khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2023

Cọng lông trôi nổi cõi ta bà Việt - Tác giả Lê Học Lãnh Văn





 

1) Sách Yên Đan Tử (cuối đời Tần) viết: “Có cái chết nặng tựa Thái Sơn, có cái chết nhẹ như lông hồng”. Người đời xưa khi nói về ý nghĩa của cái chết và thái độ con người trước cái chết đã dùng hình tượng của một vật rất rất nặng là núi và một vật rất rất nhẹ cọng lông. Ý câu ấy nói khi gặp việc đáng hy sinh, người ta xem cái chết nhẹ tựa lông hồng.

Lông hồng chỉ lông một loài chim, chim hồng, nên đó là lông vũ. Về mặt tiến hóa học thì người và chim có cùng tổ tiên, tách nhau cách nay khoảng sáu chục triệu năm. Lông của người, thuộc nhóm lông mao, có cùng nguồn gốc phát triển phôi sinh học với lông vũ. Nói tóm lại lông vũ (lông chim) và lông mao cùng nguồn gốc, chẳng xa xôi nhau chi!

Bây giờ, đang có một cọng lông mà nặng như dãy Trường Sơn. Bởi vì nó làm dậy sóng cả Việt Nam từ Bắc vào Nam, sóng mê lông và sóng chống lông! Ấy là cọng lông nào đó mà một thầy chùa nói là tóc của Phật. Thật ra về mặt sinh học thì tóc và lông không khác gì nhau ngoài vị trí trên cơ thể!

2) Có anh chị viết bài nghiêm túc về khoa học, tôn giáo… phân tích trường hợp cọng lông làm dậy sóng. Các bài đó cần thiết về mặt học thuật vì phân tích chi tiết và sâu sắc. Tuy nhiên, có những điều người ta cảm nhận được trực tiếp. Thí dụ, ngó hoa nhài cắm bãi cứt trâu, ai không thấy hoa lài thơm mà cục cứt thì thúi hoắc? Người thấy khác thì hoặc là ngu quá xá ngu hoặc là đại gian tặc lừa gạt người đời, tức hoặc thần kinh hoặc khốn nạn theo cách nói của ông Ngô Bảo Châu!

3) Việc cọng lông ấy là của động vật hay thực vật, của người thời nay hay của người sống cách nay hơn hai ngàn rưỡi năm, có thể tự chuyển động được không đều có thể dùng phương pháp khoa học tầm ra. Để dư luận xã hội lụp cụp lạc cạc như nồi xương heo sôi sùng sục mấy ngày mà giới có thẩm quyền tôn giáo, văn hóa địa phương và quốc gia chỉ giương mắt ngó thì có đáng cười ba tiếng khóc ba tiếng không?

Thật ra sự sùng bái, cầu xin sợi tóc… đều thuộc phạm vi tin tưởng, tín ngưỡng mà nhà chức trách không nên can thiệp. Tuy nhiên, nếu phát hiện sợi tóc ấy có nguồn gốc thực vật, hoặc có tuổi trẻ hơn hai ngàn rưỡi năm, hoặc sự chuyển động của sơi tóc được điều khiển ngầm của người tổ chức… thì sự kiện trên thuộc trường hợp lừa gạt công chúng!

4) Nhiều người nói nhìn cái cọng lông trôi nổi trong cõi ta bà Việt là biết dân trí người Việt! Trong xã hội dân trí cao hơn thì cọng lông đó đã lập tức rớt xuống đất! Bài viết này không đánh giá dân trí Việt như vậy. Nếu xã hội dân sự Việt có tự do hoạt động hơn, nếu báo chí Việt có tự do lên tiếng hơn, các bài phân tích về khoa học, tôn giáo, học thuật… sẽ rộ lên phối hợp cùng các hoạt động thích hợp của xã hội dân sự tạo một làn sóng ủng hộ nếp sống, tư tưởng lành mạnh, ủng hộ tâm linh, tín ngưỡng cùng lúc bài bác mê tín và các loại hủ tục khác…

Những làn sóng đó được sự ủng hộ của dư luận đông đảo sẽ nâng cao dân trí, thúc đây trào lưu canh tân, ủng hộ ý tưởng cải tiến trong các ngành văn hóa, giáo dục tạo nền cho sự phát triển quốc gia bền vững.

Bài viết này không bi quan về dân trí Việt. Người Việt không đáng phải sống trong u mê!

5) Nói “không bi quan về dân trí Việt. Người Việt không đáng phải sống trong u mê!” không có nghĩa cho rằng dân trí Việt cao, chỉ có ý nói với dân trí hiện thời của người Việt, nếu thoát khỏi cái lồng u mê, thiếu áng sáng tự do học thuật và tư tưởng thì người Việt còn đủ sức cất cánh! Thoát cái lồng u mê, tìm ánh sáng tự do học thuật là việc làm của toàn dân Việt, cả dân chúng và nhà chức trách.

Trên cương vị người dân, các nhà trí thức có nhiều việc phải làm để truyền bá kiến thức tiến bộ của nền văn minh nhân loại. Thời nay có thuận lợi là đội ngũ các người có kiến thức đã đông hơn thời cụ Phan Châu Trinh, công nghệ mới đang khiến thế giới phẳng đi, các mạng xã hội xuất hiện nối đuôi nhau, Chat GPT tổng hợp kiến thức mới… Nhưng hòn đá phải nhắc khỏi xã hội không nhẹ, đó là những thói xấu cản trở sự tiến bộ đang được dung túng, đang hằn in trong tâm trí xã hội…

Trở ngại càng khó vượt thì việc cố gắng càng có ý nghĩa và thú vị! Mục đích càng cao đẹp thì gian khổ gỡ bỏ trở ngại dù to lớn tới đâu, thậm chí phải hy sinh nhiều hơn, cũng có thể xem nhẹ như lông hồng!

6) Một hai năm nay tôi có cảm giác hệ thống vận hành nước Việt đang chuyển mình, chuyển mình một cách thận trọng. Sự thận trọng có thể được thông cảm trong lãnh vực an ninh quốc gia, gìn giữ hòa bình. Nhưng trong lãnh vực văn hóa, giáo dục thì sự thận trọng đó có quá mức cần thiết nên kềm hãm phát triển không?



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét