Nếu tôi đề nghị bạn viết ra con số "chín mươi hai", thì hẳn là bạn viết được ngay không cần phải nghĩ.
Con người ta cho tới khi trưởng thành thì việc kết nối tư duy giữa các con số và tên gọi của chúng gần như là tự động, vì vậy chúng ta hầu như không cần phải nghĩ.
Đó là lý do tại sao mà bạn sẽ thật sự ngạc nhiên khi nghe nói rằng cách thể hiện con số 92 trong tiếng Anh ("ninety two") chưa phải là theo cách hay nhất.
Có một số ngôn ngữ khác có cách mô tả các con số có hai chữ số hợp lý hơn nhiều. Nhưng vấn đề ở đây không phải là chuyện ngữ nghĩa - ngay từ năm 1798, các nhà khoa học cho rằng ngôn ngữ mà chúng ta học để đếm có thể ảnh hưởng đến khả năng tư duy số học của chúng ta.
Trên thực tế, có một nước phương Tây đã phải xem xét lại toàn bộ hệ thống ngôn ngữ số đếm của mình trong thế kỷ trước, để giúp việc dạy toán và làm toán được dễ dàng hơn.
Vậy đếm theo cách nào là tốt nhất?
Gần như tất cả các nền văn hóa ngày nay đều sử dụng hệ thập phân, hay hệ đếm cơ số 10, theo đó sắp xếp các số từ 0 đến 9 thành các số hàng đơn vị, hàng chục và hàng trăm, hàng nghìn, hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn, hàng triệu, và cứ tiếp tục như vậy.
Một con số, nhiều cách gọi
Các hệ thống đếm hợp lý nhất sử dụng các từ phản ánh cấu trúc của hệ số thập phân và đặt ra các quy tắc nhất quán, đơn giản - song cũng có nhiều ngôn ngữ lại dùng các quy ước phức tạp và rắc rối.
Ví dụ, trong tiếng Pháp, số 92 được đọc là "quatre-vingt douze" nghĩa là "bốn lần hai mươi và mười hai".
Trong tiếng Đan Mạch, số 92 được đọc là "tooghalvfems", trong đó halvfems nghĩa là 90, là một cách viết tắt của từ halvfemsindstyve trong tiếng Bắc Âu cổ, có nghĩa "bốn lần hai mươi và một nửa của hai mươi".
Còn trong tiếng Anh, những từ như là "twelve" (12) hay "eleven" (11) không hề gợi cho ta manh mối gì về cấu trúc thông thường của con số 12 và 11 cả. Những từ này thực ra có nguồn gốc của các từ "ellevan" và "twelif" trong tiếng Saxon cổ, có nghĩa là "dư một" và "dư hai" sau khi trừ đi mười.
Tương phản với cách diễn tả này là tiếng Quan Thoại của Trung Quốc, thứ ngôn ngữ biểu thị rất rõ ràng mối quan hệ giữa hàng chục và hàng đơn vị. Cụ thể, số 92 được đọc là "cửu thập nhị", tức là "chín mươi hai".
Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sử dụng các quy tắc tương tự, trong đó số lớn hơn được tạo ra bằng cách ghép tên từ các số nhỏ hơn.
Các nhà tâm lý học gọi các hệ thống như vậy là "minh bạch", vì trong đó có tồn tại một mối liên kết hiển nhiên và nhất quán giữa con số với tên gọi của chúng.
Ngôn ngữ định hình khả năng học toán của chúng ta như thế nào
Ngày càng nhiều bằng chứng cho rằng sự minh bạch của một hệ thống số đếm ảnh hưởng đến cách chúng ta tính toán xử lý con số. Ví dụ, trẻ em đếm bằng các ngôn ngữ Đông Á nắm vững hơn về hệ thập phân.
Trong một nghiên cứu, trẻ em lớp một được yêu cầu biểu thị các con số, chẳng hạn như số 42 bằng cách sử dụng các khối hàng chục và và khối hàng đơn vị.
Những bé từ Mỹ, Pháp hoặc Thụy Điển có xu hướng sử dụng 42 khối hàng đơn vị riêng lẻ, trong khi các bé từ Nhật Bản hoặc Hàn Quốc có xu hướng sử dụng bốn khối hàng chục và hai khối hàng đơn vị.
Điều đó cho thấy rằng cách trí óc trẻ em tư duy biểu thị các số từ khi còn nhỏ có thể đã được định hình bởi ngôn ngữ mà chúng sử dụng.
Tất nhiên, còn nhiều lý do khác khiến trẻ em từ các quốc gia khác nhau có thể có khả năng làm toán khác nhau, trong đó có cả phương pháp dạy toán và mức độ quan tâm của gia đình và xã hội đối với lĩnh vực giáo dục.
Đó là các yếu tố khó kiểm soát khi nghiên cứu trên những thành viên đến từ các nền văn hóa khác nhau - song việc trên thế giới có quốc gia cải tiến ngôn ngữ dùng cho việc đếm số đã thực sự đặt ra một giải pháp thú vị cho vấn đề này.
Các con số trong hệ thống tiếng Wales hiện đại được biểu thị rất trong sáng, dễ hiểu: 92 được đọc là "naw deg dau", nghĩa là "chín mươi hai", theo quy tắc giống như các ngôn ngữ Đông Á đang sử dụng.
Trong ngôn ngữ truyền thống cũ của xứ Wales (hiện vẫn còn được sử dụng cho việc đếm ngày và đếm tuổi), thì 92 lại được viết thành "dau ar ddeg a phedwar ugain", nghĩa là "hai và mười và bốn lần hai mươi".
Hệ thống mới này thực ra được tạo nên bởi một doanh nhân người xứ Wales cho mục đích kế toán, nhưng cuối cùng nó đã được đưa vào các trường học xứ Wales vào những năm 1940.
Ở xứ Wales ngày nay, khoảng 80% học sinh được dạy toán bằng tiếng Anh, 20% được dạy bằng tiếng Wales mới.
Điều này mang đến cơ hội hoàn hảo để thử nghiệm với những đứa trẻ học cùng một chương trình giảng dạy tại cùng một nền văn hóa song học toán bằng các ngôn ngữ khác nhau, để xem hệ thống đếm kiểu Đông Á có thực sự hiệu quả hơn hệ thống đếm mà người phương Tây đang sử dụng hay không.
Trẻ em sáu tuổi được dạy bằng tiếng Wales hiện đại và trẻ em cùng tuổi được dạy bằng tiếng Anh đã cùng được kiểm tra khả năng điền đúng vị trí của các số có hai chữ số trên một dòng trống đánh số từ 00 đến 100.
Cả hai nhóm có kết quả tương đương trong các bài kiểm tra số học nói chung nhưng trẻ em được dạy bằng tiếng Wales hiện đại đạt kết quả tốt hơn trong việc điền đúng vị trí con số.
"Chúng tôi nghĩ rằng đó là bởi vì những đứa trẻ học lực trung bình ở xứ Wales có tư duy biểu thị chính xác hơn các số có hai chữ số," Ann Dowker, nhà tâm lý học thực nghiệm tại Đại học Oxford và là tác giả chính của nghiên cứu, nói. "Chúng có thể hiểu mạch lạc hơn về mối quan hệ giữa các con số, độ lớn của chúng so với các con số khác."
Đảo ngược hàng đơn vị lên trước hàng chục
Trong các ngôn ngữ khác, các con số hàng chục và hàng đơn vị lại bị đảo ngược.
Ví dụ, trong tiếng Hà Lan, số 94 được viết là "vierennegentig" (nghĩa là "bốn và chín mươi"), và một nghiên cứu khác cho thấy điều này có thể làm cho việc thực hiện một số bước làm toán trở nên khó khăn hơn.
Ví dụ, trẻ em mẫu giáo Hà Lan làm toán kém hơn trẻ mẫu giáo Anh trong một phép tính cộng các số có hai chữ số, tuy các bé ở Hà Lan lớn tuổi hơn một chút và có trí nhớ tốt hơn vì độ tuổi đi mẫu giáo lớn hơn so với ở Anh.
Tuy nhiên, trên hầu như mọi khía cạnh khác, từ khả năng đếm, làm tròn số, đến làm phép cộng đơn giản giữa các số chỉ có một chữ số, hai nhóm đạt kết quả hầu như giống nhau.
"Thực tế là chúng gần như tương đương nhau ở mọi khía cạnh, trừ khi dính đến các số có hai chữ số, cho thấy rằng chính ngôn ngữ tạo ra sự khác biệt," Iro Xenidou-Dervou, giảng viên nhận thức toán học tại Đại học Loughborough và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Cách giải thích của Xenidou-Dervou là khi những đứa trẻ được yêu cầu làm toán với một con số có hai chữ số, chẳng hạn như số 38, chúng sẽ đọc thầm con số đó trong đầu, và sau đó hình dung vị trí của nó trên một dãy số tưởng tượng.
Trong ngôn ngữ Hà Lan, bước tưởng tượng này phải thêm khâu tái đảo số "tám" và số "ba" trước khi các bé có thể đánh giá giá trị của số 38 ở đâu trên dãy số. Chính điều này tạo thêm sự căng thẳng trong nhận thức và ảnh hưởng đến hiệu suất làm bài của các bé.
Có vẻ như hiệu ứng này không chỉ giới hạn ở trẻ em. Để tìm hiểu thêm về cơ chế này, nhóm của Iro đã thực hiện một phiên bản bài tập tìm số đúng trên dãy số với đối tượng tham gia là người lớn, song lần này các thành viên được trang bị phần mềm theo dõi mắt.
"Theo dõi mắt cho thấy quá trình nhận thức bên trong tâm trí người tham gia, bởi vì chúng ta có thể biết liệu họ có mất nhiều thời gian hơn để tìm đúng con số của đầu bài ra hay không, và cũng kiểm tra xem họ có lần nào nhìn vào con số sai hay không," Xenidou-Dervou nói.
Cả hai nhóm đều đạt cùng mức độ chính xác về vị trí nhìn cuối cùng của họ, nhưng khi các con số được đọc lên thay vì viết ra, các thành viên người Hà Lan nhìn nhiều hơn về vị trí của số đảo ngược trước. Vì vậy, nếu được yêu cầu nhìn vào số 94, mắt của họ có thể liếc lần đầu về hướng số 49. Các thành viên người Anh hầu như không lần nào thực hiện chuyển động mắt về hướng con số đảo ngược như vậy.
Kết quả thật đáng ngạc nhiên, bởi người ta cho rằng khi con người ta trưởng thành thì cách gọi tên con số đã được tự động hóa trong tâm trí, vì vậy ngôn ngữ không ảnh hưởng mấy đến cách chúng ta xử lý con số.
Mặc dù cả hai nhóm đều có kết quả như nhau trong bài kiểm tra khả năng toán cơ bản, nhưng có khả năng là sự kém minh bạch của hệ thống ngôn ngữ Hà Lan trong việc biểu thị con số đã khiến môn toán trở nên khó hơn một chút đối với người nói tiếng Hà Lan.
"Dù các hiệu ứng chỉ là nhỏ, song đây là số học ở mức căn bản nhất, chỉ cần tìm ra con số đúng trên một dãy số thôi," Xenidou-Dervou giải thích. "Khi trưởng thành, hàng ngày chúng ta phải thực hiện cả đống những công việc rất phức tạp và do đó, ngay cả những khó khăn nhỏ của hệ thống đặt tên số cũng có thể làm tăng thêm trở ngại đối với các kỹ năng làm toán thông thường."
Như vậy, khi các hệ thống đếm trong sáng hơn dường như giúp chúng ta dễ dàng xử lý con số hơn thì điều này có ý nghĩa thế nào đối với cách chúng ta dạy toán cho trẻ em?
"Tôi không nghĩ rằng đây phải là quy tắc cơ bản đối với thứ ngôn ngữ mà chúng ta đang dùng để dạy trẻ em học toán," Dowker nói. "Tuy nhiên, [chúng ta nên] nhận thức được những khó khăn mà trẻ em có thể gặp phải trong các hệ thống số học nhất định."
Xenidou-Dervou đồng ý. "Sẽ thật tốt nếu trẻ em Hà Lan nhận được một hướng dẫn chính thức cho việc biểu thị các số có hai chữ số từ khi còn nhỏ. Thật tốt khi nhận ra rằng đây là một trở ngại, và trẻ em cần cố gắng nhiều hơn khi chúng phải dùng ngôn ngữ có hệ thống gọi các con số rắc rối như vậy."
Cho nên dù rằng tất cả chúng ta có thể đều đang sử dụng cùng một hệ số đếm, nhưng những từ mà ta dùng vẫn có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta tư duy về những con số.
Người ta nói rằng toán học là một thứ ngôn ngữ phổ quát, song có lẽ nói vậy chưa hẳn đã là hoàn toàn đúng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét