Giáo Hội Việt Nam ngay cả trong thời kỳ 300 bắt đạo cũng không trải qua những khủng hoảng trầm trọng như thời gian gần đây. Hoang mang và lo sợ. Nghi kỵ và phân rẽ. Chung quy cũng vì hai cụm từ “quốc doanh” và “thuần hóa”.
Đối với nhiều Kitô hữu, nhiều linh mục, nhiều giám mục xem Huỳnh Công Minh như một thứ “giáo hoàng đen” có thực quyền điều hành Giáo Hội Việt Nam ,cũng như Lưu Bách Niên là một thứ “giáo hoàng đen” của Trung Hoa. Thực tế Huỳnh Công Minh và Lưu Bách Niên như thế nào thì không ai rõ lắm, nhưng quả tình bóng dáng, và hơi hướm những người nay đang làm cho nhiều người yếu bóng vía phải sợ hãi và thấy choáng váng.
Rất may, lời Chúa của Chúa Nhật tuần này đã làm cho chúng ta được an ủi và thêm tin tưởng: “Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi” (Gioan 14: 27).
Chỉ một câu Phúc Âm này cũng đủ để chúng ta, những Kitô hữu nhiệt thành và yêu mến Chúa Giêsu cảm thấy được an ủi, và bình thản trên hành trình đức tin và đời sống đạo. Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã trưng dẫn lời Chúa Giêsu “đừng sợ” để làm phương châm và hướng đi cho triều đại giáo hoàng của ngài, và lịch sử đã minh chứng rằng, ngài đã thành công vì đã tin và sống với lời của Thiên Chúa. Thật vậy, con thuyền Giáo Hội do ngài hướng dẫn đã phải băng qua những vùng biển có đá ngầm, những dòng nước xoáy mạnh, và những trận cuồng phong thật ghê gớm. Nhưng vì không sợ, không tháo lui; và nhất là có Chúa ở trên thuyền, cuối cùng ngài đã dẫn đưa con thuyền Giáo Hội vượt qua những hiểm nguy ấy trước khi trao tay lái lại cho vị kế nhiệm mình, để vui mừng về với Chúa, đấng đã gọi và chọn ngài.
Một số sóng to, gió lớn chúng ta có thể nhìn thấy. Nhưng một số sóng ngầm, đá ngầm tuy rất nguy hiểm, nhưng chúng ta lại không nhìn thấy.
Cộng Sản vô thần. Tôn giáo cực đoan. Thần học giải phóng. Duy vật cực đoan. Ly di. Phá thai. Đồng tính. Hôn nhân đồng tính. Chuyển đổi phái tính. Những chủ thuyết và trào lưu sống này được coi như những cơn sóng dữ đã và đang nhắm vào con thuyền Giáo Hội.
Ngoài ra, phong trào linh mục đồng tính. Linh mục có vợ. Linh mục phụ nữ. Giáo sỹ lạm dụng tình dục. Giáo hội quốc doanh. Tu sĩ quốc doanh. Thiếu trưởng thành về tôn giáo. Sống đạo tình cảm. Tất cả được coi như những đợt sóng ngầm, những tảng đá ngầm có khả năng đục thủng, và phá hủy con thuyền Giáo Hội mãnh liệt hơn cả những cơn sóng dữ ở trên.
TẢNG ĐÁ NGẦM QUỐC DOANH
Con thuyền Giáo Hội Việt Nam, gần đây cũng đang va vào tảng đá ngầm “quốc doanh”, mà hậu quả là tạo nên những chao đảo và rạn nứt.
Từ lâu, tín hữu Việt Nam vẫn biết rằng có tảng đá ngầm “quốc doanh” đâu đó trên hải trình của con thuyền Giáo Hội Việt Nam. Nhưng nay thì tảng đá này đang từ từ lộ diện, khiến cho nhiều người trên con tầu này run sợ và hoảng hốt.
Hốt hoảng và hoang mang khi thấy hàng loạt tu sĩ nam nữ, linh mục, tu sĩ nam nữ, nhất là các giám mục, tổng giám mục, và hồng y ồ ạt xuất ngoại. Kết quả là những rạn nứt trầm trọng.
Rạn nứt từ phía các giám mục, từ phía các linh mục, tu sĩ nam nữ, và giáo dân. Rạn nứt đối với những người bên quê nhà, và rạn nứt giữa những người Công Giáo Việt Nam đang sống tại hải ngoại, khiến nhiều người bi quan đã cho rằng Giáo Hội Việt Nam đã bị “thuần hóa”. Hình ảnh đang làm nhiều người chú ý trong bối cảnh hiện nay là hành động của nhóm “linh mục quốc doanh”, mà tên tuổi nổi vượt nhất là Huỳnh Công Minh.
Nhưng đó chỉ là những phần nổi của tảng băng chìm này, bên dưới nó là như thế nào thì không ai biết, chỉ có Chúa biết. Tuy nhiên, bằng với cái nhìn có tính cách nhân loại, thì đây là một sự thiếu lãnh đạo trầm trọng. Dường như Chúa Giêsu, nhà lãnh đạo tối cao và duy nhất của Giáo Hội Hoàn Vũ, của Giáo Hội Việt Nam đang bị lu mờ, khi một số những thành phần hướng đạo dân Chúa tự để mình bị cuốn hút vào những cái bên ngoài, và bị thu hút bởi sức quyến dũ của trần thế.
Một giám mục gần đây trong một thánh lễ tại một cộng đoàn ở Orange County đã không ngần ngại nói rõ mục đích xuất ngoại ăn xin của ngài. Mà lý do xuất ngoại ăn xin này là vì thấy “đấng nọ đấng kia sau khi xuất ngoại đã có khả năng làm được việc này, việc nọ.” Và cũng theo lời giám mục này, thì từ khi nhậm chức giám mục, và sau 3 năm suy nghĩ, thì lần này đã “can đảm” bị gậy, mũ áo đi ăn xin.
Giám mục ăn xin, còn tổng giám mục và hồng y thì “tha phương cầu thực”. Chuyến nhật du của Tổng Giám Mục Saigon chưa hết tai tiếng, gần đây lại phái đoàn linh mục Saigon thăm mục vụ Giáo Hội Trung Quốc từ 23 đến 28 tháng 4 năm 2007. Sao mà Tổng Giáo Phận Saigon nó có nhiều điều gây lấn cấn và tranh cãi thế. Hay lại cũng tại Huỳnh Công Minh.
Xuất ngoại qua Pháp, qua Mỹ bị lật tẩy, bị phê bình, bây giờ lại quay sang “viếng thăm mục vụ” Nhật và Trung Quốc.
Thật khó để biện minh được cái chủ ý trong sáng và thánh thiện của hành động mục vụ như vậy trong tình trạng xã hội hiện nay của Việt Nam. Phải chăng đó chỉ là một trận tuyến khác, nhằm gây hoang mang, khủng hoảng và phân tán thêm vào những cái vốn đã gây hoang mang, và chia rẽ hiện nay trong Giáo Hội Việt Nam. Trong khi các con chiên, bổn đạo đói nghèo, xác xơ, bị đem bán làm nô lệ tình dục qua các nước lân bang. Trong khi hàng triệu vụ phá thai và băng hoại luân lý của giới trẻ Việt Nam đang cần thăm viếng mục vụ, các người có trách nhiệm lại mũ áo, gậy gộc xềnh xang sang thăm viếng các nước lân bang. Thật là khó hiểu, và cũng thật là điều gây ra nhiều tranh cãi.
Viết đến đây tôi nghĩ lại câu chuyện của linh mục chính xứ của tôi tại Việt Nam, và câu chuyện này khiến tôi suy nghĩ và cảm phục. Sau khi đi tù cải tạo về, linh mục chính xứ hiện nay của xứ đạo tôi được cử về nhận xứ. Việc đầu tiên của linh mục chính xứ này làm là bán đi toàn bộ gỗ, gạch, sắt, thép, mà linh mục chính xứ trước đã mua để chuẩn bị phá và xây lại thánh đường mới. Linh mục tân chính xứ này đã gặp phản kháng của một số giáo dân, nhưng ngài vẫn cương quyết thực hiện điều ngài suy nghĩ với lý luận hết sức thực tế và theo đúng tinh thần Phúc Âm. Ngài đã giải thích hành động của mình là thánh đường tương đối còn tốt, không cần phải phá bỏ. Lại nữa, trong xứ còn có nhiều giáo dân nghèo khổ, túng thiếu cần được nâng đỡ và an ủi. Tuy nhiên, để tránh những chống phá của một số quá khích, ngài đã dùng một ít tiền bán vật dụng tu bổ lại gian cung thánh.
ĐỪNG SỢ:
Câu hỏi được đặt ra ở đây là trước hiện tượng suy thoái lãnh đạo. Trước sức công phá của hỏa ngục như vậy, liệu chúng ta, những Kitô hũu có lý do sợ hãi, nao núng và chia rẽ không?
Tôi cho là không. Hãy nhớ lại lời Chúa Giêsu đã nói với Phêrô: “Thầy sẽ xây Giáo Hội thầy trên đá này, mà dù cửa hỏa ngục dấy lên cũng không phá nổi” (Mt 16:18). Hỏa ngục dấy lên còn chưa phá được huống hồ một mình Hùynh Công Minh, Trương Bá Cần, Thiện Cẩm, ...hay ngay cả giám mục Nguyễn Văn Sang...
“Cửa hỏa ngục dấy lên cũng không phá được”, huống hồ chỉ mấy anh cán ngố ngồi ở Bắc Bộ Phủ, ở Ba Đình Hà Nội. Một trăm năm trước khi có bọn họ đã có Giáo Hội và con thuyền Giáo Hội vẫn tiến tới. Một trăm năm sau ngày bọn họ qua đi, Giáo Hội ấy cũng vẫn tồn tại. Bởi vì Giáo Hội là Giáo Hội của Chúa, và do chính ngài lập nên và hướng dẫn.
Tôi cũng không tin rằng “Giáo Hội Việt Nam đã bị thuần hóa”, dù linh mục Nguyễn Hữu Lễ đã thề độc rằng, đó là những lời của giám mục quá cố Nguyễn Quang Tuyến đã tâm sự với ông.
Nhiều khi do tâm lý hoảng hốt và sợ hãi của chính chúng ta đã làm cho chúng ta sợ hãi. Hoặc thái độ cực đoan, quá khích của một số trong chúng ta để gây hoang mang, chia rẽ. Có thể người Cộng Sản đã nắm bắt được tâm lý này. Những giáo phẩm và giáo sỹ sợ “mất mặt”, sợ “không được trọng kính”, và sợ “bị công khai lý lịch”. Còn tín hữu thì sợ “mất linh hồn”, sợ “mang tội chống cha, chống Chúa”, nên họ đã dùng tâm lý hoang mang, sợ hãi ấy để làm cho chúng ta tưởng rằng Giáo Hội Việt Nam đã hoàn toàn thuần hóa, rằng những người Cộng Sản Việt Nam đang điều hành Giáo Hội chứ không phải là Thần Linh Thiên Chúa, không phải là chính Chúa.
Hơn 300 năm cấm đạo, hằng trăm ngàn Kitô hữu đã anh dũng đổ máu đào vì đạo Chúa. 2000 năm lịch sử, Giáo Hội của Chúa đã trải qua mấy phen cấm cách và bắt bớ. Nhưng tất cả những thế lực thù hận đã qua đi, chỉ còn lại Giáo Hội là vẫn trường tồn. Trong Giáo Hội, nếu có một người gục ngã, thì cũng có ngàn người đứng lên bảo vệ niềm tin và sự thánh thiện của Giáo Hội.
Cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Frankin D. Roosevelt đã nói một câu rất ý nghĩa: “Không có gì đáng sợ bằng chính sự sợ hãi”. Có lẽ ông đã hiểu được ý nghĩa lời mà Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Đừng sợ”. Và đây cũng là lời kêu gọi mà Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dùng để mở đầu triều đại giáo hoàng của ngài. Ngài đã dùng lời này để nói với những người đang ngưỡng vọng về ngài như một người làm đầu Giáo Hội: “Đừng sợ”.
Thật ra, như vừa trình bày trên, chính cái hoang mang, lo lắng ấy đang làm bóng hào quang Cộng Sản, hào quang “quốc doanh”, nhưng sự thật bọn họ cũng chỉ là những thứ chết nhát, ít ai trong họ dám nhìn vào sự thật. Và chính bọn họ cũng đang hù dọa lẫn nhau bằng sợ hãi. Để rồi làm tăng thêm sự sợ hãi trên Giáo Hội.
PHẢI LÀM GÌ
Có lẽ các giám mục Việt Nam và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng cần phải điều chỉnh lại quan niệm sợ hãi này nơi chính mình và nơi giáo dân. Thật ra những cơn sóng quốc doanh, những thủ đoạn bắt bí, và chèn ép cũng đang từ từ lộ diện. Sức công phá của nó có thể được coi là mãnh liệt, nhưng sự phá hủy tận cùng không phải là ở những cái mà chúng ta nhìn thấy. Nó tiềm ẩn và nằm sâu lắng trong quan niệm, tâm lý và lối sống đạo của người Công Giáo Việt Nam. Phải làm sao vượt ra ngoài những lề thói cảm tình, và sống đạo hình thức. Phải làm sao không nhìn nhà thờ, mà nhìn vào đền thờ của Chúa Thánh Thần là linh hồn và giá trị đạo đức thật của mỗi người. Không phải chỉ vâng lời các linh mục, giám mục một cách máy móc, mà là một sự tôn tính thật tình, có ý tưởng và quan niệm trưởng thành. Những cái này sẽ làm cho sức mạnh tâm linh và làm bừng lên một sức sống trưởng thành có sức phá tan sự sợ hãi, và đem vào cuộc sống tâm linh mỗi người một sức sống mới.
Hồng y, tổng giám mục, giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, và giáo dân, tất cả đều là con cái Chúa. Tất cả đều là hành xử theo ơn gọi cá biệt và buộc phải tôn trọng và nhìn nhận những giá trị riêng biệt của nhau. Tất cả đều cần đến nhau, bổ túc cho nhau, và cùng nhau đồng hành tiến về nhà Cha. Không ai bị trị, và cũng không ai cai trị. Không ai tự cho mình độc quyền thánh thiện, độc quyền hiểu và sống lời Chúa, mà tất cả đều được tác động và khởi hứng từ Thần Linh Chúa.
Sống đạo như vậy, thì linh mục, và giám mục không cần phải băn khoăn đến tòa giám mục rộng hay nhỏ, đẹp hay không đẹp, và do đó, nhu cầu sửa sang, xây cất không phải là điều cốt yếu. Mà đã không cần thiết thì cũng không cần phải đi “ăn xin”. Linh mục cũng không cần phải quan tâm đến việc phá nhà thờ và xây lại. Không có nhu cầu xây cất, thì cũng không có nhu cầu xuất ngoại. Và như vậy, Cộng Sản cũng không làm khó mình, hay “ban” cho mình điều gì. Và khi không cần phải xin, thì cũng không sợ bị bắt bẻ.
Tóm lại, lời Chúa hôm nay khiến Kitô hữu chúng ta cần phải xét lại cuộc sống và lối nhìn của mình. Mỗi người, mỗi thành phần cần phải “đấm ngực” ăn năn, và sửa đổi. Đừng để sự sợ hãi làm chúng ta hoang mang, nghi ngờ, và chia rẽ nhau. Và nhất là đừng cho bọn Cộng Sản cái quyền sinh sát Giáo Hội để rồi sợ hãi bọn chúng. Thật ra chúng ta chỉ sợ mình không sống trúng và sống thân mật với Chúa và giáo lý của ngài mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét