khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

Giã từ quốc tịch Mỹ - Tác giả Trang Nguyên



Cho đến những năm 1960, quốc tịch Mỹ được xem là một điều vinh dự, chỉ duy nhất bị chính phủ lấy đi dựa trên những lý do nào đó. Nhưng kể từ đấy đến nay, quốc tịch Mỹ đã trở thành một quyền sở hữu của cá nhân mà người dân có quyền giữ hay từ bỏ theo lựa chọn của mình. Thế nhưng, hiện nay có gần 10,000 người Mỹ từ bỏ quốc tịch. Hầu hết những trường hợp từ bỏ quốc tịch được cho là vì không muốn đóng thuế trên những tài sản không khai báo với chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, sự thật không hẳn như thế.

Tránh thuế chứ không trốn thuế

Theo Forbes, năm 2014 có khoảng 3,415 người dân Mỹ từ bỏ quốc tịch, con số này tăng 221% so với năm 2013 khi chỉ có khoảng 2,999 người Mỹ từ bỏ quốc tịch. Đây là một trong những điều bất ngờ đối với nhiều người bởi Hoa Kỳ luôn được xem là miền đất hứa cho người di cư khắp nơi trên thế giới, nhất là những người lao động nghèo tại các nước Nam Mỹ, châu Phi. Đặc biệt chính sách thu hút nhân tài của Chính phủ Mỹ luôn mở rộng cửa đón những tài năng thế giới đến sinh sống, làm việc và nhập tịch.

Mặc dù có nhiều lý do khiến người Mỹ từ bỏ quốc tịch, tuy nhiên nguyên nhân chính được chỉ ra là các luật thuế của Mỹ, đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân. Mới đây, IRS đã yêu cầu các ngân hàng nước ngoài phải thông báo với Chính phủ Mỹ những cá nhân mang quốc tịch Mỹ có tài khoản tiền gửi trên 50,000 USD. Đây là biện pháp đánh thuế thu nhập trước việc ngày càng nhiều người Mỹ ở Mỹ hoặc người có quốc tịch Mỹ đang làm việc và sinh sống tại nước ngoài có tiền gửi tại các ngân hàng nước ngoài để tránh thuế thu nhập cá nhân.

Theo luật thuế, mọi công dân có quốc tịch Mỹ có thu nhập dù sống tại Mỹ hoặc các nước trên thế giới đều phải đóng thuế và các nghĩa vụ thuế khác nhau. Người có quốc tịch Mỹ phải bắt buộc công khai tài khoản ngân hàng, kê khai và báo cáo thuế đồng thời công bố các thông tin hoạt động làm ăn. Các hình phạt do không thực hiện các nghĩa vụ thuế của Mỹ cũng được xem là hà khắc, người Mỹ ở trong và ngoài nước nếu không thực hiện nghĩa vụ thuế sẽ bị phạt hành chính dân sự, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cơ quan Thuế quốc gia theo dõi và kiểm soát việc đóng thuế của những người Mỹ sống tại hải ngoại đang rất quan tâm đến số người Mỹ từ bỏ quốc tịch ngày một tăng cao này. Theo họ, hầu hết những người này không thuộc thành phần trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế do sở hữu khối tài sản cao gấp năm lần những người từ bỏ quốc tịch Mỹ cách nay một thập niên. Tuy thế, suốt nhiều năm qua, nhiều người Mỹ sinh sống tại hải ngoại đã than phiền rằng họ phải trả cho các luật sư và kiểm toán mức phí quá cao khi khai thuế bên ngoài nước Mỹ. Cùng với đó, họ phải thông báo thu nhập của vợ hoặc chồng không phải là người Mỹ, bị các ngân hàng châu Âu từ chối mở tài khoản hay cấp tín dụng cho vay.

Trên thực thế nhiều người không khai thuế vì họ chỉ làm ăn nhỏ hay dựa vào nguồn thu nhập chính từ vợ hoặc chồng. Nay Đạo luật Tuân thủ Quy định Thuế nước ngoài - Foreign Account Tax Compliance Act (FATCA) buộc họ phải khai thuế nếu không muốn bị phạt nặng. Nhiều người nói IRS chỉ tìm cách lấy lại những gì đang còn bị nợ, nhưng những nhà chỉ trích thì nói trong khi giới chức tìm cách phát hiện ra những kẻ trốn thuế thì người dân thường cũng bị kéo vào cơn ác mộng phải điền đơn, tốn kém và mất thời gian. Mà với một số người, thì như thế là quá mức chịu đựng.

Briget, người đang điều hành một công ty biên tập và dịch thuật ở quê nhà xứ Scandinavia, Bắc Âu đã từ bỏ quốc tịch Mỹ hồi 2011. “Chả liên quan gì tới chuyện trốn thuế cả. Vấn đề trở nên phức tạp khi tôi phải nhờ CPA làm hồ sơ khai thuế, với chi phí hàng năm tới gần 2,000 đô la. Mà ngày càng ít kế toán thuế nhận làm cho khách hàng, thậm chí một số ngân hàng không nhận tiền gửi của người Mỹ, do sự khắt khe của luật FATCA”. Bà nói với đài BBC: “Bây giờ tôi ngủ ngon hơn vì biết là mình không còn phải lo lắng về các quy định thuế của Mỹ. Tôi sẽ không bao giờ có thể sống ở Mỹ nữa, nhưng vẫn có thể tới thăm, và thế với tôi là đủ rồi”.

Từ bỏ quốc tịch vì thuế cao

Cũng không có gì khó hiểu khi các tập đoàn đa quốc gia muốn trốn chạy khỏi hệ thống thuế của nước Mỹ. Tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp ở Mỹ là 35% - cao nhất trong các nước phát triển. Mỹ cũng nằm trong số ít quốc gia đánh thuế vào tổng thu nhập mà các tập đoàn kiếm được trên toàn thế giới, kể cả khi phần lớn lợi nhuận được tạo ra bởi một chi nhánh ở nước ngoài với mức thuế suất thấp. Nhiều quốc gia (trong đó có Anh và Canada) chỉ đánh thuế vào lợi nhuận thu được ở trong nước. Điều này dẫn đến kết quả là một công ty độc lập ở Mỹ sẽ phải nộp nhiều thuế hơn so với một công ty ở Mỹ nhưng có công ty mẹ ở nước ngoài. Cách này rất hữu ích đối với hầu hết các công ty dược và công nghệ tại Mỹ đều có công ty mẹ ở nước ngoài.

Đơn cử, tập đoàn Burger King Worldwide Inc. đã mua lại chuỗi cửa hàng café và bánh doughnut Tim Hortons của Canada trong thương vụ có giá trị 11 tỷ USD. Thỏa thuận này sẽ giúp hãng đồ ăn nhanh của Mỹ chuyển toàn bộ “căn cứ” sang Canada và do đó tránh được khoản thuế ở Mỹ. Theo nguồn tin, Burger King sẽ  thành lập một công ty mẹ mới và thương vụ này sẽ tạo ra chuỗi cửa hàng ăn nhanh lớn thứ ba thế giới. Thương vụ của Burger King gặp phải không ít sự phản đối gay gắt của dư luận bởi đây là thương hiệu nổi tiếng và đặc trưng cho nước Mỹ. Trong khi đó, Tim Hortons có trụ sở tại Oakville, Ontario và nổi tiếng với café – thị trường mà các hãng đồ ăn nhanh của Mỹ đang chạy đua để thâu tóm thị phần. 

Trước đó, Tổng thống Barack Obama kêu gọi các tập đoàn và công ty tại Mỹ hãy thể hiện lòng yêu nước bằng việc đưa trụ sở ở nước ngoài trở về Mỹ để ngăn chặn tình trạng thất thoát nguồn thu thuế của chính phủ. Phát biểu trong bài diễn văn hàng tuần trên đài phát thanh và Internet, Tổng thống Obama chỉ trích các công ty và tập đoàn lớn của Mỹ đua nhau đưa trụ sở ra nước ngoài để tránh phải trả thuế cao. Ông Obama nói: “Hiện có các tập đoàn và công ty Mỹ vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động kinh doanh ở trong nước, nhưng trên thực tế đã “từ bỏ quốc tịch” bằng việc lách luật, khai báo trụ sở ở các quốc gia khác để tránh phải trả thuế ở Mỹ. Thừa nhận những lỗ hổng trong luật thuế dẫn tới tình trạng trên, nhưng ông Obama khẳng định các hành động này là không yêu nước”.

Dư luận còn nhớ vụ Eduardo Saverin được giữ chức danh đồng sáng lập Facebook với khoảng 4% cổ phần, đã từ bỏ quốc tịch Mỹ năm 2011 và trở thành cư dân Singapore chỉ vì nước này không đánh thuế trên tiền lời do đầu tư đem về. Saverin cũng không phải trả thuế tại quê nhà Brazil. Việc Saverin từ bỏ quốc tịch Mỹ đã làm dấy lên những chỉ trích về lòng yêu nước. Nhưng theo ông Yonah, giám đốc Chương trình Thuế vụ Quốc tế của đại học Michigan, hành động của Saverin không phạm pháp. Ông nói: “Năm 2008, Quốc hội đã thông qua luật quy định rằng nếu là một công dân Mỹ sống ở nước ngoài, người này được phép từ bỏ quốc tịch và trả một khoản thuế cho việc từ bỏ”. Ông Yonah cho biết trước khi đạo luật được thông qua, người ta có mặc cảm thiếu lòng yêu nước khi từ bỏ quốc tịch. Nhưng bây giờ thì: “Quốc hội đã đưa ra một cái giá cho hành động đó, và nếu cái giá hợp lý thì người ta phải trả thôi”.

Để ngăn cản việc ngày càng nhiều người Mỹ từ bỏ quốc tịch, tháng 8/2014 Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tăng lệ phí xin thôi quốc tịch Mỹ từ mức 450 đô la lên 2,350 đô la. Một thượng nghị sĩ đệ trình đánh thuế 30% vào những người vì thuế mà từ bỏ quốc tịch. Dù đề nghị này bị bác bỏ, song lệ phí xin thôi quốc tịch Mỹ hiện vẫn được xem là quá cao.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét