Tháng Ba 1965, ông Lý phát biểu:
“Cái rủi của người Mỹ ở Nam Việt Nam là đã để thế giới tin rằng họ đang ủng hộ một chính thể chuyên quyền, phản động, được cai trị bởi một người tên là Ngô Đình Diệm, với gia đình ông ta hỗ trợ. Tất cả chỉ để gúp đỡ quyền lợi chiến lược của Mỹ nhằm kiềm chế chủ nghĩa cộng sản.
Dù ý định của Mỹ là gì, họ đã để cho nhân dân Á – Phi tin như vậy, với kết quả thảm hại cả cho ông Ngô Đình Diệm và cho những người Mỹ đã đến giúp ông ấy.”
Trả lời phỏng vấn ngày 27/3/1965:
“Tôi chắc chắn người Mỹ không có ý định ủng hộ ông Ngô Đình Diệm và gia đình ông ta. Điều họ muốn ủng hộ là một Nam Việt Nam phồn vinh, với tự do dân chủ.
Vì họ đã không cẩn thận trong cách trình bày và trong chính sách, rốt cuộc họ rơi vào hoàn cảnh là phải hủy diệt, hoặc cho phép người khác hủy diệt, gia tộc Ngô Đình Diệm, và họ còn lại là vài ông tướng cãi nhau. Giờ thì họ đang ở trong tình thế rất nghiêm trọng, một tình thế đau khổ cho họ, và cho chúng tôi.”
============================================
Vẫn còn bí ẩn về cuộc đảo chính lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm tháng 11/1963.
Tạp chí Studies in Intelligence được xuất bản bởi Center for the Study of Intelligence, một đơn vị nghiên cứu trực thuộc cơ quan tình báo Mỹ CIA.
Số tháng 12/2019 của tạp chí có bài viết về Lucien Conein, điệp viên Mỹ liên lạc giữa CIA, Sứ quán Mỹ và các tướng làm đảo chính tại Sài Gòn tháng 11/1963.
Có ít nhất hai tình tiết quan trọng được nêu trong bài.
Vào lúc 1:15 chiều ngày 1/11/1963, đảo chính tại Sài Gòn nổ ra.
Các viên tướng nổi loạn yêu cầu Lucien Conein đến bản doanh gần sân bay Tân Sơn Nhứt.
Conein được yêu cầu mang càng nhiều tiền càng tốt.
Báo cáo chính thức sau này của CIA cho hay cơ quan tình báo Mỹ khi đó có 5 triệu đồng – khoảng 68.000 USD - ở trong két sắt trong nhà của Conein, để dùng khi khẩn cấp.
Conen mang 3 triệu đồng đi theo. Tổng Tham mưu trưởng Trần Văn Đôn đã dùng số tiền này thưởng cho binh lính nổi loạn, theo báo cáo của CIA.
Sang hôm sau, 2/11, Tướng Đôn lại yêu cầu đưa thêm tiền để trả cho “các gia đình có người bị giết trong đảo chính”.
Conen đưa thêm 1,75 triệu đồng.
Báo cáo của CIA nói việc CIA đưa tiền cho các tướng Sài Gòn “rõ ràng là việc rất nhạy cảm”. Ít nhất, việc “thưởng tiền” cho binh sĩ khiến Hoa Kỳ trông giống như cùng tham gia lật đổ ông Diệm.
Sau này khi Conein ra trước ủy ban tình báo thượng viện, có tên gọi Church Committee, Conein khai rằng số tiền được dùng mua thức ăn, đồ y tế, và “tiền tuất cho người chết”. Ông ta không nói đây là tiền “thưởng” cho binh sĩ Việt Nam.
Tình tiết quan trọng thứ hai: Vào sáng 2/11, khi đảo chính sắp thành công, Tướng Trần Văn Đôn và Dương Văn Minh yêu cầu Conein tìm một máy bay để chuẩn bị đưa hai anh em Diệm và Nhu đến nước đầu tiên nào chấp nhận cho họ tị nạn.
Conein chuyển yêu cầu này cho quyền trưởng phòng tình báo Smith. Ông Smith nói sẽ mất 24 giờ để tìm ra máy bay có khả năng bay đường dài. Một máy bay như thế, ví dụ chiếc KC-135 ở đảo Guam, sẽ có thể bay liền một mạch, không để ông Diệm dừng ở nơi quá cảnh để có thể tự tuyên bố lập chính phủ lưu vong.
Chi tiết phải mất 24 giờ mới tìm ra máy bay, cho đến nay vẫn chưa có giải thích thuyết phục.
Thomas H. Hughes, giám đốc phòng nghiên cứu tình báo của Bộ ngoại giao Mỹ thập niên 1960, sau này nói: “Tại sao trong những tuần trước đó, không có biện pháp khẩn cấp để đưa ông Diệm đi tị nạn hay chở ông ta rời Việt Nam? Ấn tượng là quan chức Mỹ sẵn sàng để Diệm và em ông ta ở lại tùy lòng khoan dung của những người âm mưu sau đảo chính.”
Năm 1975, ủy ban tình báo thượng viện Mỹ kết luận chính phủ Mỹ “đã khuyến khích đảo chính nhưng không muốn và cũng không dính líu vụ ám sát” anh em ông Diệm.
Tuy vậy, vẫn không có giải thích thuyết phục về chi tiết mất 24 giờ mới có máy bay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét