khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 20 tháng 11, 2023

Bắc thuộc Mấy Lần - Tác giả Nguyễn-Xuân Nghĩa

 

Lạc nhà xa ngàn dậm... Mà chưa ra khỏi thời kỳ Bắc thuộc...
Với tấm lòng ái quốc vằng vặc và nghệ thuật cầm quân phi thường, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn có để lại cho hậu thế một áng hùng văn là bài "Hịch tướng sĩ".
Bài hịch được viết năm 1284, sau ba hội nghị, tại Bình Than, Diên Hồng và Vạn Kiếp, để khích động tinh thần quân sĩ trước khi lâm trận chống Nguyên Mông. Đó là cuộc tấn công thứ nhì - được Mông Cổ chuẩn bị chu đáo hơn lần trước, vào năm 1257, mà vẫn bị đại bại.
Ngày nay, đọc lại ánh văn chương vận động ấy của Trần Hưng Đạo vương, chúng ta bỗng giật mình.
Ngài mở đầu với những tấm gương sáng để khích lệ tinh thần ba quân, mà lại dùng toàn... gương Tầu. Nào Kỷ Tín, Dự Nhượng tới Uất Trì, Cảo Khanh... Sau đó là những tấm gương Thát Đát, các danh tướng Mông Cổ... Sao lạ vậy?
Từ thời Ngô Quyền giành lại nền tự chủ năm 939 cho đến đời Trần thì dân ta đã viết sử. Gần với Hưng Đạo vương nhất vì xuất hiện cùng thời là bộ "Đại Việt Sử Ký" do Lê Văn Hưu soạn xong năm 1272, vào đời Trần Thánh Tông. Mà nếu không viết ra và vỗ thành bản để phổ biến thì dân gian cũng đã có biết bao truyền thuyết về các tấm gương sáng của nước Nam... Không thể nào đức Thánh Trần của chúng ta lại không biết được.
Là người vô cùng yêu nước, duy nhất được dân ta tôn thành Thánh, vì sao Trần Hưng Đạo vương lại... nhập cảng gương Tầu?
Mà bậc danh nhân đáng kính của chúng ta không là người duy nhất.
***
Sinh sau Trần Quốc Tuấn gần 600 năm, Cao Bá Quát là nhà thơ có tài, nổi tiếng về thái độ phản kháng. Phản kháng đến độ nổi loạn rồi bị tru di tam tộc.
Con người ấy chẳng phải người thường. Hơn hẳn các vị tiền bối, ông còn thấy được sự xuất hiện - và mối đe dọa - của Tây phương: được đi sứ ở Giang Lưu Ba - có thể là Singapore - trong phái bộ của Đào Tri Phú, và đã thấy, xin lỗi, "đĩ Tây" - tên một bài thơ chữ Hán ông viết khi đi sứ - hay tầu thủy chạy bằng hơi nước của Âu Châu.
Cao Bá Quát không chỉ cười khẩy làm thơ chửi đời và nói lời khinh bạc để chọc giận thiên hạ. Ông cũng len vào dòng văn chương thù tạc của các quan trong triều và còn viết nhiều bài luận dâng vua, không Thiệu Trị thì cũng Tự Đức.
Nếu đọc lại bài "Biên hoặc luận thư" ("thư luận bác bỏ điều sai lầm"), viết sau năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), chúng ta lại một phen giật mình: "chỉ có một mình tôi ngó lơ những điều cơ xảo của Tây mà khách đem về".
Trong bài luận thuyết này - và nhiều bài khác nữa - Cao Bá Quát khinh miệt mọi ảo diệu kỹ thuật Tây phương, như thuyền máy chạy bằng lửa, súng máy đeo ở vai, gương soi ngàn dặm, chuông tự đánh tiếng, đèn không thắp mà sáng, v.v... Chỉ vì, theo lý luận Cao Chu Thần - người nước Nam mà mơ làm bầy tôi nhà Chu - thì "từ khi có có loài người đến nay, có gì ảo diệu hơn Hà Đồ, Lạc Thư"? Bao nhiêu tiến bộ cao xa nhất về kỹ thuật thì trăm đấng Thánh nhân đã làm trước cả rồi.
Nói lại cho gọn ý của họ Cao, thì chúng ta không nên sợ Tây dương vì Tây dương man rợ không có Thánh nhân. Thánh nhân của Cao Bá Quát là các vĩ nhân Trung Hoa. Ngần ấy tấm gương sáng trong lịch sử được ông nhắc tới đều là từ lịch sử Trung Hoa.
Cao Bá Quát tất nhiên không thể biết về người sau như Phan Đình Phùng, quan Tán lý Quân vụ với học vị Tiến sĩ, hay Cao Thắng, danh tướng Cần Vương với biệt tài học hỏi những điều cơ xảo của Tây mà họ Cao khinh miệt. Nhưng ông không thể không biết về những trận đụng độ Trịnh Nguyễn với sự yểm trợ của thương nhân và kỹ thuật Bồ Đào Nha hay Hoà Lan, hoặc chiến công của quân Tây Sơn - "Ngụy Tây" theo sử đời Nguyễn - trên Thất Kỳ giang (sông Ngã Bảy) chống lại tầu chiến Pháp do Manuel điều khiển. Ông càng không thể không biết về vai trò yểm trợ Nguyễn Ánh của Giám mục Bá Đa Lộc.
Vậy mà Cao Bá Quát vẫn rung đùi nói nhảm về đỉnh cao văn hoá kỹ thuật của Thánh hiền! Cách mạng gì nhân vật háo danh đó?
Có cái gì đó rất không ổn trong chúng ta.
***
Cái không ổn là giành lại nền tự chủ từ phương Bắc sau ngàn năm Bắc thuộc, dân ta tiếp tục tinh thần Bắc thuộc ngay trong thời kỳ độc lập.
Không, viết vậy là sai rồi, các phần tử ưu tú của nước ta mới nuôi dưỡng tinh thần Bắc thuộc đó trong cách sống, suy nghĩ, tổ chức và giáo dục... Người dân nôm na vô học thì còn bảo vệ cái "Việt tính" trong sinh hoạt hàng ngày, chứ càng đỗ đạt cao là càng bay gần tới mặt trời ở phương Bắc. Ngoại lệ như Quang Trung Hoàng đế thật ra rất hiếm, chứ quy luật quá phổ biến là nhiều bậc anh hùng dân tộc đã đứng lên đánh đuổi ngoại xâm từ phương Bắc, sau đó ngồi xuống trị nước theo kiểu Bắc phương.
Rồi con cháu cũng học trọn vẹn tinh thần chủ quan, kênh kiệu và khinh miệt các dị tộc - y hệt người Hán.
Chỉ vì từ Lê Văn Hưu trở về sau, các bộ sử lớn của dân ta đều được viết theo lối "thông giám" của Tầu, của "kinh" Xuân Thu, tức là ghi sử để làm gương. Mà làm gương theo nhận thức và tiêu chuẩn Trung Hoa nếu ta chịu khó đọc hết lời bình của những sử quan khét tiếng như Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên.... Ký ức tập thể được ghi thành sách của chúng ta để lưu truyền cho nho sinh sĩ tử là ký ức đã được đãi lọc theo lăng kính Trung Hoa. Làm đúng như họ thì mới nên người.
Vì vậy mới có Cao Bá Quát - và còn bao danh sĩ khác!
Tính lại thì từ năm 939 của Ngô Quyền đến khi nước ta bị Pháp tấn công lần đầu vào năm 1859, dân ta đã trải qua 920 năm sống trong không gian hai chiều Nam Bắc. Nước Nam có quật khởi để giành độc lập thì sau đó cũng tự bổ nhiệm các quan Thái thú, Thứ sử hay Tiết độ sứ bản xứ - dưới tên khác - để đảm bảo là sẽ giáo dục và đào tạo nhân tài theo khuôn thước Trung Hoa. Mãi sau này, khi đã bị Tây đô hộ rồi, nhiều người còn tiếp tục ngước nhìn lên phương Bắc để tìm giải pháp cho những bài toán mới, của thời đại mới.
Cả ngàn năm như vậy mà không phải là kéo dài thời kỳ Bắc thuộc hay sao?
***
Hãy nhìn lại một chút cái chuyện vật đổi mà sao không dời đó...
Khi Ngô Quyền giành lại nền tự chủ và xưng vương, rồi Đinh Bộ Lĩnh tiến xa hơn để xưng Hoàng đế - ngang hàng các Hoàng đế Trung Hoa - thì phần tử ưu tú và có học của nước ta chính là các nhà sư, là bậc quốc sư và chiến lược gia đã góp phần xây dựng độc lập. Nhà Lý hình thành như vậy nhờ ảnh hưởng rất lớn của tầng lớp trí thức theo Phật giáo. Đỉnh cao nhất của ảnh hưởng này là vào đời Trần, với nhiều vị vua đã đi tu và coi việc chống giặc hay cứu nước cũng là một cách giải nghiệp và cứu độ chúng sinh.
Nhưng sau đó?
Sau đó là sự xuất hiện của một tầng lớp ưu tú mới, những người được giáo dục và đào tạo theo hệ thống khoa cử Trung Hoa - của nước Nam. Từ đó, các nhà sư đã bước ra hoặc bị đẩy ra khỏi triều. Hết còn quốc sư hay thánh tăng, họ mở chùa kín đáo nhỏ bé ở trong làng và chu toàn chức năng xã hội của các trung tâm giáo dục hay y tế công cộng. Trong triều, các quan theo Nho học đã lập ra một trật tự mới.
Trật tự đó đi tới đỉnh cao là vào thời Lê Thánh Tông rồi cứ thế mà lụn bại dần, cho đến ngày Tây qua.
Nếu có đọc sử, ta thấy bàng bạc - không, lại sai rồi - thấy tràn ngập những sử quan - quan điểm lịch sử - của các quan viết sử đã thấm nhuần đạo Thánh hiền đến xương tủy. Họ phê phán Phật giáo, thậm chí cả các ông vua ưa xây chùa in kinh là dị đoan, lãng phí công khố, là lạc đạo Thánh hiền.
Thật ra, lý luận "Tam giáo đồng nguyên" là một huyền thoại - chuyện không thật mà cứ được loan truyền. Sự thật là tư tưởng Khổng nho đã thống trị và là khuôn phép độc tôn trong hệ thống chính trị. Cao điểm của nền Bắc thuộc ấy là khi dân ta tiếp nhận thứ Khổng nho nghiệt ngã chật hẹp nhất của đời Tống. Tinh thần Lão Trang bị suy đồi thành Đạo giáo và bị đả kích là mê tín. Còn Phật giáo thì bị coi là huyễn hoặc. Một bài luận đả kích Phật giáo xuất sắc nhất chính là của... Cao Bá Quát. Học đúng phép danh gia đời Đường là Hàn Dũ, ông không tiếc lời mạt sát đạo Phật để xiển dương đạo Thánh hiền.
Lồng trong hệ thống tư tưởng Bắc thuộc là tinh thần trọng nam khinh nữ - lại sai nữa - là miệt thị phụ nữ. Và tự coi mình là cái rốn của vũ trụ, đầy chất bài ngoại và kỳ thị các sắc dân thiểu số. Trong cả ngàn năm, chúng ta học nguyên con và dạy lại trọn vẹn các "giá trị Trung Hoa" như khuôn vàng thước ngọc. Nghĩ sai là thi rớt, làm sai là mất chức...
Hệ thống lý luận một chiều ấy chỉ nhằm củng cố vương quyền. Bước khỏi ách thống trị ấy là manh nha có ý đồ làm giặc!
Thì cũng đành vậy, vì hoàn cảnh khó khăn của người xưa khi ít có cơ hội tiếp xúc với bên ngoài để hiểu rằng ngoài vòm trời này còn có vòm trời khác và không ai có độc quyền chân lý...
***
Nhưng ngày nay?
Ngày nay, khi thế giới hết còn là không gian hai chiều Nam-Bắc mà đã tiến vào toàn cầu hóa - với trăm ngàn giải pháp của các quốc gia dân tộc và nhiều nền văn hoá khác - thì dường như chúng ta vẫn chưa thoát khỏi ách Bắc thuộc về tư tưởng.
Một biểu hiện đầy nghịch lý là nhiều người theo Phật giáo đã tiếp nhận trọn vẹn tinh thần cực đoan lạc hậu xa xưa khi lý luận rằng chỉ có Phật giáo mới có tinh thần dân tộc! Hàm ý bên dưới: Công giáo chỉ là mũi xung kích văn hoá và chính trị của thực dân. Lối phê phán đầy tính Bắc thuộc ấy là một bản sao của tư tưởng Hà Nội! Vì gây chia rẽ ngay trong chúng ta.
Mà vẫn còn nhẹ.
Giải quán quân về ý chí nuôi dưỡng tinh thần Bắc thuộc phải được giành cho lãnh đạo Cộng sản Việt Nam.
Khi tiến hành cách mạng và cải tạo, họ không học theo Liên Xô hay đảng Cộng sản Pháp, Ý, hoặc Nam Tư, mà rập theo mẫu mực Mao Trạch Đông. Vì vậy cũng "trăm hoa đua nở" - bách hoa tề phóng - rồi đàn áp văn nghệ sĩ sau khi cải cách ruộng đất và đấu tố y hệt Trung Quốc. Trong cuộc chiến gọi là "chống Mỹ" năm xưa, họ chỉ muốn làm sáng danh "người anh em phương Bắc".
Dân ta nguyện hái hoa màu lửa
Cho thỏa lòng mơ bạn Bắc Kinh..
Nhà thơ Chế Lan Viên viết thẳng như vậy, có khác gì bài biểu của nhà thơ Cao Bá Quát hơn trăm năm về trước! Anh em phương Nam giết nhau tới cùng để đẹp lòng Thiên triều ở phương Bắc! Còn có sự lệ thuộc vào vĩ đại hơn?
Sau chiến tranh và khi đã có độc lập, lãnh đạo Hà Nội vẫn không có khả năng suy nghĩ độc lập.
Gặp bất cứ vấn đề gì thì họ cũng ngửa lên xem Bắc Kinh giải quyết ra sao. Để rập khuôn áp dụng. "Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" của Hà Nội là bản sao của "Xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa" của Bắc Kinh. Rồi tinh thần nô lệ tư tưởng, lại đi với đỉnh chung đốn mạt thời mở cửa, mới dẫn đến chuyện nhượng đất nhượng biển, và rước giặc vào nhà để khai thác bốc xít, cho dân bốc đất mà ăn...
Chúng ta muốn giải trừ nguy cơ Bắc thuộc đó thì phải tìm lên cái gốc là tinh thần "Bắc thuộc tự nguyện", hiện đang thấm vào xương tủy, não trạng và túi tiền của lãnh đạo Hà Nội.
***
Mà muốn giải trừ như vậy, thì ngay tại bên ngoài xin làm ơn lưu ý đến một tiểu tiết phản ảnh một đại họa.
Nếp văn hoá Đại Hán tự cho mình là cái rốn của vũ trụ, và Trung Quốc là trung tâm thế giới. Hà Nội cúi đầu thần phục nên dùng chữ "Trung" trong mọi chuyện liên hệ đến Trung Quốc. Là phận tôi đòi thì họ nói và viết như vậy - mà không biết nhục.
Chúng ta thì có chữ "Hoa" đã dùng từ lâu, như "Hoa kiều", "người Việt gốc Hoa", "chiến tranh Hoa-Việt" hay..."Tân Hoa Xã" - hệ thống thông tin của Bắc Kinh. Cớ sao ngoài này vẫn có người nhanh nhẩu dùng chữ "Trung" của Hà Nội? Quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam lại thành chuyện "Trung-Việt" hay sao? Khi ấy, miền Trung của chúng ta là gì và làm gì? Cứ như vậy thì dịch "Xinhua News Agency" hay "Agence Chine Nouvelle" ra... Tân Trung Xã hay sao?
Dường như vì chểnh mảng sơ ý, chính tiềm thức của chúng ta cũng chưa ra khỏi thời Bắc thuộc!
***
Thơ Trần Thái Tông – vị hoàng đế anh hùng và là một bậc cao tăng - có câu "lạc nhà xa ngàn dặm"... Ngày nay, ngồi ở trong nhà mà ta vẫn có thể lạc nhà được. Thành thử, bao giờ chưa giải ảo thì dân ta còn tiếp tục lang thang. Dưới bóng rợp Trung Quốc.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét