khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2024

Truyện trinh thám Tàu - Tác giả Robert Hans Van Gulik, dịch giả Nghĩa Nguyễn

 

Cách đây đã 25 thế kỷ, một nhân tài thời Xuân Thu (từ 722 đến 480 trước Công nguyên) có thể là một nhân vật của truyện trinh thám. Khổng tử phải nhỏ lệ khi ông mất, đó là thầy Tử Sản.
Ông người nước Trịnh, tên Công Tôn Kiều, tự là Tử Sản, một nhà chính trị đa tài và bác học ở đất Ðông Lý, làm Tướng quốc (Tể tướng) trải bốn đời vua Trịnh là Giản công, Ðịnh công, Hiếu công và Thanh công. Vì Trịnh là một nước nhỏ bị kẹt giữa hai nước lớn đang tranh ngôi bá chủ là Tấn và Sở, Tử Sản đã dùng cả ngoại giao khéo léo với bên ngoài lẫn pháp lễ nghiêm minh bên trong để giúp cho xứ sở hùng cường mà tránh bị lôi vào cuộc binh đao của các nước lớn. Người ta kể rằng thời Tử Sản làm Tướng quốc, dân nước Trịnh được sống thanh bình, ban đêm khỏi đóng cửa, ngoài đường không ai nhặt của rơi. Những điều trên, chúng ta có thể đã được đọc trong Ðông Chu Liệt quốc hoặc rải rác trong nhiều tác phẩm về thời Tiên Tần của Trung Hoa.
Ðời Ðông Hán có Vương Sung của đất Cối Kê (27 đến khoảng 97) kể lại một truyện về nhân vật Tử Sản trong tập Luận Hành như sau:
Bữa nọ, Tử Sản đang cùng đám tùy tùng tản bộ trên đường phố, qua ngôi nhà kia, họ bỗng nghe từ bên trong vọng ra tiếng khóc đầy sợ hãi của một phụ nữ. Ông bèn nói với những người đi cùng:
“Người đàn bà kia hẳn là có người thân sắp mất, hãy vào hỏi thăm xem sao.”
Quan Ðại Tư Khấu đi cùng Tướng quốc liền bảo người tùy viên:
“Vào hỏi xem người đó có cần giúp đỡ gì không.”
Người tùy viên vào hỏi thăm và trở ra báo tin:
“Người đàn ông chết rồi, đó là chồng của chị ta.”
Tử Sản bỗng biến sắc:
“Sao? Chồng chết rồi ư? Quả là giống bạc tình!”
Vị Ðại Tư Khấu thầm nghĩ: “Sao ngài Tướng quốc lại bực mình, người ta có khóc chồng vừa chết thì cũng là lẽ thường thôi chứ?”
Là chức quan về Hình pháp, khi Ðại Tư Khấu được Tử Sản ra lệnh vào khám nghiệm tử thi thì đến lượt ông bực mình: “Cũng lạ! Tâm lý người đời khi chồng mất thì vợ thấy xót xa; thế mà chúng ta lại đòi vào khám nghiệm tử thi thì thật là bất cận nhân tình!”
Ðã vậy, Tử Sản còn căn dặn trước khi bỏ đi:
“Khi giảo nghiệm tử thi, phải kiểm soát nàng đó cho kỹ để phòng bất trắc!”
Lệnh của quan Tướng quốc thì Ðại Tư Khấu phải nghe, chứ thâm tâm vẫn thấy mơ hồ. Vì vậy, ông ra lệnh cho thuộc hạ: “Các ngươi hãy vào khám nghiệm tử thi, nhưng phải làm cho nhẹ nhàng.” Sau đó, ông rảo bước chạy theo Tử Sản.
Lúc đó, Tử Sản đã hết hứng tản bộ mà trở lại Tướng phủ. Viên Ðại Tư Khấu về đến nơi và nêu thắc mắc. Tử Sản giải thích:
“Thói thường, khi người thân lâm bệnh thì người ta lo, sắp mất thì sợ, mất rồi thì buồn khổ. Người kia chồng chết mà trong tiếng khóc chỉ có lo sợ chứ không có nỗi buồn. Ðấy chẳng là sự bất thường sao?”
Lúc đó, quan Ðại Tư Khấu mới vỡ lẽ: “Ngài nói vậy chí phải. Anh chồng chết là do chị vợ giết thì mục đích đã đạt, cớ sao còn buồn? Khốn nỗi để che mắt thiên hạ thì không khóc không được, mà lòng đã toại nhưng vẫn sợ chuyện gian bị phát giác nên trong tiếng khóc mới có nỗi sợ hãi.”
Tử Sản khẽ gật đầu xác nhận.
Ít lâu sau, người đàn bà kia bị bắt vì tội sát hại chồng. Trên sọ nạn nhân có mấy nhát dao do người vợ chém khi chồng đang ngủ. Mới đầu, y thị còn chối quanh, sau khi người ta tìm ra tang vật và chiếc áo đẫm máu thì ả mới cúi đầu xin tha tội.
*
Có lẽ, chuyện trên là một “truyện trinh thám” lâu đời nhất tại Ðông phương, trước khi người ta phát minh ra thể loại “trinh thám” hoặc nghe nói đến Sherlock Holmes, Hercule Poirot của Tây phương, hay thám tử Kỳ Phát, Lê Phong phóng viên của Việt Nam....
Truyện về Tử Sản có thể được lưu truyền từ thời Tiên Tần (trước năm 221 trước Công nguyên) và được Vương Sung sưu tập vào đời Hán (thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên). Nguồn gốc thể loại trinh thám của Trung Hoa có thể đã khởi sự sớm như vậy. Những ai còn hồ nghi thì có thể nhớ đến Tư Mã Thiên (-145 đến -93) và bộ Sử ký của ông, phần Liệt truyện viết về Tô Tần.
Học trò của Quỷ Cốc tiên sinh, Tô Tần là chính khách và nhà du thuyết lừng danh thời Ðông Chu đã vận động các nước thi hành kế “hợp tung” theo trục ngoại giao Nam-Bắc để ngăn sự bành trướng của nước Tần từ hướng Tây. Ông còn khéo khích người bạn đồng liêu là Trương Nghi qua Tần thực hiện kế “liên hoành” để giữ một thế thăng bằng trên cán cân chiến lược giữa các nước, và duy trì được thế lực của hai người! Nhưng quyền lực nhiều cũng khiến lắm kẻ ganh ghét nên khi Tô Tần qua nước Tề thi hành kế hoạch cho nước Yên, ông bị mưu sát.
Trước khi chết, Tô Tần khuyên Tề vương kết tội mình làm loạn nước và ban thưởng cho kẻ ám sát nếu người đó ra nhận công. Tề vương bèn ra lệnh xé xác Tô Tần làm năm và hứa trao giải cho người thích khách. Nhờ vậy mà Tề vương tìm ra và giết được hung thủ để trả thù cho Tô Tần. Truyện Tô Tần cũng có thể là một mấu chốt của loại truyện trinh thám xảy ra từ đời Ðông Chu (và về sau mưu thuật điều tra từ dưới mồ “post mortem” của Tô Tần có được áp dụng trong một tác phẩm hiện đại!)
Năm 1975, các nhà khảo cổ Trung Hoa tìm được tại tỉnh Hồ Bắc những bộ sách viết trên thẻ tre vào đời Tần (-221 đến -207) trong đó có nhiều tài liệu về điều tra hình sự và cả những truyện dân gian về tài điều tra của các vị quan. Cho nên, đối với người tò mò thì truyện trinh thám Trung Hoa có thể xuất hiện khá sớm, nhưng chỉ dưới dạng giai thoại nhỏ, về sau mới được dân gian lưu truyền, thêm thắt và chỉ trở thành “tiểu thuyết” - loại văn chương thông tục để giải trí, theo định nghĩa của thời xưa - sau nhiều thế kỷ.
Trong Thủy Hử truyện, xuất hiện vào cuối đời Nguyên đầu đời Minh, hoặc Liêu Trai Chí Dị, xuất hiện cuối đời Minh đầu đời Thanh, người ta thấy rất nhiều chất liệu của loại truyện trinh thám. Nhưng, đối với độc giả bên ngoài nền văn hóa Trung Hoa thì người đầu tiên sưu tập và tổng hợp loại truyện trinh thám Trung Hoa có thể là Phùng Mộng Long (1574-1646), nhà văn học đời Minh, sinh tại Trường Châu (nay là Tô Châu, tỉnh Giang Tô). Ông là người đã hiệu chính một số sáng tác văn học thông tục của dân gian trong đó bộ Cổ kim Tiểu thuyết, xuất hiện khoảng năm 1620, có rất nhiều truyện ngắn loại trinh thám.
*
Trong nhiều thế kỷ, nếu không nói cả ngàn năm, giới học thuật Trung Hoa vẫn coi thường tiểu thuyết và thể loại văn học dân gian được gọi là thông tục, như các cụ ta coi những gì không viết bằng chữ Hán là “nôm na”. Các học giả Tây phương cũng theo nếp đó nên nghiên cứu khá sâu khá sớm về Trung Quốc, từ những tường thuật của Marco Polo vào đời Nguyên trở đi, nhưng vẫn chưa chú trọng đến tiểu thuyết và các sáng tác tập thể tích lũy từ nhiều thế hệ của “người kể truyện dạo” trong dòng văn học thông tục. Họ chú ý đến các trứ tác uẩn súc và nghiêm túc bằng Văn ngôn hơn là chữ Bạch thoại của giới bình dân. Duy có các tác giả Nhật Bản thì không bị ảnh hưởng của đường lối kỳ thị đó nên đã sưu tầm truyện xưa tuồng cổ của Trung Hoa và lấy đó làm chất liệu sáng tác, cho nên, nếu muốn tìm hiểu về dòng văn học dân gian của Trung Quốc, nhiều khi người ta có thể tìm thấy khá nhiều tại Nhật...
Chỉ sau cuộc Cách mạng 1911 của Tôn Dật Tiên và nói rộng hơn, trong giai đoạn giao thời giữa hai Thế chiến, từ 1918 đến 1939 của Trung Hoa Dân Quốc, người ta mới để ý đến loại văn chương nôm na này. Tiêu biểu cho thành phần trí thức tiến bộ trong thời kỳ trên và muốn đề cao tiếng Bạch thoại để canh tân xứ sở là Hồ Thích, Lỗ Tấn và Thái Nguyên Bồi. Sau đó là Lâm Ngữ Ðường. Họ khôi phục và quảng bá các tác phẩm văn học thông tục để chứng minh rằng ngôn ngữ nói của dân gian cũng có giá trị văn chương, và vì nỗ lực đó, họ khai quật trong kho tàng truyện cổ rất nhiều kỳ tích, đoản truyện hay giai thoại hấp dẫn để thuyết phục quần chúng.
Các học giả Tây phương từ đó mới thấy rằng bên dưới cái nét mô phạm đạo mạo của các ông quan kiêm nhà thơ cung đình còn có cả một di sản văn học sâu sắc và hấp dẫn mà các nhà văn đã tổng hợp và hiệu chính thành những sáng tác tập thể của dân gian. Loại truyện Thủy Hử, Tam Quốc Chí, Tây Du Ký và Kim Bình Mai hoặc Hồng Lâu Mộng trở thành quen biết với độc giả toàn cầu kể từ đó... Lấp ló bên dưới những công trình này, người ta bắt gặp một số sáng tác có thể được liệt vào loại truyện trinh thám, trong đó có truyện Ðịch công và Bao công, Ðịch Nhân Kiệt và Bao Chửng.
Nhưng, tại Trung Quốc, nội chiến, chiến tranh và “cách mạng” thời Mao Trạch Ðông đã lại phủ lên xã hội Trung Hoa một bức màn u ám và người ta chỉ còn nghe nói đến Trung Quốc qua tin tức chiến sự và thời sự. Xã hội cổ đại Trung Hoa ra sao trước đó, ngoài giới học giả, ít ai còn biết. Huống hồ truyện trinh thám trong xã hội đó.
Người Tây phương có ảnh hưởng nhất trong việc tiếp tục quảng bá truyện trinh thám Trung Quốc cho độc giả toàn cầu chính là Robert Hans van Gulik, vì ông không chỉ sưu tầm và dịch thuật mà còn sáng tác truyện trinh thám trong bối cảnh Trung Hoa, dựa trên kiến thức của ông về Trung Hoa thời cổ, cụ thể là từ những triều đại trước nhà Mãn Thanh (1644-1911). Ðộc giả Trung Hoa gọi tên ông theo lối phiên âm của họ là Cao La Bối Tiên sinh.
*
Robert van Gulik có thể là người sống một đời ba kiếp.
Ông là một học giả, một nhà ngoại giao và một nhà sưu tầm cổ ngoạn Ðông phương. Nhưng, ngoài phạm vi thưởng ngoạn của giới học giả, ông là một tác giả ngày càng nổi tiếng trong quần chúng Ðông Tây qua loạt truyện trinh thám về Ðịch công.
Sinh năm 1910 tại thị trấn Zutphen thuộc tỉnh Gelderlan của Hòa Lan, van Gulik là con trai một vị bác sĩ quân y của quân đội Hoàng gia Hòa Lan. Từ năm lên ba đến 12 tuổi, ông sống cùng cha tại Nam Dương (Indonesia, một cựu thuộc địa Hòa Lan) và đã học tiếng Mã Lai lẫn Trung Hoa ở tại đó. Cùng gia đình trở về Hòa Lan năm 1922, ông học trung học tại Nijmegen và sớm được chú ý như một đứa trẻ có khả năng thiên phú về ngoại ngữ. Nhờ Giáo sư Ngôn ngữ học C.C. Uhlenberg của Ðại học Amsterdam, cậu học sinh trung học này được giới thiệu đi học tiếng Phạn Bắc Sanskrit, một cổ ngữ và thuộc loại thánh ngữ để đọc kinh điển Ấn Ðộ, và học cả thổ ngữ của bộ lạc (“Da đỏ”) Blackfoot tại Mỹ trong khi cậu tiếp tục học thêm chữ Tầu với một sinh viên canh nông Trung Hoa. Tác phẩm đầu tay của cậu, biên soạn cùng Uhlenberg và in năm 1930, là cuốn từ điển English-Blackfoot, được bổ túc năm 1934 bởi cuốn từ điển Blackfoot-English!
Xong trung học, van Gulik vào một trung tâm nổi tiếng Âu châu về Ðông Á học là Ðại học Leyden để học về Trung Hoa và Nhật Bản trong khi tiếp tục tìm hiểu thêm về các nước Á châu khác: năm 1932, cậu sinh viên van Gulik xuất bản một bản dịch có giới thiệu công phu sang tiếng Hòa Lan một vở kịch Ấn Ðộ thời cổ (khoảng 400 năm sau Công nguyên) của Kálidàsa. Luận án Tiến sĩ năm 1934 của van Gulik là một đề tài lạ: Hiện tượng sùng tín loài ngựa trong phù chú giáo tại Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Ðộ và Tây Tạng. Tác phẩm biên khảo được trường Leyden cho ấn hành năm sau bởi một nhà sách uy tín về Á châu học là E. J. Brill. Trong khi đi học, van Gulik cộng tác với các tập san Hòa Lan với những bài viết về tình hình Trung Quốc, Ấn Ðộ và Nam Dương.
Hoàn tất việc học năm 1935, Robert van Gulik vào ngành ngoại giao và nhận nhiệm sở đầu tiên tại Nhật Bản và tại đây, ông tiếp tục theo đuổi sở thích của mình là nghiên cứu về Ðông phương trong một số mục chuyên đề. Ngoài công vụ và nghiên cứu, van Gulik khởi sự là một nhà sưu tầm cổ vật Á Ðông: tranh, sách và nhạc cụ lẫn nhiều thứ cổ ngoạn ly kỳ khác. Nhờ vậy mà ông đã phiên dịch một tiểu luận nổi tiếng của Mễ Phế (thế kỷ XI), danh sĩ và nhà thư pháp đời Tống, bạn thân của Tô Ðông Pha và Hoàng Ðình Kiên, vốn cũng là những người được ngợi ca về chữ viết đẹp. Tiểu luận của Mễ Phế viết về nghiên mực!
Robert van Gulik cũng là một nhà thư pháp, viết chữ Hán rất đẹp và còn là một tay danh cầm, chơi “thất huyền cầm” loại đàn cầm bảy dây nổi tiếng từ thời Khổng tử đến những huyền thoại về nhân vật Kê Khang trong Trúc lâm thất hiền đời Ngụy Tấn. Không chỉ viết chữ Hán và chơi đàn cầm, van Gulik còn giới thiệu loại đàn này qua một tập biên khảo về “chủ nghĩa đàn cầm” và một tập về con người Kê Khang và luận giải của nhân vật này về đàn cầm. Những trứ tác của ông được các học giả Trung Hoa, Nhật Bản và Âu châu cực kỳ khen ngợi. Nhưng vào thời điểm ấy, Á châu đã có biến.
Chiến tranh bùng nổ khi van Gulik còn đang ở Tokyo và bị kẹt tại đấy tới năm 1942 mới được hồi hương về Hòa Lan. Năm sau, ông được gửi đi Ðông Phi, Ai Cập và Ấn Ðộ trong các chuyến công tác ngắn, kể cả về tình báo, rồi lên chức Ðệ nhất Tham vụ tại một nhiệm sở mới là Trùng Khánh của chính quyền Trung Hoa Dân Quốc. Ông ở đấy cho đến khi Thế chiến II chấm dứt và trở về Hòa Lan năm 1946 làm việc trong Nha Chính trị của Bộ Ngoại giao rồi được gửi qua làm Cố vấn bên Tòa Ðại sứ Hòa Lan tại Hoa Kỳ: cố vấn cho Ủy ban Viễn Ðông về chánh sách hành xử với Nhật Bản thời hậu chiến!
Khi còn bị quản thúc tại Tokyo, nhà ngoại giao trẻ tìm ra bộ "Võ Tắc Thiên Tứ đại kỳ án" bằng tiếng Hán và giết thời giờ bằng cách tuyển chọn rồi phiên dịch sang Anh ngữ ba kỳ án liên hệ đến Ðịch Nhân Kiệt. Năm đó là 1940, về sau ông cho xuất bản tác phẩm này dưới tên Dee Gong An (Ðịch Công án) tại Tokyo năm 1949 (do chính ông vẽ bìa mà quý vị thấy!)
Khi ở Trùng Khánh, năm 1944 ông giới thiệu một tuyển tập của Ðông Cảo, nhà sư Thiền tông sống cuối đời Minh đã kiên trì tranh đấu đến cùng cho nhà Minh cho đến khi nhà Mãn Thanh chiếm được Trung Nguyên thì nhà sư lưu vong qua Nhật, cống hiến rất nhiều cho văn hóa và Thiền tông Nhật Bản (Minh mạt Nghĩa tăng Ðông Cảo tập san).
Tại Hoa Kỳ, ngoài giờ công vụ, van Gulik có mặt trong các thư viện để tiếp tục nghiên cứu về Ðông phương. Ðến năm 1948 được gửi vào Phái bộ Quân sự Hòa Lan tại Tokyo, ông cố vấn chính quyền Nhật về việc cải cách ngôn ngữ và xuất bản cuốn Ðịch Công án xong, ông nghiên cứu tiếp về tranh mộc bản đời Minh để tự mình minh họa các tác phẩm mà ông viết về Ðịch công, theo đúng phong cách Tầu! Truyện trinh thám Ðịch công của van Gulik xuất hiện từ Nhật Bản và nối liền với sự nghiệp ngoại giao của ông nên có những tác phẩm được viết khi ông ở Beirut (Lebanon) hay New Dehli.
*
Tác phẩm trinh thám đầu tiên của Robert van Gulik về nhân vật Ðịch công là The Chinese Bell Murders (Kim Chung Táng Cốt), được ông viết bằng Anh ngữ, sau đó chính ông phiên dịch sang Hoa ngữ và Nhật ngữ. Vì nhà xuất bản muốn có hình thiếu nữ khỏa thân trên bìa cho thêm hấp dẫn, ông nghiên cứu thêm về “dâm họa” Trung Hoa và Nhật Bản và nhờ đó sưu tầm được nhiều điều kỳ thú!
Kết quả là một tài liệu nhỏ “Xuân mộng tỏa ngôn” (Lời vụn vặt – và có thể hiểu là bỉ ổi - về giấc mộng Xuân!) xuất bản rất hạn chế năm 1950 để giới thiệu một truyện dâm thư và bộ dâm họa đời Minh được ông tìm thấy bên Nhật (Nhật Bản gọi loại họa phẩm này với tên thanh nhã là “Xuân họa” - Shunga). Năm sau, 1951, ông công bố một tài liệu khác về dâm họa Trung Hoa từ đời Hán đến trước đời Thanh (-206 đến 1644): “Bí hí đồ thuyết”.
Tập sách màu này chỉ được in làm 50 bản tặng riêng cho các viện bảo tàng nổi tiếng trên thế giới về Ðông phương học. Tài liệu làm giới nghiên cứu về Ðông phương lẫn tình dục học đều chú ý, ngợi khen, khiến sau này ông giới thiệu toàn phần bối cảnh nghiên cứu trước đó về tình dục Trung Hoa từ thời cổ đại (-1500) đến đời Mãn Thanh (1644), là khi chính quyền và xã hội đột nhiên trở nên đạo mạo hơn và hạn chế việc viết lách hay bàn tán về chuyện mây mưa. Cuốn sách đồ sộ "Sexual Life in Ancient China" của ông trở thành tác phẩm cổ điển trong giới Ðông phương học.
Dù sao, nhờ bước lãng du đó trong thế giới tình dục mây mưa, Robert van Gulik có sự am hiểu sâu đậm về những bí sự trong khuê phòng hoặc chốn thanh lâu kỹ viện bên sau nơi chốn người ta thi vị gọi là “ngõ liễu tường hoa”. Ông đưa sự hiểu biết đó vào truyện trinh thám, với các nhân vật nữ có thể làm mờ nhạt các nhân vật của Kim Dung vì quá hiền lành và kém khêu gợi!
Vả lại, Ðịch Nhân Kiệt là nhân vật lịch sử thời Võ Tắc Thiên, nữ hoàng đế nổi danh đời Ðường về thủ đọan chính trị và thuật mây mưa. Ðời Ðường cũng có những nữ sĩ khét tiếng là kỹ nữ hay đạo sĩ như Tiết Ðào và Ngư Huyền Cơ, những hoàng hậu và công chúa háo dâm đa sát, cho nên tiểu thuyết trinh thám của van Gulik có nhiều trang rất thanh, không tục, nhưng làm độc giả bắt rùng mình về cái dâm và cái ác của phụ nữ. Một nhân vật có thật là Ngư Huyền Cơ, một ca kỹ và nữ sĩ trước khi là đạo sĩ rồi bị tử hình (quãng 871) vì đánh chết một a hoàn: nàng kết bạn với nhiều danh sĩ đời Vãn Ðường, kể cả Ôn Ðình Quân, nhưng cũng là người “nữ đồng tính” (lesbian) và là xuất xứ của một nhân vật trong truyện "Poets and Assassins" của van Gulik!
Trong đời sống ngắn ngủi của Robert van Gulik (ông tạ thế năm 1967 vì ung thư phổi) ông là nhà ngoại giao có tài với chức vụ cuối là Ðại sứ Hòa Lan tại Nhật. Nhưng, ngoài các đề tài trọng đại về chính trị, kinh tế, quân sự hay xã hội của Trung Hoa, Nhật Bản hay Ấn Ðộ cần thiết cho công vụ, ông còn nghiên cứu sâu xa về những đề tài lớn như tôn giáo, rất sùng chuộng triết lý Lão Trang, tư tưởng Thiền tông và am hiểu về Mật tông của Phật giáo lẫn phù chú học của Ấn giáo. Hiển nhiên là van Gulik biết nhiều về học thuật và văn chương Trung Hoa như Tây phương được biết qua rất nhiều bài phiên dịch hay giới thiệu của ông về đủ mọi lãnh vực, từ số học đến âm nhạc đến thi ca, v.v...
Nhưng điểm đặc sắc là ông quan tâm đến chi tiết bình thường của đời sống Trung Hoa thời cổ, được kích thích bởi những khám phá khi là nhà sưu tầm, và ông là học giả về chế độ hình pháp thời xưa do nhu cầu nghiên cứu thêm về các đề tài hình sự cho truyện trinh thám. Nhờ vậy mà không khí trong truyện Ðịch công của ông có cái thần, có sự sống động đầy hấp dẫn. Ông là người kể truyện xuất sắc và dàn dựng tác phẩm gần như một bản phân cảnh kỹ thuật viết sẵn cho điện ảnh.
Ngoài khả năng thiên phú của một nhà sáng tác, một lý do giải thích khác là van Gulik đã triệt để khai thác nghệ thuật “kể truyện dạo” trong văn học dân gian của Trung Hoa...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét