1955 Ðà Nẵng thức dậy vào những buổi sớm mai mặt trời trong trẻo, nước biển rào rạt, bãi cát vắng hoe.
Còn buổi trưa? Thành phố vẫn ngái ngủ trong ánh sáng lấp lánh trôi trên sông Hàn từ phía Non Nước đổ ra Tiên Sa rồi trôi ra biển.
Ban đêm, người ta thong thả dạo bước trên đường phố, trải chiếu trên bãi, ngồi dưới rặng phi lao ăn chè đậu xanh, hoặc bắc một cái chõng ra giữa vườn mà nhìn sao sáng.
Tất cả những con đường, bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ. Những làng mạc, núi non, vùng quê chung quanh trồng lúa, trồng sắn, trồng thuốc lá, những vùng Cẩm Lệ, Phong Lệ chạy đến các quận Ðiện Bàn, Vĩnh Ðiện, Mỹ Thị, Mỹ Khê, ngọn núi Sơn Chà, dãy núi Phước Tường mọc lên những bụi cây chà-là dại.
Lúc bấy giờ, tôi hãy còn là một gã thiếu niên cắt tóc ngắn, mặc quần cộc, đi guốc xà-lan gỗ hoặc dép cao-su lốp, cùng với bạn hữu đua xe đạp chung quanh trường, hoặc một mình vào buổi chiều vừa huýt sáo vừa phóng xe từ đỉnh dốc Cầu Vồng thả xuống tận bờ sông, đi loanh quanh vào ban đêm trên các con đường đầy bóng cây trước khi trở về nhà chong đèn ôn bài vở.
Nhà tôi ở xóm chính phủ.
Xóm này là những dẫy nhà rẻ tiền xây với quỹ viện trợ: nhà gian liền vách, mái lợp tôn xi măng. Nơi đây tôi đã sống những tháng ngày sung sướng dễ chịu, còn chiến tranh thì lắng đọng sau khi đất nước vừa chia cắt ra làm đôi.
Nhà của Thu Nhi khang trang, không xa nhà tôi lắm. Căn nhà sát ngôi chùa Tỉnh Hội, tường gạch mái ngói, trước mặt là một tấm bình phong tỉa bằng cây, hai bên trồng hai gốc dừa, sau lưng có bốn gốc cau. Cái gì cũng cân đối, bình thản.
Tôi và Thu Nhi cùng học một trường. Thu Nhi học dưới tôi một lớp. Thu Nhi mặc áo dài trắng bằng vải thường, kẹp tóc, tay đeo một cái vòng đá làm ở Non Nước. Mắt Thu Nhi đen nhánh. Tóc Thu Nhi cũng vậy. Nhưng cái áo và khuôn mặt nhẹ nhõm hiền hậu thì lúc nào cũng toả ra một màu trắng toát.
Cho đến năm ấy, tôi chưa từng biết trên đời có ai xinh đẹp hơn.
Trường tôi lúc đó mới xây, chỉ có tám phòng, toàn những lớp trung học đệ nhất cấp, ngày nay kể là lớp sáu đến lớp chín. Mỗi lớp trung bình có 50 học trò, mười cái bàn và ghế dài xếp làm hai dãy. Cứ năm đứa ngồi sát vai một bàn. Ða số học trò trai. Con gái chỉ chiếm hai bàn đầu bên dãy trái. Những học trò trai siêng năng ngồi bàn đầu bên phải, nơi đó chúng giơ tay trả lời các câu hỏi một cách ngoan ngoãn lẹ làng.
Sau hai năm, từ bàn đầu tôi tìm cách lui xuống bàn thứ hai, cuối cùng lọt hẳn xuống bàn chót. Nơi đây chúng tôi thì thào nói chuyện, chuyền nhau những mảnh giấy vụn, quay lên quay xuống, rung bàn làm những thằng khác có muốn nắn nót cũng không viết ra chữ.
Học trò bàn chót ít khi xếp hạng cao, trừ phi chúng tôi có dịp giữ sổ điểm. Lúc ấy chúng tôi dùng thuốc tẩy: một lọ màu trắng, một lọ màu đỏ, sửa những con zéro thành số 9, số 10, có đứa còn tự cho mình điểm tối đa 20 trên 20.
Nhưng lũ học trò bàn chót lại là những ngôi sao sáng về đá banh, đua xe đạp. Về văn nghệ: đóng kịch, ca hát, đánh đàn mandoline hoặc đàn ghi-ta. Làm bích báo trong đó có thơ phú, tùy bút, tranh khôi hài. Có đứa còn sáng tác cả kịch thơ và âm nhạc.
Buổi sáng, chúng tôi dậy sớm đi tắm biển. Ðua xe đạp về những tỉnh nhỏ lân cận vào cuối tuần. Chúng tôi học tổ, năm ba đứa đến nhà nhau làm toán chung, đứa dốt chép lại đứa giỏi. Chúng tôi huênh hoang nói chuyện tầm phào, đứa này chưa nói dứt, đứa khác đã ôm bụng lăn ra cười.
Thỉnh thoảng, chúng tôi rủ nhau đi bộ trên những con đường quê, hai bên là tre và vườn sắn, thăm những ngôi chùa cổ trong xóm làng chung quanh. Thường chúng tôi về chùa bà Quảng, một ngôi chùa cũ kỹ ẩm ướt, mái và tường loang lổ rêu xanh.
Ông giám thị trường tôi, một người ít khi cười, không bao giờ đi nhanh, thường mặc một bộ vét cũ nhưng sạch sẽ ngay ngắn. Ông nổi tiếng nghiêm trang trong việc giữ kỷ luật hiệu đoàn. Ông cũng là người được chúng tôi đặt cho nhiều biệt hiệu hơn tất cả các giáo sư và nhân viên khác trong trường.
Sáng hôm ấy, sau giờ đầu, chúng tôi ngồi thẳng người, hai tay đặt lên bàn giả vờ chăm chú nghe giáo sư giảng bài. Nhưng tất cả mọi cặp mắt thỉnh thoảng đều liếc ra ngoài sân: Ông giám thị đang đi nhanh hơn thường lệ, te tái tới lui tìm kiếm một cách hoảng hốt. Ông tìm cái gì? Ông mất cái xe “đuy ra”, lúc ấy ít người sắm nổi. Cái xe đạp bằng nhôm của Pháp vừa đẹp vừa nhẹ, mạ kền bóng loáng, không một tay đua nào trong trường không mơ ước.
Ông giám thị đến từng phòng, cuối cùng vào lớp tôi gõ cửa.
Ông đứng lom khom run giọng hỏi:
- Có trò nào thấy cái xe của thầy?
Cả lớp im lặng. Bọn bàn đầu ngồi ngay ngắn hơn. Bọn bàn cuối nhìn láo liên. Cuối cùng, tất cả ồ lên cười: Cái xe đạp láng bóng trong nắng, lắc lư nhè nhẹ theo chiều gió được treo tòn ten trên đỉnh cột cờ.
Năm đứa chúng tôi bị phạt cấm túc: đứng thẳng như trời trồng giữa sân, cổ đeo tấm bảng "vô kỷ luật". Ðứng ngay dưới cột cờ, nơi chúng tôi đã tháo lá quốc kỳ long trọng mà kéo cái xe đạp của thầy giám thị lên đỉnh cột.
Vào giờ ra chơi, trong lúc khinh bỉ nhìn lũ học trò các lớp qua lại vây quanh cười đùa trêu chọc, tôi gặp phải cặp mắt đen nhánh.
Cặp mắt tức giận mà hiền hậu, buồn bã mà lại có vẻ muốn bật cười. Cặp mắt chiếu những tia cảm xúc trái ngược làm cho tôi ngượng ngập và thắc mắc cho đến khi hiểu rằng chính cô ta là con gái ông giám thị.
Từ đấy tôi biết hôm nào Thu Nhi mặc áo gì. Xe đạp cô ta có hai sợi cao su móc trên cái “pooc-ba-ga” chở đồ, cô ta gài tà áo sau vào đấy cho khỏi vướng bánh xe. Cô ta đeo một cái vòng đá làm ở núi Non Nước. Mắt cô ta đen nhánh.
Khi học bài, tôi bắt đầu lơ đãng nhìn ra trời, những ngọn cây, nghe trái sầu đông rơi lộp độp trên mái nhà. Không biết từ lúc nào tôi bắt đầu viết tên tắt của Thu Nhi lên những trang vở.
Tôi đổi chữ ký. Nét cuối cùng ngoắc lên thành một chữ N vướng vít. Tôi mượn của các bạn những quyển thơ chép tay trên giấy “pơ-luya” mỏng. Tôi bớt đua xe đạp. Tôi bỏ thì giờ đọc những câu: "Ta là con chim đến từ núi lạ, ngứa cổ hát chơi". Bây giờ tôi bâng khuâng: "Chiều nay bướm trắng ra nhiều quá". Tôi cảm thấy mây bay là những tà áo trắng và cặp mắt đen của Thu Nhi ở khắp nơi trên đường phố, trên những nhánh phượng, trên những luống rau cải xanh mướt khi gió đông về, những con bướm màu da cam bay chập chờn khắp không trung.
Nói cho ngay, tôi không bao giờ đến gần.
Cô ta đi với bạn thì tôi đứng nhìn ở góc lớp. Cô ta đi bên kia đường thì tôi đứng bên này, chân tay vung vẩy.
Tôi thay đôi guốc xà-lan, đôi dép cao su lốp. Tôi mặc quần tây dài, đi xăng-đan đế da. Nhưng như thế càng thêm vụng về ngượng nghịu.
Tết năm ấy, tôi bạo dạn đến gần hơn.
Tôi làm quen với Liên, bạn của Thu Nhi. Hai cô đều ở trong ban văn nghệ, họ thường họp nhau tập múa, hát, để chuẩn bị cho buổi liên hoan tất niên của nhà trường.
Ðang là tay đua xe đạp, tôi rút khỏi ban thể thao, gia nhập ban văn nghệ. Không hát, không đóng kịch ngâm thơ thì lãnh phần kéo màn: đập chân đồm độp để báo hiệu trên sàn gỗ rồi kéo màn ra, đóng màn vào. Tôi cũng lăng xăng như mọi người để chuẩn bị buổi trình diễn mùa xuân.
Ðêm hôm ấy, Thu Nhi và Liên trình diễn một điệu vũ. Thu Nhi sẽ mặc một cái “quần tây”. Xin nói rõ: Thủa ấy con gái Ðà Nẵng không mặc quần tây, không mặc váy. Họ đều mang áo dài và cái quần rộng kiểu cổ bằng vải Mỹ A. Chẳng may cái quần tây Thu Nhi mang theo lạc đâu mất trong đám dụng cụ âm nhạc ngổn ngang.
Tôi không nhớ thực sự mình đã trả lời gì khi Liên chạy lại góc sân khấu hỏi mượn cái quần tôi đang mặc cho Thu Nhi, nhưng tôi nhớ rõ đêm hôm ấy tôi mặc cái quần vải “sharkskin” Nhật Bổn màu nâu bóng. Ðứng lom khom sau tấm phông vẽ cánh đồng với mái nhà tranh, tôi cởi ngay cái quần đang mặc, thò tay đưa ra cho Liên. Tay kia tiếp tục nắm giây màn sân khấu, tôi ngồi thụp xuống che cặp chân và cái quần lót sau tấm phông, tôi kéo màn lên, thò đầu ra sung sướng nhìn Thu Nhi mặc cái quần của tôi vén ống.
Hai cô con gái nhịp nhàng nhẩy một điệu hát vui tươi.
Bây giờ đã ba mươi năm qua, mười năm đi khỏi nước, mỗi lúc nhớ lại điệu nhạc rộn rã đêm hôm ấy, lòng tôi lại tưởng ra cái sân khấu gỗ dựng sơ sài trong sân trường, tất cả học trò trai gái và dân chúng trong tỉnh: ngồi, nằm, bò dưới đất, trên các bờ tường, trẻ con leo lên cành cây, còn trên sân khấu, dưới ánh đèn mầu xanh lục, mầu hồng tươi, những khuôn mặt vô tư rạng rỡ, mồm họ là những chữ O, linh hồn họ làm bằng pha lê, họ vui sướng ca hát nhịp nhàng cho tuổi thiếu thời và những mùa xuân bình ổn.
Mùa xuân năm ấy, mùa xuân cuối cùng chúng tôi gần nhau. Ðà Nẵng chưa có trường trung học đệ nhị cấp. Tôi ra Huế trọ học, rồi vào Sài Gòn.
Thỉnh thoảng mới có dịp về thăm nhà và không bao giờ gặp lại Thu Nhi nữa.
*
Ðà Nẵng trở thành một căn cứ quân sự lớn. Suốt đêm ngày phản lực cơ, chiến đấu cơ, trực thăng Mỹ bay túi bụi. Ðạn pháo kích chế ở Tiệp, ở Nga mà Cộng Sản Việt Nam tác xạ đều đặn rót xuống phi trường. Ðám dân Việt sống xúm xít chung quanh chẳng may đụng ai nấy chịu. Nhà nào cũng đào sẵn một cái hầm sơ sài, chung quanh chất bao cát. Người theo đạo Phật thì tụng kinh, người theo đạo Chúa thì cầu nguyện và làm dấu thánh giá. Tụng kinh cầu nguyện xong, buổi tối vào hầm cát ngả lưng mà ngủ.
Các con đường cũ thay đổi hẳn. Những hàng cây xanh bị cưa đi để mở rộng cho xe nhà binh chạy, lộ ra hai mặt phố trơ trẽn. Bảng hiệu bắt đầu đề tiếng Anh. Các tiệm chất đầy rượu bia, những món hàng tuôn ra từ hợp tác xã quân đội Mỹ gọi là đồ PX, những món hàng kỷ niệm rẻ tiền, những cái áo da thêu huy hiệu binh đội Mỹ trên bản đồ Việt Nam.Tấp nập những cô gái quê bây giờ đánh phấn dầy, mặc váy ngắn. Ðường phố lũ lượt những quân nhân công chức bỏ sở chạy xe Honda để kiếm thêm tiền mua gạo sữa mỗi lúc một đắt. Ðủ thứ động cơ và tiếng nói, sặc sụa mùi chiến tranh và những cuộc vui tạm bợ.
Vài lần từ Huế hoặc Sài Gòn trở về nhà, nhìn những thay đổi, nghe nói Thu Nhi đã lấy chồng rồi có con. Lại nghe chồng Thu Nhi, một chuẩn uý không quân chết vì máy bay nổ ngay tại phi trường. Rồi cũng nghe tin thầy giám thị qua đời để lại cho Thu Nhi gánh vác gia đình với bà mẹ già, mấy đứa em nhỏ và một đứa con dại.
Một lần về thăm nhà, tôi cũng thoát chết trong một cuộc pháo kích. Tất cả khu Hoà Ða sát phi trường nơi gia đình tôi dọn về đều bị tiêu hủy. Ðạn bay xé trời, nửa đêm sáng rực như mặt trời mới mọc. Mảnh hoả tiễn rơi rổn rảng trên mái nhà. Hơn hai ngàn dân trong một xóm đạo cháy thành than, cả khu nhà nát vụn, trơ lại một góc nhà thờ và những cây cột cháy dở dang.
Tôi cũng lăn mình đi các tỉnh kiếm sống, rồi bị kêu nhập ngũ, rồi bị thương bốn lần, tám năm sau giải ngũ. Tôi lăn lộn trong cuộc đời, núi đồi trơ trụi, sình lầy đất đỏ, tiền đồn sặc mùi xác chết, tiếng nổ xé hệ thần kinh, vườn dừa xác xơ gãy ngọn, mảnh thịt vắt trên rào gai, đêm tối im lìm ghê rợn, đói khát máu mủ muỗi mòng, những ngọn chông cắm lút thân người, cặp mắt trợn trừng không khép, những thèm muốn không ngừng, những quán rượu và nhà chứa rẻ tiền. Tôi quay theo mọi xung động, trải qua khá nhiều đàn bà ở những nơi tôi đặt chân đến nhưng không bao giờ có lại những rung động trong sáng và êm ả như xưa nữa.
Mỗi lần về lại Ðà Nẵng càng thấy người ta vất vả hơn, máy bay nhiều hơn, chung quanh phi trường ngày một đông hơn lũ trẻ bán rong các thứ hàng cấm. Mọi người bóc trần dưới nắng gay gắt kiếm sống bên đống rác vùi thuốc lá, đồ hộp khẩu phần C. Ðàn bà rủ nhau làm nghề dọn phòng cho sĩ quan Mỹ. Ðàn ông mở bar, đi thầu cho quân đội. Lúc ấy tôi nghe Thu Nhi cũng vào phi trường làm việc trong một căn cứ tiếp vận Mỹ.
Vùng ánh sáng nghiêm trang hiền hậu toát ra từ người con gái kia lúc nào cũng gần mà lại xa xăm. Tưởng không thật. Tưởng như vẫn còn mà như đã mất. Rồi nghe nói Thu Nhi có một đứa con lai Mỹ, bà mẹ mang về nuôi với đứa cháu đầu. Vài năm sau lúc quân Ðại Hàn sang tham chiến, lại nghe Thu Nhi lấy chồng Ðại Hàn, có thêm đứa con nữa, nhưng người chồng về nước.
Tôi không thể kể hết chi tiết những gì đã xảy ra cho cuộc đời một người con gái ở ngôi trường cũ. Hơn nữa, cũng chỉ là những tin rời rạc nghe lại từ bạn bè đôi khi tình cờ gặp.
Phần tôi, chưa bao giờ thắc mắc về những gì đã xẩy ra cho Thu Nhi cũng như cho tôi sau mọi biến động không biết tại sao, lúc nào, thực sự bắt đầu từ bao giờ đã cuốn phăng tất cả thời êm ái xa xưa. Những biến động kỳ lạ chôn vùi quá khứ vào sâu thẳm, ngoảnh về, vẫn thấp thoáng những tên lửa rốc-kết, hoả châu chập chờn trên cánh đồng đêm, những người Tầu, người Nhật, người Pháp, người Mỹ, Ðại Hàn, Mông Cổ, Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha... những binh đội xa lạ đặt gót, vươn tay đến vùi dập mảnh đất nhỏ bé có những hàng cau, hàng dừa, con sông, đồng lúa, những ngọn sầu đông ủ ê trong trời tết, và bây giờ vẫn binh đội, vẫn trại tập trung, những người công chức, những người lính cũ khắc khoải, đứa trẻ gầy gò thiếu ăn, lũ người lo âu túng đói, những người bỏ nước vùi thân trong biển cả như thượng đế đã chọn nơi này để thử thách và đầy đoạ con người.
Tôi chưa bao giờ thắc mắc nhiều hơn nữa về đời sống của Thu Nhi cũng như đời sống tôi, cũng như bây giờ, ít khi tôi muốn nghĩ về quá khứ, và cũng không xếp đặt gì cho tương lai.
Khi Cộng Sản chiếm đến Sài Gòn, tôi phiêu bạt ra biển, rồi được bảo trợ sang Mỹ, về Texas, làm đủ các thứ nghề sống qua ngày: gói hàng, rửa chén, tô điểm xác chết trong nhà táng. Mỗi đêm tôi và một người Mễ lui cui trong phòng lạnh với những thây người xám ngoét, chúng tôi tô son vẽ phấn để sáng mở cửa cho thân nhân đến viếng, mở lên những bản nhạc nhẹ nhàng êm ái, xác người trở lại hồng hào trong quan tài bên đoá hoa thược dược, lay dơn, hoa cúc.
Ðược hai năm tôi bỏ Texas qua Louisiana ra biển đánh tôm, nhưng gặp xung đột với ngư phủ địa phương. Lại bỏ Louisiana về California học nghề in, kiếm không ra việc, rồi xin vào làm việc vặt cho một cơ quan thiện nguyện phụ trách bảo trợ di dân bên đảo tị nạn hoặc từ Việt Nam qua Mỹ.
Gia đình tôi thất lạc. Ðã chết trên biển? Hay đang ở vùng kinh tế mới? Mỗi ngày đọc thư và hồ sơ của những người ở đảo tị nạn, hay từ Việt Nam gửi sang, đôi khi tôi thấy mình đã trở nên lạnh nhạt. Thư nào ở Việt Nam gửi qua cũng cùng một giọng bi ai "Chúng tôi tuyệt vọng mong chờ". Hơn 600 ngàn lá đơn còn đang đọng tại toà đại sứ Mỹ ở Bangkok, trên một triệu người còn muốn rời khỏi nước. Những người này đôi khi không biết quả đất chúng ta đang sống đều ung thối, bất kể phía đỏ hay trắng, và đàng sau các hồ sơ tị nạn cũng có những trò chính trị thô bỉ của cả đôi bên.
Bên ấy, họ chết dần mòn trong các trại tập trung cải tạo, những ràng buộc cưỡng chế cực đoan và thiếu thốn đói khổ. Bên này chúng tôi bẽ bàng với nỗi trống không vô nghĩa, những cơn mê hoảng nhớ nhung lẫn lộn trong một đời sống vật chất bất nhân.
Nhưng tất cả đều chưa biết về đâu, đứng đâu, đi đâu, dừng đâu.
Ban đêm tôi nằm toát mồ hôi trong phòng vắng nghe tiếng còi cảnh sát hú chạy trên đường phố, thẫn người nghĩ ngợi mỗi khi gặp một gã da trắng phóng xe qua nhổ nước bọt hoặc đưa ngón tay làm một cử chỉ tục tĩu. Tôi nhìn tất cả những người quen, những người bạn và thấy cặp mắt họ rối mù.
Một hôm ngồi trong sở, tôi giở ra một cái phong bì gửi đến từ Việt Nam viết bằng một thứ tiếng Anh kinh viện nhưng còn nhiều lỗi chính tả, văn phạm. Tạm dịch:
Thành phố Hồ Chí Minh, 8 tháng 1 năm 1985
Kính gửi ông Giám đốc,
Cơ quan thiện nguyện...
Ðề mục: Ðơn xin đi Mỹ trong chương trình Ra Ði Có Trật Tự với tư cách tị nạn chính trị và có liên hệ với các chương trình huấn luyện của Mỹ.
Thưa ông,
Tôi ký tên dưới đây, Nguyễn Văn B. sinh ngày... nguyên là Thượng sĩ nhất Hải quân Việt Nam cũ, hiện cư ngụ tại phường...quận...thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Kính đệ đơn này xin ông vui lòng cứu xét và giúp tôi, tình trạng như sau:
- Phục vụ trong hải quân Việt Nam cũ từ 1964 trong nhiều căn cứ và đơn vị khác nhau ở miền nam Việt Nam, đơn vị chót thuộc bộ Tư lệnh vùng II duyên hải đặt tại Cam Ranh dưới quyền chỉ huy của Phó đề đốc...
- Khi xẩy ra biến cố 1975, tôi bị đi học tập cải tạo nhiều tháng rồi được thả ra lần đầu vào năm 1977. Liền khi trở về Sài Gòn, lâp tức tôi liên lạc với "Lực lượng chí nguyện bí mật" nhằm mục đích giải phóng Việt Nam khỏi chế độ Cộng Sản. Tiếc thay, tổ chức bí mật của chúng tôi bị phá vỡ, và tôi bị chính quyền điạ phương bắt giữ lần thứ hai, bị gửi đi cải tạo lần nữa ở Bắc Việt sáu năm. Tôi vừa được thả ra ngày 6 tháng 1 năm 1985.
Tôi đã cộng tác với nhiều nhân viên Mỹ trong những ngày cũ, nhưng tôi không tiện kể ra trong thư này. Dẫu vậy, tôi chứng minh bằng giấy tờ kèm theo đây:
- Chứng chỉ lớp huấn luyện với sĩ quan Mỹ D. White về bảo trì, căn cứ Ðồng Tâm.
- Chứng chỉ về sửa chữa hải quân của cơ quan tư vấn giáo dục thuộc USAID.
Hiện nay tôi đang còn ở trong tình trạng quản chế bởi chính quyền địa phương. Tôi cầu mong ông giúp đỡ việc mở một hồ sơ bảo trợ gia đình tôi qua Mỹ.
Tôi tuyệt vọng mong chờ vì gia đình tôi đang ở trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn bi đát. Ngoài ra, vợ tôi có một đứa con riêng lai Mỹ, mong được quý ông cứu xét đặc biệt.
Kính đơn,
Nguyễn Văn B.
Hồ sơ của Nguyễn văn B. có kèm theo hai tấm chứng chỉ in hình cờ Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa bắt chéo, một số giấy tờ khai sinh và một tấm Giấy ra trại:
Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Ðộc lập, Tự do, Hạnh phúc
GIẤY RA TRẠI
Theo thông tư số 996-BCA/TT ngày 31-5-1961 của Bộ Nội vụ.
Thi hành án văn quyết định tha số...ngày...
Nay cấp giấy tha cho anh chị có tên sau đây: Nguyễn Văn B.
Nơi sinh...
Nơi đăng ký nhân khẩu thường trú trước khi bị bắt...
Can tội: Tham gia tổ chức phản cách mạng "Chí nguyện quân"
Bị bắt vào ngày... Án phạt: Trung tâm cải tạo
Nay về cư trú tại...
Nhận xét quá trình cải tạo: Quá trình cải tạo ở trại anh B. đã cố gắng. Trong lao động, học tập và chấp hành nội quy trại có tiến bộ. Thời hạn quản chế 12 tháng (mười hai tháng). Tiền đi đường đã cấp từ trại về đến gia đình.
Ðương sự phải trình diện tại Ủy ban Nhân dân phường xã nơi cư trú trước ngày 8 tháng 1 năm 1985.
*
Suốt một buổi sáng tôi ngồi trong sở nhìn ra cửa sổ, không làm một điều gì. Ở đây, mùa xuân đã về, hè sắp tới. Nhưng trời vẫn lạnh.
Ngoài trời có nắng vàng. Mông lung èo uột.
Tôi đọc lá đơn và hồ sơ của Nguyễn văn B. một lần, rồi nhiều lần, không phải vì nội dung của lá đơn, cũng không phải vì những điều mô tả có vẻ kém dè dặt đối với hàng rào kiểm duyệt nhà nước Cộng Sản. Trong thùng thư tôi đọc mỗi ngày đều có: tuyệt vọng mong chờ, tình trạng ngặt nghèo, tôi đã làm việc cho Mỹ, tôi có quen ông cố vấn X. hay Z., đều chẳng có gì mới mẻ. Ưu tiên một: Có thân nhân trực hệ tại Mỹ. Bạn hoặc vợ đã có làm việc cho công sở của chính phủ Mỹ hoặc hãng Mỹ hay không? Tên họ nhân viên? Chức vụ? Thời gian làm việc? Tên họ giám thị Mỹ? Lý do nghỉ việc? Bạn hoặc vợ đã huấn luyện ở ngoại quốc? Ai đài thọ chương trình huấn luyện? Bạn hoặc vợ đã học tập cải tạo? Nếu được tha, chúng tôi cần một bản sao giấy ra trại.
Những cái mẫu câu hỏi cho người nộp đơn làm như ai nấy đều có thể sang Mỹ cả.
Nhưng tôi ngồi im lìm như thế, đọc nhiều lần hồ sơ của Nguyễn văn B. vì kèm theo là danh sách, giấy khai sinh, ngày tháng đẻ của vợ, con chung, con riêng của họ, rồi một vùng trời mơ hồ trở lại, cái vòng đá ở Non Nước, ánh lửa hoả châu, những đứa con có mầu da khác nhau, dấu vết những binh đội khác nhau.
Tên tuổi vợ con gia đình Nguyễn văn B.:
• Ðoàn thị Thu Nhi, 42 tuổi, sinh tại Hải Châu, Ðà Nẵng (vợ)
• Nguyễn văn C., 12, sinh tại Sài Gòn (con trai)
• Trần Ngọc Q., 19, sinh tại phường Thạc Gián, Ðà Nẵng (con riêng của vợ)
• James B. Brown, 17, sinh tại phường Hoà Ða, Ðà Nẵng (con riêng của vợ)
• Kim Ok He, 14, sinh tại phường Hoà Ða, Ðà Nẵng (con riêng của vợ)
*
Anh Y,
Có nhiều đêm tôi nhìn lên bầu trời nước Mỹ: mặc dầu khí trời lạnh lẽo ngay cả vào những đêm mùa hè, khắp núi đồi vang lên tiếng côn trùng, những vì sao nhấp nháy, mặt nước hồ lờ mờ ánh sáng thỉnh thoảng rơi nhẹ một ánh sao băng. Những lúc như vậy, có khi lòng tôi êm ả chợt quên đi mọi khắc khoải trong sở làm, những giao động trong tâm hồn và cuộc đời của một người di dân trôi nổi không quá khứ, tương lai.
Những lúc ấy tôi tạm quên đi rằng trên kia ngùn ngụt bão lửa, cơn lốc, những hành tinh nổ tung trong sức ép của vũ trụ bao la đầy va chạm, quả đất bé nhỏ như hạt cát đang lịm dần, lũ người bé nhỏ chỉ có mặt thoáng qua trong cái chớp mắt của thời gian vô cùng tận.
Bóng tối và băng giá lẫn lộn với tia lửa lả tả trên không trung, kiến thức khoa học cùng niềm tin tôn giáo, tôi quên tất cả và tôi khoan khoái hít thở một cách bình dị bầu trời nước Mỹ như tôi đã từng hít thở bầu trời Việt Nam, hoặc nói đúng hơn, bầu trời ở một vùng mà tôi yêu mến: phía xa là Huế và đỉnh đèo Hải Vân, bên này là Ðà Nẵng, bãi biển đầy phi lao và tiếng sóng cùng áng mây trắng trôi qua nền trời trong vắt.
Và phía bên này là Hải Châu, Thạc Gián, bên kia là Cẩm Lệ, Hòa Vang với ngôi chùa bà Quảng. Con đường quê, về mùa hè, buổi bãi trường có khi trở nên buồn bã.
Con đường này tôi đã lui tới suốt tuổi thiếu thời, nhìn ngắm những vườn sắn, những con bướm mầu gạch cua bay chập chờn trong gió.
Dưới các rặng tre, đâu đó phảng phất mùi thơm của một thứ hoa dại miền quê: hoa dủ dẻ.
Hoa này đi trên đường ít thấy vì nó nằm kín trong lá, mọc thấp trên mặt đất, khuất trong bụi rậm. Hoa mầu vàng, không rực rỡ, cánh nhỏ mà cứng, có mùi thôn dã dễ chịu.
Lúc bé mỗi lần ngửi thấy mùi hoa ấy, bọn chúng tôi sục sạo tìm kiếm vì thế nào cũng còn thấy cả những trái dủ dẻ chín mọc thành chùm tám trái hay mười trái, ăn ngọt mà thơm.
Những đóa hoa dủ dẻ ấy, tôi không thấy ở miền Bắc Việt Nam, nơi tôi lớn lên, hoặc ở miền Nam Việt Nam, nơi tôi đặt chân gần khắp. Có lẽ cũng không thấy ở bất cứ nơi nào khác trên mặt đất này ngoài cái vùng quê miền Trung Việt nơi tôi sinh ra như một gã thiếu niên sung sướng vô tư.
Ðã 30 năm trôi qua.
Bây giờ vào lúc nửa đêm ở cái thành phố Mỹ chằng chịt xa lộ, đầy ắp các nhà máy điện tử và đủ các sắc dân hỗn độn xô bồ, tôi tưởng như tôi ngửi thấy mùi hoa dủ dẻ đâu đây trong trí nhớ, tôi tưởng ra tất cả núi đồi chung quanh thành phố xa xưa, vùng Cẩm Lệ, Phong Lệ, ngọn núi Sơn Chà, bãi biển Tiên Sa, những vườn thuốc lá, những đồi lá sắn. Tôi nhớ lại nhiều bạn cũ: người còn sống, người đã chết, có người ở Bắc, có người ở Nam, người vất vưởng nơi xứ lạ, người khắc khoải trong các trại tù cải tạo gần mười năm nay.
Và tôi nhớ lại năm 1955, Ðà Nẵng thức dậy vào những buổi sớm mai mặt trời trong trẻo, nước biển rào rạt, bãi cát vắng hoe.
Buổi trưa, thành phố vẫn ngái ngủ trong một vùng ánh sáng lấp lánh trôi trên sông Hàn từ phía Non Nước, đổ ra Tiên Sa, rồi con sông trôi đi ra biển.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét