Lúc mới gặp, nó nhìn nhìn một lúc rồi hỏi “Chú ở Sài Gòn tới hả?”. Người miền Nam với nhau nhưng nhìn vô một cái áo, nhìn cái túi xách… là dân trong vùng có thể phân biệt được liền, ai ở đâu hay ai là người mới tới, nhất là cái kiểu mang ba lô đi lang thang, ngó ngang ngó ngửa như tôi.
Thiệt tình là mới gặp, nhìn nó cũng hơi ớn. Ngồi kế bên, nó cứ im im, nhịp chân trong cái quán nước từ sáng đến chiều chỉ có 1, 2 người khách. Thỉnh thoảng nó liếc mình, loại quan sát mà lục hết những bài học về body language không hề có chương nào đoán được nó nghĩ gì.
Mà hơn nữa, nhìn qua thì thấy mình mẩy nó thì xâm nát hết, từ đầu cho tới chân. Ớn chứ sao không.
Dòm vô mấy cái hình xâm đủ thứ của nó, thấy có cái quen quen, mới cười cười hỏi nó “Cái này là hình gì vậy”. Nó không thèm nhìn mình, không cười, nói gọn lỏn “Thì là hình tòa án ở Sài Gòn”. Trời đất, nghe trả lời mà tản hồn. Thằng này chắc phải vào tù ra khám mới xâm hình kỷ niệm như vậy chớ gì nữa.
Vậy mà lát nữa, mọi suy nghĩ về nó trong tôi thay đổi hoàn toàn. Nó như một bài học về người miền Tây, mà cứ tới gần, chạm vào mới biết.
Chiều đó, rủ nó đi ăn hủ tíu, mới ngạc nhiên khi nghe nó từ chối “Con ăn chay mà chú”. Hóa ra nó ăn chay mấy tháng nay, để vái cho bà ngoại mau lành bệnh. Nó nói khi nào ngoại còn bệnh là nó còn ăn chay để cầu cho ngoại. “Nhiều lúc ngán quá, nhưng không dám bỏ chú, bởi vì lỡ vái cho ngoại rồi”, nó nhe răng cười. Lúc đó mới thấy thật ra bộ dạng chằng chịt của nó chỉ che con người thiệt, lành như đất.
“Vậy chú với mày ăn chay, kể như cho chú vái ké mày, cho ngoại mau lành”, tôi nói vậy. Thằng nhỏ giương mắt nhìn rồi lại cười: “Được không chú? Ăn chay không có ngon như ăn mặn đâu nghe”. Đi một vòng chợ, xách ba bốn món chay về ăn cơm. “Giống nhà hàng quá chừng đó chú. Mấy tháng nay con ăn chay toàn mì gói không hà, chú chơi sang thiệt”. Thì vậy, hỏi sao nó không nhắc mình là ăn chay ngán lắm. 3, 4 món đó chưa hết trăm ngàn, không bằng ít tiền lẻ người ta bo ở quán nhậu thành phố.
Tới lúc có vẻ quen biết thêm chút đỉnh, tôi bèn hỏi vì sao mày xâm hình tòa án. Nó giương mắt nhìn, ngạc nhiên: “Ủa đẹp mà, cái đó là hình Sài Gòn cổ mà chú?” – Vậy thì đâu có tù tội gì. Còn chuyện xâm hết mình mẩy là do có cuộc thi tatoo. Một ông Tây hợp tác với nó, xâm nát mình thằng nhỏ để thi, rồi đoạt giải, chỉ vỗ vai nó “thanh kiu” sau đó biến mất với tiền thưởng. Hỏi nó có đi kiếm ông Tây đó đòi tiền không, nó cười: “Dạ thôi, có cái hình Sài Gòn cổ là con vui rồi. Chắc ông Tây đó cần tiền mới vậy”.
“Chú thấy mày cũng đâu giàu có gì. Chớ mày phục vụ cho quán nước này lương lậu ra sao?” – “Lương gì đâu chú, con học tới lớp 3 hà, giờ đi phụ việc cho con nhiêu thì con lấy nhiêu thôi”. Cũng may mà chủ quán thương nó. Từ hồi về làm ở đây có vài tháng mà nó mập lù, quần áo chật hết.
Cho tới khi tôi leo lên xe đò đi tiếp, thằng nhỏ cứ ngồi kề bên. Nó cứ im im, nhịp nhịp chân nhìn ra lộ. Nó là người ở lại. Chắc nó có rất nhiều điều để kể nhưng lại không biết nói gì. Cái im im đó như đời sống của miền Tây Việt Nam. Nơi có hàng ngàn những con lộ như vậy xuyên qua ruộng đồng và ẩn tình xanh mướt. Miền Tây bao la hôm nay vẫn im nhìn cuộc đời đi qua như vậy, cùng văng vẳng tiếng nhạc sến hay cải lương từ đâu đó, như một loại vỏ bọc thanh thản, để giấu kín trong lòng mình những tâm tư bất tận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét