khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2019

Vụ xô xát tại khuôn viên Đại Học Sư Phạm Saigon trong mùa bầu cử ban Đại Diện Sinh Viên năm 1971 - Tác giả Trần văn Thuận



Trong thời gian này, hoạt động của các phong trào SV tranh đấu khá mạnh trong khuôn viên các Đại Học. ĐH Sư Phạm dù đằm thắm, hiền hòa hơn, so với Văn Khoa, Luật Khoa… cũng không thoát khỏi các nhiễu nhương đó. Đa số tụi tôi thuộc thành phần “thầm lặng”, đứng ngoài, không tham gia chính trị. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có, một bên là những sinh viên thuộc nhóm tranh đấu, với sự hổ trợ ngấm ngầm của Tổng Hội SV, bên kia là nhóm “sinh viên thuần túy”. Cả hai nhóm hăng hái lập liên danh ra ứng cử vào chức Đại Diện Trường. Trong nhóm “Sinh viên thuần túy” tôi nhớ có Hoàng Tam Khôi, Nguyễn Tự Cường, Bích Liên ban Anh Văn. Phía Tranh Đấu, có Ngô Phàn, người Quảng Ngãi, và một số SV khác, phần lớn thuộc các ban Việt Hán, Sử Địa. Sau nhiều căng thẳng qua các hoạt động tranh cử, đến lúc bầu cử, đứng trước kết quả bầu cử sơ bộ đang nghiêng hẳn về phe “Sinh Viên thuần túy”, nhóm Tranh Đấu, dù không trưng dẫn bất cứ chứng cớ nào, đã hàm hồ lớn tiếng tố cáo bầu cử gian lận và kêu gọi xóa bỏ kết quả để bầu lại. Thế là cả trường đang yên ổn, bỗng sôi sục, dậy sóng. Để đáp lại, Ban Tổ Chức ra thông cáo sẽ có buổi họp tại Câu Lạc Bộ Khoa Học, để tuyên bố kết quả bầu cử. Giữa lúc SV đang tập trung đông đảo trong phòng họp, một trái lựu đạn cay đã được “ai đó” thảy ra. Nghe tiếng la báo động: “lựu đạn! lựu đạn!”, Sinh viên hốt hoảng, hổn độn, mạnh ai nấy chạy, vì sợ không biết sau lựu đạn cay sẽ là cái gì? Tội nghiệp mấy cô, nước mắt nước mũi chảy ròng, tay ôm guốc, giầy cao gót, tay ôm tập vở chạy trối chết.

Ngay sau đó, Ban Tổ Chức Bầu cử quyết định sẽ tổ chức một buổi họp ngoài trời, ngay tại khuôn viên Trường SP, nhằm lên án thái độ hung hăng và bạo động của nhóm Tranh Đấu và cũng để công bố kết quả bầu cử. Vào ngày đã định, sinh viên tập trung đông đảo tại sân cỏ trước trường. Một cái bàn gỗ và ghế dài được mang ra, dành cho ban Tổ Chức. Đặc biệt vì tổ chức ngoài trời, kỳ này còn trang bị thêm “Microphone” và  loa phát thanh. Tôi ngồi cạnh Ngoc Dung và một số bạn, dọc theo mái hiên trường, đằng sau bàn của Ban Tổ Chức, nhìn ra sân cỏ, nơi tập trung chính của các SV tham dự. Điều đáng ghi nhận là hôm đó, ngoài đám SV của trường mà chúng tôi biết mặt, lại thấy xuất hiện nhiều khuôn mặt lạ, khả nghi mà về sau nghe nói là “người” của Tổng Hội SV đưa đến. Ban Tổ Chức vừa tuyên bố khai mạc và đang trình bày lý do của buổi họp. Chưa dứt lời, đã thấy mấy tên trong nhóm Tranh Đấu xông vào, xô đẩy, cố dành “Microphone” và giựt đứt dây. Đúng là giọt nước làm tràn ly! Không cần phát súng lệnh, cuộc ẩu đả bắt đầu. Hai bên xua quân, nhảy vào đấm đá túi bụi, quyết ăn thua đủ. Vì ngồi cạnh cô bạn gái mới, nên tôi còn ngập ngừng, chưa nhập trận. Tôi chợt nhìn thấy, giữa đám đông, Nguyễn Trí Lợi, ông bạn nhỏ con, ốm yếu ban Anh Văn của tôi, đang bị đánh đấm thê thảm bởi một tên khá lớn con, mặt mày lạ hoắc! Theo phản xạ tự nhiên, không chút suy nghĩ, tôi đứng dậy, bất chấp sự can ngăn của cô bạn gái ngồi kế, bước nhanh đến cứu Lợi. Khi tên lạ mặt kia nhìn thấy tôi thì đã trễ. Tôi giáng cho y một cú “Uppercut” ngay cằm, làm y té gục xuống sân cỏ và tôi cũng bước vội ra khỏi ”đấu trường”. Mục đích của tôi là cứu bồ, chứ không có ý tham gia đánh đấm. Trong khi cuộc chiến vẫn tiếp diễn, phần thắng hiển nhiên ngã về phía sinh viên thuần túy, với sự tiếp tay của đa số lâu nay vốn dĩ thầm lặng. Mấy tên lạ mặt bắt đầu rút quân, bỗng có tiếng la lớn: “Anh em coi chừng! Ngô Phàn rút búa ra kìa!” Thế là đám đông, một số bỏ chạy, số còn lại rượt theo, xô ngã Ngô Phàn, giựt được cái búa trên tay y và chạy mang vội vào trình Thầy Lê Văn, Khoa Trưởng SP vừa xuất hiện. Về sau, khi được Thầy Khoa Trưởng cho gọi vào văn phòng hỏi chuyện, Ngô Phàn tự bào chữa và giải thích, y đem theo búa trong cặp nhằm sửa cái bàn Ping Pong, chứ hổng phải để đánh lộn. Sau 75, tôi không ngạc nhiên khi nghe tin Ngô Phàn được cử về làm Hiệu Trưởng một Trường TH ở Miền Tây, chắc là để tưởng thưởng công sức nằm vùng của y.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét