khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

Mười "Chiến-Lược Chắc Ăn" để giúp người Việt thăng-hoa Anh-ngữ - Tác giả Ðàm Trung Pháp




Sau nhiều năm dạy ngoại ngữ (gồm cả Anh ngữ như một sinh ngữ thứ hai  thường gọi tắt là “ESL”) đồng thời nghiên cứu để tìm ra các kiểu luyện tập (practices) hữu hiệu hơn, các chuyên gia về giáo dục ngoại ngữ tại Hoa Kỳ đã đồng thuận về một số “sure-fire strategies” (tạm dịch là những “chiến lược chắc ăn”). Đó là những luyện tập giảng huấn (teaching practices) và những luyện tập học hỏi (learning practices) đã được thời gian chứng tỏ là hữu hiệu để cho các nhà giáo sử dụng trong lớp học, và để cho học sinh của họ áp dụng khi các em tự thăng tiến môn học này tại nhà.

Dựa vào các khám phá mới nêu trên, cũng như vào kinh nghiệm họcdạy ngoại ngữ nhiều năm của chính bản thân, người viết đề nghị 10 “chiến lược chắc ăn” giải thích vắn tắt dưới đây cùng với thí dụ dễ hiểu để tặng quý đồng hương muốn thăng hoa khả năng sử dụng Anh ngữ.



Chiến lược 1 

Sẵn sàng đoán ý nghĩa của một chữ mới gặp lần đầu, căn cứ vào ngữ cảnh (context) của chữ mới ấy. Điều này hữu lý, vì đâu có phải lúc nào học viên cũng có tự điển trong tay? Khi nghe hoặc đọc một đoạn đề cập đến một “obese” man nặng trên 300 pounds đang thở hổn hển leo cầu thang, thì học viên đoán được ngay ý nghĩa của “obese” phải là “mập phì” rồi. Sau đó khi có thì giờ, người học viên sẽ tra tự điển để phối kiểm ý nghĩa, cách phát âm, cũng như chính tả của chữ “obese” cho chắc ăn.

 Mời quý độc giả thử đoán nghĩa của “fastidious” trong ngữ cảnh “That millionaire is such a fastidious eater that no cooks have ever been able to please his taste.”

Chiến lược 2

Luôn luôn tìm kiếm cơ hội đàm thoại với người bản xứ và đừng quá bận tâm về những lỗi lầm về phát âm hoặc văn phạm của mình. Đành rằng lối phát âm tiếng Anh lôi thôi lắm và văn phạm tiếng Anh cũng phiền hà nữa, nhưng nếu cứ e ngại sợ người Anh người Mỹ cười chê thì chẳng bao giờ dám phát ngôn, và như vậy sẽ chẳng bao giờ nói được tiếng Anh!


Xin nhớ rằng không ai có thể chinh phục được một ngoại ngữ mà không phạm lỗi phát âm cũng như lỗi văn phạm nhiều lần trong khi học tập. Sự nhút nhát này rất tai hại, vì nó sẽ cho phép các lỗi ấy ngủ yên và cuối cùng biến chúng thành chai đá (fossilized) vô phương sửa chữa sau này.

Người học ngoại ngữ hữu hiệu thường là những cá nhân có tính tình cởi mở, thân thiện, thích nói chuyện, và có cảm tình với ngoại văn, ngoại ngữ nói chung. Họ cũng không bao giờ bị trằn trọc, áy náy suốt đêm vì ban ngày họ đã phạm các lỗi phát âm hoặc văn phạm tiếng Anh. Họ là những gương sáng ta nên theo! 

Chiến lược 3

Tận dụng mọi cơ hội để thực tập áp dụng các chức năng ngôn ngữ (language functions) đã học được nhưng dùng chưa nhuyễn, trong cả hai lãnh vực nói và viết. Mỗi chức năng ngôn ngữ là một phương tiện để truyền thông và có một cấu trúctừ vựng riêng. Thí dụ như chức năng “tạ lỗi” thường dùng động từ “apologize for” cho cái hành động mà nay mình hối hận, được diễn tả bằng mô thức [having + past participle của động từ đã gây ra hành động đáng tiếc ấy] như trong câu “I apologize for having ignored you at the party last week.” Quả thực, mức thông thạo (proficiency level) về một ngoại ngữ của một cá nhân có thể được lượng giá qua tổng số các chức năng mà người ấy đã chinh phục được trong ngoại ngữ ấy.

Theo quý độc giả thì chức năng để “cảm ơn người tặng quà” bằng tiếng Anh dùng cấu trúc nào và từ vựng nào cho phù hợp?

Chiến lược 4

Thực tập cách phát âm những chữ khó sau khi đã nghe người bản xứ, nhất là các chữ chứa đựng những âm vị (phonemes) không hiện hữu trong tiếng mẹ đẻ của mình (như âm vị đầu trong các chữ “think” và “judge” không có trong tiếng Việt), hoặc các chữ mà âm tiết nhấn mạnh (stressed syllable) nằm trong vị trí khó đoán (ngay như trong 3 chữ có “liên hệ ruột thịt”: democrat, democracy, democratic).

Sự thực tập phát âm này có thể âm thầm, có thể lớn tiếng. Nỗ lực này rất là thực tế,  vì người Mỹ thường không hiểu chúng ta khi chúng ta phát âm trật một âm vị trong một chữ hoặc nhấn mạnh trật âm tiết của một chữ.

Chiến lược 5

Lắng nghe lối nói người bản xứ để học hỏi cách phát âm, cách dùng chức năng ngôn ngữ, và nhất là cách dùng những đặc ngữ (idioms) như trong các câu “Mary went through the roof when she heard she had been fired” hoặc “We only see them once in a blue moon.” Vì ý nghĩa của các đặc ngữ “go through the roof” (nổi cơn tam bành) và “once in a blue moon” (năm thì mười họa) rất khó đoán trúng, học viên phải hiểu cho rõ bằng cách lưu ý chúng rồi tra cứu ý nghĩa qua tự điển hoặc nhờ người bản xứ giúp đỡ. Quý độc giả thử “đoán” ý nghĩa của câu này là gì: “Why are they telling that actor to break a leg on stage?”

Chiến lược 6

Lưu ý đến những sắc thái tế nhị của ý nghĩa trong từ vựng và cú pháp. Thí dụ, người Mỹ thường không muốn dùng động từ “to die” nghe quá phiền muộn, cho nên họ dùng những chữ thanh lịch hơn như “to pass away” hoặc “to depart.” Cú pháp cũng cho thấy thái độ của người sử dụng là lịch lãm hay cọc cằn, chẳng hạn như sự khác biệt khá lớn giữa câu “Would you mind closing the window?” và câu “Close the window!”  Quý bạn đọc có biết tại sao bây giờ người Mỹ trắng gọi người Mỹ đen là “African Americans” không?

Chiến lược 7

Chú trọng đến hình thức của ngoại ngữ đang học hỏi, nào là viết chữ cho đúng chính tả (spelling), nào là chấm câu (punctuation) cho chỉnh, nào là chia động từ (conjugation) cho phân minh, vân vân. Nỗ lực này đòi hỏi sự chú tâm quan sát, ghi nhận, và thực tập đều đặn, vì tiếng Anh không phải là thứ tiếng dễ viết dựa vào lối “đánh vần” (hai chữ “key” và “quay” cùng phát âm như nhau), vì quy luật chấm câu trong tiếng Anh rất chặt chẽ (nếu không cẩn thận với dấu phết, người viết sẽ phạm vào các “trọng tội” như “comma splices” hoặc “run-on sentences”), và vì tiếng Anh có hàng trăm động từ bất quy tắc (sắp xếp theo mẫu tự từ “arise/arose/arisen” đến “wind/wound/wound”). Đây là lối tiếp thu văn phạm nghiêm chỉnh của một cá nhân học ngoại ngữ hữu hiệu để dẫn đến mức thông thạo hàn lâm (academic proficiency).

Chiến lược 8

Đừng quá nóng lòng khi chưa hiểu rõ một cấu trúc nào đó của ngoại ngữ mình đang học hỏi, mà hãy kiên nhẫn chờ đợi trong khi tìm hiểu thêm và chấp nhận đó là một phần tự nhiên của tiến trình học hỏi. Câu “Had John studied harder, he might have passed that tough exam” chắc chắn từng làm nhiều học viên tiếng Anh thắc mắc vì cấu trúc khác thường của nó. Hiển nhiên, cấu trúc này rất cần được tìm hiểu và thủ đắc vì nó diễn tả một giả dụ trái với sự thực trong quá khứ, đồng nghĩa với “If John had studied harder, he might have passed that tough exam.” Sự thực là John đã chẳng học chăm hơn tí nào, và chàng cũng đã rớt kỳ thi khó khăn đó rồi!

Chiến lược 9:

Dùng kiến thức tiếng mẹ đẻ để hiểu thêm về ngoại ngữ đang học. Người Việt chúng ta không may mắn bằng những người nói tiếng Tây Ban Nha khi học tiếng Anh, vì giữa tiếng Việt và tiếng Anh không hề có những chữ cùng gốc (cognates), nhưng cả chục ngàn những chữ cùng gốc đó tồn tại giữa tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Vì vậy người Mễ Tây Cơ sẽ hiểu ngay câu tiếng Anh sau đây chứa đựng vài chữ lạ lùng, khó đoán nghĩa cho người Việt chúng ta: “The coward osculated a taciturn damsel.” Trong khi người Việt thấy các chữ “coward, osculated, taciturn, damsel” lạ hoắc thì người Mễ hiểu chúng ngay rồi, vì “coward” cùng gốc với “cobarde” (kẻ hèn nhát), “osculated” cùng gốc với danh từ “ósculo” (nụ hôn), “taciturn” cùng gốc với “taciturna” (lầm lỳ), và “damsel” cùng gốc với “damisela” (thiếu nữ).

Về cú pháp, người học viên hữu hiệu luôn lưu ý tới những nét khác biệt đáng kể giữa ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ đang học hỏi, qua tiến trình “nâng cao ý thức” (consciousness-raising) để không phạm vào các lỗi lầm do sự “nhiễu nhương” (interference) – tức là không để cú pháp ngôn ngữ mẹ đẻ ảnh hưởng tiêu cực đến cú pháp ngôn ngữ đang học. Chẳng hạn, khi một câu phức tạp tiếng Việt bắt đầu bằng mệnh đề phụ dùng một trong các liên từ “vì / tuy / nếu” thì mệnh đề chính bắt đầu bằng một trong các “từ quân bình” (balance words) “nên / nhưng / thì” như trong các thí dụ sau đây: (1a) nó kiêu ngạo, nên nó không có bạn. (2a) Tuy họ nghèo, nhưng họ rất hạnh phúc. (3a) Nếu anh yêu tôi, thì anh phải cưới tôi ngay!

Nếu chúng ta vô tình để khía cạnh cú pháp nêu trên của tiếng Việt ảnh hưởng lối viết tiếng Anh, chúng ta sẽ viết ra các câu trật cú pháp tiếng Anh sau đây: (1b) Because he is arrogant, so he has no friends. (2b) Although they are poor, but they are very happy. (3b) If you love me, then you must marry me at once! Người học viên hữu hiệu sẽ tinh ý dẹp bỏ ngay các “từ quân bình” không cần thiết “so / but / then” trong các câu (1b), (2b), và (3b).

Chiến lược 10

Tìm hiểu các lỗi ngữ pháp thường gặp trong tiếng Anh do người Việt viết, lý do của lỗi, và biện pháp sửa chữa lỗi. Đặc biệt lưu ý các lỗi gây ra bởi ảnh hưởng của cú pháp Việt đến cú pháp Anh, thường được gọi là các “lỗi do nhiễu nhương” (interference errors). Dưới đây là thí dụ cho 4 lỗi thuộc loại này cần phải tránh:

[Ký hiệu “ >” có nghĩa là trở thành, và ký hiệu “*đánh dấu câu sai cú pháp tiếng Anh].
a.     Tĩnh từ Việt thường thao tác (function) như động từ chỉ trạng thái (stative verb) cho nên chúng không cần “linking verb” như “to be” trong tiếng Anh. Ảnh hưởng này từ cú pháp Việt gây ra các câu sai cú pháp Anh, thí dụ: My mother is sweet and good-looking> *My mother sweet and good-looking.

b.     Cấu trúc đề / thuyết (rất phổ cập trong tiếng Việt) bắt đầu bằng một đề tài theo sau đó là một thuyết trình về đề tài ấy: Thầy giáo Anh văn mới của chúng tôi, ông ta còn trẻ lắm > *Our new English teacher, he is still very young.

c.      Trong tiếng Việt, đại từ đứng làm túc từ trực tiếp (direct object pronoun) thường được coi là “hiểu ngầm” không cần biểu hiện: Máy chụp hình này tặng anh ; tôi mua ở Nhật tuần qua đấy > *This camera is for you; I bought in Japan last week.

d.     Người Việt rất hay dùng sai thể (mood) của “to be” (trong mệnh đề phụ) để diễn tả một điều trái với sự thực, sau động từ “to wish” (trong mệnh đề chính). Lý do: “to be” trong trường hợp này phải chia ở thể subjunctive thay cho thể indicative. Học viên cần xem lại các thời hiện tạiquá khứ của “to be” trong thể subjunctive. Xin xem 2 thí dụ dưới đây:

[Để diễn tả một điều trái với sự thực trong hiện tại] 
I wish he were single now> *I wish he is single now.
[Để diễn tả một điều trái với sự thực trong quá khứ]
I wish he had been single back then > *I wish he was single back then.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét