khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2018

Bếp nhà vẫn ấm



Mãi đến lúc này, khi lớn lên và ở xa gia đình, tôi mới hiểu được giá trị của hơi ấm từ căn bếp mà mẹ hay bảo. Bếp nhà còn ấm, là người còn về lại với nhau, dùng bữa cơm mà mặc kệ ngoài kia trời mưa giông bão tố.
Từ cửa sổ ban công nhà tôi nhìn xuống, thấy rõ mồn một căn bếp của mấy nhà đối diện. Có một gia đình người Ấn, ngày nào cũng nấu cà ri, còn căn bế kên là một gia đình người Thổ Nhĩ Kì. Có mấy hôm thấy họ vác lò nướng than ra ban công làm “BBQ”, mở nhạc xập xình, ồn cả một khu.

Tầng trên ngang tầm mắt với căn nhà tôi là một cặp vợ chồng trẻ, hay thấy chộn rộn nấu nướng cùng nhau trong bếp. Mấy hôm rồi chồng tôi đi công tác, tôi cũng bận đi làm, tự dưng rồi chẳng thiết nấu nướng gì nữa, nấu có một mình ăn thì có gì mà vui. Lắm lúc tôi ngồi thù lù ở cửa sổ, rồi dòm ngó nhà người ta vậy để đỡ cô đơn. Có bữa về được tới nhà sau cả một ngày đúng 12 tiếng đi làm ngoài đường, chỉ kịp uống ly nước rồi nằm lăn ra ngủ luôn một mạch, chẳng buồn ngó tới bếp.

Có mấy hôm trời mưa gió, lại nhớ tới căn bếp nhỏ khi cả gia đình còn ở căn nhà cấp 3 trên đường Trần Đình Xu, chỗ chợ Cầu Kho ở Sài Gòn. Lúc đó, nhà tôi nghèo, nhưng chưa tới mức nghèo xơ xác so với nhiều nhà khác trong xóm lao động giữa lòng quận 1. Đằng trước nhà là mái ngói phủ rêu, còn nguyên từ những ngày xưa cũ.

Gian sau nhà lợp tôn, chỗ phía đuôi là căn bếp nhỏ xíu, bố trí cả nhà xí và nhà tắm cũng nhỏ xíu. Mái lợp tôn nên những ngày nắng hầm hập, bếp nóng trên dưới trong ngoài. Còn may là bếp thông thẳng ra cửa hậu, gió thổi vào ào ào nên dịu mát đi nhiều.

Những hôm mưa là khổ sở nhất. Mái tôn lủng hẳn vài lỗ to nên mưa cứ thế đua nhau dột. Thau chậu trong nhà được dịp huy động tổng lực ra hứng dột. Nấu nướng mấy ngày trời mưa là che dù, bận áo mưa nhộn nhịp như ở ngoài đường.

Nhà buôn bán hàng ăn nên bếp lúc nào cũng nấu nướng chộn rộn từ 3, 4 giờ sáng đến tận tối. Chỗ bếp lò có cái ống hút khói to như cái phễu ngược, bồ hóng đóng đen thui cả khu vực. Bờ tường phía trên lò có cái gờ nhô ra, chỗ đấy Ngoại hay lột vỏ chanh rồi vắt lên hong cho khô đặng còn dùng làm mồi chụm lửa. Xung quanh chỗ bếp lò chai lọ mắm muối ngổn ngang, chẳng lúc nào dọn sạch sẽ được.

Kế bên bếp lò là sàn nước, khu vực mà tôi ghét nhất trên đời. Chẳng bao giờ tôi có ý định dành thời gian ở đó lâu. Sàn nước là nơi mà tụi gián hay thò hai cái râu lên ngo nghoe, thấy ai mà yếu bóng vía là tụi nó được nước chạy ào ra hù chơi. Nhớ đoạn đêm đêm tôi hay giật mình tỉnh ngủ vì…buồn tè. Muốn ra chỗ nhà xí thì phải mò mẫm qua khu vực bếp. Rất nhiều hôm bật đèn bếp lên, thấy cả một đại hội gián náo nhiệt khắp sàn.

Trong một tích tắc tự dưng đèn sáng trưng, tụi gián hoảng hồn đứng hình, trố mắt lên nhìn. Xong tụi nó như thể phát hiện ra cái con nhỏ này nhát nhất nhà đây nè, mặc nhiên không một động thái bỏ chạy tán loạn thường thấy. Ngược lại, chúng vẫn thong thả đi qua đi lại. Nhìn cảnh tượng đó, tôi nổi da gà, bỏ chạy một mạch lên gác, nhịn luôn cho tới sáng.

Có hôm không nhịn nổi nữa, phải khèo mẹ hay chị dậy đặng kiếm đồng minh ra hù cho gián nó giải tán bớt, mở đường cho tôi đi giải quyết “bầu tâm sự”. Chắc tại tuổi thơ của tôi với bọn hai râu ấy dữ dội quá nên đến giờ tôi vẫn sợ chúng như những ngày đầu gặp gỡ.

Nói đoạn căn bếp nhỏ có cái tủ lạnh cũng nhỏ, có từ “đời tám hoánh” nào đó, trước cả lúc tôi được sinh ra. Cái tủ lạnh cũ ơi là cũ, nhỏ xí xì xi có cánh cửa màu xanh bạc hà, đoạn nào tróc sơn rờ vô là bị điện giựt thấy ông bà ông vải.

Tủ nhỏ quá, chứa không nổi đồ đạc buôn bán mỗi lúc một nhiều, lại có lúc chạy, có lúc ì ạch chạy không nổi. Thời gian đó tôi hay qua nhà cô Nhì hàng xóm để chơi với bé Trang con cô. Mỗi lần thấy cái tủ lạnh bự gấp đôi tủ lạnh ở nhà, có cửa trên cửa dưới, mở ra thơm nức mùi sầu riêng, mùi bánh trái, tôi cứ mê tít lên. Thời gian sau đó, cả nhà chịu không nổi cái tủ lạnh cũ nữa, công việc buôn bán cũng có phần khởi sắc, ba mẹ quyết định sắm cái tủ mới thay vào.

Ngày tủ mới được khênh về nhà, tôi chưa thấy cái tủ nào to khủng khiếp vậy. Tính từ trên xuống dưới có hẳn 3 cửa, tha hồ mà để vào đấy cơ man nào là đồ ăn thức uống, để hoài chắc cũng không hết chỗ được.

Thế là tủ mới được thay vào, kế bên cái chạn bếp được lát bằng gạch viên nhỏ màu trắng để chén đũa, thức ăn khô và các thứ linh tinh trên trời dưới đất chỉ có bếp mới có. Kế bên chạn bếp là cái rổ đựng hành, tỏi khô, treo lủng la lủng lẳng bằng dây ràng từ nóc nhà kéo xuống.

Ngoại, mẹ và chị tôi hay dành nhiều thời gian ở bếp, nấu đủ thứ thức ăn trên đời. Nhà nghèo, bếp không được khang trang sạch sẽ và tiện nghi như nhà người ta, nhưng lúc nào cũng ấm, cũng thơm nức mùi đồ ăn.

Ở đó, tôi hay ngồi xổm hàng giờ để học ngoại cách kho thịt, cách ướp miếng gà, làm con cá, nghe ngoại kể chuyện Phạm Công Cúc Hoa. Thấy cuộc sống mỗi ngày chộn rộn đủ thứ mắm muối, nay ăn gì, mai ăn gì, mốt ăn gì. Còn lo được tới mốt ăn gì là nhà còn kiếm được dư dả.

Mẹ hay bảo, muốn biết nhà có yên, có đầm ấm, có sự sống hay không, hãy nhìn vào căn bếp. Nơi đó, người phụ nữ của gia đình dù bên ngoài xã hội có chức to chức nhỏ thế nào, nhưng một khi về nhà, còn giữ được lửa bếp, là nhà còn ấm êm.

Tối hôm đó tôi đi làm về tới nhà, cơm canh đã nấu sẵn. Anh đã xong chuyến công tác, biết tôi lại ăn uống linh tinh nên tranh thủ nấu chờ tôi về. Dù mỗi lần anh nấu xong bày bừa tới mức tôi è cổ ra dọn còn mệt hơn là mình nấu, vậy chứ mà nhìn thấy đồ ăn nóng sốt chờ trên bàn, tự dưng rồi nước mắt đâu cũng tươm tướp ào ra.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét