Bị quá tải vì dịch virus corona lan rộng, chính quyền Trung Quốc đang phải đối mặt với làn sóng phẫn nộ của người dân sau khi bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), một trong tám bác sĩ cảnh báo về một loại virus gây viêm phổi cấp giống như SARS, qua đời vì nhiễm virus corona mới sáng 07/02/2020.
Bị kiểm duyệt, bị trấn áp, người dân Trung Quốc không có cơ hội công khai chỉ trích chính quyền. Tuy nhiên, bất mãn vì cách xử lý khủng hoảng của chính quyền, từ địa phương đến trung ương, bưng bít thông tin về quy mô của dịch virus corona, người dân liên tục trút phẫn nộ trên các mạng xã hội từ vài ngày gần đây.
Đây là một dấu hiệu rõ ràng về khủng hoảng niềm tin của người dân vào hệ thống cầm quyền. Dù trước đó, theo yêu cầu của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, toàn bộ quan chức cán bộ đảng phải lên tuyến đầu chống dịch. Thực vậy, nếu như đảng và Nhà nước không có khả năng giúp đỡ người dân, tổ chức chuỗi cung ứng cứu trợ các nạn nhân, thì chính quyền sẽ mất tính chính đáng và sau cùng là mất tính hợp pháp.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Antoine Bondaz, trường Khoa học Chính trị Paris (Sciences Po), khi trả lời phỏng vấn trang The Conversation (03/02/2020), cả một dây chuyền chính trị đã được triển khai để bảo vệ giới quan chức cao cấp và tránh để người đứng đầu nhà nước là ông Tập Cận Bình, phải hứng trách nhiệm.
Thứ nhất, thủ tướng Lý Khắc Cường được bổ nhiệm đứng đầu cơ quan đặc nhiệm của chính phủ để đối phó với dịch bệnh do virus corona gây ra, như vậy, tránh đẩy trách nhiệm cho người đứng đầu Trung Quốc là ông Tập Cận Bình. Tiếp theo, hàng loạt quan chức địa phương đã và đang trở thành vật tế thần trong việc chậm trễ xử lý khủng hoảng, mà theo nhà nghiên cứu Pháp, có thể là thị trưởng Vũ Hán, mà không cần đến cấp bộ như năm 2003 khi bộ trưởng Y Tế phải từ chức vì dịch SARS.
Ngay sau khi bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời, trái với thông lệ, chính quyền Trung Quốc đã vội thông báo mở điều tra về trường hợp tử vong của vị bác sĩ trẻ, được người dân coi là « anh hùng dân tộc ». Nhanh chóng tìm ra một người hoặc nhiều người phải chịu trách nhiệm có lẽ là cách hiệu quả nhất để làm dịu phần nào làn sóng phẫn nộ trong dân và như vậy, để bảo vệ bộ máy cầm quyền.
Chiến lược thứ hai của chính quyền trung ương ở Bắc Kinh là tập trung mọi sự chú ý vào Vũ Hán, truyền thông Nhà nước chỉ đưa tin về tình hình tại ổ dịch Vũ Hán. Rất nhiều cụm từ có chủ đích được sử dụng tại Trung Quốc, như người ta không nói đến 2019-nCoV mà nói đến « viêm phổi Vũ Hán », trong khi năm 2003, khi nói dịch SARS hoành hành, người ta không hề nói đến « virus Foshan » (Phật Sơn). Chiến lược truyền thông « hy sinh Vũ Hán » để cứu phần còn lại của đất nước thường xuyên xuất hiện trên xã luận của truyền thông Nhà nước kể từ ngày 23/01.
Chuyên gia Antoine Bondaz đánh giá chiến lược này mang ý nghĩa quan trọng đối với chính quyền trung ương, biến nạn dịch thành một bệnh truyền nhiễm cục bộ, tại Vũ Hán và do người Vũ Hán, để trấn an toàn quốc. Tuy nhiên, chính chiến lược truyền thông này lại khiến người dân nghi ngờ lẫn nhau, dẫn đến nhiều trường hợp cực đoan kỳ thị dân Vũ Hán, hoặc người từ Vũ Hán trở về. Trên mạng xã hội, một số người dân Vũ Hán, không giấu mặt, phẫn nộ và cho rằng họ « cũng chỉ là nạn nhân của virus corona » và công khai chỉ trích chính phủ gây ra tình trạng kỳ thị đó.
Sau hai lần xuất hiện để trực tiếp chỉ đạo phòng chống dịch virus corona mới và thừa nhận « bất cập » trong xử lý khủng hoảng, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ít xuất hiện trên truyền thông, đặc biệt trên trang nhất Nhân Dân Nhật Báo như trước đây. Giới chuyên gia nhận định đây là điều bất thường, còn dư luận Trung Quốc cũng thắc mắc. Một số người cho rằng đây là hành động có chủ đích muốn truyền đi thông điệp là ông Tập đang miệt mài chỉ đạo chống dịch từ hậu trường. Nhưng phải chăng, trong bối cảnh « dầu sôi lửa bỏng », sự xuất hiện thường xuyên của chủ tịch Trung Quốc lại khiến người dân thêm bức xúc ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét