khktmd 2015
Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2019
Tiếng Đàn Tôi- Một Con Người
Tôi xin tự giới thiệu, tôi là một tiếng đàn guitar.
Có nhiều người sẽ hỏi rằng: “tiếng đàn guitar thì phải là của một ai đó. Không thể có tiếng đàn nếu không có người chơi đàn. Vậy thì phải giới thiệu người chơi đàn mới đúng!”.
Ý kiến này không sai. Tôi là “tiếng đàn của anh H.”, bởi vì anh H. là người đã cho tôi sự hiện hữu.
Hay tôi là “Tiếng Đàn Tôi”, cụm từ mà anh H. dùng để nói về tôi.
Nhưng mà, sau gần 40 năm tôi hiện hữu trên cõi đời như là “tiếng đàn của anh H.”, chính anh H. cũng đã khám phá ra một điều lý thú: giữa tôi và anh, tuy hai mà một. Đã có những lúc, tôi chỉ là một âm thanh được tạo ra bởi anh H. và cây đàn guitar của anh. Nhưng có đôi khi, tôi lại hiện hữu như một thực thể bên ngoài. Chúng tôi giống như hai con người, có thể chia sẻ, cảm nhận lẫn nhau.
Nghĩ cũng lạ, khi tôi- một tiếng đàn- lại tự sự như một con người…
Tôi ra đời vào khoảng năm 1977. Anh H. lúc đó là một học sinh trung học ở Sài Gòn. Những năm đầu tiên “bị giải phóng”, cả Miền Nam không còn lo gì khác hơn chuyện cơm áo, gạo tiền, chuyện làm sao để tồn tại. Nhưng đó cũng là lúc mọi người có thì giờ rảnh rỗi thật nhiều, vì hầu như những thứ giải trí, tiêu khiển theo kiểu “văn hóa Sài Gòn” đều bị cấm. Một số người đã quyết định dành thời giờ này để bù đắp cho những khoảng trống về nhu cầu tinh thần, bất chấp vật chất bị thiếu thốn triền miên trong xã hội. Anh H. là một trong số người đó. Ở nhà còn một cây guitar cũ kiểu “modern”, dây sắt. Anh H. đã loay hoay tự học guitar classic, theo sự chỉ dẫn của một người bạn học guitar trước. Thời đó làm gì có tiền để đi học nhạc. Phải tự học lấy thôi! Và như thế, tôi bắt đầu cất tiếng, với những bài học guitar classic đầu tiên của anh H.
Phải nói là trong giai đoạn này, tôi hoàn toàn là “tiếng đàn của anh H.”. Tôi lớn lên như một đứa bé bắt đầu biết bò, rồi chập chững bước đi. “tiếng đàn của anh H.” loạng choạng lúc đầu, cố đánh đúng từng nốt Do, Re, Mi… trên phím đàn. Rồi bắt đầu tiếng đàn biết giữ theo nhịp điệu, giai điệu. Khi anh H. đánh thành thạo Bài Tập Số 1, cung Đô Trưởng, tiết điệu Valse trên cuốn sách Carulli Guitar Method, có thể xem như lúc đó tôi bắt đầu “hát được một bản nhạc”, chứ không còn là “phát ra âm thanh” nữa.
Tôi trưởng thành mau chóng, khi anh H. bắt đầu chăm chút đến tiếng đàn của mình hơn. Anh đã có tiền để mua được cây đàn classic dây nylon đầu tiên của mình. Tôi lúc đó là những nhạc khúc cổ điển tây ban cầm, ngày một khó hơn về kỹ thuật. Do kỹ thuật chơi guitar của anh H. có tiến bộ, cho nên tôi- “tiếng đàn của anh H.”- đã êm tai, thu hút được người nghe hơn trước. Vào khoảng cuối thập niên 70 ở Sài Gòn, phong trào chơi và nghe guitar cổ điển khá thịnh hành. Tôi còn nhớ những đêm anh H. và bạn học cùng lớp đi canh gác trường ban đêm, anh luôn đem theo cây guitar. Anh chơi nhạc classic cho bạn nghe cả đêm, có khi đến hai, ba giờ sáng. Cả hai mươi năm sau, một số bạn bè cũ gặp lại anh H. vẫn còn nhắc: “… Hồi đó đi trực đêm, nghe H. đánh đàn classic đã lắm…”.
Có một sự kiện khác, cũng có liên quan đến tiếng đàn classic của anh H.. Anh có một ông bố là một nhà văn chống cộng nổi tiếng trước 1975. Một đêm nọ, hàng chục công an kéo đến nhà anh H. vào nửa đêm, lục soát nhà để tìm “tài liệu phản động” cho đến rạng sáng, rồi mới bắt ông bố của anh đi. Trong suốt đêm đó, cả nhà anh H. bị giam lỏng ở phòng khách. Một người bạn học đi vượt biên từ năm 1980, ở Mỹ về Việt Nam chơi vào khoảng đầu thập niên 1990s, đã kể cho anh H. nghe: “Hồi đó ở Mỹ, mọi người lo lắng theo dõi dụ bắt bồ của mày. Tao nghe một nguồn tin, kể lại từ một trong những tay công an có mặt trong đêm đó kể lại. Tay công an này nói rằng, ở nhà ông nhà văn cũng lạ. Trong cả đêm nhà bị lục soát rối tung, có một thằng con trai của ổng lại chơi đàn guitar suốt đêm, giống như không có chuyện gì! Tao nghe biết ngay đó là sự thực, và thằng đó chính là mày. Giống như hồi đó mày đàn suốt đêm cho tụi tao nghe lúc trực đêm trong trường vậy!...”.
Cũng chính vì thói quen “đánh đàn ban đêm” này, đã có lúc, cái cảm giác tôi và anh H. không còn là một bắt đầu xuất hiện. Những khi thất tình, anh H. ngồi đàn một mình vào ban đêm. Lúc đó, tôi thấy hình như tôi là một người bạn đồng cảm, vỗ về anh H.. Hình như khi trút được tâm sự qua tôi, nỗi buồn của anh được nguôi ngoai phần nào. Và cũng qua những nỗi buồn đó, hình như tôi- một tiếng đàn- đã bắt đầu dần dần hình thành một chút tình cảm, một chút “cá tính”.
Nhưng mà, tôi sẽ vẫn cứ là “tiếng đàn của anh H.”, nếu anh H. chỉ chơi nhạc độc tấu cổ điển như vậy.
Mọi chuyện bắt đầu thay đổi, khi anh H. đệm đàn cho người khác hát.
Một trong những người đầu tiên anh H. đệm đàn cho hát là người bạn gái đầu đời của anh. Anh đã dành tiếng đàn cho tiếng hát của người tình với cả niềm đam mê trong tâm hồn. Và anh mong muốn tiếng hát của nàng phải đáp lại tương xứng. Ở tuổi mới lớn, tiếng đàn là một thứ tạo nên bản ngã. Anh đặt kỳ vọng thật nhiều vào sự “tri âm- tri kỷ” giữa tiếng đàn của mình và tiếng hát của người tình. Tiếng đàn và tiếng hát phải đại điện cho hai tâm hồn hòa hợp lẫn nhau. Một thứ tình yêu được thi vị hóa, thần thánh hóa, thường thấy ở những mối tình đầu.
Mối tình đầu không thành. Anh H. vẫn tiếp tục đi tìm mối tình mới, mong tìm được người “tri âm-tri kỉ”. Anh H. bắt đầu ít chơi nhạc cổ điển, mà say mê đệm đàn cho người hát hơn.
Hình như là thế giới của ca khúc hợp với tâm hồn của anh hơn. Kho tàng ca khúc của Việt Nam từ thời tiến chiến, tiếp nối đến nền văn nghệ của Miền Nam trước 1975, sao mà phong phú quá! Anh H. tìm thấy những nét đẹp tuyệt vời trong tâm hồn những nhạc sĩ Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Văn Cao, Đoàn Chuẩn Từ Linh, Lê Uyên Phương, Trịnh Công Sơn… ghi dấu lại trong ca khúc của họ. Anh cũng cảm nhận được sự đam mê của những ca sĩ Thái Thanh, Khánh Ly, Duy Trác, Thái Hiền, Tuấn Ngọc… khi thả hồn theo những ca khúc này. Trong thế giới của ca khúc, vai trò của cây đàn guitar có khác so với khi chơi nhạc guitar cổ điển. Người đệm đàn không còn độc tấu, trình diễn tiếng đàn. Người đệm đàn phải dùng tiếng đàn của mình làm cầu nối giữa người hát và người nhạc sĩ sáng tác ca khúc. Quan hệ này hình thành một “mối tình” tay ba người sáng tác-người đàn- người hát thật đặc biệt. Nó phức tạp, trừu tượng, tinh tế. Nhưng cũng vì vậy, khi đã tìm được sự đồng cảm, thì những cảm xúc mà nó đem lại kỳ diệu thật khó tả. Những người yêu thích đệm đàn cho người khác hát sẽ cảm nhận được sự kỳ diệu này.
Hãy tưởng tượng, một buổi trưa hè, đi ngang qua những cánh đồng lúa cằn cỗi của miền quê Quảng Trị. Nhìn sự khô héo của thiên nhiên, nhìn những nếp nhăn khắc khổ trên nét mặt của người nông dân Miền Trung, tự nhiên tiếng hát Thái Thanh réo rắt ca khúc Quê Nghèo của Phạm Duy bật lên trong đầu:
Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói
Có những cánh đồng cát dài
Có lũy tre già tả tơi
Ruộng khô có những ông già rách vai
Cuốc đất bên đàn trẻ gầy
Có người bừa thay trâu cầy
Bình minh khi sương rơi mờ trên rẫy
Thấp thoáng bóng người bên ngòi
Tát nước với giọt mồ hôi
Chiều rơi thoi thóp trên vài luống khoai
Hiu hắt tiếng bà mẹ cười
Vui vì nồi cơm ngô đầy…
Lúc đó, người nghe mới cảm nhận hết được cái hay của nhạc Phạm Duy. Đã có biết bao người đã đi qua những vùng đất quê hương như vậy. Nhưng có mấy ai để lại một tác phẩm để đời như Phạm Duy?
Hay là một chàng trai mới lớn, biết yêu lần đầu, không biết làm sao để ngỏ lời cùng người yêu. Chợt nghe qua chiếc máy hát cũ, giọng Sĩ Phú trầm trầm, chầm chậm như tâm tình qua ca khúc Nỗi Lòng, thấy như nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh đã giải bày tâm sự thay cho mình:
Yêu ai, yêu cả một đời
Tình những quá khắt khe khiến cho đời ta
Đau tủi cả lòng vì yêu ai mà lòng hằng nhớ
Năm tháng trôi lạnh lùng hoài
Tình đó nhắc nhở luôn đến ta tình ai
Nhớ cả một trời
Tình yêu kia mà lòng nào quên…
Hay là một thanh niên yêu nước, đang trằn trọc với nỗi đau của dân tộc. Còn gì hơn khi cùng những bạn bè cùng tâm huyết hát vang giai điệu hào hùng Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ của Nguyễn Đức Quang:
Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Lê sau bàn chân gông xiềng một thời xa xăm
Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loàng xoàng
Ta khua xích kêu vang dậy trước mặt mọi người
Nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi
Nụ cười xa vời nụ cười của lòng hờn sôi
Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian…
Những đồng cảm giữa người nghe và nhạc sĩ như vậy thật là bay bổng. Nó có phần đặc biệt hơn đối với những người chơi đàn. Khi đàn cho người khác hát lại những ca khúc này, sự đồng cảm này sẽ giúp họ truyền được cảm hứng vào tiếng đàn, và từ đó cũng truyền cảm hứng cho người hát. Người đàn, người hát mà cùng rung động với người nhạc sĩ sáng tác, thì nghệ thuật chắc hẳn sẽ được thăng hoa.
Anh H. là một trong những người đàn tìm được sự đồng cảm này. Và đó có lẽ chính là yếu tố quan trọng nhất, để tách tôi ra thành một “con người” riêng.
Nói tôi là một “con người”, bởi vì tôi có “cá tính” hẳn hòi. Khi người đàn ít để ý chăm chút tiếng đàn của mình, mà để ý đến ca khúc và người hát, chính là lúc tiếng đàn tách ra khỏi “cái tôi” của người đàn. Hiện tượng tách rời này cũng có thể thấy tương tự ở nhạc sĩ và ca khúc do họ sáng tác, hay giữa ca sĩ và tiếng hát của họ. Đã có không ít trường hợp khán giả nhận xét: “Tại sao nhạc sĩ A. tính tình keo kiệt, mà lại sáng tác được những bài hát nhân bản đến thế?”. Hay là: “Cái cô ca sĩ B. rất khó chịu, nhưng không hiểu tại sao tiếng hát đẹp như vậy?...”. Có thể lúc sáng tác, lúc hát, thì người nghệ sĩ, ca sĩ không còn là con người trong cuộc sống thường nhật. Có thể lúc đó, người nghệ sĩ sống trong thế giới nghệ thuật của riêng họ. Người đàn và tiếng đàn cũng thế. Người đàn tạo ra âm thanh. Nhưng “cá tính” của tiếng đàn và của người chơi đàn không phải lúc nào cũng là một. Khi người đàn bớt yêu cái bản ngã, tiếng đàn sẽ có cơ hội hòa mình vào bản nhạc, vào người hát.
Khi tôi bắt đầu là một thực thể riêng biệt, tôi cũng có cảm nhận riêng đối với những người hát. Tôi cũng say mê những “tiếng hát tri kỷ”, không kém gì những chàng trai yêu các cô gái. Những “tiếng hát tri kỷ” đó không nhất thiết phải là những ca sĩ chuyên nghiệp, những giọng hát điêu luyện. Tiếng đàn đi tìm những giọng hát có cùng rung động trong ca khúc. Sự hòa điệu này không đến từ kỹ thuật hát, mà xuất phát từ bên trong tâm hồn.
Tôi nhớ có lần đã được cùng hòa điệu theo tiếng hát của ca sĩ nổi tiếng D.T. trong ca khúc Tiếng Chuông Chiều Thu. Ai đã từng nghe D.T. hát ca khúc bất hủ của Tô Vũ này với dàn nhạc thính phòng, thì sẽ nhận ra ông ta có giọng hát nhạc tiền chiến hay tuyệt diệu! Quí phái, lãng mạn, sang trọng. Vậy mà hôm đó, ca sĩ D.T. hát chỉ với một “Tiếng Đàn Tôi”, ông ta cũng rung cảm, diễn tả đầy cảm xúc, như giọng ngân nga của tiếng chuông chiều trong bài hát.
Hay là nữ ca sĩ Q.G., một người yêu mến và am hiểu nhạc Phạm Duy. Có một lần ở nhà chị, trước khi hát Chiều Về Trên Sông, chị kể lại Phạm Duy sáng tác ca khúc này lúc nào, và chỉ ra “câu vọng cổ” mà Phạm Duy đưa vào ca khúc. Lần đó, chị Q.G. hát Chiều Về Trên Sông với “Tiếng Đàn Tôi”. Cả tôi và chị đều thú vị, khi diễn tả được nỗi buồn man mác của buổi hoàng hôn trên giòng sông Cửu Long. Cũng từ đó, đôi khi chị yêu cầu được hát chỉ với “Tiếng Đàn Tôi”, trong những ca khúc thường đệm bằng cả dàn nhạc. “Tri âm tri kỉ” là vậy…
Tôi đã say mê với những giọng hát của những người dù còn trẻ, nhưng cảm nhận sâu sắc được vui buồn của một kiếp người. Cho nên tiếng hát của họ có chiều sâu thẳm, đầy cảm xúc, mà không phải ca sĩ chuyên nghiệp nào cũng có được. Tôi nhớ chị T.M., dù không phải là một ca sĩ chuyên nghiệp, nhưng đã từng đi hát ở phòng trà, có một giọng hát khá điêu luyện. Nhưng chị chỉ thực sự hát “xuất thần” sau khi chị mắc phải căn bệnh ung thư, được điều trị trong nhiều năm, nên trải qua được cảm xúc của những người sống trọn vẹn hôm nay như là ngày mai sẽ chết. Có một lần, chị bỏ hết công việc ở Mỹ, về Việt Nam, để ngồi hát với một vài người bạn thân trong một căn nhà bếp ở Sài Gòn. Chị hát Tạ Ơn Đời, Tôi Đang Mơ Giấc Mộng Dài, Dạ Lai Hương… với “Tiếng Đàn Tôi”. Những bài hát chị hát đã nhiều lần trước đó với ban nhạc chuyên nghiệp. Bạn bè cũng đã từng nghe, nhưng nhận xét rằng đó là lần mà chị T.M. hát hay nhất, giàu cảm xúc nhất từ trước đến giờ!
Hay là giọng hát của những người yêu nhạc thực sự, nhưng ít có dịp hát, vì thường bận chuyện công việc, gia đình. A. là một nữ nhân viên Sở An Sinh Xã Hội ở Mỹ. Có một lần, trong một kỳ trại hướng đạo trên núi, A. có dịp bỏ hết nỗi lo thường nhật, để hát trong đêm lửa trại. Lần đó, tôi dìu giọng hát của A. trong những bài Không Tên của Vũ Thành An mà cô rất thích, nhưng trước giờ chỉ hát cùng dàn Karaoke. Bạn bè thú vị khi nhận ra giọng hát rất “có tình cảm” của A., một người mà trước đây tưởng rằng chỉ biết lo chuyện chồng con, bếp núc, chứ không hề có “máu văn nghệ”...
Khi tôi không còn là “cái tôi” của anh H., tôi có thể hòa điệu cùng đủ thứ âm nhạc, của nhiều loại người hát khác nhau. Tôi thấy mình lớn lên cùng sự sâu sắc, từng trải của nhạc Phạm Duy. Tôi thấy mình thăng hoa cùng sự quí phái của nhạc Cung Tiến. Tôi thấy trí tưởng tượng của mình bay bổng cùng lời ca của Trịnh Công Sơn. Tôi thấy mình chân tình cùng dòng nhạc Bolero ủy mị. Tôi thấy mình đầy hào khí cùng dòng nhạc Du Ca, dòng nhạc tranh đấu cho quê hương Việt Nam. Tôi thấy mình thánh thiện cùng dòng nhạc thiền ca, thánh ca. Rồi cứ thế, tôi trở thành bạn bè, và được tán thưởng bởi đủ loại những người hát, bắt đầu từ lúc nào mà chính tôi cũng không nhớ. Sau hơn 40 năm, anh H. và tôi mới chợt nhận ra rằng, người ta nhắc đến “Tiếng Đàn Tôi” còn nhiều hơn cả bản thân anh H. nữa! Thật là kỳ lạ và thú vị! Những lời tán thưởng mà chính tôi ít khi nghĩ tới, hoặc mong đợi có được.
Đ.K là một người bạn thân của anh H. trong nhóm bạn văn nghệ ở Sài Gòn. Chúng tôi vẫn ngồi đàn hát chung trong những buổi “văn nghệ bỏ túi”, nơi họp mặt của những người xem đàn hát là một nhu cầu không thua kém nhu cầu sinh kế. Đ.K. là một trong những người tạo cho tôi nguồn cảm hứng rất nhiều trong âm nhạc. Đ.K. hát không điêu luyện. Nhưng độ say mê thì khó có ai sánh kịp. Đ.K. hiểu nhạc sĩ, tìm hiểu hoàn cảnh mà nhạc sĩ sáng tác từng ca khúc mà mình hát, để được sống lại hoàn cảnh, tâm trạng đó qua bản nhạc. Khi Đ.K. hát Quê Nghèo, nghe như anh đang nức nở trước cái cảnh nghèo của dân Miền Trung hiện ra trước mắt. Đ.K. gọi thần tượng Thái Thanh là “Cô Thái”, và anh hát cũng bằng cả trái tim, bằng từng hơi thở như giọng hát khóc cười cùng nhân thế này. Khi tôi cùng anh H. đi sang Mỹ được vài năm, Đ.K. có viết một lá thư tâm sự rằng: “… thật là kỳ lạ. Từ hồi H. đi tới giờ, những buổi văn nghệ bỏ túi của tụi tui ở Việt Nam bỗng nhiên mất đi sinh khí…”.
Hoặc là những người bạn trong nhóm hướng đạo. Thỉnh thoảng có dịp, tôi lại cùng họ đàn hát trong những đêm lửa trại. Trong ánh lửa bập bùng, giữa rừng núi vang lên giọng hát, tiếng đàn, cùng những câu chuyện kỷ niệm vui buồn gắn liền với những ca khúc. Sau này, khi anh H. bận công việc phải ngừng tham dự những kỳ trại như vậy trong một vài năm, những người bạn đó đã nói rằng: thiếu “Tiếng Đàn Tôi”, những tiếng hát trong đêm lửa trại hình như cũng bớt đi nguồn cảm hứng…
Hay là chị K.L., người ca sĩ nổi tiếng với những ca khúc Trịnh Công Sơn. Sau một lần hát cùng “Tiếng Đàn Tôi”, chị đã nói rằng chị thích hát với một tiếng đàn như thế, cho dù chỉ là một tiếng đàn nghiệp dư. “Hát và đàn như vậy mới sướng!...”, chị đã nói như vậy…
Hay là một nhóm Phật Tử trẻ, chỉ gồm những giọng hát bình thường, muốn đem âm nhạc để truyền tải Phật Pháp đến với mọi người. Các bạn và “Tiếng Đàn Tôi” cùng tập hát cho đại chúng trong các khóa tu, biến các bản thiền ca thành một hình thức nhạc cộng đồng. Lúc chúng tôi đàn hát cùng đại chúng, không ai để ý đến tiếng hát, tiếng đàn của mình. Chúng tôi chỉ mong nghe được tiếng hát đầy hào hứng của mọi người. Món quà dành cho chúng tôi là những gương mặt rạng rỡ vì hiểu được chân lý hơn, qua những bài hát chung dễ hát, dễ thuộc, dễ hiểu. Các bạn Phật Tử trẻ này đã nói rằng, nếu không có “Tiếng Đàn Tôi”, các em đã không thực được việc làm rất có ý nghĩa này…
Còn nhiều lời bình luận chân tình như vậy lắm. Và tôi cũng không thể quên sự tán tưởng của những người nghe nữa. Từ đầu, tôi đã nhắc đến mối tình tay ba giữa người sáng tác- người đàn- người hát. Mối tình văn nghệ này có thể trở thành “mối tình tay tư”, nếu thêm sự đồng cảm của những người khán giả. Khi khán giả nghe một ca khúc qua tiếng đàn, tiếng hát cũng với một tâm hồn tri âm tri kỷ, thì tình yêu âm nhạc hình như không có biên giới giữa những cá nhân thuộc mọi tầng lớp trong xã hội. Tình yêu dành cho âm nhạc là một thứ tình yêu bình đẳng, không phụ thuộc vào giàu nghèo, giai cấp…
Thật là kỳ diệu! Từ một con người chơi đàn có “cái tôi”, đã có thêm một “Tiếng Đàn Tôi” với một “cá tính” tách biệt. Và rồi, bản ngã của cả người đàn và tiếng đàn lại như mất đi, để tìm được sự cộng hưởng tâm hồn chung với những người nhạc sĩ, những người hát, và những người nghe hát…
Đến đây, tôi chợt liên tưởng “Tiếng Đàn Tôi” với một công án thiền thời hiện đại. Ai đàn? Ai là tiếng đàn? Ai hát? Ai nghe ai đàn, ai nghe ai hát?...
Khi một cá nhân thấy được “cái tôi” trong “cái chung” với những người xung quanh, sự đồng cảm sẽ phát sinh và nhân rộng. Và hạnh phúc đến từ sự đồng cảm trong một “tình thương nhân thế bao la” (Xuân Thì- Phạm Duy) như vậy, quả là một niềm hạnh phúc không bến bờ...
Tôi bắt đầu bằng lời tự giới thiệu là “Tiếng Đàn Tôi”. Tôi kết thúc câu chuyện bằng cách bỏ chữ “Tôi” trong cụm từ ấy…
Tôi… Một Tiếng Đàn…
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét