khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

Dấu Móng Chim Hồng- Tác giả Hoàng Hải Thủy



Những năm 1960 tôi gặp trên trang sách bốn câu Thơ của ông Tầu Văn Thiên Tường:

Nhân sinh đáo xứ ưng hà tự?
Ưng tự phi hồng đạp tuyết nê.
Nê thượng vô tình lưu trảo tích.
Hồng phi na kế hướng đông tê! – Tê: Tây.
Người ta ở đời nên sống như thế nào?
Nên như chim Hồng đi trên tuyết.
Chim vô tình để lại trên mặt tuyết dấu chân.
Hồng bay đi bất kể về đông hay tây..

Trong bốn câu thơ Hán Việt trên đây có thể có một, hai tiếng sai. Vì tôi nhớ không đúng. Có sai xin bỏ qua. Bốn câu thơ ấy đến với tôi năm tôi tuổi đời Ba Bó. Năm ấy – năm 1960 – tôi thấy ý thơ hay nhưng thơ không làm tôi xúc động gì nhiều. Đời tôi những năm ấy đang phơI phới lên hương. Chưa có một tai họa nào đáng gọi là tai họa đến với tôi. Hai mươi năm sau trong những đêm buồn nằm phơi rốn mốc trong Nhà Tù Chí Hòa, chuyện Chim Hồng bay, Chim Hồng bị giam tù, Chim Hồng để lại dấu chân…trở lại với tôi. Ý thơ Chim Hồng bay đi để lại dấn chân chim trên tuyết làm tôi nghĩ;
“Mình không phải là chim Hồng nhưng mình cũng để lại những hình ảnh, những việc làm, những thái độ trong tù của mình trong ký ức các bạn tù. Không mong được các bạn khen, mình chỉ cần khi mình ra khỏi tù, có ai hỏi mình sống trong tù ra sao, các bạn tù của mình trả lời;

“Tên đó tạm được. Không đến nỗi hèn.”

Buổi sáng tháng tận, năm cùng nơi xứ người, cuộc sống của vợ chồng tôi leo lét như ngọn đèn cạn dầu, tình cờ tôi tìm thấy trên Internet, và trên blog “hoanghaithuy.com” của tôi, một số bài viết về Duyên Anh. Tôi cảm khái khi thấy những bài viết này có hình ảnh dấu chân Chim Hồng trên tuyết.

Mời quí vị đọc:

Trích “hoanghaithuy.com.”

Phương Lê,. September 13, 2011:

Ông bố tôi là nhân viên Sở Tâm Lý Chiến, Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia. Thuở ấy tôi mê đọc tiểu thuyết của Duyên Anh. Đầu óc tôi đầy hình ảnh những tay  giang hồ du đãng là những nhân vật trong những truyện ăn khách đương thời của Nhà Văn Duyên Anh như “Điệu ru nước mắt”, “Vết thù trên lưng ngựa hoang”, “Luật hè phố” v..v… Chị tôi mê đọc những tiểu thuyết của Lệ Hằng.

Thấy chị em tôi đọc những tiểu thuyết ấy, Bố tôi thở dài, ông nói : “Người ta bảo: con trai không nên cho đọc Thủy Hử, con gái không nên cho đọc Thúy Kiều; đó là chuyện người xưa, nay tao thấy: con trai không nên cho đọc Duyên Anh, con gái không nên cho đọc Lệ Hằng!”.

Khi nghe tôi hỏi ông về Duyên Anh, ông đáp ngay:

“Thằng đó già họng, già hàm lắm!”.

Tây Độc, September 13, 2011:

Hình như “Luật Hè Phố” sau này đổi thành “Giấc mơ một loài cỏ” phải không quý vị?

Tôi thấy cái tựa “Giấc mơ một loài cỏ” hay hơn “Luật Hè Phố” nhiều.

Nhận xét Duyên Anh là người kiêu ngạo rất chính xác. Đọc “Nhìn lại những bến bờ…” và quyển hồi ký ông viết về những năm ông bị tù cải tạo thì thấy rõ điều đó.

Có lẽ vì hăng chửi người khác và tự coi mình quá quan trọng nên ông bị người ta đánh chăng?
Tuy nhiên, ai mà chẳng có tật xấu. Dù gì thì Duyên Anh cũng là người chống Cộng nhiệt thành và là nhà văn có tài, có nhiều độc giả.

Nguyễn Việt Hùng, September 16, 2011

Nhân vô thập toàn, Duyên Anh cũng thế. Con người của Duyên Anh chắc cũng đầy những tính tốt và tính xấu. Như mọi người thôi. Nhưng xuyên qua tất cả những tác phẩm của ông, theo tôi Duyên Anh là nhà văn tài năng và đầy sức sáng tạo. Duyên Anh còn là người chống Cộng mãnh liệt và có lòng yêu nước nồng nàn. Cho dù những tác phẩm viết về giới du đãng của ông đầy những tư tường bi phẩn và nổi loạn, nhưng cũng mang đầy tính nhân văn. Ông là một trong số ít ỏi những nhà văn VN có  những tác phẩm được dịch ra ngoại ngữ. Là kẻ hậu sinh, khi Duyên Anh là nhà văn nổi tiếng, tôi chỉ là cậu học sinh tiểu học, nhưng tôi thấy dù yêu hay ghét Duyên Anh, người ta cũng phải công nhận ông đã có những đóng góp không nhỏ cho nền văn học Việt Nam. Duyên Anh đã mất, “nghĩa tử là nghĩa tận”, những phán xét về ông nên thật công bình.

TTLan-Paris, September 20, 2011

Đọc những chuyện ‘Làng Văn, Làng Báo’ trước 75, làm cháu nhớ quê hương quá, những năm tháng mới lớn và bắt đầu mê đọc tiểu thuyết…Báo Con Ong, Báo Đời, báo Sống, báo Xây Dựng, báo VNTP… gợi lại trong hồn cháu bao kỷ niệm của Sài Gòn mến yêu. Bác CTHĐ nhắc đến chú Duyên Anh, nhà văn mà cháu đọc ngấu nghiến tất cả những văn phẩm của ông viết cho tuổi thơ. Quyển cháu thích nhất là “Dzũng Đakao.” Chẳng hiểu tại sao, có những từ ngữ chú DA chế ra như “cho ăn bát cơm nguội”, ‘lang bang sì-cun (school)’ đã mãi mãi ở lại trong đầu cháu. Ai nói gì hay phê bình sao về DA thì nói, đối với riêng cháu, chú DA là một người mà cháu khâm phục, là người mà cháu tôn làm Thầy trên cả thầy. Theo cháu,  kể tật chú DA là ‘kiêu ngạo’ không hẳn đúng, “khó tính” hay “già mồm” cũng vậy. Theo cháu,  DA “ngông”, ngông như Cao Bá Quát, chẳng sợ ai, chẳng cần ai, vì ngông mà gây nên nhiều ác cảm. Nhưng nếu gần  và quen biết DA rõ hơn thì mới thấy là cái tài nó quá to so với cái tật. Từ năm mới lên 8 khi cháu vào nhóm Tuổi Thơ của báo Xây Dựng do chú DA phụ trách đến những năm cuối cùng tại Paris, cháu thấy chú DA trước sau vẫn vậy, lúc nào cũng có vẻ như có chuyện gì bực mình, bất mãn, khó chịu… nhưng khi hỏi ra thì là vì trong đầu ông lúc nào cũng có dăm ba quyển sách đang đua chen nhau, hay đang vùng vẫy muốn ra đời…Cháu sẽ mãi mãi nhớ chú DA với mày trau và nạng chống, với việc viết đến chết, viết tay phải không được thì chuyển sang viết bằng tay trái.  Vì không viết thì cái đầu ông nó sẽ nổ tung, trái tim ông sẽ ngưng đập, vì ông phải viết lên hết những tội ác của Cộng Sản!

Cám ơn chú Duyên Anh, cháu mong chú an nghỉ mãi mãi, không còn gì làm cho chú bực mình nữa hết!

H.Uyen, September 22, 2011

Rất đồng ý với Nguyễn Việt Hùng và TTLan-Paris.
Đã có 1 thời,tuổi thơ VN thiếu “món ăn tinh thần”. Sách dành cho thiếu nhi thời xưa ấy quá ít .Cho nên với “Con sáo của em tôi”,”Con Thúy”,”Thằng Côn”,“Chương Còm”..v.v.. Duyên Anh đã nổi tiếng.Và sau 1975,ông vẫn còn nghĩ đến tuổi trẻ với tác phẩm “Đồi Fanta”. 

Nguyễn Anh Thăng, September 25, 2011

Trích trong “Paris Mùa Xuân” Tác giả Nguyên Vũ:

Năm 1982, khi qua Paris du khảo lần đầu để chuẩn bị luận án viết tại Đại học Wisconsin-Madison, tôi được đọc tập “Bút Không “của Phan Nhật Nam, cùng nhiều thư riêng của Dê Húc Càn, tức Lão Húc Dương Hùng Cường – ông nhà báo, nhà văn gốc Không Quân một thời nếm mùi rệp rận của trại giam An Ninh Quân Đội tròn bốn tháng chỉ vì trót rủ Vương Sơn Thông, gã dân biểu gia nô gốc thợ chụp hình tỉnh Quảng Đức tới ngồi chung bàn với anh em Nhảy Dù chúng tội. Tôi cũng biết Đạo Cù Trần Tam Tiệp có “hộp thư” làm việc ngay tại Ty Bưu Điện Sai Gòn, nhờ vậy việc chuyển quà, tiền, và tài liệu giữa TT Tiệp, Paris, và một số văn nghệ sĩ Sài Gòn được giữ bí mật khá lâu

Nhưng sau đó vài tên ăng-ten ở Paris, kể cả “nhà văn của tuổi trẻ” và “tuổi ô mai” kiêm ký giả Thương Sinh – chuyên viên chửi thuê, nịnh mướn lừng danh ở Sài Gòn – đã mật báo với VC về đường dây liên lạc của ông TT Tiêp. Vì thế một số văn nghệ sĩ bị  VC  bắt giam như Dương Hùng Cường, Hoàng Hải Thủy, Doãn Quốc Sỹ …

Ngưng trích.

Đoạn văn trên trích từ trang 149 tập tâm bút mang tên “Paris, Mùa Xuân”, tác giả Nguyên Vũ, nhà xuất bản Văn Hoá, Houston, USA, 1988

Trích “hoanghaithuy.com”

Mai Đừc Độ, September 27, 2011

Nếu quả thật đoạn văn trên trích từ cuốn sách của ông Nguyên Vũ, thì thử hỏi sự kiện những nhà văn như Hoàng Hải Thủy, Doãn Quốc Sĩ, Dương Hùng Cường, bị cộng sản bắt tù vì bị nhà văn Duyên Anh “mật báo về đường dây liên lạc với ông TT Tiệp” có thể tin nổi không? CS phải cần đến DA mới phát hiện ra đường dây của ông Tiệp!? Thiệt là bullshit. Người chết thì đã.. chết rồi, tranh cãi thì cũng chằng làm gì. Nhưng thối quá, không lên tiếng không được.

TTLan-Paris, September 28, 2011

Gửi: @Nguyễn Anh Thăng,
Anh bới những chuyện có lợi cho CS, để nói xấu DA, một người từng đem phô bày tội ác CS qua bao nhiêu sách báo! Thế thì rõ là anh là người thế nào…

Đồng ý hoàn toàn với anh Mai Đức Độ : “Thối quá, không lên tiếng không được”. Ngay cả CTHĐ HHT, cũng đã viết về DA như sau:

“Những năm 1987, 1988 Duyên Anh bị đánh ở Cali, liệt nửa người. Oan nghiệt dễ sợ.”
Chắc NAT không đọc hay không biết đọc sao?
Mai Đừc Độ, September 29, 2011

Gửi bạn @Nguyen Anh Thang: Tôi và DA chẳng hề quen biết nhau. Giữa DA và tôi có cả một thế hệ đệm. Tại sao tôi lại phải “bênh vực” DA? Tôi đã đọc qua tất cả những lời cáo buộc DA làm “ăng ten cho CSVN” của Tạ Tỵ, Mai Thảo, Trần Tam Tiệp, hay của ông Tiến Sỉ Vũ Ngự Chiêu. Tất cả những người cáo buộc DA đều không từng có một ngày nào ở tù với ông ta. Họ đều chỉ dựa vào những tin đồn không căn cứ, chỉ dựa vào những chuyện “nghe người ta nói” rất mơ hồ.

Có một nhân chứng rất quan trọng là họa sĩ Đằng Giao (con rể của Nhà văn Chu Tử) là người cùng ở tù một trại, một phòng giam với DA là có thể cáo buộc hay minh oan cho DA, nhưng Đằng Giao lại chọn thái độ im lặng. Trong một lần Đằng Giao qua Mỹ để bán tranh, khi được hỏi về những lời cáo buộc DA, Đằng Giao đã nói đại ý :

“DA chẳng liên quan gì đến cái chết của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn ở Xuyên Mộc. Trong tù CS, chẳng có  người tù nào có thể làm “ăng ten” để hại cho người tù khác chết cả.”

Có thể vì Đằng Giao còn kẹt lại trong nước, nên rất khó cho anh ta có thể viết bài minh oan cho một người bị CS ghét cay ghét đắng. Ở xứ tự do, ngay cả khi bạn bị cảnh sát bắt tại trận vì một lý do gì đó, truớc khi bị xét xử, bạn vẫn được cho là vô tội. Vậy mà bạn chỉ dựa vào vài trang báo, vài lời cáo buộc vu vơ, mà bạn đã nói chắc như đinh đóng cột rằng DA là “ăng ten cho CS”!!! Tôi chỉ muốn nhắc bạn 1 điều là khi chưa có bằng cớ xác đáng thì đừng nên kết tội người khác. Trên đời này có quả báo đó bạn. Chúc bạn luôn vui.

Nguyen Anh Thang, September 29, 2011

Bạn Mai Đức Độ viết:

“Ở xứ tự do, ngay cả khi bạn bị cảnh sát bắt tại trận vì một lý do gì đó, truớc khi bị xét xử, bạn vẫn được cho là vô tộị Vậy mà bạn chỉ dựa vào vài trang báo, vài lời cáo buộc vu vơ, mà bạn đã chắc như đinh đóng cột rằng DA là “ăng ten cho CS”!!! Võ Đại Tôn, người dám về nước kháng chiến và chịu tù tội cũng một thời bị “chửi là Võ Đại Bịp”. Tôi chỉ muốn nhắc nhở bạn 1 điều là khi chưa có bằng cớ xác đáng thì đừng nên kết tội người khác. Trên đời này có quả báo đó bạn. Chúc bạn luôn vui”.

1.“Bạn đã chắc như đinh đóng cột rằng DA là “ăng ten cho CS”” Bạn tìm ở đâu ra câu nói trên của tôi? Xin trích ra giùm

2.“Tôi chỉ muốn nhắc nhở bạn 1 điều là khi chưa có bằng cớ xác đáng thì đừng nên kết tội người khác” Tôi trả lại câu này cho bạn, tuỳ nghi xử dung. Chắc bạn còn nhớ tựa đề một tiểu thuyết của Nhà văn Tuý Hồng có thể ứng dụng vào trường hợp này: “Tôi nhìn tôi trên vách”.

Tại sao nhà văn HHT bị tù CSVN hai lần mà không bị ai “tố điêu” là ăng- ten của CSVN, mà nhà văn Duyên Anh lại bị? Đây là câu hỏi chứ không phải là khẳng định của tôi.  Đừng vội bảo tôi là người nói “chắc như đinh đóng cột rằng DA làm “ăng ten cho CS” ”

Mượn lời Thánh Kinh, xin chúc “Bình An cùng bạn” Thời gian sẽ trả lời vấn nạn “DA có làm ăng ten cho CSVN” không. Đối thoại nên bình tĩnh khi người khác nói những gì trái với điều mình tin Thế mới đáng công mình bỏ xứ ra đi tìm tự do, phải không bạn ? Tôi sẽ không post ý kiến ý cò gì về chuyện này nữa . Post chuyện khác vui hơn, không có “căng.”

Duyên Anh trên Internet:

Duyên Anh (1935-1997) là nhà văn, nhà báo, nhà thơ hoạt động ở Miền Nam Việt Nam trước năm 1975 và ở hải ngoại sau năm 1981.

Duyên Anh tên thật là Vũ Mộng Long, những bút hiệu khác của ông là Thương Sinh, Mõ Báo, Thập Nguyên, Vạn Tóc Mai, Lệnh Hồ Xung, Thái Anh, Nã Cẩu, Bếp Nhỏ, Bếp Phụ và Độc Ngữ. Ông sinh ngày 16 tháng 8 năm 1935 tại làng Tường An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ông học tiểu học và trung học ở Thái Bình và Hà Nội.

Năm 1954, ông di cư vào Nam và từng làm đủ nghề: bán thuốc sơn đông mãi võ, theo đoàn cải lương lưu diễn, quảng cáo cho gánh xiếc rong, giữ xe đạp hội chợ, dạy kèm, dạy đàn ghi-ta, dạy sáo.

Năm 1960, được sự nâng đỡ tận tình của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh bắt đầu sự nghiệp văn chương và nổi tiếng ngay với tác phẩm đầu tay Hoa Thiên Lý. Tiếp theo đó là một loạt tác phẩm tiểu thuyết Thằng Côn, Thằng Vũ, Con Thúy…. viết về những kỷ niệm ấu thơ tại miền quê Bắc Việt, giọng văn tha thiết, nhẹ nhàng và tình cảm.

Sau đó ông trở thành ký giả, chủ bút, chủ báo, giám đốc nhà xuất bản. Duyên Anh đã cộng tác với hầu hết những tờ báo lớn ở miền Nam trước năm 1975 như: Xây Dựng, Sống,Chính Luận, Công Luận, Con Ong, Tuổi Ngọc…

Có một dạo, Duyên Anh viết về giới giang hồ, bụi đời trong xã hội trước năm 1975. Trong một số tác phẩm  Duyên Anh ca ngợi lối sống phóng khoáng, bất cần đời của giới trẻ bị bế tắc trong xã hội. Tuy nhiên những tác phẩm ấy vẫn thấm đậm một tính cách nghĩa khí và các nhân vật của Duyên Anh đều sẵn sàng chết vì tình nghĩa và chữ tín của mình. Ngoài ra, ông cũng viết nhiều truyện ngắn và truyện dài cho thiếu nhi.

Sau sự kiện 30 tháng 4, 1975, cùng với Doãn Quốc Sĩ, Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca, Phan Nhật Nam, Thanh Tâm Tuyền, Duyên Anh bị VC gọi là một trong 10 nghệ sĩ nêu danh là “Những Tên Biệt Kích của Chủ Nghĩa Thực Dân Mới Trên Mặt Trận Văn Hóa - Tư Tưởng.” Tất cả những tác phẩm của Duyên Anh đều bị cấm lưu hành.

Ngày 8 tháng 4 năm 1976, Duyên Anh bị bắt đi tù cải tạo trong Chiến dịch bắt văn nghệ sĩ miền Nam (tháng 4, 1976). Ra khỏi trại cải tạo vào tháng 11 năm 1981 ông vượt biên đến Malaysia. Tháng 10 năm 1983 Duyên Anh sang định cư tại Pháp. Một số tác phẩm ông viết ở hải ngoại được dịch ra tiếng nước ngoài và dựng thành phim, như Đồi FanTa, Một Người Nga ở Sài Gòn. Thời gian này, ông  có làm thơ và soạn nhạc.

Năm 1985, ông bắt đầu cộng tác với tờ Ngày Nay và trở thành một trong những cây bút trụ cột của báo này.

Ngày 6 tháng 2 năm 1997, Duyên Anh mất vì bệnh xơ gan tại Paris, Pháp.

Gần như có hai con người đối lập trong ông. Một Duyên Anh nhà văn có lối viết nhẹ nhàng, trong sáng, mơ mộng, đầy ấp tình người. Và một Duyên Anh nhà báo ngổ ngáo, tai tiếng, lắm kẻ thù với những bài viết sống sượng và cay độc. Ông được đánh giá là một nhà văn, nhà báo có chỗ đứng cao trong văn học nghệ thuật Việt Nam, sức sáng tạo dồi dào: ông có 34 năm cầm bút với 101 tác phẩm được viết và xuất bản.

Duyên Anh viết trong Lời Tựa Hồi Ký Nhà Tù

Tôi không có ý định viết hồi ký về những năm tù đầy của tôi khi tôi trở lại đời sống bình thường. Con người sinh ra là để chịu đựng mọi hệ lụy. Từ đầu đường oan nghiệt, tôi khởi sự khóc và tôi sẽ gục ngã ở cuối đường oan nghiệt. Từ đấy, theo tôi, là những cái mộ u cao hơn, nhiều chông gai hơn những cái mộ u khác dốc dài sau đó. Vượt qua hay chẳng vượt qua thì rồi cũng chết. Có những cái chết thật vô tích sự và mục rã như có cây tàn tạ. Có những cái chết được phục sinh. Chinh ý nghĩa của sự sống đã phục sinh sự chết. Ý nghĩa ấy nảy mầm trong lòng những cái mộ u cao nhất của sầu đạo và mầm ấy chổi lên mặt đất, chổi lên mãi thành cây nhân sinh xum xuê lá cành xanh mướt, trĩu nặng trái chín vàng mộ bằng sự phấn đấu can đảm của con người vượt qua mộ u. Nhà tù nào cũng chỉ là một xã hội thu hẹp. Nó nhỏ bé nên nó sinh động vô cùng. Nó gần gũi nên nó lột trần muôn mặt. Nó đầy rẫy ti tiện bẩn thỉu. Nó cao thượng và nó thấp hèn. Nó phản phúc đáy tim và nó sắt son đầu lưỡi. Nó đố kỵ ban đêm và nó hòa hoãn ban ngày. Nó anh hùng trong bóng tối và nó khiếp nhược ngoài ánh sáng. Nó tạo dựng ngộ nhận, vu khống, chup mũ và hành hạ lẫn nhau, bởi quan điểm cũ kỹ, bởi lập trường sắt máu, bởi sự ngu xuẩn, bởi máu lãnh tụ và bởi cả một điếu thuốc lào, một cục đường hay một miếng thịt chia chẳng đồng đều! Nhà tù không dạy con người một bài học cao quý nào cả. Con người đã tự học ở sự tủi nhục, ở nơi cay đắng trong nhà tù. Để biết chịu đựng. Để biết coi thường tất cả. Để biết thương xót.

Không ai thích vào tù, dù chết trong tù sẽ thành liệt sĩ hoặc ra khỏi tù sẽ thành dũng sĩ. Sát nhân cũng sợ tù. Vĩ nhân cũng sợ tù. Đại đức cũng sợ tù. Linh mục cũng sợ tù. Các nhà cách mạng càng sợ tù hơn. Bởi thế, nguc tù không bao giờ là thành tích vĩ đại để khi thoát khỏi nó, người ta vỗ ngực khoe khoang, người ta quảng cáo nó như một món hàng thương mại, người ta xử dụng nó như một phương tiện bước vào chính trường. Như những người thật thà với chính mình, tôi rất sợ tù đầy. Tôi ở lại Việt Nam vì vụng về trong mưu toan chạy trốn. Tôi không bao giờ có ý ở lại để làm chứng nhận lịch sử. Công việc phi thường nầy dành cho người khác. Tôi ở lại và tôi bị bắt bỏ tù. Tôi thành người tù. Khi được thả về, nghĩa là khi biết mình chưa chết, tôi mới dám nghĩ tới những năm tù đầy bất hạnh của tôi là hạnh phúc cho riêng tôi, cho những cuốn tiểu thuyết tôi sẽ viết mai nầy.

Tôi xin nhắc lại: Tôi không có ý định viết hồi ký về những năm tù đầy của tôi khi tôi trở lại đời sống bình thường. Nhưng tại sao tôi lại viết?

Tháng 10 năm 1983, tôi đến Paris như một thuyền nhân buồn.. Nhiều bạn tôi, những người đã cứu tôi thoát khỏi ngục tù cộng sản, hay tin tôi có mặt tại Pháp, tới thăm tôi, chia nỗi vui mừng với tôi. Tất cả các bạn đều hỏi tôi về đề lao Gia Đình, về Sở Công An, về khám Chí Hòa, về các trại tập trung và những hình phạt mà những tù nhân phải chịu đựng năm nầy qua năm khác, và suốt một kiếp người. Họ hỏi tôi về những người trí thức Việt Nam vì đấu tranh cho nhân quyền mà bị tù, lưu đầy, phát vãng. Họ hỏi tôi về những nhà văn, nhà thơ, nhà báo, những tù nhân tư tưởng của thời đại khốn kiếp của chúng ta. Tôi bỗng thấy tôi có bốn phận viết hồi ký. Hồi ký của tôi sẽ không phải chỉ là bản báo cáo những nỗi khổ lê thê và riêng tư trong số phận văn nghệ sĩ, trí thức Quốc Gia VNCH. Cũng không phải là những trang ngục sử ca ngợi các vị anh hùng không bao giờ có trong những nhà tù cộng sản. Tôi có tham vọng, trong hồi ký của tôi, diễn tả cái thủ thuật gian ác và hèn mọn của chủ nghĩa cộng sản là triệt để khai thác sự yếu đuối của con người, đe dọa, khủng bố để con người khiếp nhược, đánh vào dạ dày con người bằng roi gạo để con người thành đê tiện và tạo mâu thuẫn để con người thù hằn con người. Những tù nhân Việt Nam, đã chết, sắp chết hay sẽ chết vẫn tồn tại với định nghĩa làm người rực rỡ. Trong thống khổ và cô đơn.

Hồi ký của tôi gồm 2 cuốn. Cuốn thứ nhất mang tên NHÀ TÙ. Cuốn thứ hai mang tênTRẠI TẬP TRUNG. Như đã trình bày, nhà tù là một xã hội thu hẹp, nó gần gũi nên nó tự lột trần muôn mặt. Tôi có gắng ghi chép thật trung thực cái muôn mặt đỏ của Nhà Tù.

Montreuil, Tháng Giêng, 1984.

Duyên Anh

Yêu thương tặng Nguyễn Ngọc Phương, nhà tôi, người đã tốn nhiều nước mắt nuôi chồng tù

Duyên Anh

CTHĐ: Xin quí vị bạn đọc có ý kiến về Duyên Anh qua những dấu chân chim Duyên Anh để lại trên đây. Tôi viết thêm:

Tổ chức phản gián của Cộng Sản Hà Nội tìm ra mối liên lạc giữa ông Trần Tam Tiệp ở Paris và một số văn nghệ sĩ ở Sài Gòn. Duyên Anh không dính líu gì vào vụ này. Duyên Anh đi chui thoát khỏi Sài Gòn năm 1983. Nếu DA đi không thoát, anh đã bị bắt Tháng 4-1984 cùng với Dương Hùng Cường, Doãn Quốc Sĩ. Ra tòa anh có thể bị tụi CS phang án tù 10 năm khổ sai. Và nếu năm 1984 anh bị án tù 10 năm khổ sai, tai họa anh bị đánh đến liệt nửa người ở Cali năm 1988 đã không xẩy ra.

Duyên Anh không có tội gì trong cái chết trong tù của anh Nguyễn Mạnh Côn. Anh Côn chết ở Trại Tù Khổ Sai Xuyên Mộc vì anh đòi được trả tự do, anh tuyệt thực, bọn Cai Tù giam anh riêng một nơi, chúng không cho anh uống nước.

Duyên Anh là văn nghệ sĩ Việt Nam duy nhất bị người Việt Nam đánh đến bại liệt nửa người. Tai họa đến với Duyên Anh trên đất Hoa Kỳ. Không biết, không tìm ra ai đánh Duyên Anh trên đường phố Cali.

o O o

Nguyễn Du làm thơ vịnh Văn Thiên Tường, tác giả “Phi hồng đạp tuyết nê.”

Độ Hoài hữu cảm Văn Thừa Tướng
Sơn hà phong cảnh thượng y nhiên,
Thừa Tướng cô trung vạn cổ truyền.
Nhất độ Hoài Hà phi cố vũ.
Trùng lai Giang Tả hựu hà niên?
Ai trung xúc xứ minh kim thạch.
Oán huyết qui thời hóa đỗ quyên.
Nam Bắc chí kim vô dị tục,
Tịch dương vô hạn vãng lai thuyền.

Dịch nghĩa:

Qua sông Hoài nhớ Văn Thừa Tướng
Quang cảnh núi sông vẫn như xưa.
Lòng cô trung của Thừa Tướng truyền la6i vạn năm.
Qua sông Hoài là không còn đất nước cũ.
Biết bao giờ trở về Giang Tả?
Nỗi thương cảm thốt ra thành thơ như tiếng vàng đá.
Máu oan lúc trở về hóa thành chim đỗ quyên.
Ngày nay phong tục Nam Bắc không còn khác nhau nữa.
Dưới bóng chiều tà, thuyền ngược xuôi tấp nập trên sông.

Hoàng Hải Thủy phóng tác:

Nhớ Văn Thừa Tướng

Núi sông, trời đất vẫn xanh ngời.
Thừa Tướng lòng trung sáng vạn đời.
Giang Tả đi rồi, hồn trở lại.
Sông Hoài qua đó, đất  xa khơi.
Ngậm máu bay về, chim gọi nước.
Thơ vàng thương cảm tiếng vang trời.
Nam Bắc bây giờ không khác nữa,
Bóng chiều rơi xuống mũi thuyền người.

Văn Thiên Tường – 1236-1263 – Thừa Tướng triều Tống. Quân Nguyên vào chiếm miền Bắc Trung Hoa, triều đình Tống chạy xuống miền Nam Trung Hoa. Văn Thiên Tường cầm quân chống cự. Ông thua trận, bị quân Nguyên bắt sống. Vua Kim muốn ông đầu hàng, muốn dùng ông, ông không chịu hàng. Bị giam bốn năm ông vẫn không chịu hàng. Ông bị giết năm ông bốn mươi bẩy tuổi.

o O o

Ở đời ta nên sống như thế nào?
Nên như chim Hồng đi trên tuyết.
Chim để dấu chân chim trên tuyết.
Chim bay đi không cần biết sang đông hay về tây.

Chiều cuối năm Ta, đầu năm Tây, người viết thấy lạnh và cô đơn. Lạnh trong không gian, lạnh trong lòng. Cô đơn trong không gian, cô đơn trong hồn.

Chuyện xưa quá là xưa. Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh, Trần Tam Tiệp, Dương Hùng Cường như những cánh chim đã bay đi, chỉ còn những nét chữ của họ để lại trên mặt giấy.

Thơ Văn Thiên Tường;
“Nhân sinh tự cổ thùy vô tử?
Lưu thử đan tâm chiếu hãn thanh.”
Xưa nay có ai là người không chết?
Hãy để lại tấm lòng son trong sử xanh.

Ta không phải là chim Hồng, ta là chim Sẻ, ta  để lại những chữ viết của ta trên trang giấy này.

Cảm khái cách gì!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét