khktmd 2015
Thứ Ba, 10 tháng 7, 2018
Mai Thảo, Tuổi Già Và Đêm - Tác giả Khánh Trường
Nghĩ đến Mai Thảo và bài thơ Dỗ Bệnh của ông già.
Mỗi lần cơ thể gây thành bệnh
Ta lại cùng cơ thể chuyện trò
Dỗ nó chớ gây thành chuyện lớn
Nó nghĩ sao rồi nó lại cho
Bệnh ở trong người thành bệnh bạn
Bệnh ở lâu dài thành bệnh thân
Gối tay lên bệnh nằm thanh thản
Thành một đôi ta rất đá vàng.
Không hiểu tại sao mấy tuần nay tôi luôn nghĩ về ông già. Nghĩ và nhớ.
Có thời gian vì cơm không lành canh không ngọt, tôi làm mình làm mẩy bày đặt ra ở riêng, thuê một studio dành cho người độc thân, tọa lạc sau nhà hàng Song Long, cạnh “con đường báo chí” Moran, nơi đặt bản doanh của các tờ báo lớn: Người Việt, Viễn Đông, Việt Báo… Mai Thảo cũng ở nơi này, sát cạnh phòng tôi, sau vì quá yếu không lên nổi cầu thang (chúng tôi ở tầng 2), anh chuyển xuống tầng 1, ngay dưới. Ban đêm không ngủ được, anh thường lấy gậy ( không biết ai đó đã cho anh một cây gậy nhưng không bao giờ thấy anh sử dụng) chọt lên trần. Tôi nghe tiếng gõ, biết anh gọi, choàng thức chạy xuống. Trong ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn ngủ, bộ xương khô Mai Thảo ngồi trên chiếc giường sắt cũ kỷ, tựa lưng vào tường, trên tay ly rượu lưng lửng. Anh ngước nhìn tôi, mĩm cười, móm mém: “Uống với tôi vài ly. Ngủ không được, uống một mình, buồn quá.” Tôi liếc nhìn chiến đồng trên tường, 2 giờ sáng. “Khuya quá rồi, sao anh không ngủ?” Nụ cười móm mém chưa tắt trên đôi môi khô nẻ: “Ngủ cái đếch gì. Cậu buồn ngủ à, thì về ngủ đi, tôi uống một mình vậy.” Thực tình tôi buồn ngủ ríu mắt, nhưng nhìn ông già, nhìn căn phòng lạnh lẽo, nhìn ánh sáng vàng ủng của ngọn đèn ngủ, nhìn sương mù đậm đặc bên ngoài cửa sổ, nhìn những tàu lá chuối bất động trong đêm khuya đứng gió. Tôi cảm được nỗi cô đơn của ông già. Và rồi với cầm chai rượu, rót vào chiếc ly không. Tôi uống. Một hai ly đầu hơi nhợn. Nhưng dần dần tôi nhập cuộc. Cơn buồn ngủ rút đi. Mai Thảo vẫn tì tì, ông không say, nhưng men rượu tạo hung phấn, ông gợi nhắc những ngày tuổi trẻ, những năm theo kháng chiến, đi buôn, di cư vào Nam. Rồi khai sinh tạp chí Sáng Tạo, và viết sách, viết báo. Mai Thảo kể, để có tiền rượu chè, trai gái, nhảy đầm, thù tiếp bạn bè, có lúc anh phải viết 6 truyện dài cho 6 nhật báo. Nhiều ngày say quá không viết nổi, tòa báo phải nhờ người viết thay một kỳ (có anh nhà văn trẻ, chưa tiếng tăm làm công việc này. Anh ấy có tài bắt chước y chang văn phong Mai Thảo, và thêm tài có thể tạo ra 2.000 chữ - trung bình cho một kỳ báo – mà cốt truyện vẫn “dậm chân tại chỗ”. Ví dụ nếu tác giả đang viết đến đoạn chàng đang ngồi nhấm nháp ly bia trong quán, đợi nàng đến thì anh nhà văn trẻ bèn cho chàng nhìn ngang nhìn ngửa. Nhìn bức tranh chợ trên tường vẽ lũy tre xanh, cánh đồng lúa chín vàng, mục tử trên lưng trâu, con đường đất quanh co dẫn về xóm xa có mái tranh nhả khói trong chiều tà. Nhìn đám khách trong quán, anh con trai ngồi cạnh cửa ra vào có khuôn mặt choắc, hai mắt láo liêng, môi mỏng, tai chuột, ngữ này thuộc típ lừa thầy phản bạn… Cứ thế, anh nhà văn trẻ cho chàng hết nhìn quanh lại nhìn ra đường, xe cộ nườm nượp, nữ sinh học về, tà áo trắng vờn bay trong gió, nón lá che nghiêng… Dông dài vô thưởng vô phạt, 2.000 chữ có thừa mà diễn tiến câu chuyện vẫn y chang, ngày mai tác giả muốn lái đi đâu tùy ý.) Cũng có lúc vì viết nhiều quá, Mai Thảo lầm truyện này với truyện kia. Có lần một độc giả thư về tòa báo phàn nàn, sao nhân vật nữ lại về nhà mẹ ruột thăm con, trong khi cô ấy vẫn còn đi học, độc thân, sống với gia đình. Tòa báo hỏi tác giả, Mai Thảo thú thực, đã nhầm nhân vật nữ này với nhân vật nữ khác ở một truyện đang viết dở cho một tờ báo bạn. Tòa soạn phải rối rít xin lỗi vị độc giả nọ.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét