khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

Bồ câu đánh hơi để tìm đường về tổ




Khả năng nhớ đường kỳ diệu của bồ câu đưa thư ở đâu ra? Câu trả lời cho điều tranh cãi lâu nay đường như lại rất đơn giản. Các nhà nghiên cứu Italy cho rằng chúng thuần tuý chỉ tuân theo cái mũi của mình.
 
Trong một thí nghiệm thực tế, Anna Gagliardo từ Đại học Pisa và cộng sự đã kiểm tra hệ thống khứu giác và hệ thống định vị từ trường của những con chim bồ câu, nhằm xác định xem chúng thực hiện các cuộc hành trình hàng trăm dặm bằng cách nào.
 
Nghiên cứu, theo sau một công trình trong phòng thí nghiệm hồi năm 2004 của Cordula Mora và cộng sự, Đại học Auckland, New Zealand. Trong công trình đó, Mora huấn luyện chim bồ câu phát hiện ra một dị thường trong từ trường. Mora nhận thấy chúng phát hiện ra dị thường này bằng cái mỏ trên, nhờ sử dụng nhánh thần kinh sinh ba ở mắt.  
 
Nghiên cứu này đã củng cố giả thuyết cho rằng bồ câu đưa thư định vị đường về nhà nhờ sử dụng các hạt từ tính nhỏ xíu trong mỏ để lập bản đồ những thay đổi từ trường trái đất.
Tuy nhiên Gagliardo cho rằng chim bồ câu dù có khả năng đó, cũng không có nghĩa chúng luôn sử dụng nó để đánh dấu đường đi.
 
Để kiểm tra mức độ sử dụng giác quan này của bồ câu, Gagliardo đã cắt một đoạn thần kinh khứu giác trên 24 con bồ câu đưa thư và một đoạn nhánh thần kinh sinh ba ở mắt trên 24 con khác. Nhóm bồ câu thứ ba cũng gồm 24 con trải qua cuộc phẫu thuật giả và đóng vai trò như nhóm đối chứng.

Gagliardo sau đó thả cả 3 nhóm chim bồ câu thiếu kinh nghiệm này ở vị trí cách tổ 30 dặm.
 
Trong nhóm chim bị cắt dây thần kinh sinh ba, tất cả - trừ một con -đều trở về nhà ngày hôm sau, cho thấy khả năng phát hiện từ trường không được dùng để định vị đường đi.
Ở nhóm đối chứng, chỉ một con bồ câu lạc đường.
Trong khi đó, hầu hết những con chim thiếu giác quan khứu giác đều mất phương hướng hoàn toàn. Chỉ có 4 con trở về nhà.
 
Gagliardo cho rằng chim bồ câu đưa thư đã tạo ra bản đồ mùi của những khu vực mà chúng bay qua và sử dụng nó để định vị.
 
"Theo quan điểm của tôi, nghiên cứu này chắc chắn đã khép lại cuộc tranh cãi về chim đưa thư", Verner Bingman, một nhà sinh học hành vi tại Đại học Bowling Green State, bang Ohio, Mỹ nhận định.
Tuy nhiên Martin Wild, một nhà sinh học thần kinh tại Đại học Auckland, người thực hiện phẫu thuật cho cả nghiên cứu của Mora và Gagliardo, lưu ý rằng thí nghiệm của Gagliardo không nên được xem là nghiên cứu cuối cùng về khả năng định vị của chim bồ câu.
 
"Tự nhiên không hé lộ bí mật dễ dàng đến thế", Wild nói. "Những con chim sẽ sử dụng bất cứ giác quan nào chúng có ở mỗi thời điểm. Việc chỉ ra chim bồ câu sử dụng hệ thống định vị từ trường là cực kỳ khó khăn".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét