khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Năm, 28 tháng 12, 2023

ĐIỂM LẬT NĂM NGỌ: Nguyễn Hoàng Mở Nước - Tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa


Lịch sử thổi cánh buồm ký ức vào tương lai. Nhưng còn tùy người lèo lái!

Sau Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm là bậc kỳ tài về văn học với khối lượng trứ tác rất lớn.
Truyền thuyết về ông, kể ra rất nhiều, từ sấm ký đến những lời khuyên chiến lược. Ông nhìn xa hơn thời đương đại của mình khi có lời khuyên "Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân".
Bậc đại trí có thể đã chỉ nhiều việc cho nhiều người, nhưng phải là bậc kỳ tài thì mới từ lời khuyên làm thành chuyện lớn. Lời khuyên của Nguyễn Bình Khiêm được một bậc kỳ tài hiểu ra và khai triển thành bước ngoặt cho lịch sử nước Nam.
Bậc kỳ tài đó là Nguyễn Hoàng, bước ngoặt đó là vào năm Mậu Ngọ, 1558, một điểm lật ta đáng ghi nhớ lại trong một năm Ngọ.
Nguyễn Hoàng không chỉ đi lánh nạn Trịnh Kiểm, ông anh rể đã từng khuông phò thân phụ mình là Nguyễn Kim, rồi lại giết anh mình là Nguyễn Uông. Vượt rặng Hoành Sơn, ông mở ra thời đại mới cho nước Nam, nơi mà kẻ đội mũ nho quan, các nho thần, hết còn là trí tuệ duy nhất.
Sinh năm 1525, Nguyễn Hoàng là viên tướng tài, sợ bị Trịnh Kiểm nghi ngờ và sát hại nên sau lời khuyên của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nhờ người chị là Ngọc Bảo xin họ Trịnh cho mình vào trấn nhậm Thuận Hoá từ năm 1558. Từ Nguyễn Hoàng trở về sau, Đại Việt đã mở mang lãnh thổ, Nam tiến rồi Tây tiến, vào đến tận Hà Tiên, Cà Mau để tạo ra hình thể Việt Nam ngày nay.
Ta nhớ lại: Đàng Ngoài của Vua Lê Chúa Trịnh vào quãng 1640 - 1650, vẫn còn đất của họ Mạc, họ Vũ (Chúa Bầu). Đàng Trong thì mới có Bình Trị Thiên, Quảng Nam, Quãng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Còn lại là đất của dân Chàm ở phía Nam, các sắc dân Thượng ở phía Tây, vây quanh là Đế quốc Chân Lạp (Khmer).
Trong 210 năm Trịnh-Nguyên phân tranh, từ 1558 cho đến khi họ Trịnh tiêu vong tại Bắc Hà vào năm 1786, trọng lực của nước Nam hết xuất phát tại miền Bắc như từ mấy ngàn năm trước. Đàng Trong thành cường quốc Đông Nam Á, buôn bán với Trung Hoa, Nhật Bản, giao tiếp với thương nhân Âu Châu và hội nhập nhiều sắc dân của vùng đất mới vào thế giới của người Việt.
Có thể kể ra nhiều lý do thành công của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và nhiều đời Chúa về sau. Nào là địa dư hình thể, sự phì nhiêu của đất đai từ Quảng Nam xuống tới lưu vực Cửu Long, nào là sức chiến đấu của những người theo chân các chúa đầu tiên, họ giỏi thủy chiến và tượng binh, lại sớm dùng pháo binh với võ khí tiếp nhận được từ Bồ Đào Nha, v.v.....
Nhưng thật ra, yếu tố chính của sự thành công vẫn là tinh thần của lãnh đạo.
Vùng đất mới của các Chúa không là đất hoang mà đã có người ở, là lãnh thổ của Chiêm Thành, của các sắc dân miền Thượng và của Đế quốc Chân Lạp. Đấy cũng là nơi mà cư dân đã có tín ngưỡng và tập tục riêng, có khác với nếp sống Bắc Hà - đã cằn cỗi mà không biết!
Dụng võ thôi vẫn chưa đủ. Các Chúa không mở đất mà mở nước.
Các đời Chúa đem theo Phật giáo – Nho thần chưa đủ đông để lập đền thờ Khổng tử! – có tinh thần dung dị hơn. Vì vậy, đất thiêng của các Chúa là nơi có mật độ chùa chiền cao nhất, khởi đầu là Chùa Thiên Mụ do Nguyễn Hoàng dựng lên từ năm 1601. Ngôi chùa cũng là một tiêu biểu của tinh thần Đàng Trong: hòa chung với văn hóa bản địa của dân Chàm thành nét tín ngưỡng riêng.
Đó là về phần hồn.
Về ngôn ngữ, chúng ta bị đứt đoạn khá lâu nên không hiểu vì sao chữ Nôm đã xuất hiện đầu tiên vào đời Trần (giữa thế kỷ 13) mà qua thời Nguyễn Trãi thế kỷ 15, Nguyễn Bỉnh Khiêm thế kỷ 16, lại như đi vào giấc Đông miên khá dài... Rồi bung lên với những văn tài của thế kỷ 18 và 19. Trong mấy thế kỷ, thứ tiếng bị khinh là nôm na thông tục có thể là phương tiện truyền đạt phổ biến nhất tại Đàng Trong: không thể phát triển nếu không có ngôn ngữ hợp nhất, khi Hán văn của phần tử ưu tú chưa lên ngôi thống trị.
Chúng ta thiếu hẳn một cuốn văn học sử của Đàng Trong!
Sau đấy, các ông vua đời Nguyễn tôn sùng chữ Hán đã khép hai thế kỷ phân ly như ngoặc đơn để chứng tỏ nhà Nguyễn là một nối tiếp hợp lý và không hề đứt đoạn của nhà Lê! Như Nguyễn Huệ sau này cũng là nhân vật tiêu biểu của Đàng Trong, trước khi bị đời Nguyễn chụp mũ Ngụy Tây và sử gia Cộng sản tôn là anh hùng của giai cấp nông dân! (Khi đó, “ý thức giai cấp” theo định nghĩa của Marx chưa hề xuất hiện.)
Nói chung, cả hai triều đại này đều đánh giá sai công trình của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Một nhắc nhở bất ngờ là từ nhà bác học Lê Quý Đôn của Đàng Ngoài.
Cuối thế kỷ 18, sau khi Chúa Trịnh Sâm sai Hoàng Ngũ Phúc tấn công và chiếm đất Thuận Hóa của Đàng Trong, năm 1776, Lê Quý Đôn được bổ vào đó làm Hiệp trấn Tham tán quân cơ.
Ông có dịp ghi lại nhiều chi tiết nhất về vùng đất bị Bắc Hà cho là thiếu văn minh. Trong 'Phủ Biên Tạp Lục', ông ca ngợi như sau: "Họ Nguyễn trước kia chuyên giữ một phương, chỉ mở thi hương,
chuyên dùng lại tư, không chuộng văn học, ít thu lượm được người tuấn dị... Thế mà văn mạch ở đất này lại dằng dằng không dứt, thật đáng khen."
Văn mạch đó là gì? Các Chúa Nguyễn đào tạo người "tuấn dị" để trị nước ra sao, chúng ta biết quá ít!
Sang tới kinh tế và địa dư chính trị thì vì hình thể, vùng đất này là nơi có truyền thống hàng hải, đã buôn bán và tiếp xúc với đủ loại người. Trên dải đất hẹp của miền Trung, các Chúa buôn bán với nước ngoài để tạo thêm sức mạnh kinh tế. Vào đến Châu thổ Cửu Long thì từ Hà Tiên lại thêm ngả giao thương qua Vịnh Xiêm La. Không thiếu gì thương nhân hay sứ thần Nhật Bản đã là phò mã của các Chúa. Nhưng kinh tế hay thương mại không thể giải thích tất cả.
Các chúa mở nước chứ không làm con buôn, và có tinh thần "dung hợp", sau này là bản sắc Đàng Trong. Không kỳ thị mà sống chung với mọi người.
Tinh thần dung hợp khiến Đàng Trong là đất dung thân cho nhiều người tài như Đào Duy Từ bị Bắc Hà kỳ thị vì là con nhà phường chèo và phạm luật Hồng Đức của triều Lê. Tinh thần đó cũng thuần hóa mọi thành phần tứ chiếng và Đàng Trong là nơi tiếp nhận các "thuyền nhân" - người đi thuyền - đầu tiên của Đông Nam Á: nạn dân hay cựu thần nhà Minh qua lánh nạn ở nước ta được quyền sống bình đẳng, để cùng dân ta góp phần khai phá lãnh thổ.
Từ điểm lật năm Ngọ 1558, chân trời Đại Việt hết là không gian hai chiều Nam-Bắc mà mở rộng đến Nhật Bản, Đông Nam Á và tiếp cận với dân Âu Châu. Từ ngàn năm Bắc thuộc qua 600 năm độc lập, đến các Chúa thì giới lãnh đạo nước ta hết coi Trung Hoa là mẫu mực, Khổng Nho hết là khuôn phép dạy dân và trị nước có giá trị nhất.
Thật ra, có người đã không hài lòng với khuôn mẫu Khổng Nho.
Chính Nguyễn Bỉnh Khiêm như ông viết trong bài Ngụ Hứng: "Nho quan tự tín đa thân ngộ" – đội mũ nho, thân đã lầm nhiều! Sau Trạng Trình 200 năm, Lê Quý Đôn cũng có nêu ý cải sửa. Nhưng người lèo lái con thuyền vẫn chửa nhìn ra: các Chúa Trịnh chỉ nhìn vào chính mình!
Lịch sử lại tái diễn, sau khi thống nhất đất nước từ năm 1802, vua Gia Long trở về khuôn mẫu cũ mà đội mũ nhà nho cho cả nước, lại còn khắt khe hơn thời Lê, vốn đã tự Hán hóa quá mạnh so với các đời Lý, Trần. Chưa đầy 60 năm sau là nước Việt không đương cự nổi với Âu Châu, và nước ta mất độc lập.
Lần này, điểm lật cũng là Mậu Ngọ. Năm 1858, thời Tự Đức, quân Pháp và Tây Ban Nha bắn vào Đà Nẵng, làm hệ thống cũ rụm rã từng mảng và 25 năm sau dân ta bị Pháp đô hộ! Chúa hùng mà vua hèn là vậy.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét