Tình yêu thật phức tạp. Thật vậy. Và nghệ thuật cũng thế.
Từ những tác phẩm được biết đến là xuất hiện sớm nhất thể hiện sự âu yếm (bức tượng điêu khắc thời kỳ đồ đá với hình ảnh cặp tình nhân ôm nhau) đến cái ôm trang trọng trong bức tranh Nụ Hôn (1907-1908) của Gustav Klimt, lịch sử nghệ thuật luôn đầy nhịp đập đam mê.
Dù dược ca ngợi về sự nhiệt thành cảm xúc toát ra từ các tác phẩm, nhưng những sản phẩm nghệ thuật như bức chân dung cặp đôi ngọt ngào hồi Thế kỷ 17 của Rembrandt, Cô dâu Do Thái (1665-1669) và bức tượng điêu khắc của Auguste Rodin, Nụ Hôn (1901-1904), có nội dung sâu sắc hơn nhiều so với bề ngoài tác phẩm thể hiện.
Cận cảnh gần hơn một chút, người ta bắt đầu nhanh chóng nhận ra những căng thẳng tinh tế, thứ khiến những kiệt tác này trở nên chênh vênh so với vẻ ngoài chúng thể hiện.
Những chi tiết như vậy, thường bị người xem bỏ qua, lại là thứ có sức mạnh chuyển biến những lời miêu tả đơn giản, dễ gây hiểu lầm thành nội dung nào đó bí ẩn, phức tạp và đầy mâu thuẫn cảm xúc.
"Anh yêu em như cách người ta yêu mù quáng nhất," Pablo Neruda từng viết, những lời lẽ đó đủ để biểu đạt những cảm xúc bí ẩn "một cách bí mật, giữa bóng tối và tâm hồn" này.
Nhìn thoáng qua, khối đá được đẽo gọt 11 ngàn năm tuổi nổi tiếng với tên gọi Cặp Tình Nhân Ain Sakhri (được đặt tên theo khu hang động trong sa mạc Do Thái gần Bethlehem, nơi hiện vật được xác định vào năm 1933 sau khi một người du mục Ả-rập tìm được) thể hiện sự rung động chân phương trong cách tác phẩm thể hiện đam mê cháy bỏng trên chất liệu đá trơ.
Như tình yêu sơ khai thời tiền sử, bức tượng điêu khắc cao 11cm có hình trái tim miêu tả khoảnh khắc quấn quýt gần gũi của cặp tình nhân khi thân thể họ dần hòa quyện vào nhau thành một thể thống nhất, như thể tôn vinh sự từ bỏ cái tôi trong tình yêu.
Hai cơ thể quấn quýt vào nhau tới mức người ta không thể phân định giới tính của nhân vật, vì cả hai dường như đã kết tinh thành một thể nguyên bản - nguyên thể như một khối quặng.
Tuy nhiên, khi xoay bức tượng 90 độ theo bất kỳ hướng nào, ta sẽ thấy thái độ của chủ thể trong tác phẩm cũng thay đổi không ngờ.
Khi ngắm nhìn từ bên này sang bên kia, bóng mờ của đá thình lình bị cắt ngang; bị che khuất bởi dương vật dựng đứng như cậu lính đội mũ.
Sự chuyển đổi trọng tâm - từ một cặp đôi tâm hồn lãng mạn hòa tan vào nhau thành một totem thống nhất mang duy nhất một ý nghĩ - làm biến đổi điểm nhấn trong ý nghĩa tác phẩm, và thiết lập quan điểm thể hiện sự gần gũi về thể xác trong hàng ngàn năm sau.
Lạc lối trong ánh nhìn
Thời gian trôi nhanh. Tới Ấn Độ thời Trung cổ, sự va chạm giữa nhu cầu thúc bách của thể xác với sự khao khát tâm hồn vẫn không hề giảm bớt trong những tác phẩm tượng điêu khắc cặp đôi quấn quýt yêu đương (được gọi là tượng mithunas) thường được trang trí trong đền thờ Ấn giáo.
Một tác phẩm như vậy, được tạc cho ngôi đền có từ Thế kỷ 13 ở Orissa, miền đông bắc Ấn Độ, từ lâu đã được coi là biểu tượng xóa nhòa ranh giới giữa khao khát tâm hồn và thể xác.
Sự khao khát tình dục thể hiện trong hình ảnh người đàn ông và người phụ nữ lạc lối trong ánh nhìn đắm say khi họ tiến lại gần sát để hôn nhau.
Tuy nhiên, tác phẩm có khả năng làm đảo lộn bất cứ diễn đạt thuần túy nào về ý nghĩa, tùy theo cách tín đồ tới đền nhìn bức tượng từ hướng nào.
Khi đi theo chiều ngược chiều kim đồng hồ, vốn là tục lệ đi vòng quanh đền, các tín đồ có thể thấy sự chuyển biến không ngừng trên bức tượng.
Từ một số góc nhìn nhất định (nhất là khi ta nhìn thoáng qua từ bên phải, đằng sau đầu cô gái trẻ), cặp đôi trông như thể đang tận hưởng nụ hôn.
Khi ta đi từ phía bên trái tới (giống như cách các tín đồ quay trở lại sau khi đi một vòng quanh ngôi đền), cặp đôi lại xuất hiện có vẻ như bị đẩy ra xa nhau - vĩnh viễn đóng băng ở lưng chừng khoảnh khắc gần như hôn nhau đó.
Liên tục tự điều chỉnh theo quỹ đạo góc nhìn của người quan sát, bức tượng đá tuyên chiến với nghịch lý giữa sự bền chặt và sự phù du của tình yêu.
Vai trò của mắt người xem khi xác định kịch tính và ý nghĩa tác phẩm một lần nữa đóng vai trò cực kỳ quan trọng ở một trong những bức hoạ được yêu thích hàng đầu trong nghệ thuật phương Tây - bức tranh Cô Dâu Do Thái, bức chân dung sâu sắc thể hiện người đàn ông và phụ nữ đóng băng trong khoảnh khắc dịu dàng.
Cái tên thường được gắn với tác phẩm này có thể gây ra một số hiểu lầm về nội dung thực sự của tác phẩm.
Rất có thể là nhân vật trong tranh Rembrandt chính là các nhân vật trong Sách Sáng Thế, hai vợ chồng Isaac và Rebecca trong Cựu Ước, những người muốn tìm nơi nương náu trong vương quốc của Vua Abimelech vùng Canaan.
Sợ rằng chính mình sẽ bị giết bởi những gã đàn ông dâm đãng sẵn sàng tìm cách bắt cóc cô vợ xinh đẹp của mình, Issac tự nhận mình là anh trai của Rebecca.
Tác phẩm của Rembrandt thể hiện khoảnh khắc khi cả hai thả rơi mặt nạ và thể hiện chút âu yếm không lo toan.
Trong những miêu tả trước đây về cùng cảnh tượng, trong đó có các tác phẩm của Raphael và thậm chí một bức ký hoạ của chính Rembrandt, kịch tính trở nên ngạt thở khi có sự hiện diện của vua Abimelech, người đứng bên rìa tác phẩm, rình xem hai vợ chồng.
Khi loại bỏ ánh nhìn dò xét của nhà vua khỏi bức tranh, vốn là ánh mắt chỉ người xem mới thấy, Rembrandt đã không loại bỏ sự phức tạp trong tác phẩm của ông.
Có lẽ ông chỉ chuyển ánh nhìn mãn nhãn đó sang cho khán giả xem tranh. Chúng ta trở thành nhà vua và phải theo dõi định mệnh của cặp đôi chung thủy (với nhau) và dối lừa (chúng ta).
Một màn kịch bất ngờ giữa ánh mắt trao nhau trong sự đam mê sôi nổi trong bức tranh sơn dầu trên gỗ - La Surprise (Ngạc Nhiên) - tác phẩm được hoàn thành vào năm 1718.
Tác phẩm cho thấy người nghệ sĩ chậm rãi chuyển sự chú ý của mình từ cái ôm nồng nhiệt của cặp trai gái phóng khoáng bên trái (cơ thể của họ bắt đầu trượt ra khỏi khung tranh), sang nhân vật Mezzetin chơi đàn guitar ở trung tâm bức tranh, ngồi kế bên họ.
Là nhân vật tưởng tượng trong hội họa Rococo, chàng nghệ sĩ Mezzetin cô đơn là người tinh nghịch. Trong tranh này, chàng có vẻ như đang chỉnh lại dây đàn với hi vọng có thể chơi một đoạn nhạc chói tai khiến phép màu yêu đương tan vỡ, để chàng có cơ hội tán tỉnh cô gái.
Sự đối nghịch ở đây là tiếng đàn bật ra từ năm ngón tay tinh nghịch của chàng nhạc sĩ, chú chó nhỏ đứng dưới chân chàng cũng dựng ngược cả đuôi lên vì âm thanh khó nghe - với sự thể hiện âu yếm công khai của những người yêu nhau.
Tác phẩm dí dỏm này không thể hiện chủ đề niềm hạnh phúc trong tình yêu mà còn cho thấy tình yêu đó có thể khiến người ngoài bứt rứt tới mức nào.
Không khó để thấy có sự hả hê hằn học phá hủy bầu không khí trong tác phẩm in trên gỗ có tên Cặp Tình Nhân Dạo Bước Trong Tuyết" (sáng tác hồi thập niên 1760) của nhà thiết kế người Nhật thời Thế kỷ 18 Suzuki Harunobu.
Với ngụ ý thể hiện phong cách ukiyo-e (nghĩa là "thế giới nổi"), nói về sự hưởng thụ của tầng lớp thương nhân ngày càng giàu có, tác phẩm vẽ một cặp đôi thong thả đi bộ không mục đích gì.
Với hình ảnh hai người ăn vận thời trang quấn kín người, bức tranh đầu tiên có vẻ như tóm tắt lại âm mưu của ái tình.
Nhưng khi nhìn gần hơn và với những cành cây khô mùa đông tua tủa bên trên, cặp đôi không hề hay biết số mệnh họ giờ đã nằm trong sự chi phối băng giá.
Điểm gở từ những răng cưa băng tuyết lởm chởm trong tác phẩm in trên gỗ của Harunobu sẽ được thể hiện một lần nữa bằng một kiểu mê tín khác trong tác phẩm mơ mộng Sappho Và Erinna Trong Vườn Ở Mytilene của họa sĩ Simeon Solomon trong thời kỳ Tiền Raphael năm 1864.
Trong bức tranh màu nước của Solomon, những nhà văn Hy Lạp cổ đại ôm nhau trong khu vườn ở Đảo Lesbos, bao quanh là biểu tượng cho năng lực thơ văn của họ: như bút, mực, giấy và một cây đàn lyre tựa vào bên phải.
Nhưng chính là sự âu yếm rỉa lông rỉa cánh cho nhau của hai chú chim đằng sau hai người phụ nữ vốn thu hút ánh nhìn của người xem cho đến khi ta thấy nó: một con chim màu đen đáng ngờ chen vào quấy rối bên cạnh họ, đó là kẻ sẽ làm gián đoạn giấc mơ và nhắc nhở ta về thời Solomon vốn không có chút khoan dung nào với tình yêu đồng giới.
Tâm trạng bất an
Ngay cả những bức tranh thể hiện tính khí thất thường nhất của tình yêu cũng luôn ẩn giấu một góc cạnh sắc hơn có thể cắt ngang cảm xúc ngọt ngào.
Hãy lấy bức tranh thể hiện tuyên ngôn duyên dáng về hạnh phúc luyến ái của Marc Chagall có tên Sinh Nhật (1915) làm ví dụ.
Bức tranh là hình ảnh chính họa sĩ và Bella, người phụ nữ sẽ sớm trở thành vợ ông (họ cưới nhau cùng năm khi bức tranh ra đời); họ vui vẻ trong phòng ngủ.
Nhưng lỗi của nàng là thả lỏng cơ thể hoàn toàn và nhắm mắt lại khi họ xoay mình chìm vào trong một nụ hôn, cảnh báo cho ta thấy sự lo lắng bất ổn đã xuất hiện đâu đây.
Dù sao, bức tranh được vẽ trong thời điểm cực kỳ bất ổn. Chiến Thế giới Thứ Nhất vừa nổ ra một năm trước đó đã khiến cặp đôi mắc kẹt ở Nga và khiến họa sĩ không thể đưa Bella về Paris cùng ông, nơi ông bắt đầu có danh tiếng trong nghề.
Thế giới bên bờ vực và con dao nằm gần đó ngay trong tầm với trong bức tranh trên chiếc tủ búp phê sau lưng họ gợi ý cho người xem về sự đe dọa và bí ẩn.
Liệu một người có rút dao ra và dí vào người kia? Dí vào ta? Sự nghi ngờ cuộn lên trong tranh. Tình yêu thật đáng yêu, nhưng nhớ cẩn thận dè chừng.
Trong suốt Thế kỷ 20 và sang đến Thế kỷ 21, các nghệ sĩ tiếp tục khám phá bản chất của đam mê trong bản tính phức tạp hỗn loạn của nó.
Từ cái tát làm gãy cổ người phụ nữ trong bức tranh Nụ Hôn của Klimt đến ánh nhìn ngạt thở của những người đội khăn trùm kín đầu trong tác phẩm Người Tình (1928) của René Magritte, nghệ thuật về tình yêu trong thời gian gần đây thường mang yếu tố bạo lực. Rất khó để duy trì sự cân bằng giữa tình yêu và những sức mạnh hắc ám gây xáo trộn tình yêu.
Năm 2003, họa sĩ người Anh Cornelia Parker có một quyết định gây tranh cãi khi bà định can dự vào việc trưng bày tác phẩm điêu khắc Nụ Hôn của Rodin bằng cách quấn bức tượng nổi tiếng này trong đoạn dây dài cả dặm, nhằm cho thấy sự cân bằng có thể bị phá hỏng ra sao.
Parker đặt tên cho sự can thiệp của bà là Khoảng Cách (Nụ Hôn Với Sợi Dây Quấn Quanh), và nói, "Tôi muốn trả lại cho tác phẩm sự phức tạp nó từng thể hiện: rằng tình yêu có thể rất đau khổ chứ không chỉ là sự lãng mạn lý tưởng. Sợi dây hiện diện ở đó để thể hiện sự phức tạp trong tình yêu."
Dường như nội dung ẩn dưới tác phẩm của Rodin (tác phẩm này thể hiện Paolo và Francesca, cặp đôi yêu nhau trong Hỏa Ngục thuộc trường ca Thần Khúc của Dante, vài giây trước khi họ bị đâm chết), vẫn chưa đủ căng thẳng về câu chuyện.
Parker cảm thấy tác phẩm cần được cập nhật - sự khó chịu có thể cảm nhận trên bề mặt tượng.
Nhưng sợi dây vu vơ mà Parker quấn vòng quanh bức tượng ít gây ra cảm giác về sự phức tạp trong tình yêu giữa Paolo và Francesca hơn là sự trói buộc cưỡng chế ngăn cản ta cảm nhận tác phẩm.
Rốt cuộc thì cả sự bí ẩn của nghệ thuật lẫn tình yêu đều là những thứ không thể đo đếm được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét