Tôi là người có trí nhớ kém, nhưng điều đó không hề làm phai mờ chút nào trong tôi hình ảnh của người thầy ngày xưa. Thầy của tôi. Đó là một người đàn ông gầy, hơi thấp, lặng lẽ bước vào lớp học giảng bài rồi lặng lẽ ra đi, mà không bao giờ để lại cho chúng tôi một nụ cười nào.
Thầy có một chiếc xe đạp cũ, không phanh, không chắn bùn, không cả vành che “sên” để khỏi vướng vào ống quần. Mỗi lần băng qua đường tôi thấy thầy luôn luôn xuống xe dắt bộ. Thầy lầm lũi đi, đầu hơi cúi xuống như một người không dính dáng gì đến thế giới đang biến động xung quanh.
Chỉ khi nào đứng trên bục gỗ, trước bảng đen cầm viên phấn trên tay, tôi mới thấy sự sống trên khuôn mặt thầy. Thầy dậy cho chúng tôi biết làm cách nào để có thể yêu và hiểu được Alphonse Daudet, Le Petit Chose, Chú Nhóc, Lettres de Mon Moulin, Những Lá Thư Viết Từ Cối Xay Gió Của Tôi, Contes Du Lundi, Truyện Kể Ngày Thứ Hai… Đó là những tác phẩm thầy cứ nhồi mãi trong đầu chúng tôi. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ thầy là nhân vật le petit chose, bị vùi dập giữa cuộc đời.
Thầy có một người con trai tên S. , Nguyễn Đức Sơn, học cùng lớp với tôi. Anh là một hình ảnh hoàn toàn trái ngược với thầy. Phá phách, nghịch ngợm, gây gỗ với tất cả mọi người, S. là hung thần của cả trường. Dù vậy, anh là một học sinh giỏi đặc biệt là môn Pháp văn. Những bài luận của anh luôn luôn đạt điểm cao và được đọc trước lớp như những mẫu mực.
S. viết chữ rất đẹp và rất tài hoa. Năm mới mười sáu tuổi, S. đã sáng tác một truyện vừa lấy tên là Ngôi Nhà Bằng Đá. Tôi không nhớ S. lấy đề tài gì, nhưng ở lứa tuổi mười sáu viết được một cuốn sách đầy gần hai trăm trang, dù chỉ là hai trăm trang viết tay, S. đã làm tôi vô cùng khiếp phục. S. không chỉ viết văn, anh còn làm thơ nữa. Đầu tiên là những bài thơ tình. Sau đó là những bài thơ đơn giản hơn, đầy dẫy những hình ảnh giống tính thô mà không tục. Tôi không ngạc nhiên lắm khi, mấy năm sau đó, S. trở thành một trong những người viết truyện và làm thơ đặc biệt có một chỗ đứng rất riêng trong văn học. Nhiều người khen truyện của S. và chê thơ S. và ngược lại có nhiều người khen thơ mà chê truyện. Tôi không có ý kiến.
Lớn lên, đổi lớp, đổi trường, chúng tôi chia tay mỗi người một ngả. Thầy tôi trở thành một cái bóng, nhỏ bé và nhòa nhạt. Alphonse Daudet không phải là tác giả tôi ưa thích, mặc dù những truyện ngắn của ông vẫn còn làm tôi xúc động khi đọc lại. Tôi đọc Antoine de Saint Exupery và tôi thích Le Petit Prince. Tôi không giữ trong tủ sách truyện Nhất Linh, Thạch Lam. Tôi chỉ thích Nguyễn Tuân, Thế Lữ tiền chiền, sau đó là Quang Dũng, Hoàng Cầm. Tôi cũng thích Guy de Maupassant, Charles Dickens, Dostoievski và Turgeniev. Đặc biệt sau này tôi khoái Amado với Terras Do Sem Fim mà Claude Plessis dịch là Terre Violente (Đất Dữ)… Tôi cũng rất thích thơ Nguyên Sa, truyện Võ Phiến. Tôi ghét nghề dậy học. Tôi biết chắc đó không phải là con đường tôi đi. Tôi không đủ tư cách để làm cái công việc mà người Việt Nam chúng ta vẫn đòi hỏi khi phải làm nghề “giáo dục”. Tôi mà giáo dục ai. Nhưng ghét của nào trời trao của ấy. Tôi từ giã Y Khoa, sau một năm, tôi bỏ Quốc Gia Hành Chánh, sau một tháng. Tôi theo học môn Triết và trở thành người đứng trên bục gỗ, với phấn trắng, bảng đen… Tôi đi trên con đường thầy tôi đã đi, con đường khổ ải và run sợ…
Hơn mười năm sau, tại Sài Gòn, ở một trường tư thục, tôi gặp lại thầy. Chúng tôi là đồng nghiệp. Vẫn chiếc xe đạp không phanh, không chắn bùn, không vành che sên. Vẫn lầm lũi đi bộ dắt xe khi băng ngang đường… Tôi chào thầy, nhắc thầy nhớ rằng tôi là học trò cũ của thầy, là bạn của S. Thầy nói cám ơn, và gật đầu. Tôi hỏi thăm chỗ ở của thầy, thầy không nói, thầy cũng không buồn hỏi tôi học thầy hồi nào, ở đâu. Tôi có cảm tưởng thầy tránh né tôi. Tôi hỏi thăm S., thầy nói không biết. Và một hôm, văn phòng cho tôi biết thầy không còn cộng tác với nhà trường nữa.
Suốt thời gian làm nghề dạy học tôi luôn luôn biết mình chọn sai đường đi, nhưng biết làm sao. Tôi phải xin lỗi người khác về những lầm lỗi của mình và tự xin lỗi mình về sự lầm lẫn của tôi.
Tháng Tư, Bảy Lăm mang đến cho Sài Gòn những ngày đen đêm đỏ, nó cũng mang đến cho tôi những ngày U Minh, những đêm Tuy Hòa. Trong cái rủi ro đau thương của một dân tộc, tôi có được cái may mắn là không phải cầm trên tay những viên phấn trắng, tránh được cái bục gỗ và bảng đen. Tôi tự thoát ra khỏi trí tưởng mình cái hình ảnh của thầy tôi.
Cuộc sống bắt người ta phải nhớ một vài điều và cần phải quên nhiều điều, nhưng trong lòng tôi cái hình ảnh người thầy giáo tất tả dắt chiếc xe đạp cũ, không thắng, không vành che sên đi băng qua đường, đầu cúi thấp… vẫn còn nguyên vẹn trong tôi như một dấu ấn. Tôi hiểu tại sao tôi thích Le Petit Prince hơn là Le Petit Chose.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét