Một phóng viên người Anh đi một vòng châu Á để viết loạt bài về sự phai lạt bản sắc của các siêu đô thị. Anh đến nhà chúng tôi ở Sài Gòn.
Giống như nhiều khách trọ, Nick Van Mead ngồi bên cửa sổ, nheo mắt nhìn sông Sài Gòn trong nắng sớm. Người biên tập viên của The Guardian chỉ những tòa nhà cao nhất thành phố: "80% Sài Gòn được xây theo kiến trúc hiện đại và trông như bất cứ nơi nào của châu Á".
So với Sài Gòn của hơn 10 năm trước anh tới, đang có rất nhiều thứ biến đô thị này trở nên bình thường đến nỗi người ta thậm chí sẽ đi khỏi mà không nghĩ gì về nó. Cá tính của thành phố đang mất đi cùng với hàng trăm tòa nhà cổ bị phá hủy cho các dự án bất động sản hiện đại.
Gần chỗ chúng tôi ngồi, chiếc tủ lạnh dán đầy magnet tôi tha ở các nơi về. Một mặt nạ thổ dân Bali, đĩa cơm cà ri nước dừa Malaysia, chiếc mở bia của Tiệp Khắc, mô hình xe tuk tuk trên đường phố Bangkok, vại bia đầy bọt của thành phố Munich ở Đức, tất nhiên Paris nhất định phải là tháp Eiffel hay Việt Nam là hai cô gái mặc áo dài.
Vị biên tập viên nhìn cái tủ lạnh và hỏi "điều đặc biệt nhất của Sài Gòn là gì? "À, thì dinh Độc Lập, Củ Chi, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Nhà thờ Lớn, Bưu điện, đừng quên ăn phở, bánh mỳ, hủ tiếu, bún bò, cà phê sữa". Rồi tôi dẫn Nick ra đường Tôn Đản, đoạn phố đẫm đầy mùi đủ loại món ăn.
Khi Nick đang cắm cúi với bát mỳ vịt tiềm sát lòng đường, tôi thao thao về "món ăn đường phố của nước tao". Hai thanh niên đi xe máy rà sát quán. Người ngồi sau nhảy xuống, xán đến định cầm lấy quai ba lô của Nick đang để dưới chân bàn. Bỗng con gái bà chủ quán la lớn: "Mày, cút ngay, cút". Chiếc muôi nhôm dài nửa mét múc nước lèo vung lên, đập túi bụi vào vai thằng cướp. "A", tiếng la khác, bà mẹ tròn trịa đang bế cháu cách đó mấy bước lao đến.
Thấy tình hình không ổn, gã trai leo lên xe chạy mất. Nick há hốc mồm, mồ hôi lã chã nhỏ xuống bát mỳ còn mấy cọng rau cải. Tay anh vẫn cầm cái xương vịt. Bà già xé cái khăn ướt đưa cho anh, hất hàm: "Ăn đi, ăn đi", cười như chưa từng có chuyện gì.
"Điều đặc biệt nhất của thành phố này là con người. Đó là bản sắc của Việt Nam", Nick sau đó vẫn khen. Tôi cật vấn bản sắc theo ý anh là gì, "là điều để người nơi khác phân biệt người Sài Gòn với người Trung Quốc hay Bangkok, Singapore, với mọi thành phố khác trên trái đất này".
Tính cách cư dân là một loại di sản không nhìn thấy. Người miền Nam theo Nick rất cởi mở, chân tình, tốt bụng. Họ lạc quan và tử tế, dễ chấp nhận thực tại chứ "không có nhiều đòi hỏi như ở nước tao".
Tính cách cư dân chính là "bộ gene" của thành phố, làm nên bản sắc một đô thị, lôi kéo người ta đến đây hoặc nhớ về nó, nói đến nó. Anh ví dụ, người Mỹ thì xã giao giỏi, lúc nào cũng tươi cười, giả lả, giống ở Bangkok; người Anh đĩnh đạc, hơi lạnh nhưng thẳng; dân Pháp lúc nào cũng thân thiết như họ hàng, nhưng bắt tay vào việc thì không được thế. Tôi cảm thấy được an ủi vì trong cơn lốc kim tiền đang biến TP HCM thành Singapre hay Seoul, một thứ còn chưa mất, đó là tính cách người bản địa.
Một thành phố thực ra không khác một con người. Những ai xẹt qua một nơi để du lịch, check-in bằng con mắt "người xa lạ" khó mà nhận biết được cá tính thật của nó nếu không đào qua những tầng lớp sâu hơn dưới bề mặt cuộc sống. Đô thị nào cũng thế, với những căn nhà, ngõ hẻm, hàng cây, song cái hồn chính là chất sống thấm đẫm qua mỗi bước chân con người trong các ngõ ngách, hẻm mẹ, hẻm con, hẻm cháu hẻm chắt, hẻm "chút chít".
Có biết bao tầng tầng lớp lớp những con sóng tư tưởng, niềm tin, khát vọng, mong muốn trong lòng một xã hội mà mùi vị, màu sắc của nó tinh vi đến nỗi, những người hời hợt mãi không bao giờ chạm tới. Ta sống ở đây, mưu sinh ở đây, suy tư, quan sát và lựa chọn. Ta biết cái hố ở góc đường, nếu trời mưa nhớ tránh ra kẻo ngã, buổi tối nhớ đóng cửa sổ để tránh tiếng karaoke và mùi khói nướng thịt bên kia đường.
Nhưng trong bài báo của Nick, xuất bản trên một trong những tờ báo tiếng Anh lớn nhất thế giới, đường Đồng Khởi - trái tim và thương hiệu văn hóa toàn cầu của Sài Gòn được mô tả là "đang trải qua một cuộc phục hưng của các cửa hàng Gucci, Dior và Louis Vuitton"; điểm nhấn bên sông Sài Gòn là "một showroom với một siêu xe Lamborghini Huracan màu vàng tươi và 3 mẫu Bentley khác nhau"; "trung tâm lịch sử của thành phố đang được lấp đầy bởi những kiến trúc có thể nhìn thấy ở bất kỳ đâu tại châu Á".
Tôi không thể hỏi Nick rằng có bao nhiêu người đã đọc bài viết đó. Nhưng có lẽ khá đông, đó dẫu sao cũng là The Guardian. Nó đã trở thành một biên bản quảng cáo du lịch tai tiếng.
Bản sắc cộng đồng dân cư tại các điểm đến được coi là một phần của tài nguyên du lịch, hay còn gọi là nhóm người làm dịch vụ gián tiếp. Những ấn tượng sâu sắc trong tâm trí khách về sự hiếu khách, về đặc tính văn hóa, hành vi và phong tục tập quán địa phương trở thành hàng hóa đặc biệt và có giá trị trong ngành kinh tế này. Nó thỏa mãn các nhu cầu về tinh thần của du khách: tìm hiểu, mở rộng nhận thức, tăng cường giao lưu, được tôn trọng, giao tiếp và thưởng thức. Hơn 90% các quyết định chi tiêu đến từ vùng Hạ đồi của não, nơi quyết định cảm xúc của con người.
Bạn chẳng khó khăn gì để tìm ra một bài báo nước ngoài ca ngợi tính cách người Việt Nam là điểm cộng của ngành du lịch. Trang Hubpages bầu chọn Việt Nam thuộc 10 quốc gia thân thiện nhất thế giới năm 2013 bởi du khách đến đây "luôn phải ngỡ ngàng trước sự nhiệt tình hào phóng của người địa phương".
Nhưng không khó để nhận ra rằng bản sắc đó - trong tư cách một loại tài nguyên - không nằm trong bản đồ quy hoạch nào. Các không gian sống "kiểu Sài Gòn" hay "kiểu Hà Nội" không được định nghĩa bởi ngành văn hóa, không được bảo tồn bởi ngành phát triển đô thị. Nó đang vật lộn với "cuộc phục hưng của các cửa hàng Gucci, Dior và Louis Vuitton". Chúng tôi đã nêu lên điều này tại chuyên mục Góc nhìn nhiều lần.
Khi những đường biên giới nhân tạo gần như mất hẳn trong ý niệm của con người, thế giới càng hiện đại, các quốc gia càng có nhu cầu khẳng định nét riêng của mình. Kinh tế ngày càng toàn cầu hóa, nhưng văn hóa thì phải bản địa quyết liệt hơn nếu muốn tồn tại không lẫn lộn với loài người. Nếu không có bản sắc, văn hóa, cá tính cộng đồng như một "mã gene" riêng? Một thành phố, một quốc gia còn lại gì?
Trong mọi sự đánh giá và đề án phát triển, tính cách hào sảng, chân phương của người miền Nam; màu sắc, mùi vị, cá tính của nhịp sống trong lòng những đô thị phải là ưu tiên mềm của quốc gia và chính quyền thành phố ấy.
Một thành phố nên tự hào nếu có một showroom bày đến 3 mẫu Bentley khác nhau. Nhưng có một thứ cần tự hào hơn tất thảy, là cách sống của những cư dân. Liệu tính cách đó có cần một bản đồ quy hoạch riêng, hay sẽ tự phát huy được trong một thành phố "đồng phục" nhôm kính bê tông và điều hòa nhiệt độ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét