khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2024

Địch Nhân Kiệt - Tác giã Robert Hans Van Gulik, dịch giả Nghĩa Nguyễn

 



Địch Nhân Kiệt là nhân vật có thật vào đời Đường, một trong mười vị Tể tướng xuất chúng của lịch sử Trung Hoa.
Sinh năm 630 tại Tinh Châu, phủ Thái Nguyên (tỉnh Sơn Tây ngày nay), Địch Nhân Kiệt đã làm quan tại các địa phương đến 47 tuổi mới về Kinh đô Trường An làm Đại lý thừa Tự khanh, hàng quan lục phẩm cầm đầu bộ máy tư pháp tại Kinh đô, rồi Thị Ngự sử, Thị lang bộ Công, Thượng thư Tả thừa, hai lần làm Trung thư lệnh (Tể tướng) sau hai lần làm Đô đốc với nhiều chiến công hiển hách.
Địch Nhân Kiệt làm Tể tướng dưới triều Võ Tắc Thiên, người phụ nữ duy nhất làm Hoàng đế Trung Hoa, khét tiếng háo dâm, tàn ác mà mưu lược. Ông quả cảm và mưu trí vượt qua mọi sóng gió chính trị dưới thời đại hắc ám đó để về sau cứu được ngai vàng cho nhà Đường mà sinh tiền lại được Võ hậu cực kỳ kính trọng, tôn ông là Quốc lão.
Khi còn làm quan ở địa phương trong các chức vụ như Huyện lệnh, Huyện Tham quân (chức quan về hình pháp dưới quyền Thứ sử), Tuần phủ, Thứ sử, và khi trở về Kinh đô chỉ huy viện Đại lý thừa, ông nổi tiếng về tài điều tra và nghệ thuật hình pháp sáng suốt.
Người ta truyền tụng rằng khi về Kinh làm Đại lý thừa Tự khanh, trong một năm ông giải quyết 17.000 vụ án tồn đọng mà không gặp một lời khiếu tố hay oán than. Địch Nhân Kiệt mất năm 700, được tặng Văn Xương Hữu Thừa Tướng, thụy là “Văn Huệ”, truy tặng Tư Không, truy phong Lương Quốc Công. Khi còn sống Địch Nhân Kiệt được dân chúng nhiều nơi lập bia ghi ơn, sau khi mất thì được đời sau gọi tên với sự kính trọng là “Địch công”. Người ta lưu truyền nhiều câu truyện về các vụ án hình sự của ông, tổng hợp trong bộ “Võ Tắc Thiên Tứ đại kỳ án” - bốn kỳ án lớn đời Võ Tắc Thiên - viết vào thời Mãn Thanh.
Học giả Hòa Lan Robert Hans van Gulik (1910-1967) đã gạn lọc trong tác phẩm đó ba kỳ án được Địch công giải đáp và phiên dịch thành cuốn Dee Gong an - An Ancient Chinese Detective Story (“Địch Công Án”) với nhiều chú thích công phu. Van Gulik còn gợi ý cho các tác giả khác có thể theo đó viết ra những truyện trinh thám về các vụ điều tra của Địch công. Sau cùng, chính ông lại say mê nghiên cứu thêm về cuộc đời Địch Nhân Kiệt cùng hệ thống hình luật, nhiều án lệ và những vụ án nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa để viết bằng Anh ngữ một loạt 16 bộ truyện về mấy chục kỳ án của Địch công, trong đó có cuốn được chính ông dịch ngược ra tiếng Trung Hoa vì sự hưởng ứng của độc giả!
Là một nhà ngoại giao có tài, với chức vụ cuối là Đại sứ Hòa Lan tại Tokyo sau các nhiệm sở tại Hoa Kỳ, Trung Hoa, Ấn Độ, Ai Cập, Đông Phi, Trung Đông, v.v... Robert van Gulik nói và viết chừng 15 thứ tiếng (kể cả tiếng thổ dân Bắc Mỹ, tiếng Phạn, tiếng Mã Lai, La Tinh, Hy Lạp, Trung Hoa, v.v...). Ông tường tận am hiểu tôn giáo, văn hóa và nghệ thuật Á Đông (Ấn Độ, Tây Tạng, Nhật Bản, Trung Hoa), có biệt tài về thư pháp, hội họa và âm nhạc Trung Hoa. Ông cũng là một học giả am tường về đời sống tình dục cổ đại Trung Hoa và về giống vượn bên Tầu (nội dung của tác phẩm cuối trong hàng trăm công trình nghiên cứu lớn nhỏ).
Nhưng, ngoài giới hàn lâm bác học, Robert van Gulik được độc giả Âu Á biết tới nhiều nhất nhờ bộ trinh thám về Địch công, về sau được Đại học Chicago, một trường đại học uy tín của Hoa Kỳ, tái bản nhiều lần để đưa vào chương trình giảng huấn của khoa Đông phương học!
Với nghệ thuật ly kỳ hồi hộp của thể loại trinh thám hiện đại, truyện Địch công của van Gulik còn dựng lại không khí đặc thù của xã hội Trung Hoa thời cổ, vốn lại khá gần gũi với người Việt. Trong các bộ truyện, chính Robert van Gulik tự tay minh họa thêm các bản đồ hoặc nhiều hình ảnh theo lối tranh mộc bản Trung Hoa, với phong cách điển hình trong các bộ tiểu thuyết hay kịch nghệ vào đời Minh.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét