khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

Xóm kỹ nử - Tác giả Hiệp Nguyễn


Sau Tết 1969, tôi cùng các bạn đồng khóa xuống núi, về Sàigòn tìm tài liệu để làm luận án cá nhân và nhóm, chuẩn bị thuyết trình mãn khóa. Từ năm đệ tam, tôi đã học ở Sàigòn, nên không lạ gì thành phố này. Cậu út tôi từ Qui Nhơn đổi về Sàigòn, làm trưởng phòng Tâm Lý Chiến-Dân Sự Vụ kiêm Nhân Dân Tự Vệ thuộc Đăc Khu 3 Sàigòn. Đặc Khu này nằm trong Ty Cảnh Sát Quận 3.Thím tôi và các con ở tại Phan Thiết, nên cậu tôi thuê một căn gác cho hai cậu cháu. Căn gác này nằm trong con đường hẻm trên đường Lê Văn Duyệt, đối diện với Quân Vụ Thị Trấn. Đầu hẻm là tiệm hủ tíu của chú Ba, chạy dọc theo bờ tường gạch cao, phân chia hai khu; khu bên phải là khu "thượng lưu",Cư Xá Hoả Xa, dành cho các viên chức cao cấp của ngành với những ngôi biệt thự kiểu Pháp nhỏ, xinh xắn và yên tĩnh, Bên trái là khu "lao động", nơi tôi sẽ nương thân. Con hẻm này rộng khoảng hơn hai thước, nối liền từ đầu Lê Văn Duyệt, băng qua đường rầy xe lửa (thời đó bị bỏ hoang phế.Đường rầy này chạy lên Cống bà Xếp-ga Hoà Hưng) đụng đường Nguyễn Thông (khúc đầu chợ Trời) và Yên Đỗ. Đầu hẻm này có gánh bún bò Huế ngon đến mức mà các cậu ấm cô chiêu, ăn mặc Híp-pi, ghé ăn nườm nượp. Quán chỉ có tám, chín cái ghế và hai bàn nhưa thấp. Một nét đặc trưng về ăn uống của vĩa hè Sàigòn.
Khoảng 10 giờ sáng, với túi hành trang nhỏ để trên bình xăng chiếc xe Yamaha đàn ông màu đỏ, tôi chạy vào xóm. Tôi dừng xe lại trước một căn nhà đúc hai tầng có vẻ còn mới. Dọc con đường hẻm vào đây, tôi thấy rải rác vài em bé đứng như chờ đợi ai. Tôi bước vào nhà, hỏi tên bà Tư, chủ nhà. Khoảng vài phút sau, một người đàn bà khoảng 40, thân hình tròn trịa trong bộ bà ba bông màu xanh, ra gặp tôi, bên cạnh là cô bé khoảng mười tuổi "Cậu là cháu ông Đại Uý phải không?" Tôi gật đầu xác nhận.Bà bảo cháu bé chào tôi. Cháu vòng tay, cuối đầu lể phép chào. Tôi theo bà, đi bọc bên hông nhà (đường rộng chỉ đủ cho một chiếc xe gắn máy),đi ra cửa sau, mở cửa có cầu thang đúc dẫn lên lầu. Căn phòng có một tủ gổ cao, đựng quần áo và hai chiếc giường sắt nhà binh. Một phòng tắm có hồ chứa nước bằng xi măng và một lổ thoát nước xuống dưới và cũng là lổ để giải quyết "tâm sự ". Nước tắm giặt được chuyền từ ống bơm nước của cái giếng phía bên khu "thượng lưu" kéo lên lầu tôi. Không có bếp. Thực ra, nhu cầu nấu nướng không cần. Cậu tôi suốt ngày ở trong quận, tôi thì "cơm hàng cháo chợ".Sau vài ngày tôi thấy quen với sinh họat của xóm .Từ sáng đến trưa của các ngày trong tuần, yên tĩnh. Buổi chiều sau giờ tan sở, hơi nhộn nhịp. Ì xèo nhất là những chiều cuối tuần.Tiếng xe gắn máy, tiếng gọi Lan Cúc, tiếng chửi nhau...Tất cả quyện vào như hơi thở, như sức sống của những phần tử đáng thương và đáng yêu của khu xóm này. Lúc đầu tôi không quen, cảm thấy nghi ngờ,hỏi cậu tôi, cậu chỉ cười và nói "cho mướn cũng như không". Có một bửa xế trưa, tôi ở trên lầu thì nghe tiếng chuông len ken dồn dập ở phía trước nhà và tiếng la báo động "bố! bố!". Vài tiếng xe gắn máy rồ mạnh, vút băng qua đường rầy xe lửa, thoát ra Nguyễn Thông. Khoảng mười phút sau, một toán tuần tiểu hổn hợp gồm cảnh sát, quân cảnh, lính đi ngang qua. Tôi nhìn xuống. Toán nhìn lên. Cả hai giơ tay chào, cười: huề tiền. Bửa đó là bửa hẻm bị "bố" bất tử. Cái chuông treo trước nhà tôi là đoạn cuối của một đường dây báo động treo cao trên tường từ đầu hẻm vào. Có người canh ở đoạn đầu. Thấy có toán tuần tiểu là giựt dây. Những bữa "bố" bất tử như thế này rất hiếm vì bà Tư, chủ nhà, có "tay trong".Tay trong đó không ai khác, chính là cậu tôi (vì con đường Lê Văn Duyệt thuộc hai quận, một bên thuộc quận 3, bên kia thuộc quận 10). Có lần bà Tư khoe với tôi " tối hôm qua, ông đại úy dẫn lính qua nhà mình" Vì vậy, những ngày rằm, mồng một hay có món ngon vật lạ thì bà Tư "cậu giữ giùm cho ông đại úy nghe". Tui no được mấy ngày. Chiếc xe gắn máy tôi dựng cạnh tường nhà dưới thì Thi, cô gái khoảng 19 tuổi, coi như "an ninh" xóm này, răn đe tụi nhỏ "tụi bay không được phá xe cậu H. nghe". Bảo kê xóm này là một anh Thượng Sĩ Người Nhái, tướng tá đô con, xâm mình, bặm trợn, có cô vợ nhỏ con, xinh xắn. Gặp nhau, chào cậu (cậu em), chào anh, thân thiện. Lâu lâu, cô vợ ghen, cãi nhau ỏm tỏi, cuối cùng ông người nhái "đục" vài cái. Im. Kế bên nhà là nhà của một ông Thiếu Tá. Căn nhà thấp, tường gạch mái ngói củ kỹ. Nhà có hai vợ chồng và một đứa con gái, nữ sinh trung học. Gia đình này hình như ít giao thiệp với lối xóm. Chắc có lẻ, họ sợ ảnh hưởng đến cô con gái rượu. Khoảng một tuần sau khi tôi dọn tới, khi tôi mở cửa định lên gác, có tiếng chào "anh H." ở phiá sau.Tôi quay lại. Cô gái chào tôi, xưng tên là Loan, khoảng 19, da trắng, mặt khá xinh, nụ cười quai xách. Em chỉ căn nhà vách ván, lợp tôn nằm xéo góc với cửa lên gác phòng tôi, mời tôi vào nhà chơi.Tôi đã thấy căn nhà này kế cận với hai căn khác từ khi mới dọn đến. Hành lang vớí tay vin làm bằng gổ. Cuối hành lang là một cái chòi thấp, tường chung quanh bằng cói, thấp ngang lưng; trần che bằng tấm bạt ni lông. Phía bước vào chòi, gọi là cửa, thì để trống. Hướng này quay về thượng nguồn của giòng nước từ trên Cống Bà Xếp chảy xuống. Vì vậy, những căn nhà này đều cất trên nước.Thỉnh thoảng, những con cá phóng mình lên khoe bụng trắng xám, tranh nhau đớp mồi từ trong chòi này xả xuống...Khi tôi bước vào phòng, Loan giới thiệu tên hai cô gái khác, trạc tuổi với nhau.Tuị em đã thấy anh hôm anh mới dọn đến. Căn phòng có bốn giường gổ. Một tủ gổ cao đưng áo quần. Bốn cái mùng vén lên. Trên giây thép mùng, vắt những khăn lớn, khăn nhỏ. Anh ngồi xuống thế chổ con nhỏ Cúc nó "đi khách".Tôi xà xuống. Đánh đến lúc tôi sắp sửa "tới"(tứ sắc) thì tiếng bà Tư kêu vọng từ trên nhà xuống "Loan, có khách!". Loan hấp tấp đứng dậy, với chiếc khăn nhỏ, lau mặt vội, phóng ra cửa..
Hôm trước ngày cậu tôi trả căn gác lại cho bà Tư vì cậu tôi đổi về tỉnh và tôi chuẩn bị lên "núi" trở lại, Loan hẹn nói chuyện. Chúng tôi gặp nhau ở cầu thang gác. Em hỏi tôi học cái gì và học làm sao. Tôi giải thích ngắn gọn. Em kể về đời em. Quê miệt vườn Cần Thơ. Học xong tiểu học, ở nhà giúp cha mẹ làm ruộng. 18 tuổi nghe bạn bè rủ rê lên Sàigòn kiếm việc.Trốn cha mẹ. Xe cập bến, bị ma cô bắt đưa vào động bán. Những ngày đầu không chịu tiếp khách, bị bỏ đói, bị đánh đập và tịch thu căn cước. Cuối cùng, em phải chịu. Trạm này là trạm thứ hai. Giọng em đều đều. Không lên, không xuống. Em kể, như kể chuyện của ai đó, không phải chuyện cuộc đời mình mà trong đó, dường như là sự cam chịu số phận. Tôi nghe em, như nghe những mẫu chuyện trong tiểu thuyết xã hội mà tôi cứ ngỡ các ông nhà văn phịa chuyện. Nhưng đó là sự thật. Cuối cùng, em ôm tôi, nói trong tiếng nghẹn mai mốt... ra trường anh làm lớn,.. đâu thèm nhớ đến cái xóm này và nhớ em. Tôi vùi mặt vào tóc em, chống chế Không! không, anh không quên xóm này và em.
Một năm sau, tôi trở lại thăm xóm. Một bé gái thắy tôi, nắm tay dắt đi, miệng nói " có gái mới nè chú lính!". Đứng dưới thềm nhìn lên căn gác, cửa đóng im lìm. Một vài khách ngồi đợi dưới nhà. Một lúc sau, bà Tư từ dưới bếp lên, nhìn chằm chằm vào tôi một lúc rồi la lên Chèng ơi, câu H, cậu đen quá tui nhìn hng ra,tưởng ông lính nào. Cậu đóng quân ở đâu? Tôi nói tôi còn ở quân trường. Bà Tư đem nước trà mời tôi và cáo lổi, biến ra đàng sau, điều động các nàng kiều...Tôi nhìn lại xóm. Sinh hoạt vẫn không thay đổi. Vì chỉ mới xa gần một năm. Một năm mà tôi cứ ngỡ như một thuở hồn hoang và cứ ngỡ người hiện hữu trong đó là một ai khác, không phải là tôi, không mặt không tên. Trước khi giã từ, bà Tư gởi lời thăm ông đại úy. Tôi hỏi Loan đâu. Nó xin phép về quê thăm nhà một tháng, giba tháng rồi không thấy lên.Thiệt mấy đứa dịch dật...Tôi ra về, qua ngõ Nguyễn Thông. Đứng giữa đường rầy, nhìn về hướng Cống Bà Xếp, hai đường sắt chạy song song một bên là tôi, bên kia, là Loan hay Cúc, Huệ, Lan... Khúc nào gặp nhau?
Giữa tháng 12 năm 2019
Tôi và người em rể hẹn nhau làm vài "ve" (chai). Cậu ta đề nghị đến quán X vì sẳn dịp Ch (bạn nhỏ tuổi của em rể tôi) nhiều lần gọi mời. Tôi ngại ngùng. Hai tháng trước, tại quán này đã xãy ra một vụ bắn nhau.Tôi không lạ gì những loại quán này. Bia, rượu, karaokê và...gái. Các em chỉ xà xuống ngồi cạnh, nói chuyện bâng quơ một chút rồi...biến, nhảy qua bàn khác, như kỹ nữ bến Tầm Dương. Ở đây không phải là chổ hẹn hò lãng mạn mà chỉ là chổ để nghe những tiếng"dzô, dzô...hay tiếng hát karaokê. Ôm? Nhiều lắm là choàng vai. Em nào coi bộ có bắt bồ với khách thì kể như hôm sau, không còn thấy mặt nữa. Vì các em là của mọi người, không dành riêng cho ai. Phần khác, em rể tôi ngại đi uống với Ch. Lý do, theo lời kể của em, hôm tháng trước, sinh nhật của hắn tổ chức tại quán này, hắn đãi bạn bè, ngoài bia bọt, còn chơi thêm hai "két" (8 chai) Cordon Blue. Nó chơi kiểu đó, không lẽ mình uống "chùa" hoài, mà đáp lể thì chịu không thấu...6 giờ, chúng tôi vào quán thì thấy Ch ngồi với vài người bạn.Tôi ngồi kế bên hắn. Hắn định kêu tôi bằng chú (đáng lý bằng bác) vì theo lời hắn, tôi lớn hơn ba hắn hai tuổi (hắn sinh 75).Tôi gạt ngang. Chú bác cái con mẹ gì. Bằng anh. Dzô, dzô. Quán khoảng 10 bàn. Giờ này còn vắng. Chỉ có hai người đàn bà. Có lẽ là chủ hay quản lý. "Rao" (round) này xong, rao khác. 7 giờ các nàng kiều lục tục kéo đến...Các em lần lượt đến chào hắn. Khoảng nửa tiếng sau, một em trong chiếc váy màu đỏ, tóc xoã, da trắng, cổ áo không khoét sâu lắm, bước đến trước tôi, qua ánh đèn chớp xanh đỏ, tôi nhận ra cô, sững sờ ...
Tôi thường hay vào thư viện của đại học cộng đồng thành phố này để học và đọc sách.Tôi đi học để đầu óc khỏi mụ. Có khá nhiều người lớn tuổi và các cháu Việt Nam theo học tại đây. Các cháu này, một số là được gia đình bảo lãnh, một số theo diện vợ chồng và số nữa là du học sinh.Tôi hay ngồi đầu dãy. Và luôn luôn kế bên là một cháu người Việt. Cháu tên là Niên, đang học ESL,qua Mỹ được vài năm theo diện kết hôn. Cháu khoảng 35, không đẹp lắm, ăn nói lễ phép nhưng ít nói. Thỉnh thoảng đi trễ vì xe hư, tối hôm qua không ngủ được...Cháu hỏi tôi về văn phạm và cách viết luận văn bằng tiếng Anh. Tôi biết đến đâu, chỉ đến đó. Hai tháng sau, cháu khoe được bà giáo người Mỹ khen viết khá. Cháu nói nhờ tôi chỉ dẫn. Bà giáo nói bà biết Mister H. vì tôi có học với bà hai lớp ESL.
"Chào chú H."."Chào cháu ". Ngỡ ngàng, tôi không biết nói gì thêm. Sau câu chào, cháu lại biến qua bàn khác. Một lúc sau, Niên lại ngồi gần tôi hỏi (mà như ra tối hậu thư) bây giờ kêu bằng chú hay bằng anh? Mặc dù cũng uống khoảng bốn năm "ve" rồi, tôi vẫn đủ tỉnh táo, dứt khoát trả lời, gọi bằng chú. Niên nói mùa sau sẽ trở lại trường.Tôi ừ hử...Như con chuồn chuồn, bay đi, chút sau Niên lại đáp xuống lần nữa giữa tôi và Ch. tán gẫu. Kịp khi Niên đứng lên, chuẩn bị bay tiếp, Ch. móc bóp, cầm tiền để dưới bàn, tôi liếc thấy tờ một trăm, cuộn tròn và dúi vào tay Niên kèm theo câu Em biết rõ từng nốt ruồi của con nhỏ này nằm ở đâu...
Ch. kêu tính tiền. Hắn nhá cho tôi xem hoá đơn: 350 đồng, gồm tiền hai két bia Heineken, mấy dĩa mồi cộng với 5 lần rút bóp cho năm em, tổng cộng gần 900...Tôi bước ra khỏi quán, trời lạnh buốt và lấm tấm mưa. Tôi nhìn lại quán và thề sẽ không bao giờ trở lại một lần nào nữa vì, tôi nghĩ, để cho cháu Niên làm ăn. Năm mươi năm trước tôi đã trở lại thăm xóm và tìm em Loan. Bây giờ thì không với cháu Niên. Trằn trọc mãi không ngủ được. Các hình ảnh của xóm xưa, những bộ mặt Loan, Niên...xuất hiện đan kẻ vào nhau, thoáng hiện rồi tan biến cùng vớí những tiếng kêu "có khách""em mới"...Những mẫu đối thoại rời rạc.. chú,chú,cháu,cháu..Những câu hát đứt quãng "thà như... vỡ trên mặt...Niên, mặt Loan..." Không phải chỉ mình em Loan, cháu Niên và những người khác không quen biết, tiêu biểu cho những mảng đời vụn vỡ mà anh đây, chú đây, tôi đây cũng đã vỡ nát kể từ tháng Tư oan nghiệt đó!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét