khktmd 2015
Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2018
Bi hài vụ án Lộc Vàng, 50 năm trước - Tác giả Nguyễn Hồng Long
Năm 1968 là ngã rẽ cuộc đời của ông Lộc Vàng, nhóm nhạc của ông bị bắt. 8 năm sau, năm 1976, ông được trả tự do.
“Cung đàn số phận” hay còn được hiểu là “sách về người đi tù vì hát nhạc vàng” là cuốn hồi ký về cuộc đời thăng trầm của ca sĩ Nguyễn Văn Lộc, nghệ danh Lộc Vàng. Ông được biết đến từ thập niên 1960 với dòng nhạc tiền chiến và những nhạc phẩm của Văn Cao, Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Đặng Thế Phong, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Văn Thương.
Trả lời RFA một ngày sau khi cuốn hồi ký có quyết định tạm dừng phát hành, ca sĩ Lộc Vàng cho biết về lý do “Cung đàn số phận” được ra đời:
“Nó là thế này. Chuyện của tôi thì tôi cũng không muốn nói đến làm gì. Nhưng tôi chỉ biết là trong cuộc đời của tôi gặp nhiều chuyện oan trái. Tôi kể chuyện tâm sự với bạn bè. Nhiều khi người ta đến, người ta thắc mắc gặp tôi, hỏi chuyện. anh như thế nào, tù tội, rồi tại sao hát như thế bán hết nhà cửa đi chỉ để được hát thôi? Một số nhà văn nghe chuyện của tôi họ thích quá, họ muốn viết, thì tôi nói nếu vậy thì tôi kể lại cho viết, trong tình yêu của tôi với vợ tôi, cuộc đời của tôi chỉ đam mê âm nhạc bảo tồn cả nền tân nhạc Việt Nam trước năm 54 thôi.”
Những thăng trầm, sóng gió, cũng như mười mấy năm tù tội cũng vì “dám” đam mê gìn giữ, bảo tồn một dòng nhạc của Việt Nam được ông xác nhận là 100% chuyển tải trong cuốn hồi ký.
“Cung đàn số phận” – Hồi ký Lộc Vàng như chứa đựng nét đẹp tâm hồn một thời của con người lãng tử, khiến ta chạm được vào điều đó và vui mừng nhận ra xung quanh ta luôn có những tiếng hát đẹp mượt mà cất lên, dẫu chỉ ở một góc nhỏ yên tĩnh của Hồ Tây.
***
Đoạn đối thoại giữa quý tòa (chánh án) với các bị cáo, ở đây là bị cáo Toán Xồm, ngay tại phiên tòa năm đó:
Chánh án: Anh có nhận là đã đánh nhạc của tư sản, là đồi trụy không/
Toán Xồm: – Dạ thưa quý tòa, con chỉ đánh những gì in trên đĩa của Liên Xô, của Tiệp Khắc, của Cộng hòa Dân chủ Đức thôi ạ!
Chánh án: – Anh nói láo! Thế Paloma, Santa Liucia là của ai?
Toán Xồm: – Dạ! Paloma là của nước bạn Cu Ba ạ! Còn Santa Liucia là dân ca Ý ạ! Nhà xuất bản của nhà nước đã in và sân khấu nhà nước đã có nhiều ca sỹ lên biểu diễn ạ!
Chánh án: – Vậy anh có biết “cha cha cha” là cái gì không?
Toán Xồm: – Dạ! Có ạ! Đây là một nhịp điệu xuất xứ cũng tại nước bạn Cu Ba ạ!
Chánh án: – Thế còn Tango bleu chắc anh cũng đổ cho Cu Ba hết hả?
Toán Xồm: – Dạ không! Tango là điệu nhảy Ác-giăng- tin nhưng đã được quốc tế hóa. Vừa giờ Đoàn xiếc Tiệp Khắc sang ta và các nước XHCN đều xử dụng cả ạ!
Chánh án: – Thế nhưng người ta đánh khác, còn anh đánh khác. Đừng ngụy biện!
Toán Xồm: – Dạ! Đánh y hệt ạ! Chỉ thua họ về nhạc cụ họ tốt hơn … chứ chúng con có đầy đủ nhạc cụ như họ thì chúng con chẳng thua gì họ ạ!
Chánh án: – Anh hãy im miệng! Đồ ngoan cố!
Và cứ như vậy, suốt phiên tòa Chánh án chỉ sử dụng câu “Hãy im miệng! Đồ ngoan cố!” để ngắt lời
Toán Xồm – kẻ tội lỗi.
Không hề có ai bào chữa.
***
Ấn tượng nhất và khó quên nhất với Lộc Vàng và cũng là điều ông sững sờ kinh ngạc là những lời kết tội họ của ông N.
Ông N là giám định viên về âm nhạc. Lúc đó ông là vụ trưởng Vụ Nghệ thuật (Bộ Văn hóa) . Cứ nghĩ ông là nhạc sỹ có tên tuổi, thì ông phải biết phải trái, dở hay. Nhưng tại phiên tòa này ông N là người kết tội nhóm “Nhạc Vàng” mạnh mồm nhất.
Theo ông N, màu vàng là màu hủ bại, màu của bệnh tật.
Ông đãn chứng: Ngày xưa chiếc tàu nào cắm cờ mầu vàng là không quốc gia nào cho tàu cập bến, vì trên đó là những người mắc bệnh dịch tả, không thể chữa trị được… Nhạc vàng cũng vậy. Nó là nhạc mang mầu sắc ủy mị, màu của bệnh tật, hủy hoại sức sống con người …
Ngồi dưới, nóng mặt quá, Lộc Vàng giơ tay lên phía Chánh án: – Thưa quý tòa, xin cho bị can ý kiến ạ!
Ông Chánh án hỏi: – Bị can Lộc Vàng muốn có ý kiến gì?
Lộc Vàng: – Thưa quý tòa! Theo như lời ông Giám định viên âm nhạc nói màu vàng là màu của bệnh tật. Tại sao lá cờ lại có ngôi sao màu vàng?
Ông Chánh án rung chuông như hét lên: -Lộc Vàng! Ngồi xuống! Giọng ông nghiêm lạnh. Đằng đằng sát khí.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét