khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

Khi hành khách giận dữ - Tác giả Trần Lý Lê



Tứ thời bát tiết, mỗi khi ông Tặc Thiên không vui là trần gian lại khốn đốn. Khi thì mưa bão lụt lội, lúc lại hỏa hoạn động đất. Thiên tai khiến việc vận chuyển trở nên khó khăn nhất là vào mùa đông giá, những trận bão tuyết cản trở việc giao thông đi lại. Đi bộ ta chậm chạp hơn vì tuyết bám chặt chân cẳng; tuyết càng dày, bước chân càng khó, cử động không dễ dàng như trên đường bằng phẳng. Lái xe nguy hiểm hơn vì đường sá trơn trượt, bánh xe không còn theo sự điều khiển của tài xế nữa nên tai nạn xảy ra nhanh chóng dễ dàng hơn. Dùng đường hàng không thì gặp những trở ngại khác. Tuyết đóng băng nặng nề nên máy bay khó lòng cất cánh chưa kể những trận gió lộng, tàu bay đi vào hố mây gập ghềnh…

Những hôm thời tiết xấu, nhiều chuyến bay bị đổi lịch trình, bị chậm trễ khiến hành khách khó chịu, bực bội nhưng đáng kể nhất là mấy mẩu chuyện về phản ứng của hành khách Tàu khiến bá tánh khựng lại ngẫm nghĩ băn khoăn. Từ lúc nào con người trở nên nóng nảy xấu xí dường ấy?

Việc hành khách nổi nóng không phải là chuyện lạ. Năm xửa năm xưa, có một thời xa lộ Los Angeles bị gọi là ‘xa lộ tử thần’ vì kẹt đường quá đỗi, tài xế trở nên nóng nảy. Càng khó chịu người ta càng dễ nổi giận. Không chấp nhận cảnh chướng tai gai mắt khi bị một chiếc xe khác ép lối, vượt mặt hay tệ hại hơn, bấm còi liên tục nên đã có vài người rút súng trừng phạt kẻ lái xe “hỗn hào”. Tên bay đạn lạc và mấy người chết oan! Gần đây hơn thì xảy ra những vụ nổi sùng, nổi khùng trong không gian, “air rage”.

Phát khùng trong không gian, “Air rage”, là hình ảnh thường thấy tại các trạm hàng không Hoa Lục vì chậm trễ là chuyện thường ở huyện chưa kể cách giao tiếp không mấy lịch sự của nhân viên các hãng hàng không Tàu, từ nhân viên quầy bán vé đến tiếp viên phi hành. Hành khách bị thử thách liên tục nên lòng tử tế, sự tự trọng dường như khô cạn chăng?

Hôm mùng 10 tháng Giêng vừa qua, hành khách trên chuyến bay MU2036 của hãng China Eastern Airlines di chuyển từ Kunming Changshui International Airport đến Beijing đã tự động mở cửa “thoát hiểm” vì tức giận.

Vì bão tuyết, chuyến bay kể trên khởi hành trễ 7 tiếng. Hành khách ngồi chịu trận trong lòng tàu cho đến khi hãng hàng không tắt hệ thống điều hòa không khí để xả đá cánh máy bay trước khi cất cánh. Không khí hẳn ngột ngạt nên hành khách nổi giận, họ la lối phản đối nhân viên phi hành. Và để trả đũa, một số hành khách đã tự động mở hai cánh cửa thoát hiểm ở thân tàu. Tất nhiên là máy bay chẳng thể cất cánh trong tình trạng ấy và hậu quả là chuyến bay bị đình chỉ, 25 người trong số 153 hành khách bị bắt giữ để thẩm vấn. Hai người, trong cùng nhóm du lịch bị buộc tội khuấy rối và bị tù giam 15 ngày. Cuộc điều tra đang tiếp diễn vì cảnh sát chưa nhận diện được người đã mở cánh cửa thứ nhì.

Khi câu chuyện và tấm hình chiếc máy bay với cánh cửa thoát hiểm mở toang lan tràn mạng ảo thì dư luận Hoa Lục xôn xao sôi nổi. Người cảm thông với sự bực bội nóng nảy của hành khách sau bao nhiêu giờ ngồi đồng chờ đợi nhưng cũng có kẻ cho rằng “án” tù giam 15 ngày là quá nhẹ cho cái tội khuấy rối an ninh lớn như thế. Họ cho rằng những con người nóng nảy kia lẽ ra nên bị treo giò không cho bay bổng nữa thì thích đáng hơn?

Côn Minh (Kunming) là một trong những sân bay bận rộn nhất của Hoa Lục, năm ngoái đã có trên 32 triệu hành khách dùng phi cảng ấy. Quá đông đúc, quá bận rộn khiến nhân công phải làm việc quá mức và tất nhiên là họ không vui vẻ, dễ cáu kỉnh với khách hàng. Theo bản tin của Tân Hoa Xã, Tháng Tám năm 2012, 31 hành khách của một chuyến bay bị đình trệ đã tự ý xông ra phi đạo để ngăn cản các chuyến bay sắp cất cánh khác, và họ đã “cắm trại” trên phi đạo ít nhất nửa tiếng. Việc “chiếm đóng” phi đạo của hành khách nổi khùng dĩ nhiên là không giải quyết được sự đình trệ mà kéo dài thời gian chậm trễ cho chính họ và những người khác. Tháng Hai năm 2013, khoảng 50 hành khách của một chuyến bay bị đổi lịch trình đã tràn ra phi đạo, chắn lối không cho hành khách các chuyến bay khác lên tàu! Cảnh sát đã phải dùng hơi cay để giải tán đám hành khách nổi đóa kia.
Chuyện hành khách Tàu nổi đóa phá phách không chỉ giới hạn trong vùng không gian nội địa mà cung cách bất lịch sự kia bị đem ra trưng bày khắp thế giới.

Tháng Hai năm 2012, hãng hàng không United đã phải đuổi một đôi vợ chồng người Hoa Lục đáp chuyến bay từ Guam đi Thượng Hải. Họ la lối mắng mỏ người tiếp viên khi phụ nữ này xếp đặt lại các túi xách để làm rộng chỗ để hành lý. Tháng 9 cùng năm, chuyến bay của Swiss Air đi Bắc Kinh đã phải bay trở về Zurich vì hai hành khách Tàu uýnh lộn tranh giành chỗ ngả lưng trên máy bay. Hai hành khách phá rối nọ được giao cho cảnh sát Thụy Sĩ rồi bá tánh mới được lên đường. Tháng Hai năm 2014, chuyến bay từ Phuket Thái Lan bị chậm trễ vì hai nhóm hành khách Tàu ẩu đả trong thân tàu, kết quả là 29 hành khách nọ bị đuổi ra khỏi máy bay. Tháng Mười Hai năm ngoái, chuyến bay của AirAsia khởi hành từ Thái Lan để đi Nam Kinh đã phải trở về Bangkok sau khi một hành khách hắt nước sôi vào người tiếp viên vì to tiếng cãi cọ với người bạn trai và tiếp viên phi hành… Tạm hiểu là du khách Hoa Lục nóng nảy, đối xử không đẹp với nhau và với nhân viên phi hành!

Cách hành xử không mấy lịch sự của cư dân tại nội địa đã khiến bá tánh ê ẩm ngao ngán. Du khách đến Hoa Lục đành chịu đựng vì ta là khách, chủ nhà hay thì ta đến lần nữa bằng không thì một đi chẳng trở lại. Và lại khách viếng thăm mà cứ lớn tiếng dè bỉu chủ nhà thì không ra làm sao cả nên bá tánh lặng như tờ, ít người than thở. Nhưng khi cách hành xử khó chấp nhận ấy được trình diễn khắp nơi thì xấu hổ lắm. Chính ông Tập Cận Bình đã phải lên tiếng khuyên nhủ con dân Tàu rằng ta bây giờ khá giả rồi, có thể góp mặt với thế giới thì cần phải giữ mặt mũi chút đỉnh. Đừng ăn to nói lớn như đang ở trong bếp nhà mình. Đừng lấn lướt tranh giành chỗ ngồi, chỗ dựa, chỗ để hành lý với các hành khách khác, họ cũng mua vé như mình và cũng có đầy đủ quyền lợi, phải đàng hoàng chứ không nên mạnh ai nấy lấn như ở làng xã mình. Đừng hút thuốc lá rồi dụi tàn khắp nơi… Cuốn sách dạy phép lịch sự khi du lịch của ông Tập bày lền khên tại các phi trường lớn để phát không cho cư dân mà vẫn chẳng mấy ai đụng đến!

Cách hành xử tử tế và lòng tự trọng bắt nguồn từ cách giáo dục trong gia đình bất kể giàu nghèo và trường học và bắt đầu rất sớm ngay từ thủa thơ ấu. Thiếu sót các căn bản ấy đứa trẻ lớn lên khó lòng trở thành một công dân hữu dụng; chuyện con gái ông sếp lớn của hãng hàng không Air Korea là một thí dụ điển hình. Người cha đã phải cúi mình xin lỗi công chúng, nhìn nhận rằng mình không biết dạy con nên cô con gái đã lớn kềnh càng nhưng vẫn không hành xử như một người trưởng thành tử tế?!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét