Thông thường trẻ bắt đầu biết nói dối vào khoảng từ 2 đến 4 tuổi. ‘Tật xấu’ này làm các bậc phụ huynh bắt đầu lo lắng, sợ rằng chiều hướng này sẽ gia tăng khiến trẻ trở thành người xấu.
Thế nhưng theo góc độ phát triển tâm lý, việc trẻ nhỏ nói dối hiếm khi nào là vấn đề đáng lo lắng. Thực tế, nói dối thường là dấu hiệu đầu tiên cho biết đứa trẻ đang phát triển ‘thuyết tư duy’ – theory of minds, là khi trẻ nhận thức rằng người khác có thể có những ước muốn khác chúng, có cảm giác và niềm tin khác.
Nói dối thay đổi như thế nào theo độ tuổi?
Trẻ nhỏ nói dối thường đem lại sự hài hước cho cha mẹ hơn là sự bực mình. Thử tưởng tượng một đứa trẻ nói rằng con không ăn bánh trong khi bánh vẫn còn đầy trong mồm, hoặc đổ tội cho con chó đã vẽ bậy lên tường. Đứa trẻ có thể nghĩ rằng chúng lừa được người khác nhưng chúng chưa biết cách làm thế nào để làm điều đó.
Trước 8 tuổi, trẻ thường để lộ ‘chân tướng’ mỗi khi nói dối. Trong một nghiên cứu, những trẻ từ 3 đến 7 tuổi được yêu cầu không được nhìn món đồ chơi bí mật đặt sau lưng chúng, thì mức độ nói dối thay đổi theo từng độ tuổi.
Từ 3 đến 5 tuổi, trẻ thường giữ được gương mặt ngây thơ vô tội một cách đáng ngạc nhiên, nhưng lại để lộ mình nói dối bằng cách gọi tên được món đồ chơi. Trẻ từ 6 đến 7 tuổi bắt đầu biết cách nói dối tinh vi hơn, một số vẫn giữ được thái độ rất tỉnh, một số khác thì tình cờ nói ra được tên món đồ chơi.
Khi trẻ càng lớn và nhận thức của chúng phát triển, chúng có thể hiểu được loại nói dối nào khiến người khác tin được. Chúng cũng trở nên giỏi hơn trong việc tiếp tục nói dối.
Sự phát triển đạo đức cũng bắt đầu hình thành. Những đứa trẻ nhỏ thường có khuynh hướng nói dối để đạt được mục đích cá nhân, trong khi những đứa lớn hơn bắt đầu đoán được cảm giác của người khác khi chúng nói dối.
Những trẻ lớn và trẻ tuổi vị thành niên cũng thường có khuynh hướng phân biệt các loại nói dối. Lời nói dối vô hại, đối với chúng, được xem là thích hợp hơn lời nói dối có hại. Trẻ vị thành niên đặc biệt nói dối cha mẹ và thầy cô về những điều mà chúng cho là chuyện riêng của chúng.
Một nghiên cứu cho thấy 82% trẻ vị thành niên ở Mỹ nói dối cha mẹ về tiền bạc, rượu bia, ma túy, bạn bè, hẹn hò, tiệc tùng hoặc tình dục. Trong đó 67% nói dối về bạn bè, 65% nói dối về những tệ nạn ma túy, rượu bia, 32% nói dối về tình dục.
Và trẻ vị thành niên cũng có khuynh hướng nói dối khi điều đó giúp giữ bí mật cho ai đó, và không gây hại cho người khác.
Mặc dù nói dối khá phổ biến, những nói dối ở trẻ thường không gây nguy hại gì. Điều quan trọng nên nhớ rằng người lớn cũng nói dối. Thống kê cho thấy mỗi ngày có tới 40% người Mỹ nói dối, đôi khi đó là lời nói dối tốt, để bảo vệ cảm giác của người khác, nhưng đôi khi cũng có hại.
Trong nhiều trường hợp, thường xuyên nói dối có thể trở thành vấn đề đáng lo ngại nếu lời nói dối xảy ra cùng lúc với hành vi được xem là không thể thích nghi. Thí dụ, sự rối loạn thách thức chống đối và rối loạn cư xử (ODD).
Những người trẻ có rối loạn cách cư xử thường gây ra những rắc rối ở nhà hoặc ở trường khi thường xuyên tấn công người khác, hoặc gây hại đến người khác hoặc tài sản. Nhưng để nói là người đó có rối loạn cư xử, thì nói dối phải đi kèm với những triệu chứng khác như không tuân thủ quy định, thường xuyên phá vỡ quy tắc, hoặc không chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Một nguyên nhân khác khiến cha mẹ lo lắng là nói dối có thể che dấu những vấn đề về tâm thần do cảm giác sợ hãi hoặc xấu hổ. Chẳng hạn, trẻ phải chịu sự lo lắng nghiêm trọng có thể nói dối thường xuyên để tránh đối diện với tình huống khiến chúng sợ hãi (tại trường hoặc các buổi tiệc tùng..)
Chúng cũng có thể nói dối để tránh bị phán xét rằng chúng có rối loạn tâm thần. Trong những trường hợp này, bác sĩ hoặc chuyên gia tâm thần có thể giúp xác định nói dối có phải là chỉ dấu về bệnh lý hay không.
Nói dối là sự phát triển bình thường, nhưng cha mẹ và thầy cô có thể giúp trẻ bằng những cách sau
Thứ nhất, tránh trừng phạt trẻ. Càng trừng phạt trẻ, càng có khuynh hướng buộc trẻ nói dối nhiều hơn.
Trẻ sống trong những gia đình nghiêm khắc trong việc tuân thủ kỷ luật và không cởi mở đối thoại thường nói dối nhiều hơn.
Thứ hai, trò chuyện nhiều hơn với trẻ về mặt cảm xúc và đạo đức. Trò chuyện khích lệ trẻ hiểu rằng khi nào thì nói dối có hại, và nói dối ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Trẻ sẽ dần phát triển được cảm giác tự hào khi nói thật, và cha mẹ lúc đó hãy nhấn mạnh những mặt tích cực khi nói sự thật.
Bảo đảm rằng nói dối là nói dối. Những trẻ nhỏ thường nhầm lẫn giữa nói dối và tưởng tượng. Chẳng hạn, nếu trẻ nói rằng chúng bị bắt nạt hoặc bị lạm dụng, phải bảo đảm những cáo giác đó được điều tra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét