Sài Gòn, cái tên đã có từ hơn ba thế kỷ để chỉ vùng đất phương nam, nơi đã từng cởi mở đón nhận biết bao thế hệ người Việt nam tiến khai phá vùng đất mới. Sài Gòn, nơi giao thoa của nhiều tôn giáo, nền văn hóa, dân tộc, thành phần … biến sự thân thiện, chân thật, hào sảng trở thành tâm tính địa phương. Sài Gòn, nơi đã từng là thủ đô của cả một quốc gia trước khi ngơ ngác thấy mình có danh xưng mới.
Sự kiện bắt đầu từ ngày 02/07/1976, khi ấy quốc hội của một quốc gia vừa thống nhất hồ hởi đổi tên Sài Gòn và thay vào đấy là tên giả lãnh tụ của họ. Người tiếc nuối Sài Gòn khi ấy khóc : “Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên”.
Thế nhưng, quả là “lo bò trắng răng”. Sau 45 năm thay tên đổi họ, có vẻ như danh xưng Sài Gòn chưa một lần "thọ tử", Sài Gòn vẫn cứ mạnh mẽ phủ sóng trên mọi mặt trận … xấu xa : Nếu mưa thì “Sài Gòn ngập đến đầu gối”, nếu nắng “Sài Gòn vật vã dưới nắng nóng”, nếu chết “Phát hiện xác chết nam giới nổi trên sông Sài Gòn”, nếu nghiện ngập “Bắt khối lượng ma túy lớn ở Sài Gòn”, nếu chơi bời “Phát hiện ổ mại dâm ở Sài Gòn”, nếu tệ nạn "Chém nhau trên phố Sài Gòn", thậm chí, nếu hỏa hoạn “Cháy lớn ở Sài Gòn” … đều là những cái tít giữ gìn tên tuổi Sài Gòn trên báo chí kách mệnh.
Đúng chất Sài Gòn là vậy, nơi chứa chấp đủ mọi loại hỷ, nộ, ái, ố trong cuộc đời mà vẫn giữ lòng thân thiện, chưa một lần buông lời thị phi phân biệt. Tồn tại với nắng vỡ đầu, với lụt lội, với tử thi, với nghiện ngập, với mại dâm, với tệ nạn, với hỏa hoạn .. và cũng từ đó mà định hình tính cách hào sảng chẳng dễ nom ở đất kinh kỳ. Sống dai như thế, dai dẵng hơn cả đời người, chủ nghĩa ... thì Sài Gòn cũng chẳng cần đến một lời tuyên bố về sự hồi sinh. Bởi lẽ, đã chết bao giờ mà hồi sinh ?
Xem ra, yêu đất này thì phải yêu cả báo chí Kách Mệnh khi họ cứ phải giữ gìn mãi Sài Gòn cho chúng ta, dù rằng, chẳng được bao lần thành ý…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét