khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 8 tháng 1, 2020

Bí quyết chinh phục thành công mọi việc theo phong cách Hemingway - Tác giả Zaria Gorvett


Ông không chỉ nổi tiếng về những kiệt tác văn học, cocktail dry martini và sự duyên dáng phóng đãng - ông cũng là người phát minh ra một kỹ thuật có thể đánh bại sự trì hoãn lười nhác và tăng cường năng suất làm việc.
Ông nổi tiếng vì lúc nào cũng đào hoa, hàm râu cực ngầu và tình yêu với chú mèo sáu ngón chân.
Người ta đồn rằng rằng ông có thể uống 17 ly cocktail daiquiri trong một buổi chiều, rằng ông được tuyển mộ bởi KGB và làm gián điệp với mật danh "Argo", và rằng có lần ông từng ngủ với gấu. Ồ, và ông viết ra một số tác phẩm được coi trọng nhất của thời đại.
Tất nhiên, tôi đang nói về Hemingway. Nhưng hóa ra tác giả này không chỉ nổi tiếng với các tác phẩm tiểu thuyết và những giai thoại đầy nam tính từ cách xắn tay áo kiểu trí thức của ông. Ông cũng là người phát minh ra một mẹo tâm lý thông minh có tên gọi "sự ngắt quãng hữu ích".
Theo một bài báo năm 1935 mà Hemingway viết cho tạp chí Esquire, khi được một nhà văn trẻ hỏi "Ông nên viết bao nhiêu mỗi ngày?", ông đáp: "Cách tốt nhất là luôn dừng lại khi bạn đang viết tốt và khi bạn biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nếu bạn làm việc này mỗi ngày khi viết tiểu thuyết, bạn sẽ không bao giờ bị bí." Ông kêu gọi những người mới bắt tay vào nghề viết ghi nhớ điều này - và thậm chí ông đã đi xa hơn đến mức cho rằng đó là lời khuyên giá trị nhất mà ông có thể khuyên.
Nhưng liệu cách này có tác dụng không?
Đáng tiếc là lời khuyên này của Hemingway thường bị mọi người coi nhẹ, và ngày nay những câu nói khôn ngoan của ông mà người ta còn nhớ đến là những câu có thể dán trang trí trên tủ lạnh như "Dũng khí là sự duyên dáng trong áp lực" (quả đúng vậy).
Hay ít ra là nó đúng vậy cho đến khi Yoshinori Oyama nghe nói về chiến lược của Hemingway vào năm 2017.
Nhà nghiên cứu từ Đại học Chiba, Nhật Bản khi đó đang ngồi trong quán cafe gặp người bạn thì nảy ra một ý nghĩ: trong đời mình, ông có động lực quay trở lại làm việc hơn nếu ông bỏ chúng dang dở khi mọi thứ suôn sẻ. "Bạn tôi nói 'Ồ, Hemingway cũng dùng cách này đấy!'," ông kể lại.
Oyama tự hỏi liệu chiến lược này có hữu ích cho người khác không. Khoảng một năm sau, ông thuyết phục Emmanuel Manalo từ Đại học Kyoto cùng tham gia vào tìm hiểu điều này.

Khai thác sự lạc quan

Nội dung mà họ muốn nghiên cứu là "việc không hoàn thành một công việc sẽ đem lại lợi ích". Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu quyết định rằng điều này không cần phải giới hạn trong phạm vi Hemingway và giới viết lách - và họ đề xuất mở rộng các đối tượng nghiên cứu có thể áp dụng hữu hiệu quy tắc này.
Thay vì chỉ xác định tầm nhìn đối với hướng đi của công việc bạn đang làm, họ bổ sung thêm hai quy tắc: mọi người cần phải cảm thấy là họ đã gần đến đích hoàn tất công việc, và công việc đó phải có tính thách thức đủ mức khiến cho bạn quan tâm việc mình đã hoàn thành nó hay chưa.
Nghiên cứu này có hai phần.
Với phần một, Oyama yêu cầu 260 sinh viên đại học trong lớp của ông hoàn thành một bài tập tốn thời gian liên quan đến việc chép tay lại nội dung từ trang báo vào trang giấy hình vuông gọi là mạng lưới viết lách (writing grid). Trước khi bắt đầu, họ được khảo sát về việc họ cảm thấy có động cơ tới mức nào trong việc cần hoàn thành tác vụ này.
Ngay khi một số sinh viên đầu tiên bắt đầu giơ tay nói họ đã hoàn thành, Oyama yêu cầu các sinh viên còn lại ngừng viết.
Sau đó các sinh viên được yêu cầu đếm xem họ còn lại bao nhiêu phần chữ còn viết và được hỏi họ cảm thấy buộc phải hoàn thành bài tập đến mức nào.
Đúng như các nhà nghiên cứu trông đợi, những sinh viên còn lại ít phần nội dung phải chép có động lực quay lại làm tiếp cao hơn hẳn so với những người còn lại nhiều, mà kỳ quặc là thậm chí còn cao hơn cả những người đã hoàn thành phần bài tập.
Tại sao như thế?
Manalo tin rằng sự lạc quan chính là yếu tố then chốt. "Ta cần phải có niềm tin vào bản thân - một kiểu kỳ vọng rằng ta có thể làm được điều gì đó. Và khi ta tiến gần tới mức hoàn thành một việc mà trước đó ta từng thất bại, đó là lúc sự lạc quan gia tăng."

Chủ nghĩa tổng thể (Gestaltism)

Một yếu tố khác dựa trên trường phái tư duy do các nhà tâm lý học người Úc và người Đức nghĩ ra vào đầu Thế kỷ 20 gọi là "chủ nghĩa tổng thể".
Họ tin rằng con người giải thích thế giới bằng cách tìm hiểu mô thức, vì vậy bức tranh tổng thể quan trọng với chúng ta hơn là từng phần đơn lẻ.
"Khi ta có các phần của một thứ gì đó, ta luôn muốn tạo ra nguyên cả thứ đó," Manalo nói.

Chẳng hạn, nếu bạn cho ai đó thấy bề ngoài của một hình tam giác được vẽ bằng những đường đứt quãng, não ta sẽ tự nhiên nối các đường này lại và cho rằng đó là bức tranh hình tam giác thay vì coi đó là bức tranh vẽ nhiều đường thẳng.
"Điều này cũng tương tự như hành dộng trong thử nghiệm trên, đó là ta có xu hướng muốn làm xong việc gì đó, đặc biệt là khi nó đã gần như sắp hoàn thành rồi hoặc gần đạt tới mục tiêu đặt ra rồi," Manalo nói.
Dù phần một của nghiên cứu có vẻ như ủng hộ lý thuyết của Hemingway, nhưng việc chép tay văn bản thì khó có thể là loại công việc mà hầu hết mọi người làm thường xuyên, vì vậy các nhà nghiên cứu quyết định thử xem liệu có tác dụng trong những bối cảnh thường ngày không.
Họ muốn xem thử liệu kỹ thuật này có phải là sẽ hiệu quả nhất hay không nếu như ta đã lên kế hoạch cho các việc sắp tới cần làm, qua đó biết được rằng lượng công việc còn tồn đọng sẽ là bao nhiêu.
Các nhà nghiên cứu chia một lớp 131 sinh viên thành hai nhóm và yêu cầu họ viết về ký ức từ trường mẫu giáo đến đại học (từ khi 4 tuổi đến 18 tuổi) - một nhiệm vụ khổng lồ.
Trong nhóm một, họ được hỗ trợ cách sắp xếp câu trả lời; họ được yêu cầu chia ký ức thành hai phần, từ mẫu giáo đến tiểu học, từ thời trung học đến cấp ba.
Nhóm còn lại không được giúp gợi ý gì hết.
Trước khi bắt đầu, các sinh viên được hỏi họ cảm thấy có động lực đến mức nào.
Một lần nữa, khi gần như các sinh viên đã sắp hoàn thành bài tập, mọi người được yêu cầu ngừng lại.
Họ được hỏi họ còn bao nhiêu nữa thì hoàn thành và họ cảm thấy động lực làm nốt nhiều ít đến đâu.
Giống như trong thử nghiệm trước, những sinh viên gần hoàn thành cảm thấy có nhiều động lực nhất.
Tuy nhiên, lần này có một hiệu ứng khác xuất hiện - rất quan trọng - đó là những sinh viên được yêu cầu chia bài tập thành hai phần, và có lẽ nhờ vậy cảm thấy dễ đánh giá họ còn bao nhiêu phần chưa xong, cũng là người hào hứng quay trở lại hoàn thành bài tập hơn.

Bị gián đoạn khi đang làm việc

Phát hiện này rất tương đồng với nghiên cứu của Daniella Kupor từ Đại học Boston, người tìm hiểu về hiệu ứng của việc bị gián đoạn vào năm 2014.
Trong một nghiên cứu, Kupor và đồng sự từ Đại học Stanford và Yale yêu cầu mọi người xem một video ngắn có nội dung một danh hài thể hiện một câu chuyện nhỏ xảy ra thời thơ ấu. Một nửa số người được phép xem trò hài đến phần cao trào, trong khi một số khác bị cắt ngang.
Sau đó, người tham gia được yêu cầu mua sắm trên mạng tưởng tượng, có vẻ như là cho một nghiên cứu khác không liên quan. Họ được cho biết phải tìm mua gì, và sau đó được đưa cho xem hai món hàng mà họ có thể mua, có thể trùng hoặc không trùng với yêu cầu cần mua.
Khi được hỏi, những người bị cắt ngang trong nghiên cứu trước nhiều khả năng là sẽ mua luôn thay vì tiếp tục tìm kiếm món đúng theo yêu cầu.
"Khi bị gián đoạn khiến không hoàn thành mục tiêu hay nhiệm vụ cụ thể, ta nhận thấy là người bị gián đoạn quyết định nhanh chóng và thiếu suy nghĩ hơn trong các lĩnh vực hoàn toàn không liên quan," Kupor nói.
"Họ cảm thấy thiếu sự kết thúc, và việc không được thoả mãn nhu cầu kết thúc công việc đó đã gây ảnh hưởng đến các quyết định họ đưa ra đối với các lĩnh vực không liên quan - và thúc đẩy họ hoàn thành công việc trong những lĩnh vực không liên quan đó."
Nghiên cứu của Kupor chỉ ra rằng sự gián đoạn có thể đem lại tạo động lực thúc đẩy, nhưng không phải lúc nào điều này cũng có tác dụng tốt.
Nghiên cứu cho thấy là nhiều khả năng chúng ta sẽ cảm thấy hối tiếc về những quyết định mà chúng ta đưa ra khi chưa suy nghĩ kín kẽ.
Tuy nhiên, có thể hiệu ứng Hemingway cần những điều kiện khác để trở thành điều đem lại lợi ích.
Rốt cuộc thì, những gián đoạn trong nghiên cứu của Kupor xảy ra giữa lúc những người tham gia đang làm một tác vụ nào đó, và vấn đề nằm ở chỗ thời điểm xảy ra sự gián đoạn; không ai nghĩ rằng nếu bạn bị bắt chuyện 10 lần mỗi ngày bởi những đồng nghiệp cực kỳ thích giao du qua lại sẽ là chuyện tốt cho bạn.
Để khai thác tốt hiệu ứng này, sự gián đoạn nên được sắp xếp để bạn cảm thấy bạn biết bạn đang ở giai đoạn nào trong công việc.
Dù là cách nào chăng nữa thì có lẽ chiến lược này cũng nên được vận dụng cẩn trọng cho đến khi ta hiểu rõ hơn về chuyện ngừng lại chỉ một khoảng ngắn trước khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ ảnh hưởng ra sao đến tâm lý ta.
Oyama và Manalo có cái nhìn lạc quan hơn. Họ nghĩ rằng hiệu ứng Hemingway có thể khai thác để đạt đến mục tiêu, dù lớn hay nhỏ, và cho rằng nó có thể đặc biệt hữu ích trong công sở và giáo dục.
Oyama đã sử dụng chiến lược này khi ông thực hiện các bài viết khoa học, và các nhà nghiên cứu hiện thời đang làm việc trong một nghiên cứu xem xét xem liệu nó có thể giúp sinh viên hoàn thành chương trình tiến sĩ không, vì hiện thời đến một phần ba số sinh viên ở Châu u vẫn chưa hoàn thành phần viết nghiên cứu sau suốt sáu năm lần lữa. Ý tưởng là bằng cách giúp sinh viên chia phần việc ra, hiệu ứng Hemingway có thể tác động mỗi khi họ gần kết thúc một phần việc.
Họ cũng nghĩ rằng nghiên cứu này có thể giúp mọi người trong những công việc hàng ngày, như nắm bắt ý tưởng mới trong lớp học.
"Ví dụ như trong lớp học, đôi khi giáo viên yêu cầu học sinh ngừng lại khi các em đang chật vật tìm hiểu việc gì - giáo viên sẽ nói, được rồi, chúng ta học đủ rồi, hãy tiếp tục vào ngày mai. Nhưng đó là ý nghĩ dở," Manalo cho biết.
Mặc dù Hemingway cho rằng sự ngắt quãng hữu ích cần phải do mỗi người tự xác định cho mình, nhưng các nhà nghiên cứu lại lo lắng về chuyện có phần việc bị bỏ lại thay vì lý do tại sao lại có chuyện bỏ lại như thế, hoặc việc đó đã bị bỏ lại như thế nào.
Họ không nhìn thấy lý do vì sao sự ngắt quãng có kiểm soát cẩn thận do người khác áp đặt lên ta lại kém tác dụng hơn.
Do thực tế là tất cả chúng ta ai đều muốn uống như Hemingway, ăn mặc như Hemingway, viết như ông và thiết kế ngôi nhà với những món nội thất mơ hồ mà ta cho rằng có liên quan đến ông, có lẽ đã đến lúc ta bắt đầu lên kế hoạch công việc như ông.
Rốt cuộc thì Hemingway rõ ràng đã nói với ta như vậy - và ta là ai mà dám cãi lời ông chứ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét