khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 27 tháng 1, 2020

Tư Kiếu, Việt cộng yêu sự thật - Tác giả Thanh Nguyên


Ông ngoại tôi là con trai duy nhất, thứ bảy trong gia đình có nhiều chị em, dưới ông còn có thêm hai người em gái nữa. Ông bà cố tôi thuộc dạng phú nông có nhiều ruộng đất ở cả vùng Hóc Môn lẫn Đức Hòa. Điền sản của ông bà cố để lại, dĩ nhiên ông ngoại tôi là người thừa hưởng nhiều nhất, vì là con trai thừa tự. Nhưng khi ông ngoại tôi qua đời, ông không có gì để lại cho mẹ tôi. Bao nhiêu ruộng đất đều được ông “giải trí” qua chiếu bạc, và bao nhiêu đất cát lần lượt được sang tay người khác. Các bà chị em của ông ngoại , dù được thừa hưởng ít, nhưng biết giữ gìn, phát huy, nên gia đình các bà và con cháu đều phát đạt và khá giả.
Người em kế của ông ngoại tôi thứ tám (tôi gọi là bà Tám) có hai người con trai, cậu Ba Kế và cậu Tư Kiếu. Được bà tôi cho ăn học tới nơi tới chốn, cậu Tư Kiếu, có cả bằng “bắc đơ” của Tây, nên được cả họ nể nang. Khỏi nói thì ai cũng biết ông bà Tám cưng cậu tư Kiếu đến cỡ nào.
Cậu Tư Kiếu, không biết bằng cách nào, đã có tinh thần giác ngộ cách mạng sớm; Và vào một ngày đẹp trời cậu đã âm thầm khăn gói ra đi. Năm 1954, cậu tập kết ra Bắc. Chỉ sau một thời gian ngắn “làm cách mạng” cậu đã thấy ra được những gì thực sự đã và đang xảy ra đằng sau những tuyên ngôn được đọc ra rả mỗi ngày, đằng sau những “giáo huấn” được nhắc đi nhắc lại như con vẹt ngày này qua tháng nọ. Thế là cậu… “giác ngộ” thêm một lần nữa. Tuy thế, cậu chỉ “giác ngộ” trong tư tưởng, chứ không dám “giác ngộ “ trong hành động hay thái độ. Vì lẽ, nói như nhà văn Nguyễn Tuân, “… sở dĩ tau còn sống đến ngày hôm nay là vì tau biết. . . .sợ!”
Vì thế nên cậu vẫn sống và làm việc như một cán bộ mẫn cán. Cậu Tư Kiếu, giáo sư Lê Hoàng Anh, phụ trách bộ môn triết học Mác-Lê của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Chiến tranh chấm dứt, cậu dắt díu gia đình – cậu đã lập gia đình ngoài Bắc có được ba con, hai trai một gái – trở về miền Nam. Sau hơn hai mươi năm xa cách, ngày trở về cậu còn bàng hoàng hơn nữa khi nhìn thấy một miền Nam, dù chiến tranh dai dẳng đã tàn phá, vẫn phồn vinh. Miền Nam phồn vinh từ trong ra ngoài. Từ trong đôi mắt của bác xích lô, đến nụ cười trên môi chị công nhân, dù nó đã tàn héo đi ít nhiều sau một thời gian đất nước… thống nhất. Thêm một lần nữa cậu lại… sáng mắt, sáng lòng.
“Cái phồn vinh này không thể là giả tạo được. Tao sờ mó được nó, tao nghe và thấy được nó, chứ không chỉ là những khẩu hiệu suông, những… lời hứa hẹn,” có lần cậu đã nói với tôi như thế.
Cậu Tư Kiếu
Và cậu lại chứng kiến cái xã hội miền Nam “được cách mạng hóa” như thế nào. Đạo đức cách mạng sau một thời gian ngắn trong hòa bình, được “trả công” xứng đáng trong một xã hội tiêu thụ đã bắt đầu thâm nhập tinh thần “tiêu thụ” một cách triệt để, lại có chiều hướng gia tốc tinh thần này lên đến “tầm cao mới” một cách đáng sợ. Với bản chất trong sạch và liêm chính, cậu không thể im lặng trước sự đục khoét của hàng hàng lớp lớp sâu bọ đang thi nhau làm cho quê hương thêm tàn lụi, khi mà những con người tài năng và tâm huyết chưa định hình rõ ràng được cơ hội hồi phục đất nước. Và hơn một lần cậu đã cất lên tiếng nói đó.
Nhưng tiếng nói của sự thật có bao giờ được lắng nghe? Khi mà dối trá đã trở thành quán tính, một thứ vũ khí đấu tranh lâu đời. Và quả thật nó đã mang đến thắng lợi trong cuộc chiến tranh mà cái giá là hằng triệu sinh linh của chính dân mình. Một khi người ta không muốn sự thật được phơi bày, thì người ta phải tìm cách bịt miệng những ai muốn nói lên sự thật.
Và như thế, đang là giám đốc sở nhà đất thành phố HCM, cậu “được” trên thuyên chuyển sang nhiệm vụ mới là giám đốc nhà máy may Sinco, rồi sau cùng là về hưu non.
Sau ngày tôi “học tập cải tạo” trở về, tôi mới có cơ hội “quen biết” cậu Tư. Ngày đầu tiên được gặp, cậu đã là một cán bộ về hưu. Ngay trong buổi đầu tiên, với một tấm lòng cởi mở thực sự, cậu đã bộc lộ một cách thẳng thắn và thành thật những điều trăn trở và suy tư qua bao năm tháng. Cậu Tư Kiếu đã chinh phục được tôi, một thằng lính “ngụy”. Khi tôi chào từ giã ra về, cậu tiễn tôi tận cửa, vỗ vai tôi, rồi nói, “Nè, nếu có cách nào đi được thì mày nên đi đi, đừng chần chừ thêm nữa.”
Trong những ngày còn trong nước, tôi vẫn thường xuyên đến thăm viếng cậu. Sức khỏe cậu ngày càng sa sút, và nát rượu. Ngoài bệnh gan mãn tính, không biết điều gì đang giết dần mòn cả tinh thần lẫn thể xác cậu Tư Kiếu của tôi.
Sau đó không lâu, tôi bỏ nước ra đi. Mấy năm sau trở về, ghé thăm cậu, tôi chỉ còn được thấy… di ảnh của cậu trên bàn thờ.
Tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với ông cậu này, xin kể ra đây một hai “sự cố” để biết thêm về ông cán bộ Việt cộng yêu sự thật này.
Sau ngày ông về hưu được ít lâu, nhờ công “chạy chọt” của mợ Tư, “trên” đã thuận cấp cho ông một ngôi nhà ở Phú nhuận (riêng vụ này mà hai ông bà đã tranh cãi nhau chí chóe).
Mợ Tư đã than phiền với tôi nhiều lần, “Thằng Thanh, mày coi đó, cậu của mày gàn bướng tới cỡ nào. Tiêu chuẩn của nhà mình đàng hoàng như thế mà ổng cứ nói là ổng không muốn là thằng ăn cướp, nhà của thiên hạ đem cho ổng là của ăn cướp rồi còn gì?” Sau này, theo những người hàng xóm cũ kể lại thì quả đúng như thế; căn nhà đó trước kia là nhà của một ông trung tá “ngụy”, chết trong trại cải tạo; vợ con ông đã đi kinh tế mới từ lâu, không biết sống chết ra sao, nên đã được “phân loại thành ra nhà. . .vô chủ, được địa phương quản lý.
Còn vụ này mới thực sự ly kỳ. Xin kể ra đây cái… hào khí của ông cậu tôi và cũng xin nói thêm đôi chút về cá tính của ổng. Rõ ràng cậu là tiêu biểu cho nông dân Nam bộ, thẳng thắn và bộc trực. Là một sự pha trộn kỳ lạ những đặc trưng tuởng như mâu thuẫn nhưng lại trở nên rất hài hòa khi được thể hiện thông qua con người của cậu. Hảo hán mà lại chất phác, lương thiện. Cứng rắn mà lại vui vẻ đến độ xuề xòa. Có lối ăn nói dù phát biểu những ý tưởng nghiêm túc, nhưng khi cần “nhấn mạnh” ở một điểm nào, cậu tư không ngần ngại… văng tục rất là tự nhiên.
Một đêm nọ, tôi ghé thăm cậu, tình cờ vào lúc cậu đang có khách đến thăm. Khi bước vào nhà, tôi đã thấy trên bàn khách là một đĩa tôm khô củ kiệu, một đĩa đựng khô mực xé nhỏ và một… chai rượu đế. Hai ông ra dáng cán bộ đang khề khà chuyện vãn. Cậu kéo tôi tới bên bàn, rồi ấn vai tôi ngồi xuống và đi luôn một đường giới thiệu với… nhị vị quan khách, “Đây là Sáu H., trưởng công an quận Bình Thạnh. Còn đây là Tư B., thiếu tướng quân khu 7.” Rồi ông quay sang tôi, nheo mắt nói, “Còn đây là thiếu úy Không quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa!”
Thật tình tôi muốn ngã ngửa khi nghe ông “ giới thiệu” theo kiểu đó, người tôi cứ toát cả mồ hôi. Vậy mà, hai ông khách không có phản ứng gì lạ, chỉ nhìn tôi gật đầu, cười. Ổng vừa rót rượu vừa nói thêm, “Nó là cháu, gọi tao bằng cậu.”
Lúc đó tôi vừa ở trại cải tạo được cho về chưa được một năm, chưn cẳng vẫn còn lạnh lắm. Sau khi hỏi thăm tôi qua loa lấy lệ, hai vị khách lại tiếp tục chuyện trò say sưa, câu chuyện dần dà nhắc lại những tháng ngày kháng chiến, hết thời kỳ chống Pháp sang đến thời kỳ chống Mỹ, rồi lem qua chuyện nhà nước, chuyện Đảng vân vân. Hai ông khách tranh nhau trưng bày thành tích và công trạng của mình đã… đóng góp cho cách mạng. Câu chuyện đang rôm rả như thế thì tôi bỗng giật mình đánh thót, khi cậu Tư Kiếu bất ngờ giơ tay đập bàn một cái rầm, rồi nói như dằn mạnh từng chữ, “Thôi, đ. mẹ, tụi bây làm ơn câm mẹ nó miệng lại có được không. Trước khi đi theo cách mạng tụi bây là cái gì? Có phải là chăn trâu hay chăn bò chứ gì? Tụi bây đói cơm nên theo cách mạng là để kiếm cơm chứ gì? Đ. mẹ, như tao nè, trước khi theo cách mạng, tao là con nhà giàu, trí thức, tao dám bỏ sướng để… để, để… đ. mẹ đi vào gian khổ nè. Ngày tao vô Đảng, tao dám cá là tụi bây chưa biết Đảng là cái con c.. gì đâu, ở đó mà nói dóc!”

Hai ông khách nhìn nhau, có vẻ hơi ngượng, nhưng cố ra vẻ tự nhiên, cười cười rồi lắc đầu nhè nhẹ. Còn tôi? Thật tình, lúc đó tôi chỉ muốn có một phép lạ nào đó để tôi biến mất cho êm. Vậy mà cậu Tư lại chưa tha, còn đế thêm, “Coi lại bộ dạng của tụi bây kìa, thằng nào thằng nấy mập như con heo. Tao cũng ăn cơm, tụi bây cũng ăn cơm, mà sao khác nhau dữ vậy?”
Thế đấy, đó là cậu Tư Kiếu của tôi.
Trước khi chấm dứt câu chuyện về cậu Tư, tôi cũng muốn nhắc thêm một “sự cố” khác nữa để gọi là khắc đậm thêm “tính cách nhân vật” cậu Tư Kiếu. Cậu có một người em gái (tôi gọi là dì Út), gia đình dì Út là một gia đình có bề thế và khá giả. Trước năm 1975, dì Út có thằng con trai đi du học ở Tây Đức. Cậu con trai này khá là ngoan ngoãn, giỏi giang, và sau nhiều năm miệt mài đèn sách ở tận phương trời Tây, khi đất nước đã hoà bình, thống nhất, cậu ta trở về thăm gia đình và… quê hương. Rồi không biết duyên nợ như thế nào, mà anh chàng lại có quan hệ với cô con gái của một ông tướng cách mạng (hai hay ba sao gì đó), rồi hai gia đình đồng ý kết thông gia. Vào ngày cưới, cậu Tư cũng có mặt – dĩ nhiên, cậu ruột của chú rể mà!
Khi phía nhà gái xuất hiện, ai cũng tưởng là một phái đoàn quân sự nào đó đang làm lễ… duyệt binh. Cha của cô dâu chễm chệ trong quân phục đại lễ, với quân hàm đầy đủ, ngực áo đầy ắp huân chương lớn nhỏ. Với một đoàn xe jeep quân sự rầm rầm rộ rộ. Ông tướng cùng cô con gái, là cô dâu mới, bước xuống xe, từ từ đi vào nhà đàng trai, hai bên cả chục vệ sĩ chạy theo rần rần.
Mọi người còn đang ngơ ngác, và khi cha con cô dâu vừa bước đến ngưỡng cửa, thì… cậu Tư Kiếu xuất hiện đứng ngáng ngay cửa ra vào. Cậu giơ tay chỉ thẳng vào mặt ông tướng kia rồi nói như quát: “Nè, nè ông kia. Ông đi đưa dâu hay ông đi duyệt binh? Hôm nay là ngày cưới của con ông hay là lễ quốc khánh? Nhà này là nhà của em gái tôi đang làm đám cưới vợ cho con trai của nó, chứ không phải quảng trường Ba Đình! Hay là ông đi đánh giặc? Ông có bắt được thằng xê-i-a nào trà trộn trong bà con hai họ không, hử? Đ… mẹ, thiệt tình, đúng là cái đồ… mẹ rượt!” Ông tướng đứng ngớ ra vì không lường trước một sự “đón tiếp” ngoài mong đợi như thế. Còn bà con quan viên hai họ thì xì xào bàn tán. Dì và dượng Út của tôi thì muốn… xỉu.
Đó là cậu tư Kiếu. Ông qua đời khi đất nước chưa thực sự “đổi mới”, chưa có cái gọi là kinh tế thị trường, chưa có tham nhũng… “tầm cỡ” như PMU 18, thằng Trung Quốc chưa chính thức công khai bảo rằng Hoàng và Trường Sa là của chúng nó,… Nếu như ông còn sống đến ngày nay thì trước sau gì ông cũng bị đột tử mà thôi.
Bằng cả một tuổi thanh xuân đầy tâm huyết, cậu Tư Kiếu đã dâng hiến cho cách mạng, và khi… “cách mạng thành công” thì cậu lại mang một tâm hồn cô đơn và cuối cùng chết trong cô độc.
Cậu Tư, cháu mong rằng ở thế giới bên kia sẽ không có những điều… mẹ rượt như thế. Như có lần cậu bảo, “Thế gian này sẽ tức khắc biến thành thiên đàng nếu nó đánh mất đi một đìều duy nhất: đó là sư dối trá!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét