Lật chồng báo cũ, tình cờ gặp hai bài thơ của Tú Kếu, nhưng chúng không nằm trong dòng thơ châm biếm và trào phúng từng tạo dựng tên tuổi cho nhà thơ này. Hai bài này có lẽ viết sau Mùa hè Đỏ lửa, và cái nhìn về chiến tranh của ông có lẽ là đặc trưng của miền Nam thời đó: chấp nhận cuộc chiến nghiệt ngã như một điều không thể né tránh, không thích nó nhưng vẫn lao vào với trọn vẹn tinh thần danh dự và trách nhiệm. Chúng khiến tôi nhớ lại cả một thời trai trẻ, còn là học sinh vô tư lự dù sống trong lo âu và băn khoăn thường trực (tuy lúc đó chưa ý thức rõ được điều đó) nhưng bây giờ nhìn lại mới thấy yêu cái không khí tự do và ít nhiều được làm người ở thời đó, đúng kiểu tâm lý “mất rồi mới thấy tiếc”, tựa như một con bệnh, khi bị đau mắt gần mù thì mới thấy yêu quý con mắt lúc nó còn lành lặn.
Chính Văn là bán nguyệt san do Nguyễn Mạnh Côn (chủ nhiệm) và Trần Phong Giao (chủ bút) góp sức thực hiện. Theo tôi nhớ, “Chém treo ngành” là cột mục thường xuyên, hình như ban đầu là trên tờ “Khởi Hành”, như một thương hiệu riêng của Tú Kếu.
Tôi đánh máy hai bài đó lại đây để mời các bạn cùng đọc lại và nhớ về kỷ niệm.
DẶN DÒ
Tim hồng ta gởi em cưng
Còn hơn để lại núi rừng uổng đi
Cánh tay xin được ôm ghì
Ôm lâu một chút phòng khi rụng rời
Áo này em ủ lấy hơi
Chờ anh tắt thở ngửi chơi đỡ buồn
Mắt này anh móc cho luôn
Tránh nhìn bi cảnh khỏi tuôn giọt sầu
Tặng em nguyên một hàm râu
Anh ra mặt trận cần đâu thứ này
Chỉ cần vũ khí trên tay
Môi hôn đằm thắm từ nay cũng chừa
Chân dài vết xẹo [sic] nhớ chưa
Nhớ đi kẻo lỡ bị cưa lại buồn
KHỜ DẠI
Anh đang gọi đại pháo mưa trên đầu anh em
Tôi xin gọi B52 tưới xuống đầu đồng loại
Còn cử chỉ nào đẹp hơn nữa chăng
Lũ chúng ta khờ dại?
Anh có AK xuyên phá tim tôi
Mẹ tôi nghe tin khóc ngất
Tôi có M16 bắn toang đầu anh
Vợ anh đầm đìa nước mắt
Trước khi chết chúng ta nói tiếng Việt Nam
Sau khi chết không ai được chôn cất
Xác nằm phơi diều quạ về ăn
Miệng câm nín nghìn năm bằn bặt.
TÚ KẾU
(Mục “Chém treo ngành”, “Chính Văn” số 1, ra ngày 12.7.1972)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét