khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 20 tháng 12, 2017

Bữa Cơm Tây - Tác giả Cao Thanh Phương Nghi




Tôi có hai con gái học ở trường tiểu học địa phương. Mỗi ngày các cháu ăn trưa ở trường xong rồi mới về nhà. Người ta đựng thức ăn cho học sinh trong những dĩa giấy, thường mỗi phần gồm một miếng thịt gà nạc, nửa chén cơm hoặc mì ống sốt bơ trên có rắc phó-mát sợi, khoai tây chiên và một ít đậu luộc hoặc bắp luộc. Thức ăn tráng miệng thường là táo, nho, nước cam tươi hoặc sữa. Đến hết giờ ăn trưa các cháu đem những dĩa thức ăn của mình còn dư hay không còn dư đổ vào thùng rác. Việc đổ thức ăn dư rất thường, thường như cơm bữa có gì đáng để nói. Tôi hay nói với các cháu: ”Ráng ăn hết con à. Đổ đồ ăn tội chết.” Chúng ngơ ngác hỏi: ”Tội gì mẹ? Cô giáo nói ăn không hết thì đem đổ chứ để làm gì.” Nhìn những cọng mì bóng mượt, những miếng thịt gà mới bị lõm có một hai chỗ, những trái táo còn tươi nguyên mới bị cắn dở dang chui tọt vào thùng rác tôi chỉ biết thở dài ôm hai đứa con vào lòng. “Con ơi, con chẳng hiểu gì đâu. Còn lâu lắm, hoặc không bao giờ con hiểu được một điều gì cả.”

Lúc bằng tuổi chúng tôi đã hiểu thế nào là cái nghèo. Mỗi sáng mẹ tôi chiên cơm nguội với mỡ hành hoặc luộc khoai cho hai chị em ăn đi học. Cậu tôi lái xe cho một xí nghiệp quốc doanh, lâu lâu được thưởng thì cho tiền hai chị em ăn xôi, còn bánh cuốn, mì, phở thì chỉ có trong mơ. Một hôm cha tôi về báo tin vui với cả nhà rằng ông được mời dạy đàn cho một bác sĩ người Pháp, làm việc ở tòa lãnh sự. Ông này còn trẻ, vui tính và mê âm nhạc, hiện đang ở trong một tòa nhà nhiều tầng dành riêng cho người nước ngoài. Mỗi lần đi ngang tôi hay đứng dưới đường ngước mắt nhìn lên những cửa sổ có đèn vàng hắt ra từ ngôi nhà cao tầng ấy. Đôi lúc tôi tò mò đi sát cổng ra vào, nhón chân để cố nhìn thấy những lối đi có lát sỏi, những luống hoa được trồng ngay ngắn, đẹp đẽ và lúc nào đôi mắt chăm bẳm của anh lính gác cũng nhắc tôi nhớ tới thân phận mình. Ở đó không bao giờ cúp điện như xóm tôi và người ra vào bao giờ cũng ngồi trong xe hơi. Những hôm đến dạy học cha tôi hay đem về cho hai chị em vài thỏi sô-cô-la mà em tôi có lần khóc ré lên vì tôi đã ăn vụng của nó một miếng. Buổi tối tôi đem thỏi sô-cô-la vô mùng mở ra thật chậm, trịnh trọng như mở một điều bí mật của riêng mình. Một ngày kia cha tôi về nói là ông bác sĩ muốn tổ chức một buổi hòa nhạc ở nhà, sau đó là tiệc tiếp tân, mời hết gia đình các nhạc sĩ đi dự. Mẹ tôi quýnh quáng lên. Chị em tôi không có giày, đi học chỉ mang dép nhựa. Nếu dép đứt thì hơ lửa cho nhựa chảy ra rồi gắn vô trở lại hoặc xỏ cọng kẽm vào đi tiếp. Quần áo thì không có gì ngoài mấy cái áo sơ mi dính mực vá tới vá lui. Mẹ tôi phải lấy hai cái áo dài cũ cắt ra may áo đầm cho hai chị em và lục trong tủ còn hai đôi giày đã mất gót. Thế là chiều hôm đó, một buổi chiều rất đặc biệt trong đời, tôi theo cha mẹ và em đi vào trong tòa nhà kia. Trong bộ áo đầm “mới” và đôi giày “mới” tôi thấy hình như những người lính gác cũng phải nhìn tôi nể nang. Hai chị em giành nhau bấm nút thang máy và khi cha tôi đưa tay lên cái chuông của căn phòng vị bác sĩ, tôi thấy mình run lên vì hồi hộp. Tim tôi đập rộn ràng khi cánh cửa mở ra, ông bác sĩ người Pháp xuất hiện với nụ cười dí dỏm, thân thiện, sau lưng ông là một vùng ánh sáng đèn vàng huy hoàng và rực rỡ. Cha mẹ tôi và ông ta nói tiếng Pháp, còn hai chị em tôi chỉ biết đực mặt ra nhìn. Trời ơi, chưa bao giờ tôi được trông thấy cảnh ấy trong đời. Trong phòng thắp đèn vàng từng chùm, màn treo rủ từ trên xuống dưới, trên tường là tranh ảnh, những góc phòng là đồ vật trang trí, bình hoa hoặc chậu kiểng. Ngoài nhạc sĩ và gia đình họ là người Việt Nam, những người còn lại đều là người ngoại quốc. Bạn hãy tưởng tượng tôi lúc ấy là một đứa con nít, chưa bao giờ tiếp xúc với người nước ngoài, căn nhà tôi ở thì dột tan tành từ sau ra trước, những bóng đèn trong nhà toàn là nê-ông hoặc đèn dầu thì cái cảnh quí phái Tây phương kia đã tạo một ấn tượng mạnh mẽ trong lòng tôi như thế nào. Ông bác sĩ đưa tay bắt tay tôi. Tôi lúng túng đến độ không bập bẹ nổi một câu tiếng Pháp mà mẹ tôi dạy tối hôm trước và bước vô nhà như một người máy. Sau phần hòa nhạc tất cả được mời bước sang phòng ăn. Bạn ạ, đó là một bữa ăn mà tôi không bao giờ có thể quên. Ở nhà, hai chị em hay bới cơm trong tô đá, cho vào một lượt vừa canh, vừa cá rồi bưng ra sau hè ngồi húp. Còn ở đây… Một bàn ăn lớn có những cái ghế bọc nệm rất êm ở giữa phòng được trải khăn trắng muốt, trên đó là những bộ chén dĩa sứ và muỗng nĩa chạm trổ sáng choang, những cái ly cao cẳng trong veo để uống rượu. Ông bác sĩ quan sát chị em tôi một hồi rồi nói với cha tôi rằng hai đứa này ăn cơm nhiều còn đồ ăn thì rất ít. Ông chẳng hiểu được rằng ở nước nghèo bữa cơm làm gì có nhiều đồ ăn để ăn, chúng tôi đã quen như vậy rồi. Những cái cánh gà chiên vàng ngậy, những khoanh thịt nhồi thơm phưng phức, những con tôm đỏ hồng chấm sốt mayonnaise ngon tuyệt trần, khiến tôi có cảm tưởng như cái lưỡi mình đang ở trên thiên đàng. Thức ăn tráng miệng cũng không kém phần thịnh soạn. Những trái chôm chôm, trái vải được cắt vỏ một nửa bày ra phần thịt trắng mọng, những miếng bánh kem có mứt dâu ngon không tả được. Còn chè trái cây có pha rượu-cái màu rượu óng ả đẹp làm sao- thì hai chị em tôi cứ ăn rồi xin thêm ly nữa, ly nữa…Khi tôi ngừng ăn ngẩng lên thì…ô hô, mọi người đã buông đũa từ lúc nào. Tất cả những con mắt quanh bàn ăn ngó xuống chị em tôi, dịu dàng và độ lượng. Mặt tôi rần lên. Tôi đá vào chân em tôi dưới gầm bàn. Nó hết hồn nhìn lên. Bên khóe miệng còn một vệt mứt dâu màu đỏ sẫm. Ôi, cái bữa cơm ấy, bữa cơm với những cảm giác mà sau này mãi mãi tôi không bao giờ tìm lại được. Sau này trong các buổi tiếp tân, các buổi tiệc trên những chiếc du thuyền hay nhà hàng thật sang trọng sự bày trí lộng lẫy và xa hoa không còn làm tôi choáng váng, ngất ngây như xưa nữa. Những món ăn bây giờ vẫn ngon, ngon lắm nhưng ngon-như-ngày-hôm-đó thì không. Và cả các con tôi nữa có lẽ chúng chẳng bao giờ biết được cái ngon như tôi đã biết.

Bởi tôi đã sống ở một đất nước khác, hoàn cảnh khác. Những cái cánh gà chiên, những sợi mì ống sốt bơ trên có rắc phó-mát, những miếng bánh mì sandwich trắng như tuyết ăn không hết đổ đi là chuyện bình thường, chuyện đời thường không có gì để nói. Không biết tôi sẽ dạy con tôi như thế nào cho chúng hiểu được rằng những chuyện bình thường thậm chí tầm thường vặt vãnh như thế lại có thể gây xốn xang trong lòng cha mẹ chúng như thế nào. Hy vọng chúng sẽ lắng nghe, để hiểu phần nào cảnh đời đã qua của cha mẹ và ý thức được giá trị của đời sống mà chúng đang có…Hy vọng thế thôi.

Hy vọng thế thôi! Đó là ý nghĩ của tôi. Còn thì lúc ấy, tôi chỉ liếc nhìn cha tôi trước cảnh ê hề, rối trí. Ông là người hay rắc rối, hay hỏi cảm tưởng chị em chúng tôi về đủ mọi thứ rồi gật gù hoặc lăn ra cười. Ông cũng là người hay giận dữ, hay phẫn nộ. Tôi nhớ có lần ông đèo hai chị em chúng tôi lên cái xe gắn máy sập sình, miệng ê a “học sinh là người hủ tíu ăn hai ba tô” rồi đưa chúng tôi đến một con phố tối có cái xe mì, kêu cho chúng tôi mỗi đứa một tô hủ tíu. Còn ông, một tô hoành thánh. Khỏi nói! Chúng tôi xì xà xì xụp ngon lành, cười nói. Rồi cũng phải tới lúc hết. Tôi đẩy cái tô còn nước lỏng bỏng sang một bên. Em tôi cũng vậy. Cha tôi đứng dậy, trả tiền. Chúng tôi sắp sửa ra xe thì trong bóng tối, thật nhanh, thật bất ngờ, một người lết trên đất với cây gậy kẹp vào nách, nhô ra, vội vàng bưng những cái tô lỏng bỏng ấy, húp lấy húp để những chổ còn lại một cách ngon lành.

Chúng tôi về tới nhà, không ai dám nói với ai một câu nào. Mẹ tôi hỏi, sao trên bàn lại có tấm vé số, của ai? Em tôi trả lời, “thằng thương phế binh hồi trưa ngoài vòng rào, cứ nài nỉ, nó bảo mai nó tới lấy tiền cũng được.” Thế là mẹ con chúng tôi chứng kiến một cảnh giận dữ dần dần biến thành thịnh nộ của ông. Tại sao gọi người ta bằng “thằng.” “Con tưởng con là cái gì?” Em tôi xanh mặt, sợ hãi, không dám trả lời, chỉ mếu máo. Cha tôi bỏ ra ngồi ngoài hiên nhà, yên lặng. Mẹ tôi nói: “Chỉ tự làm khổ, những người thịnh nộ. Đau tim chết sớm.”

Tôi nhớ tên tôi và em tôi là do cha đặt ra, mẹ tôi không có ý kiến. Tên tôi là tên một con sông nào đó mà cha cho là có người đời cổ ước mong chiều chiều lên bờ sông hứng mát. Còn tên em tôi là do cha tin rằng sanh em ra, đất nước thế nào cũng hòa bình. Nay tôi đã có con, em tôi cũng vậy. Đất nước đã hòa bình. Tôi nhớ hoài bữa cơm Tây và cái tô hủ tíu mà đáng lẽ thời sung sức, “học sinh chúng tôi sẽ làm hai ba tô.” Trong một cái ảnh có một em bé châu Phi đói meo, xung quanh bãi rác toàn đất, cát, giấy vụn gói thức ăn vung rãi, không còn khều ra được chút gì. Sau lưng em bé là con kên kên đen đang đứng rình em, chỉ chực chờ em ngã xuống. Không biết cha sẽ nói cái “tiền định” nào khiến cho em bé lẫn con chim đều chờ một miếng ăn, một thức uống. Hãy yên nghỉ, cha ơi! Cha không còn phải lo cái “nhất ẩm, nhất trác” nữa. Tụi con đủ sức lo cho con cái chúng con rồi. Cơm Tây cũng như cơm ta.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét