Nhóm những người có thể dễ bị ảnh hưởng nhất bao gồm trẻ em, phụ nữ mang thai, người già và những người có hệ miễn dịch bị giảm sút hoặc có các căn bệnh nghiêm trọng, ví dụ như ung thư. Theo bà Lydia Buchtmann, đại diện cho Hội đồng Thông tin về An toàn Thực phẩm, “đối với những đối tượng dễ bị tổn thương này, ngộ độc thực phẩm thậm chí có thể đe dọa tính mạng”.
Sau đây là danh sách các loại đồ ăn mà bạn nên tránh nếu như bạn ở trong nhóm rủi ro cao hoặc nếu bạn đang chuẩn bị thực phẩm phục vụ những người thuộc nhóm này. Những người khỏe mạnh cũng nên thận trọng và chú ý đến cách chế biến các loại đồ ăn, bởi vì không ai có thể hoàn toàn miễn nhiễm với ngộ độc thực phẩm.
1. Dưa vàng (rockmelons)
Dưa vàng có nguồn gốc từ Châu Á, là một loại trái cây mùa hè được nhiều người ưa chuộng. Theo Bà Buchtmann, “dưa vàng có vỏ xốp, vì vậy mà nó có thể cho phép vi khuẩn từ trong đất thâm nhập vào phía trong phần thịt quả”.
Theo cơ quan Quản lý Thực phẩm NSW, dưa vàng có liên quan đến các đợt ngộ độc khuẩn salmonella hồi năm 2016 và một đợt dịch khuẩn Listeria ở những người cao niên hồi năm 2018.
Muốn giảm thiểu nguy cơ ngộ độc, chúng ta nên mua những quả dưa còn tươi và không bị dập. Dưa vàng cũng nên được bảo quản trong tủ lạnh trong vòng hai giờ đồng hồ sau khi gọt vỏ hoặc cắt nhỏ. Những phần dưa được để ở nhiệt độ phòng dài hơn khoảng thời gian đó thì chúng ta nên bỏ đi.
Khi chế biến dưa vàng tươi tại nhà, người tiêu dùng được khuyến cáo luôn luôn dùng dao, thớt thật sạch và không chung đụng với các loại thực phẩm khác.
Những người trong nhóm dễ bị tổn thương thì nên tránh dưa vàng hoàn toàn.
2. Giá đỗ, rau mầm
Theo bà Lydia Buchtmann, “đã có những vụ việc ngộ độc lớn liên quan tới các loại giá đỗ, từ alfalfa (cỏ linh lăng) trong các món salad cho tới các loại giá đỗ lớn thường dùng trong các món ăn châu Á”.
Nguyên do là ngay ở trong hạt đỗ trước khi nó nảy mầm, đã có thể xẩy ra nhiễm khuẩn. Do đó việc chế biến các loại rau mầm này bằng cách xào nấu nhanh có thể không đủ để tiêu diệt những loại vi khuẩn đang phát triển ở bên trong hạt.
Nếu như bạn không nằm trong nhóm có nguy cơ rủi ro cao, bạn có thể ăn những loại rau mầm này, với điều kiện bảo quản chúng ở nhiệt độ dưới 5 độ C. Và luôn nhớ tuân thủ hạn sử dụng được ghi trên bao bì và các hướng dẫn bảo quản khác.
3. Thịt ướp muối (cured meat) và cá hồi hun khói (smoked salmon)
Những đĩa đồ ăn nhẹ với những món thịt ướp như salami hay prosciutto thường rất là dễ chuẩn bị và được nhiều người yêu thích, tuy nhiên nếu chúng được để ở ngoài tủ lạnh trong hơn hai giờ đồng hồ, tốt nhất là bạn nên bỏ nó đi thay vì ăn chúng.
Những người trong nhóm dễ tổn thương được khuyến cáo không nên tiêu thụ các sản phẩm thịt ướp muối và cá hồi hun khói.
4. Rau lá xanh
Những loại rau như rau diếp (lettuce) và các loại rau lá xanh khác được đóng gói bán trong các siêu thị thường có ghi hạn sử dụng (use-by-date). Người tiêu dùng được khuyên rằng bạn không nên mở bao và tiêu thụ rau trong đó sau thời hạn trên.
“Tuy nhiên, nếu như bạn mở gói rau trước ngày use-by-date thì bạn cũng nên dùng hết nó trong vòng 24 giờ để giảm rủi ro ngộ độc thực phẩm.”
5. Trứng sống
Một bản báo cáo của OzFoodNet năm 2011 cho thấy, hơn một phần ba các vụ ngộ độc thực phẩm được thống kê tại Úc có liên quan tới trứng và các món làm từ trứng.
Nguyên nhân là vì trứng có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella khi gà đẻ trứng và có thể trở thành nguồn gây ngộ độc nếu nó không được chế biến đúng cách.
Những người thuộc nhóm dễ tổn thương nên tránh các món ăn đồ sống, các loại nước sốt có chứa trứng sống hoặc trứng được nấu nhẹ như bánh Bánh Mousse, tiramisu, sốt Hollandaise hoặc mayonnaise.
Những người thuộc nhóm nguy cơ thấp hơn cũng nên đề phòng và luôn rửa tay sau khi tiếp xúc với trứng sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét