Sức khoẻ tinh thần của tôi tương đối bình thường và ổn định. Chỉ “tương đối” thế thôi vì đôi khi tôi hay bị buồn ngang, nhất là sau những giấc ngủ muộn màng, chợt mở mắt và thấy mình đang trơ trọi ở một nơi hoàn toàn xa lạ. Chán viết, lười đọc, bạn không, rượu cạn nhưng thay vì khoác áo đi kiếm thêm vài chai thì tôi chỉ nằm lắng nghe đám học sinh (ở ngôi trường tiểu học kề bên nhà trọ) hò hát – dù chả hiểu chi. Hoá ra trẻ con của nước Cambodia cũng hay được dậy dỗ hát hò y như mình, lúc còn thơ ấu.
Những bài hát mà chúng tôi được học, cách đây hơn nửa thế kỷ, không hề có trong chương trình của Bộ Quốc Gia Giáo Dục ở miền Nam. Tất cả đều hoàn toàn do ngẫu hứng của thầy cô. Do đó, ca từ không có lời nào nhắc đến râu (dài) tóc (bạc) của bất cứ vị lãnh tụ nào ráo trọi mà thường thì chỉ liên quan đến những con vật ngây ngô (và quen thuộc) trong đời sống hằng ngày:
- Em có nuôi một con chó, trông nó to như con bò. Sáng nó kêu gấu, gấu, gấu…
- Kìa đàn vịt bơi dưới ao hồ. Thằng bờm xờm vác cây đuổi đánh. A ha ha nó kêu quác quạc quác quạc …
- Hai chú gà con đi chơi với nhau. Chú che cái dù, chú đội mũ trên đầu …
Thảng hoặc, cũng có những bản hùng ca:
- Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng, giống Lạc Hồng, giống anh hùng Nam Bắc Trung …
Hay:
- Toàn dân! Nghe chăng? Sơn hà nguy biến!
Hận thù đằng đằng! Biên thùy rung chuyển…
Chúng tôi thích ca bè. Nửa lớp bên này:
- Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến?
Nửa lớp còn lại hét lên:
- Quyết chiến!
Rồi đổi bên:
- Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?
Bên kia lại gào lên:
- Hy sinh!
Chúng tôi thích hò hét và gào thét (“quyết chiến” – “hy sinh”) chơi cho vui, chứ chả đứa nào hiểu rõ nghĩa của những cụm từ (“sơn hà nguy biến” – “biên thùy rung chuyển”) nghiêm trọng đến thế. Thế mà hơn nửa thế kỷ đã qua. Thằng nhỏ năm xưa (nay) đã thành một ông già sắp bước vào tuổi thất tuần. Nhiều chiều nó nằm cô quạnh trong một căn nhà trọ – ở một góc trời buồn – hát nho nhỏ (“Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến? Quyết chiến”) chỉ cho chính mình nghe, rồi không dưng mà muốn trào nước mắt!
Lấy cái con bà gì ra để chiến?
Hơn 10 năm trước, vào ngày 24 tháng 7 năm 2009, trong buổi tọa đàm Biển Đông & Hải Đảo Việt Nam nhà văn Nguyên Ngọc đã nói đến “sức mạnh của nhân dân” như là yếu tố quan trọng nhất trước hiểm hoạ ngoại xâm. Hai hôm sau, ông Hà Sĩ Phu cũng long trọng khẳng định: “Chân lý muôn đời là chỉ có Dân mới cứu được nước.”
Nay, qúi vị thức giả trong và ngoài nước, cũng vẫn đang loanh quanh với chuyện lòng dân và thế nước. Lòng dân hiện tại ra sao?
Xin hãy nghe đôi lời tâm sự của một người dân vừa rời bỏ quê hương, và nhất quyết sẽ không ngoảnh đầu nhìn lại:
Tôi đi vì tương lai của con trai tôi, thằng Tí Hớn.
Khi Tí Hớn sinh ra trong bệnh viện, tôi phải trải qua cảnh hối lộ cho bác sĩ tiền, người ta nói rất thẳng phải bồi dưỡng ca này, kíp kia ngần này, ngần kia.
Là dân giang hồ, tôi từng hối lộ cho công an nhiều lần. Khi sinh con ra, tôi phải hối lộ cho bác sĩ. Như một thói quen, chuyện hối lộ trở thành bình thường trong xã hội Việt Nam, nó bình thường đến nỗi tôi thấy nó là việc tự nhiên không có gì đáng phải nghĩ về nó cả. Những người nhận hối lộ ấy, họ cũng phải hối lộ cấp trên của họ để làm việc được chỗ ấy. Để cho họ yên tâm làm việc phục vụ mình, đóng góp cùng với họ để họ có vị trí ấy yên ổn thì có gì đâu.
Nhưng rồi một ngày không lâu sau khi Tí Hớn ra đời, tôi nhận ra rằng, nếu con tôi lớn lên trong một xã hội mà những nghề cao quý như công an, nhà giáo, bác sĩ lại thản nhiên đòi tiền hối lộ như thế , con tôi sẽ sống thế nào. Tôi có phải dạy nó rằng chuyện hối lộ như vậy là điều bình thường không ? Bạn nghĩ xem, một đất nước mà đầy rẫy những kẻ dối trá từ y tế, hành pháp, giáo dục và cả tôn giáo nữa, tôi có nên để cho con mình ở đó không ? (Người Buôn Gió. “Đầu Không Ngoảnh Lại.” Dân Luận – 07/10/2019).
Quan niệm cá nhân của một blogger (vốn là một thị dân) về đất nước, tất nhiên, không thể tiêu biểu cho cả một dân tộc mà đại đa số sống ở nông thôn. Những nông phu (đội sương nắng bên bờ ruộng sâu/vài ngàn năm đứng trên đất nghèo) không mấy ai có ý nghĩ rời bỏ quê cha đất tổ. Họ sống ra sao?
54 năm qua, những người nông dân không một ngày ngừng cày cuốc, gieo trồng với tất cả những đức tính cần cù trên cánh đồng của họ. Họ đã lao động không hề than thở, họ đã hy sinh không hề than thở. Nhưng sau 54 năm, họ ngẩng đầu lên nhìn lại con đường của họ đã đi. Và họ kinh hãi nhận ra: họ đã đang đi theo một vòng tròn. Họ đang có nguy cơ trở lại điểm xuất phát… Tôi mang cảm giác người nông dân bị bỏ mặc và trở nên bơ vơ trên cánh đồng đầy nắng mưa, bão gió. (Nguyễn Quang Thiều. “Thư Của Đứa Con Những Người Nông Dân.” Vietnamnet – 26/06/2009).
Má ơi, nếu họ được “bỏ mặc trên những cánh đồng đầy nắng mưa” để “cần cù cầy cuốc gieo trồng” thì may mắn và quí hoá biết chừng nào. Từ thưở lập quốc đến nay, nông dân Việt Nam có bao giờ dám than thở hay mong mỏi điều gì khác nữa đâu. Chỉ sợ họ lại bị bắt xỉa xói đấu đá lẫn nhau cho đến chết, rồi vào hợp tác xã nông nghiệp (thay trời làm mưa, nghiêng đồng cho nước chẩy ra ngoài) nay buộc trồng lúa thần kỳ, mai buộc trồng cây cao lương … – những nông phẩm mà sản lượng chỉ thu hoạch được … trên đài và báo!
Chưa hết:
Chiều 18-1-2011, khi điều khiển phiên họp toàn thể của Đại hội Đảng lần thứ XI biểu quyết lựa chọn giữa “chế độ công hữu về tư liệu sản xuất” và “quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”, ông Nguyễn Phú Trọng hứa với Đại hội “thiểu số sẽ phục tùng đa số”. Nhưng, tháng 5-2012, Ban Chấp hành Trung ương mà ông Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư vẫn quyết định duy trì “chế độ công hữu” với đất đai, “tư liệu sản xuất” quan trọng nhất.” (Huy Đức. Bên Thắng Cuộc, tập II. OsinBook, Westminster, CA: 2013).
Từ đó, Việt Nam trở nên một “cường quốc của dân oan.” Giới người này vật vạ, la lết, lang thang, vất vưởng trên khắp mọi nẻo đường đất nước hoặc “co dúm thút thít” trong mảnh đất (còn lại) mà diện tích chỉ đủ dựng một túp lều, kỳ dư đã bị thu hồi với giá đền bù “mỗi m2 bằng giá một… cốc bia” – theo như ghi nhận của blogger Đào Tuấn.
Sẽ có bao nhiêu người dân ở Lộc Hưng, Văn Giang, Dương Nội, Long An, Cần Thơ, Đồng Nai, Dak Nong … sẵn sàng “hy sinh” mạng sống khi “sơn hà nguy biến” hay “biên thùy rung chuyển”?
Lòng dân đã vậy. Thế nước thì sao ?
G.S Tương Lai buông thõng, vỏn vẹn, chỉ có hai từ ngắn gọn nhưng hoàn toàn chính xác:
– Chông chênh!
Chủ trương, đường lối, chính sách nhất quán và xuyên suốt là “đi dây” mà không “chông chênh” thì mới là chuyện lạ. Thế nước thì chông chênh, quốc khố thì trống rỗng, dù “mỗi quả trứng gà phải cõng đến 14 loại thuế phí.” Giới lãnh đạo bất tài, phân hoá, ngu dốt và tham lam vô độ … nên phải quỳ xuống cắt biển và dâng đất để giữ lấy thân (cùng của cải) là hệ quả tất yếu. Dân Việt làm sao thoát Trung, nếu không tiên quyết (và cương quyết) thoát khỏi cái đám Cộng Sản gian tà này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét