khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2018

SAO KHỔ QUÁ DỊ HÈ! - Tác giả Linh Phương







Năm nay, tui 69 rồi , sắp tới là 70 - ngần ấy năm khóc cười với kiếp làm người, ngần ấy năm thăng trầm trải qua bao cuộc bể dâu, từ thuở còn thơ cho đến tuổi tri thiên mệnh.Tui sinh ra, di học và lớn lên ở Sài Gòn, thủ đô của miền Nam Việt Nam. Như tuổi trẻ thời bấy giờ, xếp bút nghiên lên đường ra trận. Chưa kịp có một cái nắm tay, chưa kịp một lần hò hẹn với người mình thương yêu.

Tui nhớ, Má lội bộ tiễn tui ra đi với đôi chân trần trên mặt đường nhựa nóng bỏng dưới nắng trưa qua cầu Chữ Y- má tiễn đứa con trai duy nhất có tuổi thơ cơ cục cùng má . Đó là lần thứ nhất Má khóc .Chiến tranh đã đánh cắp những “ mơ xa mộng gần “ hàng triệu thanh niên hai miền Nam- Bắc.Chiến tranh đã ngốn xương máu anh em hai miền gần cạn kiệt bằng mơ ước hòa bình.
 
Rồi ra ván cờ sinh tử cũng có ngày kết thúc. Thắng- bại luận anh hùng.Những người lính miền Nam trở thành tù nhân, trở thành những kẻ mang nợ máu nhân dân. Bị làm nhục, đày ải vào các trại cải tạo khắp ba miền đất nước. Tui nhớ trận đòn thù của người anh em “ bên thắng cuộc“ khi gọi tui ra văn phòng Ban quản giáo lấy lý lịch.” Tao biết mày khinh tụi tao là dân chăn trâu “. “ Tao biết mày là tâm lý chiến làm thơ cho thằng Phạm Duy phổ nhạc “.Một cặp còng số 8 quăng thẳng vào mặt. Tui né. Người anh em điên tiết cầm cây gỗ đập vào đầu tui như đập đầu con cá lóc.Tui bị còng tréo hai tay ra phía sau lưng cả tháng trời, cấm mọi người tiếp xúc, mọi chuyện vệ sinh có một bạn tù lo tất tất. Những chiều thứ bảy, những người anh em “ bên thắng cuộc “ súng AK 47-50; B-40;41 chỉa vào phòng tui - phòng 13 ( phòng có nợ máu nhân dân ) đọc từng tên tù bại trận dẫn đi không bao giờ trở lại. Tui chỉ biết bật tiếng nói : “ Sao khổ quá dị hè ! “. Vậy là lòng nhẹ tênh hết biết.

Mấy năm trời học tập,tui trở về- nhà xưa ở Sài Gòn đã đổi chủ , người xưa thất lạc nơi nào.Sài Gòn nơi tui mở mắt khóc cười, nơi tôi lớn lên đầy kỷ niệm đã không còn chốn nương thân , tui mất quê hương chính ngay quê hương mình. Tui lang thang đi từ cầu Chữ Y- Sài Gòn ra ngã sáu có tượng Phù Đổng Thiên Vương rồi dìa Chợ Lớn, bơ vơ không biết đi đâu ? Hông còn ai quen thuộc hết trơn, hết trọi .Bỏ Sài Gòn ,trôi giạt xuống Cà Mau ,, tui cũng giống anh em “ bên thua cuộc “ kiếm sống bằng đủ thứ nghề : bán chợ trời ,vá xe bên góc đường, chạy xe đạp ôm, bán vé số...Vất vả quá ,nhiều khi muốn chết phứt cho xong, Nhưng trong lòng tui vẫn muốn tìm lại một người trong giấc mơ phai.Nhưng giấc mơ phai tan tành mất rồi , trời phật,thánh thần ơi !

Má không thấy tui về mấy năm sau 1975 chờ đợi, Má nghĩ tui không còn trên cõi nhân gian . Lần thứ hai má khóc cho đứa con trai chưa bao giờ được sung sướng của má. Cuối cùng, Má con tui cũng trùng phùng, trùng phùng trong sự đổ vỡ. Trùng phùng rồi tui cũng không thể sống bên Má .Tui đi làm thuê bị quỵt tiền công, buồn tình lang thang vào huyện vùng xa, nước phèn, muỗi , mưa sình nhẽo nhẹt. Chiều ngồi nhìn dòng sông, tiếng vỏ lãi xình xịch chở hàng Tết lướt ngang.Một mình không ai thân thuộc, tủi thân chỉ biết bật tiếng nói : “Sao khổ quá dị hè ! “. Vậy là nhẹ lòng tênh hết biết.

Rồi Má bệnh ung thư. Căn bệnh quái ác như lời nguyền không thể bước qua. Bà ngoại ung thư chết, ba tui ung thư chết , bây giờ đến phiên Má .Tui về lúc Má hấp hối. Má nắm chặt tay tui má khóc. Lần thứ ba má khóc, cũng là lần cuối cùng,Má trăn trối : “ Con lớn nhất, má chết con lo cho mấy đứa em của con “. Tui chảy nước mắt. Má cũng hiểu tui không gần bên má , tui bon chen giữa chợ đời một mình buồn-một mình vui , có nhà không ở được trong nhà .Không một lời oán trách dù cuộc đời không được tử tế, con người không được tử tế khi máu chảy mà ruột chẳng mềm. Má chết, tui trở thành kẻ mồ côi không chốn nương thân phải tha phương cầu thực. Thêm lần nữa, tui bị người anh em “ bên thắng cuộc “ thẳng tay “ đánh hội đồng “ vì “ lý lịch không rõ ràng “ , tui bỏ quê hương Cà Mau thứ hai ra đi.Xứ lạ quê người, chỉ biết bật tiếng nói : “ Sao khổ quá dị hè ! “.Dị là lòng nhẹ tênh hết biết.

Bây giờ tuổi sém xế chiều ( trả giá một chút chứ xế chiều mẹ nó rồi, sém đâu mà sém ), tui vẫn sống đời chùm gửi .Sáu mươi chín năm, nhìn lại quãng đời đi qua buồn vui lẫn lộn, hạnh phúc khổ đau, vinh nhục kiếp người như giấc chiêm bao.Tuổi thơ bị đánh cắp vì mưu sinh. Tuổi trẻ, tình yêu bị đánh cắp vì chiến tranh, tù đày. Tuổi sém xế chiều cũng bị đánh cắp tất tần tật vì bệnh hoạn và chuyện áo cơm.Hehehe…sắp tới là tuổi già xin đừng ai nỡ đành đánh cắp tuổi già của tui nhen.Ôi ! Sao khổ quá dị hè.! Cứ sơ người ta đánh cắp tuổi già hom hem ngồi chờ chết của mình. Thiệt tình !


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét