Sở Thông tin và truyền thông (TT&TT) TP.HCM vừa trình đề án “Xây dựng hệ thống camera giám sát hình ảnh tập trung”. Theo đó, từ nay đến năm 2025 sẽ lắp đặt khoảng 10.000 camera giám sát trên toàn thành phố với kinh phí thực hiện khoảng hơn 1.600 tỉ đồng lấy từ ngân sách thành phố.
Theo Sở TT&TT, mạng lưới camera có mục đích giám sát, nhận diện biển số phương tiện giao thông, nhận diện khuôn mặt, theo dõi triều cường, tình trạng ngập úng…
Bên cạnh đó, hệ thống camera này còn có khả năng phân tích hình ảnh, nhận diện và tìm kiếm đối tượng theo yêu cầu. Vì vậy, nó sẽ hỗ trợ tốt cho việc chỉ đạo, điều hành và xử lí các tình huống như chống bạo động và các hành vi gây rối trật tự công cộng.
Một dự án tuỳ tiện
Bình luận về dự án này, Đinh Thuỵ An là một thạc sỹ chuyên ngành Khoa học máy tính tại Hàn Quốc, cho rằng:“Tôi nghĩ với số lượng 10.000 camera được lắp đặt trên toàn thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa đủ để đọc được hình ảnh của người dân. Bởi vì theo kết quả thực tiễn, các hình ảnh lấy ra từ camera có chất lượng rất thấp. Nếu muốn nhận diện được thì camera đó phải cực kỳ tốt, đồng nghĩa với việc chi phí sẽ rất cao.
Nhưng nếu như phải đầu tư với một số tiền rất lớn cho cho hệ thống camera đó thì cũng phải nên coi lại kỹ hơn bởi vì số tiền đó chắc chắn sẽ từ tiền thuế của người dân mà ra.”
Ngoài ra, theo quan điểm của Thạc sỹ Thuỵ An thì việc lắp đặt hệ thống camera trên toàn thành phố như vậy tốt hay xấu còn phụ thuộc vào mục đích của việc lắp đặt:
“Mặt tốt của nó là có thể chống trộm, móc túi, tệ nạn xã hội hoặc các vụ hiếp dâm…
Nhưng nếu mục đích là chống gây rối trật tự công cộng, hay nhìn ở góc độc chính trị thì người ta đang không muốn cho người dân thể hiện quyền cá nhân, không muốn người dân ra đường nói lên tiếng nói của mình”
Luật gia, nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các lại khẳng định đây là một dự án mà chính quyền TP.HCM thực hiện một cách tuỳ tiện:
“Sở TT&TT đề xuất một dự án rồi trình lên cho chủ tịch thành phố. Chủ tịch thành phố chỉ việc ký vào đề án đó và người ta sẽ tiến hành làm mà không thông qua bất kỳ một cơ quan tư pháp nào để xem xét về tính hợp hiến.
Theo như tôi biết thì ở một số quốc gia, chẳng hạn như Hàn Quốc, người ta cấm các cơ quan hành pháp theo dõi công dân. Nếu muốn theo dõi một công dân thì cần phải có các thủ tục tư pháp.
Còn việc lắp đặt theo dõi hệ thống camera ở TP.HCM thì chính quyền tùy tiện tiến hành làm mà không thông qua bất kỳ một cơ quan tư pháp nào.”
Ông Các cũng không cho rằng dự án lắp đặt hệ thống camera này có thể có tác động tích cực như chống trộm cướp hay giảm tệ nạn xã hội:
“Chính quyền thường hay viện dẫn lý do là quản lý xã hội nhằm phòng chống tội phạm để phía hành pháp tự tiến hành lắp đặt hệ thống camera này.
Hiện nay tôi chưa thấy một báo cáo hoặc một thống kê nào nêu lên tính hiệu quả của việc lắp đặt camera. Thực tế, việc lắp đặt camera tại TP.HCM thời gian qua cũng có ở nhiều nơi nhưng tỷ lệ tội phạm trộm cướp vẫn không có dấu hiệu cải thiện.
Chính vì vậy tôi hoài nghi về tính hiệu quả trong chức năng phòng chống tội phạm của các thiết bị camera ở nơi công cộng.”
Học theo mô hình giám sát công dân của Trung Quốc?
Cũng theo luật gia Phạm Lê Vương Các, dự án lắp đặt hệ thống camera có thể nhận diện khuôn mặt được chính quyền TP.HCM thực hiện theo mô hình giám sát công dân của Trung Quốc:“Việc quản lý xã hội bằng cách lắp đặt hệ thống camera thì trước đây Trung Quốc đã áp dụng rồi. Bây giờ Việt Nam cũng chỉ là bắt chước theo cách thức quản lý xã hội của Trung Quốc và TP.HCM là nơi có điều kiện kinh tế để thí điểm mô hình này.
Việc giám sát này chỉ thấy ở những quốc gia độc tài chẳng hạn như Trung Quốc. Từ việc muốn nhận diện khuôn mặt mỗi khi ra đường thì chính quyền đang gia tăng quản lý chặt chẽ người dân từ trong nhà ra tới ngoài đường. Ở trong nhà thì có những chính sách như hộ khẩu, phải đăng ký lưu trú cho tới khi ra đường thì sẽ bị nhận diện qua hệ thống camera nhận diện gương mặt.”
Cùng quan điểm, Ông Nguyễn Trường Sơn, người phụ trách vận động khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của tổ chức Ân xá Quốc tế cũng cho rằng chính quyền đang muốn kiểm soát người dân theo cách mà Trung Quốc đang làm:
“Có một quốc gia đi đầu trên thế giới về việc lắp đặt camera nhận diện khuôn mặt người dân đó là Trung Quốc. Và chúng ta thấy rằng các hệ lụy của việc này đối với các quyền tự do riêng tư là rất lớn.
Người dân Trung Quốc hiện nay theo như các phương tiện truyền thông đại chúng thì hầu như không có bất cứ một quyền riêng tư nào cả.
Trên thực tế đã có rất nhiều quốc gia cấm chính quyền lắp đặt camera nhận diện khuôn mặt một cách tự động ở những nơi công cộng bởi vì nó xâm phạm trực tiếp đến quyền riêng tư của người dân. Thay vào đó, họ chỉ được phép lắp đặt các hệ thống camera bình thường mà thôi.”
Theo South China Morning Post, Trung Quốc đang là nước có số lượng camera có khả năng nhận diện khuôn mặt cũng như hành vi người dân được lắp đặt ở nơi công cộng nhiều nhất trên thế giới với gần 200 triệu camera giám sát. Đặc biệt nhiều tại các thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải. Mỗi người dân Trung Quốc khi ra đường sẽ bị giám sát bởi 2 camera an ninh.
Hậu quả việc công dân bị nhận diện, giám sát
Từ mối lo ngại về việc chính quyền Việt Nam nói chung hay là chính quyền TP.HCM nói riêng hiện nay đang lợi dụng dự án “Xây dựng hệ thống camera giám sát hình ảnh tập trung” để tăng cường theo dõi, giám sát mọi hành vi của công dân, ông Trường Sơn và luật gia Phạm Lê Vương Các đã chỉ ra các hệ luỵ mà người dân có thể phải gánh chịu nếu tiếp tục việc lắp đặt hàng loạt camera có chức năng tự động nhận diện khuôn mặt và hành vi:Thứ nhất, người dân dễ dàng bị giải tán, đàn áp khi tham gia các hoạt động biểu tình hay thực hành quyền tự do hội họp của công dân. Ông Trường Sơn nói tiếp:
“Rõ ràng đây là một nguy cơ hiện hữu. Thông qua những bài báo trong nước thì chính quyền TP.HCM đang thể hiện rất rõ mục đích của họ khi mà lắp đặt hệ thống camera nhận diện khuôn mặt đó là phát hiện những công dân tham gia các hoạt động tụ tập đông người, mà có thể hiểu là người ta đang thực hành quyền biểu đạt cũng như tự do hội họp của họ.
Chính quyền muốn phát hiện những người tham gia các hoạt động đó và trừng phạt họ thì rõ ràng, đối với Ân xá Quốc tế đây là công cụ để giúp chính quyền thực hiện đàn áp quyền tự do biểu đạt của người dân, và nó rất là đáng lo ngại.”
Thứ hai, khi người dân bị theo dõi, giám sát quá mức sẽ xâm phạm nghiêm trọng đến quyền riêng tư cá nhân. Luật gia Phạm Lê Vương Các nhận định:
“Việc lắp đặt camera này với các chức năng phòng chống tội phạm chưa thật sự rõ ràng. Tuy nhiên, chúng ta nhìn thấy rõ một điều rằng có dấu hiệu mang tính chất không đảm bảo được quyền riêng tư của công dân trong xã hội.
Chính sách quản lý người dân sẽ làm cho xã hội thiếu đi sự tự do, thiếu đi sự hồn nhiên của người dân khi ra đường, làm mất bớt đi sự tự do quyền riêng tư vốn có.”
Thứ ba, chính phủ sẽ nhận diện, thu thập các hành vi cá nhân của người dân rồi thực hiện việc “xếp hạng công dân” hệt như những gì Trung Quốc đang thực hiện với người dân của mình, theo ông Trường Sơn:
“Chính quyền Trung Quốc đã triển khai hệ thống tính điểm cho công dân của mình. Tức là bất cứ việc làm nào của công dân ở nơi công cộng đều bị hệ thống camera phát hiện và danh tính của họ cũng bị lộ diện.
Chính quyền sẽ chấm điểm công dân đó và từ đó, công dân sẽ bị giới hạn một số lợi ích dựa theo các hành vi của họ. Nó khiến xã hội Trung Quốc trở thành nơi không còn bất cứ một tính riêng tư nào cả.”
Hiện nay, Trung Quốc đang thử nghiệm việc sử dụng hệ thống carame giám sát dày đặc này để tính điểm, phân loại công dân với thang điểm từ 1 là yếu kém đến 5 là ưu tú.
Hệ thống này đánh giá này dựa trên mọi hành vi của công dân nơi công cộng như vượt đèn đỏ, sang đường sai luật, hút thuốc…
Những công dân bị đánh giá, xếp loại yếu kém sẽ mất một số quyền lợi như không được phép sử dụng "các dịch vụ chất lượng” hay bị nêu tên và gương mặt trên các màn hình lớn nơi công cộng.
Hệ thống đánh giá công dân của Trung Quốc sẽ chính thức đi vào hoạt động năm 2020.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét