói gọn lỏn.


Kỳ. Xứ cù lao cái cọc tre khô cắm xuống cũng đâm cây mơn mởn mà quán cơm này không có miếng rau xào, rau luộc nào cho khách.

Thắc mắc nữa sợ bị rầy rà, tui đành một mực ăn cơm với thịt, ăn “ên”, khô họng quá thì húp nước xúp. Ông bà ơi giá mà có miếng giá hẹ muối chua, rắc mấy lát ớt đỏ tươi…
Cơm cù lao Dung là cơm “thảo”. Hồi nhỏ mỗi lần tui nấu cơm khô, hay nhão, tới bữa ăn má tui lại ngân nga:

Cơm khô là cơm thảo
 

Cơm nhão là cơm hà tiện

Quán lề đường mà sao nấu gạo ngon vậy, dẻo và thơm.

Chắc tại thứ gì cũng mới: gạo mới, tôm mới, cá mới. Nhưng mà hơi thảo quá, nên ăn 1/3 thì chén nước xúp của tui cạn sạch. Ngó qua bàn bên, ớ, người ta có nguyên dĩa rau xà lách và giá sống mát mắt vậy. Qua một lần kêu thêm thức ăn nữa tui mới rút ra bí kíp: chủ quán không “cơi nới”, bạn muốn ăn gì phải  nói chính xác thứ đó. Dĩa rau kia mặc định chỉ ăn với tô mì, nên nếu bạn ăn cơm mà hỏi rau là sai quy trình, bởi  vậy không được duyệt. Nhưng nếu biết lách luật, ví dụ “Cô ơi trụng cho tui một dĩa giá, kèm với xà lách” thì chắc cũng OK.
 

Cuối cùng, tui ăn một dĩa cơm, 2 miếng sườn non nướng bá cháy, một cái hột vịt + một miếng thịt ba rọi kho nước dừa, một chai nước ngọt Number One… (loại này giờ hầu như thấy bán ở trung tâm Sài Gòn, vì bao bì xấu và thuộc loại truyền thống). No nóc, chuẩn như cơm mẹ nấu. Tổng thiệt hại chỉ có 60 ngàn đồng.

À quên, chưa tính khúc dây nilon dùng để cột miếng thịt cho chắc nữa. Cái vi hạt nhựa này đã theo nước dừa vào cơ thể tui mất rồi trời ơi, nên nếu tính cho cho công bằng chắc tui phải quày lại đòi tiền cô chủ.


Mới đâu hơn chục năm nay dân Việt Nam sanh tánh làm biếng, lấy dây nilon để cột bánh chưng, bánh tét, thịt kho, khổ qua hầm, gà luộc, vịt luộc… Bất cần biết các nhà khoa học rã họng cảnh báo ô nhiễm nhựa vào cơ thể gây bệnh hoạn. Mớ dây lạt, dây chuối chân chất chặt một cái sau vườn xài tám năm chưa hết, và an toàn (hơn dây nilon) tréo ngoe thay giờ chỉ có ở những siêu thị lớn, các chợ lớn trên Sài Gòn, nơi người dân khó tánh hơn về sức khỏe. Miếng lá chuối đặt thức ăn trở thành thứ sang trọng để người ta nhứt quyết phải chụp hình, check in facebook một cái trước khi ăn, vì như vậy nó mới healthy, mới sành điệu, bắt trend (giá mắc lắm nha). Ở quê, chuối mọc đầy đồng thì lại sính dùng đồ melamine, nhẹ, rẻ, rửa xíu là sạch.

Gần quán cơm là một quán cháo, gỏi vịt. Không tên, không địa chỉ, không số điện thoại. Cù lao mà. Nhưng vịt thì bá cháy: thịt mềm, da mỏng và giòn, không ngấy mỡ. Gỏi đặc biệt hơn Sài Gòn vì toàn là đu đủ bào, rắc thêm chút rau thơm, vị chua ngọt rất vừa. Cái này khá lạ vì thường dân miền Tây ăn ngọt như chè đó à!

Cù lao này đu đủ ê hề, mọc luôn ven đường, lùn lùn mà trái đeo óc nhóc.

Nước mắm chấm thịt vịt cũng lạ vì gừng không đâm nát ra mà xắt miếng mỏng dài. Chị chủ quán nói dân cù lao thích ăn gừng vậy đó, để cắn miếng nào biết miếng nấy. Hay!
Một ngày, chị bán hai ba chục con vịt. Tính ra với lượng khách du lịch cực ít ỏi của cù lao + địa thế thiếu thuận lợi của quán, con số này là một bảo chứng cao cho chất lượng.

Canh chua bần ngon nuốt lưỡi


Ở thị trấn cù lao Dung thì đầy những quán ăn và nhậu ngon hết hồn khác. Lẩu chua cá bông lau không lấy vị chua bằng me hay thơm mà bằng trái bần đặc sản, cá tươi, thịt dẽ, nước bột trái bần chua thanh đặc biệt. Dĩa rau có ngọn điểm những bông điên điển vàng tươi mập mạp, bông so đũa trắng ngát. Cá mò ó chiên giòn với sả ăn nóng thơm phức nuốt cả lưỡi. Thố kho quẹt chấm với rau luộc bốc khói. Cơm gạo chỗ nào cũng dẻo, nắm chim chim ăn không cũng hết tô.

Đất cù lao phù sa đắp bồi nên cây, hoa gì cũng thắm sắc.

Những cây mồng gà người ta trồng sơ sịa ven đường đất mà kết cụm to bằng hai bàn tay xòe, cứng chắc, đỏ rừng rực. Lá thì xanh ngăn ngắt. Sao nhái cao hơn đầu người. Râm bụt mọc thành bụi rậm, bông to bằng cái tô, vàng óng, đỏ tươi, hồng phấn, màu nào cũng có.

Chỉ có điều tôm cá tự  nhiên giờ hầu như chẳng còn. Cá thòi lòi giờ hầu hết nhỏ bằng ngón chân cái, chưa  kịp lớn đã bị ăn, ăn lấy vị chứ chẳng ngon vì đâu đã có thịt. Còn đâu ra những con to bằng cườm tay như trước kia nữa. Ba khía cũng thuộc loại nhi đồng. Tôm nuôi trong vuông thì rất nhiều, rất bự, nhảy tanh tách. Nhưng dân ở đây chê tôm nuôi, chuộng tôm cá tự  nhiên nên ngoài sông trong rạch, con tôm mới bằng cái mút đũa cũng bị tóm sống.

***
 

Mà thôi, kể chuyện thiên nhiên bị tận diệt thì kể tới hết đêm sao. Cù lao còn ăn ngon, còn không khí trong lành, còn dân bản địa mộc mạc và rừng ngập mặn hiếm hoi. Ai còn đi được thì đi đi thôi, kẻo mai mốt du lịch ập tới một cái lại chỉ còn biết mấy cái bãi bồi giả cầy thì buồn lắm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét