khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2016

Những ánh mắt của SàiGòn - Tác giả Nguyễn Di Ngữ



Bên cạnh những thùng phiếu trong ngày 22-05-2016 là những hàng rào chắn, những khuôn mặt lầm lì trong sắc áo công an, TNXP và đám trật tự ăn theo.

Sài Gòn sáng nay mây mù, trời ngả màu xám, một sáng chủ nhật không bình thường. Sáng chủ nhật, người Sài Gòn bị thúc hối đi bầu qua tin nhắn trên điện thoại, qua những cái loa phóng thanh đặt trên những chiếc xe mà những ngày trước chính những chiếc xe này đã góp phần lớn vào việc đàn áp người dân xuống đường trong mùa Cá và Biển chết. Đất nước độc lập, tự do, hạnh phúc kiểu chi mà lạ vậy chẳng biết.

Ngày toàn dân đi bầu, chọn người tài đức giúp nước giúp dân mà phải dùi cui, súng đạn, rào chắn thép gai, thúc đít người dân chạy tới thùng phiếu bỏ một lá phiếu chiếu lệ vào đó, thì còn ra cái thể thống chi nữa.

Tiếng nổ của mấy chiếc xe csgt làm người đang đi trên đường phải giật mình quay lại ngó. Hình ảnh sợ sệt hiện ra trên khuôn mặt người dân khi thấy một nhân vật nô bộc của nhà cầm quyền bên cạnh họ, đó không phải là nỗi sợ bình thường, mà là cái lo bị trấn áp, bị tước đoạt, bị hành xử theo kiểu côn đồ. Đúng, họ sợ, sợ trong cái kinh tởm, chán ngán này đi kèm theo là cái nhìn khinh bỉ.
Rớt trong dòng người trên những con đường đi qua những điểm nóng của Sài Gòn. Tôi đi ngang dãy rào chắn xếp sát vách bệnh viện Sài Gòn, đường Lê Lợi vắng vẻ lạ, dân đi đường nhìn nhau, nhìn nhau quan sát. Nếu không là người quen nhau, hình như ai cũng thấy trước mặt mình là một tên cớm chìm.

Sài Gòn hôm nay đầy nghẹt an ninh chìm, nhìn cái kiểu khó ưa, lầm lầm lì lì trên mặt, người dân Sài Gòn cũng thừa biết kẻ đó là ai.

Ngả ba, ngả tư nào cũng có công an sắc phục đứng đóng chốt, những đôi mắt cú vọ nhìn người qua đường, có lẽ trong mắt họ dân Sài Gòn đều là phản động, đều là mối nguy cho họ. Bất cứ ai đi qua đều cũng có thể là phần tử sẽ xuống đường bất cứ lúc nào hôm nay, trong ánh mắt nhìn xuyên qua da đó, đang muốn tìm xem có cái biểu ngữ nào ló ra trong vạt áo, trong miệng túi quần. Tôi cũng bị nhìn như vậy suốt từ đường Gia Long (Lý Tự Trọng), qua nhà thờ Đức Bà, về Lê Lai, tới Bùi Viện, cho đến tận Cô Giang, Cô Bắc.

Đi ngang hotel New World, nhìn vào công viên 23/9 có dăm nhóm trẻ đang tản bộ trong đó, dĩ nhiên mỗi bước đi của họ đều được giám sát từng li từng tí bởi một hàng rào an ninh quanh khu vực, trên những con đường một chiều chung quanh nơi này. Có mấy chiếc xe bắt người đậu sẵn ở bên hông bến xe bus trung tâm, vài chiếc phục kích ở những con đường gần đó. Không có một dấu hiệu tụ tập nào ở khu này để có thể nổ ra một cuộc xuống đường.

Tôi chạy ngược về dinh Thống nhất cắt một đường vòng qua nhà thờ và đi về hướng sứ quán Hoa Kỳ. Đại lộ Thống Nhất được chăm sóc kỹ hơn với hàng rào phòng thủ dầy hơn, đông hơn. Những chiếc xe csgt thay phiên tuần hành trên trục lộ này. Dĩ nhiên cái lò hơi ở đây rất dễ nổ, họ đổ quân và phương tiện để ngăn ngừa ở khu này cũng phải thôi.
Hôm nay ngày bầu cử, cái gọi là quốc hội hay gì đó, tôi cũng chẳng quan tâm tới. Mấy chục năm nay tôi cũng chẳng để ý đến nó mà chi. Tôi là thằng sống ngoài cái guồng máy cầm quyền này từ khi tan trận. Đây là lần đầu tiên suốt ngần đó năm, tôi bước xuống đường trong cái ngày như thế này.
Một ngày thành phố bị bao vây bởi rào chắn, dùi cui, tưởng như sẽ có một cuộc đánh nhau tại những thùng phiếu hôm nay hay ít ra cũng có một cuộc đảo chánh nên nhà cầm quyền phải tung quân giữ trận địa.

9g30 khi dừng xe chờ một người bạn già trên trên đường Lê Lai, trước một nhà vệ sinh công cộng, tôi thấy một thanh niên người Nhật đang đơn độc lặng lẽ nhặt rác ven đường, hình ảnh dậy trong tôi một cảm giác rất lạ, tôi bấm vội vài tấm ảnh. Chợt nhớ cách đây mấy hôm, trên mạng ì xèo vụ một ông Tây đi hốt rác dưới kinh nước đen ngoài Hà Nội. Hôm nay trước mắt tôi cũng có hình ảnh người nước ngoài giúp cho Sài Gòn sạch hơn một chút, nhưng nó lại rớt vào đúng cái ngày dân tôi đi bầu, bầu cho một đống rác rưởi quá lớn đã đè trên lưng người dân sống đời nô lệ bao năm qua. Và ai sẽ là người giúp dân tôi hốt đi đống rác này.

Những mẫu rác mà chàng thanh niên Nhật từ tốn bỏ vào cái túi nylon kia làm tôi thẩn thờ. Dân tôi có ai nhặt rác nữa không, Sài Gòn có bao cơ hội làm sạch những cặn bã, trên đường, trong nhà, trong ý thức hôm nay không?

Trước biệt thự chú Hỏa trên đường Phó Đức Chính tại một điểm bỏ phiếu. Tôi dừng xe bên này đường nhìn người ta nối đuôi theo hàng một, lá phiếu cầm trên tay một cách hờ hững. Trông thật tội nghiệp, tại cánh cửa vào để bỏ phiếu hai công an sắc phục đứng hai bên, bên ngoài là một số trật tự áo xanh nhạt đang nhìn đám người lom lom. Họ như những tội nhân đang sắp hàng bước lên máy chém, những thao tác được giám sát, những ý tưởng trong đầu họ cũng đang bị dò xét. Có lẽ người ta muốn biết thực sự đám dân kia nghĩ gì mà không chịu “hồ hởi phấn khởi” cầm lá phiếu bầu chọn người đại diện cho mình, trong cái ngày trọng đại của đất nước thế này.

Cái cách đi bầu làm xốn con mắt nhà cầm quyền, cái kiểu bầu cho có bầu, thấy ứa gan, nhưng làm được gì nhau, dân đã nhìn thấy hết những gì cần thấy, dân đã biết hết những thứ cần biết. Với một kết quả đã được định trước, dù quá chán ngán người dân cũng dành phải bỏ thì giờ đi tới thùng phiếu, để tránh những rắc rối như kiểu trả thù trong tương lai mà họ có thể phải mang họa.

Sài Gòn vẫn ồn ào xe ngựa, hối hả trong nhịp sống. Nhưng hôm nay Chủ Nhật 22-05-2016. Người Sài Gòn nhìn nhau và nhìn ngày Chủ Nhật không bình thường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét