khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

Thi sĩ phan huyền thư bị buộc phải trả lại giải thưởng văn học năm 2015 vì tội đạo thơ



Chiều tối 20 tháng 10, Hội Nhà Văn thành phố Hà Nội họp và đã quyết định thu hồi giải thưởng “Hội Nhà Văn Hà Nội 2015” vừa trao cho tập thơ “Sẹo Ðộc Lập” của Phan Huyền Thư, sau khi văn đàn Việt “dậy sóng” chuyện đạo thơ của nữ thi sĩ này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội cho biết, cùng ngày nhà thơ Phan Huyền Thư đã gởi đến Hội Nhà Văn Hà Nội một lá thư xin lỗi, và xin trả lại giải thưởng vừa được nhận cho tập thơ “Sẹo Ðộc Lập” của mình.



Nhà thơ phan huyền thư.

Lý do nhà thơ Phan Huyền Thư đưa ra là vì có một bài thơ trong tập thơ “Sẹo độc lập” gây nên những tranh cãi xung quanh việc đạo thơ. Tác giả không muốn ảnh hưởng đến uy tín của Hội Nhà Văn Hà Nội, của hội đồng xét tặng giải thưởng, cho nên, xin rút khỏi giải thưởng.

Nhà thơ Phan Huyền Thư cũng gởi lời xin lỗi Hội Nhà Văn Hà Nội; xin lỗi nhà thơ Phan Ngọc Thường Ðoan, vì đã vướng mắc vào vụ việc này; xin lỗi độc giả; xin lỗi các phóng viên báo chí, và xin lỗi gia đình.

Thế nhưng có tin cho biết, việc thu hồi giải thưởng không phải do tác giả xin rút, mà là trên cơ sở một số bài thơ của Phan Huyền Thư trong tập “Sẹo Ðộc Lập” bị “nghi đạo thơ,” và được hội xác minh, rằng Phan Huyền Thư từng có nhiều thơ in ở nước ngoài từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước nhưng không bài nào có nội dung như bài Bạch Lộ.

Mặc dù có thư xin lỗi, song nhà thơ Phan Huyền Thư vẫn không thừa nhận mình đạo thơ, mà chỉ nói rằng: “Trong thời điểm hiện nay, vì chưa có những chứng cớ chứng minh bài thơ mình viết từ năm 1996, trong khi đó quá trình tìm kiếm lại bản thảo, hay những văn bản về bài thơ, có thể còn kéo dài vì còn phải liên lạc lại với các nơi trong và ngoài nước...”



Bài thơ “Buổi Sáng” của nhà thơ Thường Ðoan, xuất bản năm 2003 (trái) và bài thơ “Bạch Lộ” của Phan Huyền Thư trong tập thơ Sẹo Ðộc Lập, ấn hành năm 2014.

Sự việc xảy ra khi nhà thơ Phan Ngọc Thường Ðoan lên tiếng tố cáo trong bài thơ “Bạch Lộ,” Phan Huyền Thư đã “bê nguyên xi” nhiều câu thơ trong bài “Buổi Sáng” do bà sáng tác in trong tập thơ “Ðếm Cát,” do NXB Văn Học xuất bản năm 2003, và được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc đặt tên là “Catinat café sáng,” đưa vào tập thơ “Sẹo Ðộc Lập” vừa được NXB Lao Ðộng ấn hành năm 2014. “Phan Huyền Thư đã xé tác phẩm của tôi ra, để đưa vào bài thơ của chị ấy,” bà Phan Ngọc Thường Ðoan bất bình nói.

Ðối chiếu văn bản hai bài thơ, “Bạch Lộ” của Phan Huyền Thư có rất nhiều câu thơ gần giống, hoặc giống hoàn toàn với những câu trong bài “Buổi Sáng” của Phan Ngọc Thường Ðoan. Thậm chí, hai câu đầu của bài “Bạch Lộ,” đã giống nguyên văn với hai câu thơ đầu của bài “Buổi Sáng.”

Sự việc này khiến văn đàn Việt Nam “dậy sóng.” Nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình không thương tiếc nhà thơ Phan Huyền Thư, mà đỉnh điểm là ngày 19 tháng 10 trước khi khóa trang Facebook cá nhân, nữ thi sĩ này đã phản hồi trên một vài diễn đàn: “Các anh đừng nặng lời với em quá! Em chỉ in sau chứ không viết sau.”

Phan Ngọc Thường Ðoan không phải nhà thơ đầu tiên tố Phan Huyền Thư đạo. Trước đó một tuần, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn phát hiện câu mở đầu bài “Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn” sáng tác năm 2008 của Phan Huyền Thư quá giống với câu chủ đạo và là tinh thần của bài thơ 'Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển” của nhà thơ Du Tử Lê, sáng tác năm 1977. Song, nhiều ý kiến cho rằng chỉ giống nhau một vài câu thơ, rất khó kết luận “đạo hay không đạo.”

Trước vụ đạo thơ đình đám này, một tuần trước đó văn đàn Việt Nam cũng đã có vụ lùm sùm với nghi án “đòi quyền tác giả” giữa nhà thơ nữ Phan Thị Quế Mai và anh Ngô Xuân Phúc về bài thơ “Tổ Quốc Gọi Tên.” Tuy nhiên, ai là người đã “đẻ” ra bài thơ này thì đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có câu trả lời xác đáng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét