Thủ tướng lập quốc của Singapore Lý Quang Diệu từng có cuốn hồi ký “From third world to first – The Singapore Story: 1965–2000”, trong đó ông viết rất nhiều về Việt Nam. Cuốn sách này từng được in chính thức ở Việt Nam với tên gọi Bí quyết hóa rồng.
Trong đó có một số đoạn, ông viết về sự “kiêu ngạo” của phía Việt Nam ngay sau 1975:
“Người Việt Nam đã khai thác một cách khéo léo những nỗi sợ hãi và khát khao của các nước Asean muốn làm bạn với họ.
Họ nói chuyện cứng rắn trên sóng phát thanh và báo chí. Tôi thấy những nhà lãnh đạo của họ thật khó chịu.
Họ rất tự cao tự đại và tự hào về bản thân như là người Phổ của Đông Nam Á.
Thật ra, họ đã gánh chịu sự trừng phạt mà công nghệ Mỹ đã đổ xuống và qua tính chịu đựng tuyệt đối cộng với sự tuyên truyền đầy khéo léo, bằng cách khai thác các phương tiện truyền thông của Mỹ, họ đã đánh bại người Mỹ.
Họ tự tin rằng họ có thể đánh bại bất kỳ thế lực nào trên thế giới, kể cả Trung Quốc nếu nước này can thiệp vào Việt Nam.
Đối với chúng tôi, những tiểu bang bé nhỏ của Đông Nam Á, họ không có gì ngoài sự khinh thường.
Họ tuyên bố sẽ thiết lập các quan hệ ngoại giao với từng thành viên riêng lẻ trong Asean và từ chối giao dịch với Asean với tư cách một khối. Báo chí của họ chỉ trích sự có mặt của các căn cứ quân sự Mỹ ở Philipin và Thái Lan và nói về các quan hệ cấu kết giữa Trung Quốc và Singapore.”
Năm 1978, Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng thăm Singapore:
“Tôi cảm thấy ông kiêu ngạo và khó ưa. Người Việt Nam là những nhà đạo diễn sân khấu xuất sắc. Đầu tiên là Phan Hiền đến phô diễn một khuôn mặt tươi cười ngọt ngào của Việt Nam cộng sản. Giờ đây Phạm Văn Đồng, một ông già 72 tuổi, cho thấy ông cứng rắn như đinh.”
“Một lần nữa ông buộc tội chúng tôi đã thu lợi vô cùng lớn từ chiến tranh Việt Nam và phát triển Singapore trên sự mất mát của họ vì thế trách nhiệm của chúng tôi là giúp đỡ họ.
Tôi hoài nghi. Tôi không thể hiểu tại sao chúng tôi lại buộc phải giúp đỡ họ trong khi họ bị kiệt quệ bởi một cuộc chiến mà chúng tôi không gây ra và chúng tôi không hề đóng bất cứ vai trò nào trong cuộc chiến ấy.
Tôi nói những nguyên liệu chiến tranh chính yếu chúng tôi cung cấp cho các lực lượng Mỹ ở Việt Nam là POL (xăng, dầu và chất bôi trơn) xuất phát từ các công ty dầu của Anh và Mỹ. Lợi nhuận cho Singapore là không đáng kể.
Trông ông có vẻ ngờ vực. Tôi nói chúng tôi chuẩn bị để giao dịch kinh tế chứ không phải để viện trợ không hoàn lại.
Ông không hài lòng. Chúng tôi chia tay lịch sự nhưng lạnh lùng.”
Thời thế đổi thay, đến năm 1992 khi Lý Quang Diệu thăm Hà Nội:
“Ở Hà Nội, tôi yêu cầu đến thăm Phạm Văn Đồng.
Mặc dù đã về hưu, ông vẫn tiếp tôi ở trụ sở của chính phủ, một tòa nhà bằng đá từ những năm 1920, mà trước đây là văn phòng của các toàn quyền Pháp. Ông đón tôi ở cửa chính trên bậc tam cấp cao nhất.
Trông ông đã yếu rõ rệt, nhưng ông rất cố gắng để đứng thẳng, rồi bước đi run rẩy đến chiếc ghế cách không xa. Họ tắt máy điều hòa bởi ông không thể chịu được lạnh.
Ông yếu nhưng nói với sự cứng rắn và quyết đoán. Ông nhắc lại cuộc gặp gỡ của chúng tôi ở Singapore và nói rằng quá khứ đã qua, Việt Nam đang mở ra một trang sử mới.
Ông cảm ơn tôi về tình hữu nghị khi đến giúp đỡ Việt Nam.”
Các đoạn trên được trích lại từ bản tiếng Việt Bí quyết hóa rồng được cho in chính thức ở Việt Nam.
Tuy nhiên, trong đoạn nói về gặp ông Phạm Văn Đồng năm 1992, bản tiếng Việt bỏ đi một đoạn tiếp theo:
“[Ông cảm ơn tôi về tình hữu nghị khi đến giúp đỡ Việt Nam.] Giọng ông cay đắng và kiềm chế. Tôi nhớ vị lãnh đạo kiêu căng ngạo mạn đến Singapore năm 1978.
Bây giờ thấy ông thất bại rồi nhưng vẫn cứng cỏi, tôi thấy biết ơn Đặng Tiểu Bình đã trừng phạt người Việt Nam. Nếu mà hồi đó họ trở thành người Phổ chiến thắng ở Đông Nam Á, chắc không ai chịu nổi họ.”
Trong sách, Lý Quang Diệu cũng đánh giá rất cao tiềm năng của người cộng sản nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.
Ví dụ, ông viết – trích lại từ bản in chính thức ở Việt Nam:
“Các nhà lãnh đạo Việt Nam là một tập thể gây nhiều ấn tượng.
Võ Văn Kiệt nói năng mềm mỏng, nhưng lý lịch là một chiến sĩ cộng sản nằm vùng, trái với những phương cách mềm dẻo của ông.
Họ là những đối thủ ghê gớm có quyết tâm và tinh thần chiến đấu cao độ.”
“Vào năm 1975, thành phố Hồ Chí Minh có thể ganh đua với Bangkok, giờ đây (1992), thành phố này tụt lại về sau hơn 20 năm.
Tôi cảm thấy trong thời gian này người dân mất niềm tin vào những nhà lãnh đạo của họ và những nhà lãnh đạo mất niềm tin vào hệ thống.
Tuy nhiên, họ là một dân tộc thông minh và đầy nghị lực, tận gốc rễ đó là những đồ đệ của Khổng Phu Tử.
Tôi tin họ sẽ bật lên trở lại trong 20 đến 30 năm nữa.
Mọi cuộc họp đều bắt đầu và kết thúc đúng giờ. Những nhà lãnh đạo của họ đều là những người nghiêm túc.”
Hồi ký này của Lý Quang Diệu ra mắt năm 2000. Giờ đây ông đã qua đời nhưng dự đoán của ông về Việt Nam, rằng nước này “sẽ bật trở lại” sau 20, 30 năm nữa, có vẻ đang thành hiện thực.
Mới hôm 29/4, tin rất đáng quan tâm là Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiết lộ Mỹ đang họp với Úc, Ấn, Nhật, New Zealand, Nam Hàn và…Việt Nam để bàn về “tái cấu trúc chuỗi cung ứng” hàng hóa, dịch vụ, trong động thái gây sức ép với Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét