Tôi nghĩ, khả năng hư cấu là chưa đủ cho sự thành công của một người sáng tác trong lãnh vực văn học, mà hắn còn phải có những trải nghiệm thực trong đời sống. Đôi khi, còn hơn thế nữa: chính đời sống của hắn là một tác phẩm. Sự kết hợp giữa hư cấu và đời thực sẽ hứa hẹn nhiều thành công cho tác phẩm hơn là chỉ một trong hai yếu tố.
Aeschylus (525 – 455 trước công nguyên) là một kịch tác gia chuyên viết bi kịch trong Hi Lạp cổ đại. Người ta cho rằng ông là cha đẻ của thể loại bi kịch, đã sáng tác bảy mươi chín vở kịch nhưng chỉ còn bảy vở lưu lại tới ngày nay.
Hầu như cho tới nay hậu thế vẫn chưa hiểu được nguyên nhân cái chết khác thường của Aeschylus. Tôi suy nghĩ về cái chết đó, và tình cờ hiểu được.
Sanh ra trong một gia đình thương gia giàu có, Aeschylus có một cuộc đời tương đối suôn sẻ, hạnh phúc và thành đạt. Ông có ba bà vợ và bốn đứa con, gồm ba con trai và một con gái. Bà vợ đầu nhỏ hơn ông hai tuổi, là người đã giúp ông quản lý gia đình và tài sản. Bà vợ kế là một người đàn bà nhỏ hơn ông hai mươi lăm tuổi, rất đẹp và sành sỏi trong việc chăn gối, cho ông vui hưởng mọi thú vui dục lạc mà một tay đàn ông có thể hưởng được trên đời. Cô vợ cuối trẻ hơn ông năm mươi tuổi, là bạn của cô con gái út của ông, là một thiếu nữ xinh đẹp, hồn nhiên, cô là nguồn cung ứng cho ông sự tươi trẻ và sự thỏa mãn lòng tự hào về khả năng chinh phục của con thú đực đầu đàn. Ông không tham gia chính sự, dành thời gian cả đời để hưởng lạc và sáng tác.
Khi người đương thời cho rằng ông đã đạt được danh vọng và lên tới đỉnh cao nhất của tài năng, thì ông chợt nhận ra tất cả những tác phẩm của mình đều nhạt nhẽo và thất bại, chúng chỉ thỏa mãn đám thượng lưu nông cạn nhưng lại hãnh tiến cho rằng họ là trí thức tinh hoa của thời đại. Tệ hơn nữa, ông thấy rằng chẳng những tác phẩm thất bại mà thôi, nhưng cuộc đời của mình cũng là một thất bại não nề. Một cuộc đời quá sức bình thường, nhạt nhẽo, và an toàn, là một cuộc đời thất bại. Nhất là khi nó là cuộc đời của một kịch tác gia - kẻ đứng ngang tầm với Thượng đế trong ý nghĩa sáng tác ra cuộc đời của những nhân vật trong các vở kịch. Sự thỏa mãn với một cuộc đời được cho là thành công như thế là sự dối trá, ít ra là đối với chính mình. Ông nhận ra điều đó vào đêm sinh nhật năm 68 tuổi.
Đêm đó, sau khi làm chủ một bữa tiệc sang trọng có khách mời là mọi nhân vật danh tiếng trong nước, ông hơi say, rồi được dìu vào phòng nằm nghỉ trên cái giường rộng mênh mông với ba bà vợ. Bà vợ cả nằm bên phải, cô vợ ba nằm bên trái, bà vợ giữa gác dưới chân. Như mọi đêm, ông nựng nịu bà vợ lớn, làm một trận tình giông bão với bà vợ giữa, và cố gắng phục vụ cô vợ ba. Xong cuộc. Ba người đàn bà được thỏa mãn, giờ đang ngủ say, mỗi người có những giấc mộng, tiếng nói mớ, và tiếng ngáy, khác nhau. Còn ông, đã tỉnh rượu, không ngủ được, trăn trở. Ông thấy mình không còn liên quan gì đến những cá thể nằm cùng giường. Những tinh trùng mà ông vừa tống xuất vào thân thể của họ không tạo nên một sự kết nối lâu bền nào giữa ông và họ, cho dù hệ quả của chúng là những đứa con đã có. Và cái chết thì lừng lững, không thể trì hoãn, và sẽ đến nay mai. Mình sẽ biến mất khỏi cõi đời này một cách tầm bậy và tầm thường như hàng trăm triệu con người khác, ông nghĩ vậy. Những gì mình đã cố gắng và thành tựu không dài và không trầm trọng hơn tiếng ngáy của ba người đàn bà này. Những tiếng nói mớ, tiếng ngáy sẽ tắt khi họ trở mình thức giấc, đưa tay lên chùi dòng nước miếng nhiễu ra nơi khoé miệng. Ông chán ngán, khiếp sợ và cảm thấy bất lực với những ý nghĩ vừa có. Ông quyết định rằng khi trời sáng, trong buổi sáng đầu tiên của năm 69 tuổi, sẽ làm một điều khác thường, để kết thúc sự tầm thường mà mình đang trải nghiệm và ngộ nhận lâu nay.
Người ta cho rằng Aeschylus đã chết vì một tai nạn hi hữu. Trong vùng này có một loài kên kên chuyên ăn rùa. Khi bắt được rùa trong các khe đá ở suối, kên kên cắp rùa bay lên thật cao, trên các mõm núi đá, rồi canh khi đúng tầm, nó sẽ thả rùa rơi xuống cho đập vào đá. Mai của rùa sẽ vỡ tan, bày thịt ra cho kên kên ăn. Người ta tin rằng trong buổi sáng hôm ấy, một con kên kên đã ngộ nhận cái đầu hói bóng lưỡng của Aeschylus là một mõm đá. Duy có tôi hiểu rằng có sự ngộ nhận về sự ngộ nhận đã gây ra cái chết của ông.
Cái chết của một kẻ sáng tạo thì phải độc đáo như cái kết của một bi-hài-kịch chứ không tầm thường. Tầm thường, như một bi kịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét