khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Năm, 30 tháng 1, 2020

Di Sản Sài Gòn



Từ trước đến nay, người Sài Gòn luôn rộng mở đón nhận và trân trọng di sản của tiền nhân.
Sau hơn 10 năm vắng bóng, tháng 11.2019, nhiều người Sài Gòn ngỡ ngàng khi thấy biển hiệu nhà hàng Brodard ở góc Đồng Khởi - Nguyễn Thiệp, quận 1 xuất hiện.

Brodard và những cái tên lịch lãm

Brodard là một nhà hàng kiểu Tây ra đời trong thập niên 1950 và cùng với Givral, La Pagode trở thành bộ ba lịch lãm trên con đường Catinat hoa lệ (sau 1955 đổi thành Tự Do, sau 1975 mang tên Đồng Khởi).
Bể dâu thay đổi, La Pagode giờ trở thành văn phòng của Saigon Tourist, còn Givral đã “ra đi” cùng toàn bộ khối nhà Thương xá Eden từ năm 2010. Chỉ còn lại Brodard nhưng cũng khoảng năm đó, nhà hàng này lại cho thuê làm cafe Gloria. Và rồi càng trái ngoe, những năm sau nhà hàng lại được cho thuê làm cửa hàng giới thiệu sản phẩm Sony!
Giờ đây, Brodard trở lại với phiên bản mới, sang trọng và lộng lẫy hơn rất nhiều. Khách ngày xưa vào đây uống cà phê hẳn bùi ngùi nhớ đến những món ăn, thức uống đặc hiệu Paris thuở nào, hẳn “tương tư” cái không khí văn nhân, ký giả, cái khung cảnh những cặp tình nhân yêu kiều ngồi bên cửa kính ngắm Sài Gòn xinh xắn, nhộn nhịp. Chưa biết bao giờ Brodard mới mẻ có thể tái hiện được Brodard xưa cũ.
Dẫu sao người Sài Gòn không bao giờ quên những cái tên Brodard, Givral và La Pagode cũng như những khách sạn huyền thoại Continental, Caravelle, Rex, Grand và Majestic. Chúng ra đời trong thế kỷ 20 và in bóng trong tim bao thế hệ cư dân thành phố và du khách. Xóa những cái tên lịch lãm đó hay làm phôi pha, biến dạng chúng chính là làm tổn thương ký ức đô thị, làm tổn thất các nguồn lợi du lịch và kinh tế không gì bù đắp được.

Tượng đài Trần Nguyên Hãn và  Quách Thị Trang trước  tháng 4.1975

Khu phố chợ Bến Thành uy nghi

Khu phố chợ Bến Thành gồm hơn 10.000 m2 chợ và khu phố bao quanh rộng lớn đã hơn 100 năm tuổi. Nơi đây xứng đáng được xem là minh chứng cho khí phách làm ăn của người Sài Gòn chứ không chỉ là biểu hiện của thương mại văn minh đơn thuần. Nhiều thương hiệu nổi tiếng như Vàng Kim Thành, bánh Trung thu Đông Hưng Viên... đã thành danh tại chợ này. Các “khách lầu” - khách sạn quanh chợ còn là nơi nâng đỡ đờn ca tài tử và cải lương ở buổi đầu phôi thai.
Khu phố chợ Bến Thành còn là nơi chứng kiến và diễn ra nhiều sự kiện đấu tranh dân tộc, dân sinh bền bỉ. Trong đó không thể quên câu chuyện nhà trí thức Nguyễn An Ninh những năm 1930 vừa bán dầu cù là vừa bán báo và diễn thuyết cách mạng ở khu vực chợ.
Càng không quên cái chết bi thương của nữ sinh Quách Thị Trang trong một cuộc đấu tranh trước cửa chợ. Sau năm 1963, tên Quách Thị Trang đã được đặt cho quảng trường phía trước chợ Bến Thành. Tượng của Quách Thị Trang do sinh viên dựng được đặt dưới chân tượng đài danh tướng Trần Nguyên Hãn ở vòng xoay trung tâm quảng trường. Rất tiếc, từ năm 2016, cả hai bức tượng này bị dời đi để nhường chỗ cho công trường xây dựng metro. Không biết bao giờ cả hai tượng đài hùng tráng này được khôi phục.
Quả thật, khu phố chợ Bến Thành xứng đáng được coi là một khu phố di sản ngay trung tâm thành phố. Vậy mà đến giờ, ngay cả ngôi chợ có tuổi đời cao nhất Việt Nam với thiết kế, kiến trúc thuộc loại đặc biệt cũng chưa được xếp hạng di tích ở bất cứ lĩnh vực nào! Khu vực này rất cần được “nâng niu” toàn diện từ quy hoạch xây dựng đến kế hoạch tôn tạo. Việc cần làm ngay bây giờ là đặt bảng kỷ niệm ở các cửa chợ và bên trong nhà lồng, kể cả tại các ngã tư, ngã ba mở đầu con phố và nhiều cửa hàng có lịch sử lâu đời. Đây là những việc làm trong tầm tay, không thể chờ đợi mãi.

Cổng vào “Dinh Thượng Thơ”  (59-61 Gia Long - Quận Nhất)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét